Internet sẽ phát triển đến mức khó tưởng tượng

Đỗ Minh| 08/12/2022 05:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Thuộc khuôn khổ chương trình kỷ niệm 25 năm ngày khai trương dịch vụ Internet Việt Nam (19/11/1997), một nội dung quan trọng đã được bàn thảo là giải pháp hướng đến tương lai bền vững cho hệ sinh thái Internet Việt Nam.

Chúng ta không thể thiếu Internet

Trước khi đề cập đến những vấn đề về tương lai, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) bồi hồi nhớ lại, trong chặng đường phát triển ban đầu của Internet, chúng tôi hiểu rằng khi Internet vào được với Việt Nam là niềm sung sướng, khát vọng rất lớn.

Có rất nhiều suy nghĩ liên quan đến Internet. Có thể nói đây là câu chuyện thần thoại. Internet không chỉ kết nối toàn cầu về thông tin, dữ liệu mà còn là khát vọng với mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Không cán bộ kỹ thuật nào của FPT, NetNam, VDC..., những đơn vị đóng góp để đưa Internet vào Việt Nam, lúc đó nghĩ đến cạnh tranh. Internet không chỉ kết nối mà là sự thân tình của những anh em làm kỹ thuật cùng vì sự phát triển Internet Việt Nam.

Đến nay, Chủ tịch VIA cho biết Internet chính là một xu hướng số, toàn cầu và ở lĩnh vực này, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu, trở thành công cụ, phương tiện hình thành, phát triển, thúc đẩy nên một nền kinh tế số Việt Nam trong hiện tại và tương lai bền vững.

Để tiếp tục đạt những thành tựu cũng như tạo ra nhiều giá trị tiềm năng khai thác từ Internet, ông Liên cho biết những nhà quản lý, cơ quan, doanh nghiệp (DN), cơ sở đào tạo cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ tốt cho đội ngũ những người làm CNTT.

"Đặc biệt, cần xây dựng và hình thành môi trường Internet lành mạnh, là nơi lan tỏa giá trị tin tưởng, tin cậy, có sức cuốn hút, thu hút sự sáng tạo, sự cống hiến trí tuệ, giúp các bạn trẻ công nghệ, lực lượng tri thức trẻ thỏa sức đam mê, cống hiến tài năng", ông Liên nhấn mạnh.

Hơn nữa theo ông Liên, các cơ quan chức năng và DN, nhà trường cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ nhau; Tăng chất lượng đầu vào và tạo động lực để nguồn tri thức công nghệ trẻ khi ra trường có môi trường làm việc được đảm bảo đầy đủ, tốt nhất, để họ phát huy hết các giá trị tri thức, sở trường.

Cũng mang tâm trạng vừa bồi hồi, nhưng đầy tự hào khi nói về sự phát triển cũng như những giá trị, lợi ích từ Internet tạo ra, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom cho biết, cách đây 25 năm, Internet vào Việt Nam chính là một thách thức lớn -thách thức vì là lĩnh vực mới, mở ra đến đâu, quản lý đến đó.

z39413651462543545aa070572884caa4541b8d2f5dda5-16704093496091747122074.jpg
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch VIA: Internet là công cụ, phương tiện hình thành, phát triển, thúc đẩy nên một nền kinh tế số.

Internet có cả ưu điểm và khuyết điểm, tuy nhiên ưu điểm lớn hơn rất nhiều khuyết điểm. "Nhờ có Internet, Việt Nam đã phát triển, tạo ra sự một thay đổi toàn diện về mọi mặt đời sống", ông Tiến khẳng định.

Internet đã minh chứng giá trị, lợi ích của mình đó là giúp thế giới thu hẹp khỏng trống địa lý, tạo hệ số phẳng phát triển cho nhiều quốc gia, nhất là trong đại dịch bệnh COVID-19 vừa qua. "Trong đại dịch COVID-19, mất nước, mất điện, mất mạng là điều vô cùng kinh khủng. Chúng ta không thể thiếu Internet - giá trị cần của cuộc sống", ông Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tiến, xét về mặt "hữu cơ", Internet chính là một công cụ, phương tiện để tăng trưởng, phát triển thêm nhiều giá trị cho nền kinh tế đất nước. Chúng ta phải thúc đẩy, khai thác các giá trị từ công cụ công nghệ này bằng cách giao trọng trách cho các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ xây dựng, hỗ trợ cùng nhau để đầu tư, tạo ra các hạ tầng CNTT - nhất là hạ tầng mạng cáp quang phải được phủ rộng đến mọi vùng, miền đất nước.

Hơn nữa, chúng ta muốn tạo ra tương lai cho hệ sinh thái Internet Việt Nam bền vững, yếu tố nhân lực, nhân tài cho lĩnh vực CNTT cũng luôn phải được chú trọng, đầu tư.

"Cần đáp ứng đủ, chất lượng cao về nguồn nhân lực CNTT; cần thiết tổ chức thêm nhiều diễn đàn để đội ngũ nhân lực CNTT trẻ, lớp kế cận được tiếp lửa, tỏa sáng tinh thần cống hiến, sáng tạo, tạo giá trị nhiều hơn nữa cho xã hội, đất nước", ông Tiến nêu quan điểm.

Tương lai Internet phát triển theo hướng siêu kết nối, không có khoảng trễ thời gian thực

Theo ông ông Nguyễn Đức Toàn, công ty Google Cloud cho rằng, nói về Internet hiện nay chính là nói về vấn đề con người và công nghệ. Đây là vấn đề không thể thiếu, cốt lõi, và khi chúng ta được làm tốt sẽ tạo ra hệ sinh thái Internet Việt Nam vững mạnh.

Nói đến vấn đề công nghệ, ông Toàn cho rằng, hiện nay các công nghệ trí truệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (big data)… đang là các thành tố quan trọng góp phần đa dạng hệ sinh thái Internet. Tuy nhiên, để Việt Nam đạt hiệu quả, đa dạng hệ sinh thái của mình cần hơn nữa sự nỗ lực của: Toàn hệ thống chính trị; DN cung cấp công nghệ sản phẩm, nền tảng; quan điểm tích cực từ người dùng; các dự án hợp tác công nghệ trong, ngoài nước.

"Giờ đây, Internet không còn biên giới, rào cản, giới hạn, các đặc tính văn hóa riêng biệt. Do đó các nhà cung cấp sản phẩm, nhà mạng cần tạo ra nhiều ứng dụng mới để phục vụ, tạo trải nghiệm số, giúp cho cuộc sống con người ngày một tốt hơn", ông Toàn nhấn nêu quan điểm.

Nói về vấn đề con người, ông Toàn cho rằng, cần phải đào tạo nguồn lao động số có chất lượng, đặc biệt, ưu tiên hình thành nên các nhân tài số có khả năng chuyên biệt, chuyên sâu, đảm bảo hội đủ về trình độ cao ở các lĩnh vực dữ liệu lớn, đám mây… Có thế mạnh đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia các dự án công nghệ toàn cầu, chất lượng cao và hướng đến dần làm chủ các công nghệ số mới do Việt Nam làm chủ, cho ra đời.

z394136438642668869ea873461e663b1f4416b61bc513-1670409349576475049070.jpg
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng chúng ta cần chú trọng, đầu tư yếu tố nguồn nhân lực, nhân tài cao trong lĩnh vực CNTT.

Cũng theo ông Toàn, để phát triển Internet Việt Nam bền vững, cần tập trung giáo dục các kỹ năng sử dụng cho người dùng được an toàn mạng, có thể lồng ghép nội dung này ngay trong cấp tiểu học và các cấp ghế nhà trường.

Ở quan điểm khác khi nói về cùng vấn đề công nghệ và các giá trị lợi ích số tạo ra, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam - NAPAS cho rằng Internet đã giúp kết nối mọi khoảng cách về thanh toán, thương mại, giao dịch, dịch vụ... Và mọi thứ đang ở mức, cấp độ số hóa nhằm tối ưu mọi lợi ích, nhu cầu của con người trong xã hội.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay, Internet phát triển khiến chúng ta hình thành một hạ tầng thanh toán. Hạ tầng thanh toán này phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu cao về tốc độ giao dịch, có kết nối trực tuyến, có khả năng thanh toán theo thời gian thực.

"Chúng ta cần làm chủ cuộc cách mạng số để phổ cập mọi dịch vụ thanh toán, giao dịch tài chính toàn diện hơn", ông Hùng nhấn mạnh.

Khi đưa ra các dự đoán về khái niệm về phát triển của Internet trong tương lai, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Viettel IDC cho rằng, nó sẽ phát triển vượt bậc, khó tưởng tượng ở mức hiện tại và sẽ không còn đúng trong khái niệm của hiện tại. 

Còn ở quan điểm khác, ông Nguyễn Hữu Bằng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology cho rằng nó sẽ phát triển theo hướng siêu kết nối, không có khoảng trễ, thời gian thực.../.

Bài liên quan
  • Xây dựng đô thị thông minh tạo hệ sinh thái bền vững cho Việt Nam
    Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đô thị thông minh trở thành một mô hình lý tưởng cho sự phát triển bền vững và hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ thông tin và dữ liệu lớn vào quản lý đô thị không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Internet sẽ phát triển đến mức khó tưởng tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO