Chuyển đổi số

Cơ sở quan trọng hình thành hệ thống giao thông thông minh ở Hà Nội

Ánh Dương 14:41 30/11/2023

Thách thức lớn nhất đối với giao thông đô thị hiện nay của Hà Nội là ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, theo đó, Đề án xây dựng hệ thống giao thông thông minh TP. Hà Nội đã được xây dựng.

Đây là khẳng định của ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội được chia sẻ tại phiên Hội thảo chuyên đề Hạ tầng, kết nối trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị Thành phố thông minh (TPTM) Việt Nam - châu Á 2023.

Hệ thống giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Trong thời gian qua, lãnh đạo TP. Hà Nội luôn chú trọng quan tâm đến việc phát triển hệ thống giao thông sao cho hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Phát triển hệ thống giao thông thông minh là xu hướng tất yếu của các đô thị trên thế giới và Hà Nội cũng không là ngoại lệ.

Phát triển hệ thống giao thông thông minh lấy người dân làm trung tâm

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, Hà Nội với diện tích gần 3,4 nghìn km2 nhưng lưu lượng, mật độ, số lượng các phương tiện giao thông trên địa bàn là rất lớn. Cụ thể, tính đến tháng 6/2023, tổng phương tiện cá nhân là 7,96 triệu, trong đó xe máy là 6,86 triệu xe; và ô tô là 1,1 triệu xe.

Trung bình hàng năm, xe máy tăng từ 4 - 5%; ô tô tăng từ 7 - 10%, trong khi quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông mới chỉ đạt 12 - 13% trên diện tích quỹ đất phát triển đô thị, mà theo quy định của Luật quy hoạch xây dựng cũng như quy chuẩn về phát triển đô thị, quỹ đất dành cho giao thông là khoảng từ 23 - 26%.

Hàng năm, ngân sách thành phố dành cho đầu tư công về phát triển giao thông là trên 40%, tuy nhiên, tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị trên địa bàn Hà Nội tăng vẫn còn khiêm tốn từ 0,5%/năm. Do đó tình trạng ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi.

hn1.jpg
Một trong những thách thức lớn nhất đối với giao thông đô thị hiện nay của Hà Nội là ùn tắc giao thông. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Theo ông Hải, thách thức lớn nhất đối với giao thông đô thị hiện nay của Hà Nội là ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, và ô nhiễm môi trường; di chuyển chưa thuận tiện, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp; các đơn vị quản lý điều hành giao thông còn độc lập; dữ liệu giao thông rời rạc, chưa mang tính kết nối đồng bộ. Từ thực tế đó, chúng ta cần phải có những giải pháp kịp thời, đảm bảo hài hòa, thiên về thông minh.

Để giải bài toán trên, cũng như hướng tới việc xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh (ĐTTM), mới đây, Sở GTVT đã hoàn thiện Đề án xây dựng hệ thống giao thông thông minh TP. Hà Nội. Đây được xem là cơ sở quan trọng nhằm hình thành hệ thống giao thông thông minh, quản lý hiệu quả hơn hoạt động giao thông của thành phố, cũng như tiết kiệm tối đa chi phí cho ngân sách phải chi cho lĩnh vực giao thông.

Từ những thách thức trên thực tế, Sở GTVT Hà Nội đã xác định 3 nội dung cần được giải quyết trong Đề án đó là tăng cường thông tin giao thông; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thông minh (ITS).

Phát triển cơ sở hạ tầng cho ITS sẽ giúp dữ liệu được dùng chung cũng như chia sẻ tới các chủ thể mong muốn tham gia khai thác dữ liệu. Qua đó sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc quản lý cũng như khai thác dữ liệu giao thông.

“Thực tế hiện nay, hệ thống hạ tầng của Hà Nội có rất nhiều hệ thống, đường dây dẫn thông tin, mỗi đơn vị có một đường dây dẫn thông tin khác nhau, nếu chúng ta có giải pháp chung để kết hợp cùng trong đường dây dẫn, cùng kênh thông tin để chia sẻ dữ liệu thì chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn”, ông Đỗ Việt Hải chia sẻ.

ong-hai.jpg
Ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ Đề án xây dựng hệ thống giao thông thông minh TP. Hà Nội tại phiên hội thảo chuyên đề Hạ tầng, kết nối.

Chia sẻ về Đề án xây dựng hệ thống giao thông thông minh TP. Hà Nội, ông Hải cho biết, khung kiến trúc ITS của Hà Nội sẽ gồm 4 phần chính: Người dùng ITS, phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố.

Trong đó, người dùng ITS chính là người dân tham gia giao thông và người quản lý, điều hành giao thông. Người dùng không những là đối tượng thụ hưởng dịch vụ ITS mà còn là chủ thể tham gia, đóng góp thông tin cho ITS. Giao thông thông minh TP. Hà Nội sẽ lấy người dân làm trung tâm.

Tầm nhìn của Đề án hệ thống giao thông minh TP. Hà Nội là có tính hiện đại, hướng tới con người, thân thiện với môi trường. Trong khi đó, sứ mệnh của Đề án là ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tăng cường thu thập thông tin, xử lý, chia sẻ dữ liệu lớn giao thông, đa nguồn, nhằm xây dựng hệ thống giao thông thành phố an toàn, kết nối và bền vững.

Trên cơ sở sứ mệnh, tầm nhìn đó, Đề án giao thông thông minh gồm 3 trụ cột chiến lược quan trọng bao gồm: Tăng cường thông tin; Nâng cao hiệu quả quản lý điều hành giao thông; Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thông minh.

Về chiến lược trụ cột, Đề án xác định tăng cường thông tin là ưu tiên hàng đầu với tiêu chí giàu thông tin, thông tin rõ, chính xác, theo thời gian thực và hiệu quả.

Đối với chiến lược nâng cao hiệu quả quản lý điều hành giao thông, mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành giao thông dựa trên cơ sở dữ liệu, sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), big data, đám mây, tự động hóa xử lý dữ liệu đa nguồn, kết nối…

Cuối cùng, là phát triển cơ sở hạ tầng ITS thông qua Trung tâm điều hành giao thông tích hợp, hệ thống bảng báo điện tử, đèn tín hiệu, Hệ thống camera, cảm biến…

Các chiến lược trụ cột này được hình thành dựa trên các nền tảng: Bản đồ số thành phố; xử lý dữ liệu lớn thông tin đa nguồn; và tiêu chuẩn giao thông thông minh.

hn2.jpg
(Ảnh minh họa: Internet)

Cân nhắc thu phí vào nội đô từ năm 2027

Chia sẻ về lộ trình phát triển ITS của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, Đề án đề xuất, lộ trình phát triển giao thông thông minh TP. Hà Nội chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 2024 – 2026 là giai đoạn kiện toàn: Xây dựng Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố; đầu tư lắp đặt các hệ thống thiết bị ngoại vi; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.

Giai đoạn 2027 - 2030, hình thành hệ thống ITS hoàn chỉnh: Xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp thành phố; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; đầu tư lắp đặt các thiết bị ngoại vi ITS; thu phí nội đô giai đoạn 1.

Giai đoạn 2030 - 2045, phát triển bền vững: Vận hành, khai thác hiệu quả ITS thành phố; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS; tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số; thu phí nội đô giai đoạn 2.

Đề án đưa ra khung kiến trúc hệ thống, chiến lược và các giải pháp về cơ chế chính sách, về công nghệ và đầu tư nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông Thủ đô an toàn, thông minh, hiện đại, và bền vững; là cơ sở để quản lý đầu tư các dự án ứng dụng giao thông thông minh trong tương lai.

“Đề án phát triển giao thông thông minh TP. Hà Nội là kế hoạch tổng thể, phát triển hệ thống giao thông thông minh trên toàn thành phố, giúp cho thành phố định hướng trong xem xét, phê duyệt các chương trình, kế hoạch, và các dự án liên quan”, ông Hải nhấn mạnh.

Hệ thống giao thông thông minh không phải là sản phẩm mà là phương thức quản lý điều hành mới, một quá trình phát triển liên tục qua các giai đoạn, thời kỳ.

Ông Hải cho rằng, để hoàn thiện việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh thành phố cần nhiều sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của cả thành phố và Trung ương. Bên cạnh việc cần có các tiêu chuẩn rõ ràng về việc kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu thì cơ chế khuyến khích hợp tác công – tư trong xây dựng, vận hành các cấu phần của hệ thống giao thông thông minh cũng rất cần thiết.

"Cơ chế này sẽ giúp giảm thiểu tối đa chi phí ngân sách cho việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh", ông Hải cho hay.

Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng nhấn mạnh, để phát triển hệ thống giao thông thông minh, bên cạnh việc cần phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, xanh, mặt khác cũng cần thay đổi tư duy, công tác quản lý, cách thức tổ chức hệ thống giao thông để đảm bảo rằng nó thực sự thông minh, thực sự đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả tối đa cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện Việt Nam đảm bảo không gián đoạn dịch vụ khi thay đổi địa giới hành chính
    Bưu điện Việt Nam đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ để đảm bảo dịch vụ không gián đoạn, người dân không bị ảnh hưởng và không phát sinh thêm chi phí trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính từ ngày 1/7/2025.
  • AI có thể giúp giảm thiểu khoảng 70 tỷ USD chi phí tổn thất thiên tai trực tiếp
    Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp giảm thiểu khoảng 70 tỷ USD chi phí tổn thất thiên tai trực tiếp hàng năm đến năm 2050. Điều này đã được Deloitte Toàn cầu đưa ra trong báo cáo mới đây.
  • AI lõi "Make in Viet Nam" được xếp hạng Top 12 thế giới
    Trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi AI tại Việt Nam đang diễn ra, công nghệ OCR (Nhận dạng ký tự quang học) ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc số hóa tài liệu, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị.
  • Làm sao để tăng hiệu quả bảo mật môi trường đa đám mây?
    Khi cuộc tranh luận về việc nên triển khai hệ thống máy chủ tại chỗ hay trên đám mây đã dần lắng xuống, doanh nghiệp (DN) giờ đây lại phải đối mặt với một bài toán khác khó khăn hơn: làm thế nào để bảo mật hiệu quả môi trường đa đám mây (multicloud)?
  • Cỗ máy gia tốc từ Nghị quyết 57: Một bài học sống động
    Sau nửa năm triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (2/1/2025 – 29/6/2025), CT Group đã tổ chức Lễ Sơ kết 6 tháng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW với hàng loạt sản phẩm hoàn thiện rất phong phú từ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số đến Đổi mới sáng tạo. Thành tựu đạt được chính là minh chứng sống động cho khát vọng làm chủ công nghệ lõi, tạo lực đẩy đột phá và nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng vị thế quốc gia trên tiến trình hội nhập, vì một Việt Nam hùng cường.
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở quan trọng hình thành hệ thống giao thông thông minh ở Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO