Công nghệ AR/VR giúp mở ra cách tiếp cận mới cho học online

Thế Phương| 28/09/2021 16:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các chuyên gia, công nghệ AR/VR sẽ giúp việc xây dựng bài giảng trực tuyến trở nên sống động hơn, giống như "cánh của thần kỳ" của Doraemon, có thể đưa học sinh đến bất kì đâu, mở ra cách tiếp cận mới cho việc học online. Tuy nhiên, nó cũng có những "điểm trừ" nhất định và nên có sự cân bằng giữa học online và học trực tiếp.

Thiếu tập trung và tương tác: Khó khăn lớn nhất khi học online

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh, sinh viên 57/63 tỉnh thành không thể đến trường, phải chuyển sang học trực tuyến. Việc này dẫn tới những bất tiện và vấn đề cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh bao gồm: Tương tác của học sinh với thầy cô và bạn bè gặp khó trong hoàn cảnh học trực tuyến; Học sinh bị hổng kiến thức khi lắng nghe bài giảng thụ động qua màn hình, thiếu sự quan sát kịp thời của thầy cô; Học sinh giảm hứng thú với việc học do phải thích ứng với quá nhiều công cụ phức tạp, thiếu đồng bộ đi cùng với đó là nhiều bài giảng thiếu minh họa trực quan.

Chia sẻ tại sự kiện TechForStudy được tổ chức mới đây về chủ đề "Giải quyết xa cách khi học online", theo ông Vũ Duy Thức, Tiến sĩ ĐH Stanford, CEO Ohmnilabs, vấn đề lớn hiện nay là dù học trực tuyến (online) nhưng vẫn giữ thói quen và tư duy của việc học trực tiếp (offline). Vì vậy, một khó khăn rất lớn đối với các em học sinh hiện nay chính là sự thiếu tập trung, chưa kể đến khi tham gia vào các lớp học trực tuyến (như qua Zoom, Google Meet...) các thầy cô giáo khó thể quan sát được các vấn đề cần chú ý của học sinh.

Công nghệ AR/VR giúp mở ra cách tiếp cận mới cho học online - Ảnh 1.

Còn thầy Toán "triệu view" Nguyễn Tiến Đạt, sáng lập viên của Trung tâm luyện thi Đại Cồ Việt cho biết mình chủ yếu livestream trên Facebook hoặc Youtube với những bài giảng dài, còn những buổi ngắn hơn thì sẽ qua Zoom hay Google Meet. "Dù cốt lõi của một bài giảng nằm ở phần giáo trình nhưng buổi học trực tuyến có thành công hay không thì lại hoàn toàn do sự chuẩn bị của giáo viên", thầy Đạt chia sẻ.

Bởi vì, theo thầy Đạt, việc không tương tác với cả lớp khi học online rất dễ gây buồn ngủ cho học sinh, thậm chí nhiều bạn còn học theo hình thức chống đối. Còn với giáo viên, khi dạy trên các công cụ trực tuyến với số lượng học sinh đông thì sẽ chỉ quan sát qua màn hình, chất lượng hình ảnh thấp nên sẽ không thể thấy và bao quát hết học sinh. Chưa kể đến, nhiều thầy cô vào bài giảng trực tuyến là cứ thế mà dạy cho học sinh, không có sự tương tác, trao đổi với học sinh. Còn học sinh do quan điểm học online thoải mái nên lấn lướt, chống đối cả cô giáo, dẫn đến tiết học trực tuyến không hiệu quả.

Còn theo giảng viên Đại học Mỏ - Địa chất Nguyễn Thị Hiền, người vẫn được biết đến là "Cô giáo Toán TikTok" với hơn 1 triệu người theo dõi, khi học online, giáo viên sẽ không kiểm soát được sự hiện diện và độ tập trung của học sinh, trong đó quan trọng nhất là ý thức.

Công nghệ AR/VR giống như “cánh cửa thần kì”, giúp mở ra cách tiếp cận mới cho việc học online - Ảnh 2.

Chuỗi sự kiện TechForStudy nhằm mang tới góc nhìn toàn diện về các giải pháp mà công nghệ mới và phong cách giảng dạy mới có thể mang lại, giúp xử lý các vấn đề nhức nhối của việc dạy và học online tại Việt Nam trong và sau COVID-19.

Công nghệ giúp kích thích sự sáng tạo và tương tác của các lớp học online

Bên cạnh những kỹ năng để tương tác, tăng sự tập trung của học sinh của các thầy cô giáo, các chuyên gia cũng cho rằng, những công nghệ mới như AR/VR (thực tế tăng cường/thực tế ảo) hay Telepresence (phòng họp/lớp học hiện diện từ xa) sẽ giúp khắc phục những khó khăn trên và làm cho việc học online trở nên sinh động hơn rất nhiều.

Cụ thể, theo ông Vũ Duy Thức, công nghệ Telepresence đang được thực hiện tại một số trường Đại học bên Mỹ, đã đưa ra chức năng cánh tay robot để có thể giơ tay trong lớp học giúp thầy cô giáo chú ý và hỏi thăm. Đây cũng chính là giải pháp đầu tiên mà công nghệ có thể giúp hạn chế những khó khăn của việc học online. "Ưu điểm thứ hai của giải pháp Telepresence là giúp các học sinh, sinh viên có thể tham gia vào lớp học, khám phá thế giới thật thông qua không gian ảo", ông Thức chia sẻ thêm

Cùng quan điểm, ông Trần Mạnh Thắng, CEO công ty Clevai Math khẳng định, các công nghệ như AR/VR đang được ứng dụng rất nhiều trên thế giới và trong lĩnh vực giáo dục. Ví dụ như môn hóa, thông qua công nghệ AR/VR, các học sinh có thể quan sát được phản ứng của các phân tử. Hay trong môn ngoại ngữ, hình ảnh của các đồ vật 3D sẽ xuất hiện. Với những môn học là như thiên văn học, các học sinh có thể đeo kính lên và đi quan sát hình dạng, vị trí của các hành tinh. Không chỉ dừng lại ở ý tưởng, tại Việt Nam, ông Thắng cho biết đã có nhiều đơn vị ứng dụng AR/VR khá hiệu quả, như một số Trung tâm tiếng Anh để kích thích sự sáng tạo và tạo hành động tương tác cho học sinh. Ví dụ như chủ đề món ăn, trên điện thoại smartphone hay máy tính bảng sẽ hiển thị hình ảnh 3D của món ăn đó, sau đó học sinh sẽ nghe phát âm và làm hành động là ăn món ăn đó giống như ngoài đời.

Còn theo bà Trần Khánh Vy, CEO Marvy AR/VR Productions, mục đích của các công nghệ mới này sẽ giúp cho người học tạo ra những cảm giác không thể nào quên được. Điểm mạnh nhất của AR/VR là về mặt thị giác, tương tác và trình diễn, khi mà bộ não của con người khi nhớ hình ảnh 3D dễ dàng hơn là những con chữ trên tấm bảng. Vì vậy, công nghệ AR/VR có thể giúp tăng cường năng suất của bộ não, thay đổi cách mà con người tiếp nhận thông tin.

"Công nghệ AR/VR sẽ giúp xây dựng bài giảng của giáo viên sống động hơn. Nó giống như một cánh của thần kỳ của Doraemon, khi mình đeo mắt kính vào, nó che phủ thế giới hiện tại, đưa người học đi đến bất cứ đâu, từ Sao Hỏa cho đến một thời kỳ khác trong lịch sử hay có thể đi sâu vào các tế bào trong môn sinh học – những môn học luôn được cho là khô khan và ngành Giáo dục Việt Nam cũng đang tìm hướng để cải cách", bà Vy nói.

Công nghệ AR/VR giống như “cánh cửa thần kì”, giúp mở ra cách tiếp cận mới cho việc học online - Ảnh 3.

Ngoài ra, trong hoàn cảnh phải xa lớp lâu và việc học bị giới hạn qua màn hình máy tính/smartphone như hiện nay, công nghệ AR/VR còn có thể giúp kết nối học sinh lại với nhau, giúp các em như ngồi trong một lớp học thực sự, xung quanh là bạn bè với các tương tác thật của lớp học. Nhờ đó, việc học tập cũng trở nên tốt hơn.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ ĐH Oxford Vũ Ngọc Tâm, CEO Earable, nếu nhìn từ góc độ giáo dục, công nghệ AR/VR sẽ giúp ích rất nhiều cho các học sinh khuyết tật. Khi sử dụng các công nghệ này, họ có thể đi lại, nói chuyện, chơi game… chơi game với các bạn học sinh khác một cách dễ dàng hơn. "Đây là một giá trị nhân văn mà công nghệ AR/VR đem lại", ông Tâm khẳng định.

Những rào cản trong việc tiếp cận công nghệ AR/VR

Tuy nhiên, công nghệ AR/VR cũng có những "điểm trừ" như ngốn băng thông lớn, tạo cảm giác giật và đau đầu cho người học, chưa kể đến kính thực tế ảo đang có chi phí khá cao. Theo giảng viên Nguyễn Thị Hiền, đối với các học sinh nông thôn, ngay cả việc có được một chiếc điện thoại để học trực tuyến cũng là một điều khó khăn, khi mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế.

Về vấn đề này, ông Thắng cho rằng, AR/VR vẫn là công nghệ mới nhưng khi lượng người sử dụng tăng lên thì giá thành sẽ giảm đi rất nhiều. Về đường truyền, sự phát triển của mạng 5G với thế mạnh về băng thông lớn, độ trễ thấp sẽ giúp đường truyền nhanh hơn và trải nghiệm người dùng sẽ thật hơn, giảm thiểu tình trạng chóng mặt cho người sử dụng.

Còn theo bà Vy, khi nhắc tới kính VR, mọi người thường nghĩ đến những thứ đắt tiền, khó tiếp cận trên diện rộng. Tuy nhiên, mọi người có thể dùng giải pháp bìa giấy VR cardboard thay thế, với giá thành chỉ khoảng 30.000 đồng kết hợp với một smartphone. Ngay cả với công ty công nghệ như Marvy - lập trình những ứng dụng VR, người dùng có thể xem trên thiết bị xịn xò như Oculus hay giá rẻ như VR cardboard. "Như cuốn sinh học lớp 9, nếu chỉ nhìn vào chữ thì sẽ rất khó hình dung phân tử AND hoạt động như thế nào, nhưng với giải pháp VR cardboard, các hiệu ứng sẽ hiện ra và làm cho buổi học trở nên sống động và dễ hiểu hơn rất nhiều", bà Vy nói.

Mặc dù công nghệ AR/VR đem lại nhiều giá trị tích cực, nhưng đứng từ góc độ giáo dục, ông Tâm cho rằng, nên cân bằng giữa việc đi học ngoài đời thực và việc đi học online, dù qua thế giới ảo hay Facebook, Zoom. Ngay trong đợt COVID-19, các bạn sinh viên ở ĐH Oxford cũng không muốn ngồi học ở nhà mà muốn đến trường, để có những trải nghiệm thực tế. "Dù công nghệ có tiến bộ đến đâu nhưng có nhiều thứ mà AR/VR không thể truyền tải được, độ phân giải màn hình có cao bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể giống như ở ngoài đời thực hay loa có xịn như thế nào thì cũng không thể bằng giọng của một người gặp trực tiếp bên ngoài", ông Tâm nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ AR/VR giúp mở ra cách tiếp cận mới cho học online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO