Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số của Ấn Độ vươn ra toàn cầu
Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI) của Ấn Độ (trước đây được gọi là India Stack) đã vươn ra toàn cầu.
Trong thời gian đảm nhận chức Chủ tịch G20, Ấn Độ đã triển khai thành công DPI của đất nước. Cơ sở hạ tầng này hiện đang được coi là khung chuẩn để các quốc gia khác học hỏi theo.
Tại phiên họp G20 hồi tháng 3, kiến trúc dịch vụ kỹ thuật số của Ấn Độ đã nhận được sự đánh giá cao từ Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft. Ông cho biết: “Chưa có quốc gia nào xây dựng được DPI toàn diện hơn Ấn Độ”.
Chỉ vài tháng sau, vào cuối nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm 2023 của Ấn Độ, quan điểm của Bill Gates đã nhận được sự đồng tình sâu sắc của hầu hết các quan chức đã đến thăm đất nước này để tham gia Hội nghị thượng đỉnh. Ngoài ra, vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng này cũng được đánh giá rất cao.
Với hệ thống nhận dạng số Aadhaar của Ấn Độ ra đời năm 2009, tiếp đó là các dịch vụ như Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI), chương trình JAM (gồm Jan Dhan (Quy hoạch tài chính toàn diện), Aadhaar, Mobile (di động)) và Co-WIN (để quản lý việc tiêm chủng COVID-19) đã giúp Ấn Độ đạt được 80% khả năng tiếp cận tài chính chỉ trong sáu năm. Ngoài ra, những dịch vụ này còn hỗ trợ trong cả lĩnh vực y tế và giáo dục.
DPI của Ấn Độ được công nhận là một sự thành công tại G20 và một số quốc gia đang phát triển đã bày tỏ mong muốn áp dụng DPI này. Keyzom Ngodup Massally, người đứng đầu chương trình số tại chương trình phát triển Liên Hợp Quốc cho biết, IDP đang hấp dẫn mọi quốc gia.
“Đặc biệt, với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC), những quốc gia không có chuyên môn kỹ thuật và nguồn lực thì việc áp dụng phương pháp tiếp cận DPI có thể giảm chi phí và rút ngắn thời gian nghiên cứu, từ đó làm tăng sức ảnh hưởng của số hóa trên toàn xã hội".
Ấn Độ đang chứng tỏ rằng họ thực sự có thể trở thành quốc gia đứng đầu của Nam bán cầu. Bằng chứng là 8 quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) với Ấn Độ về lĩnh vực năng lượng và một số quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia châu Phi đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc áp dụng các hệ thống thanh toán và chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, không chỉ các nước đang phát triển mới đánh giá cao IDP của Ấn Độ mà ngay cả Pháp và Đức cũng đánh giá rất cao UPI của đất nước này tại các cuộc thảo luận G20 gần đây.
Giải pháp toàn cầu
DPI được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản như nguồn mở, các API mở, khả năng tương tác, quyền riêng tư theo thiết kế, thiết kế toàn diện và quyền truy cập phổ biến. Hầu hết các nước phát triển đều có các DPI riêng. Ví dụ, Estonia, quốc gia tiên phong về công nghệ, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số X-Road cho phép chính phủ cung cấp 99% dịch vụ công trực tuyến. Pháp có FranceConnect…
Tuy nhiên, “bước ngoặt” của dịch vụ số lại đến cùng với sự bùng phát của COVID-19. Đầu tiên là hệ thống kiểm tra và theo dõi mà các quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ đã triển khai. Sau đó là chương trình tiêm chủng.
Kunal Walia, đối tác tại Dalberg Advisors cho biết: “Đại dịch đã tạo ra nhu cầu về DPI trong lĩnh vực sức khỏe”. Ấn Độ đã đi đầu trong việc mang đến lợi ích trực tiếp cho hơn 160 triệu người thụ hưởng trong vòng một tháng kể từ khi bùng phát COVID-19, “trong khi các quốc gia như Đức, nổi tiếng với những tiến bộ trong phát triển công nghệ lại không thể tiếp cận công dân của họ”.
DPI có thể giúp cung cấp các dịch vụ công dân trên quy mô lớn với chi phí thấp. Khả năng tương tác cho phép vô số giải pháp của bên thứ ba được xây dựng dựa trên kiến trúc hiện có. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, với các DPI có sẵn trên toàn cầu thì DPI của Ấn Độ vẫn thu hút nhiều quốc gia vì một số vấn đề mà họ đang giải quyết xung quanh danh tính, thanh toán, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cũng như ở quy mô lớn phổ biến tại các nước đang phát triển.
Devroop Dhar, đồng sáng lập công ty tư vấn Primus Partners cho biết: “Những giải pháp này đã được sử dụng ở Ấn Độ hơn 10 năm nay và đã đạt đến mức độ trưởng thành. Điều đó có nghĩa là các quốc gia áp dụng DPI của Ấn Độ không cần phải bắt đầu lại từ đầu và có thể sử dụng các giải pháp này để mở rộng quy mô nhanh chóng”.
Apeksha Kaushik, nhà phân tích chính tại Gartner cho biết: “Các quốc gia đăng ký với Ấn Độ hầu hết quan tâm đến UPI và DigiLocker (nền tảng dựa trên đám mây để lưu trữ, chia sẻ và xác minh tài liệu và chứng chỉ)”. Chính phủ Ấn Độ đang cung cấp nhiều nền tảng khác, bao gồm Nền tảng nhận dạng nguồn mở mô-đun (Modular Open Source Identity Platform - MOSIP), nền tảng tiêm chủng COVID-19 Co-WIN và National Health Stack. Một số quốc gia cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để chia sẻ kiến thức (DIKSHA) và kiến trúc giáo dục kỹ thuật số quốc gia (NDEAR).
Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ (MeitY) cho biết, DPI của Ấn Độ đã nhận được sự quan tâm rất sâu sắc, tới mức Ấn Độ có thể ký thỏa thuận với 30 quốc gia nữa.
Nhưng sự nổi tiếng của DPI Ấn Độ đã phải đối mặt với một thách thức khiến họ không thể ký thêm các MoU là đội ngũ nhân tài và hệ sinh thái nhà phát triển còn hạn chế để hỗ trợ việc mở rộng kiến trúc này mặc dù Ấn Độ đã có những chương trình đào tạo cho các nhà phát triển và nhà tích hợp hệ thống.
Với sự quan tâm to lớn đến DPI Ấn Độ, chính phủ nước này cũng có ý định xây dựng và duy trì kho lưu trữ Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số toàn cầu (GDPIR). Đây là một kho lưu trữ ảo của DPI để các thành viên G20 khác cũng như các quốc gia khác có thể sử dụng.
Con đường phía trước
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở New Delhi hồi tháng 9/2023 đã tuyên bố kêu gọi một DPI an toàn, tin cậy, có trách nhiệm và toàn diện. Tuyên bố đã đề xuất một khung phát triển, triển khai và quản trị DPI. Điều này cũng khẳng định rằng DPI an toàn, bảo mật, đáng tin cậy, có trách nhiệm, toàn diện, tôn trọng nhân quyền, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư và quyền sở hữu trí tuệ có thể thúc đẩy khả năng phục hồi và tạo điều kiện cho sự đổi mới.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Ấn Độ cũng đề xuất một liên minh tương lai (One Future Alliance - OFA) để xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cũng như hỗ trợ kinh phí để triển khai DPI tại các các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (LMIC).
Xét cho cùng, DPI không chỉ là một kho công nghệ. Hệ thống quản trị mạnh mẽ có thể giúp DPI mang lại lợi ích kinh tế và xã hội, mở rộng các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) khác nhau. DPI đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tài chính toàn diện thông qua Aadhaar, định danh khách hàng điện tử (e-KYC) và các giải pháp thanh toán như UPI.
Những thành phần này hợp lại cho phép tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức, tiết kiệm và tạo điều kiện tiếp cận tín dụng, góp phần thực hiện SDG 1 (xóa đói nghèo) và SDG 8 (đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện).
Những khả năng vô tận
Bộ trưởng Rajeev Chandrasekhar cho biết: “Mặc dù nhiều dịch vụ đã được tích hợp vào DPI Ấn Độ nhưng chính phủ vẫn đang có kế hoạch bổ sung thêm 20 - 30 dịch vụ mới. Tầm nhìn của Thủ tướng Narendra Modi là sẽ không có bộ phận nào trong chính phủ bị thiếu bất kỳ tài sản số nào. Vì vậy, bạn sẽ thấy DPI mở rộng tới toàn bộ các dịch vụ công hiện tại của chính phủ cũng như bất kỳ dịch vụ công nào mà chúng tôi đang lên kế hoạch trong tương lai”.
Ngoài ra, còn có tiềm năng khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI). Đó là một mô hình mới đang chuyển đổi các giải pháp trong thế giới số và có khả năng cũng đóng một vai trò biến đổi trong hệ sinh thái DPI. Hơn nữa những tiến bộ trong xác thực sinh trắc học như nhận dạng khuôn mặt, điện toán ranh giới (phương pháp tối ưu hoá hệ thống điện toán đám mây bằng cách xử lý tính toán dữ liệu tại vùng rìa (biên) của mạng, gần với nguồn dữ liệu nhất), giải pháp thanh toán xuyên biên giới và xử lý giọng nói và ngôn ngữ tự nhiên cũng có thể được tích hợp vào các DPI.
Các chuyên gia cho rằng điều đó nghe có vẻ thú vị, nhưng ngoài những thách thức liên quan đến việc thí điểm mở rộng quy mô thì thách thức lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt là thiếu năng lực.
Devroop Dhar giải thích: “DPI cần một cơ cấu quản trị, tiêu chuẩn và khung pháp lý toàn cầu để cho phép áp dụng liền mạch giữa các quốc gia”. Ngoài ra, mặc dù quyền riêng tư là một trong những nguyên tắc nền tảng nhưng cần có các quy định và cơ chế mạnh mẽ để đảm bảo bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư trên toàn cầu.
Bất chấp những thách thức này, các DPI vẫn có tiềm năng tạo ra những thay đổi sâu sắc cả ở Ấn Độ và các nước khác./.