Tại châu Á có rất nhiều quốc gia đã xây dựng thành công mô hình TPTM với những ứng dụng vào đời sống con người vô cùng ấn tượng và đó cũng chính là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới. Dựa trên chủ trương xây dựng các TPTM của Chính phủ, nhiều địa phương ở Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) hay TPTM, điển hình như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng,...
ĐTTM khác đô thị hiện đại
Chia sẻ tại chuỗi talkseries có chủ đề "ĐTTM và các công nghệ nổi bật" do Làng SmartCity & PropTech thuộc Techfest Việt Nam 2021 tổ chức, bà Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện ĐTTM và Quản lý (ISCM), trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Cố vấn cấp cao Làng SmartCity & PropTech cho rằng lầm tưởng về TPTM vẫn còn phổ biến ở Việt Nam.
Theo quan điểm của Viện ISCM, TPTM không phải là một đích đến mà là một con đường mà chúng ta cùng nhau phát triển, bởi mỗi đô thị như một cơ thể sống của con người, trong quá trình phát triển mỗi cơ thể sống cho dù sinh ra rất khỏe mạnh vẫn có thể bị bệnh tật hoặc bị những yếu tố khác tác động, việc giải quyết các vấn đề đó không phải là đích đến bởi cứ giải quyết xong một vấn đề lại nảy sinh vấn đề khác.
Vì vậy, theo bà Tú Anh, tiếp cận về TPTM là việc ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị nhưng quan trọng hơn cả là phải ứng dụng, vận dụng hiệu quả bằng nhiều nguồn lực không chỉ là nguồn lực về kinh tế, tài chính mà cả con người cũng như các nguồn lực khác để giải quyết vấn đề đó một cách triệt để, nhằm hướng tới phát triển bền vững.
"Nhiều người vẫn đang liên tưởng ĐTTM với các đô thị hiện đại", bà Trịnh Tú Anh cho biết.
Theo bà Tú Anh, thực chất, trong ĐTTM, công nghệ chỉ là một yếu tố cấu thành. Quan trọng nhất là phải xác định được vấn đề đô thị đang gặp phải, sau đó ứng dụng công nghệ một cách phù hợp về nguồn lực, về chi phí thì mới tạo ra được điểm nhấn của ĐTTM. Kinh nghiệm của nhiều đô thị trên thế giới cho thấy, mỗi đô thị sẽ lựa chọn giải pháp công nghệ khác nhau và bức thiết trước mắt để giải quyết vấn đề bức xúc lớn nhất của mình.
Dẫn chứng về vấn đề này, Viện trưởng Viện ISCM chia sẻ New York hay London luôn nằm trong top đầu các danh sách TPTM trên thế giới vì họ tìm ra giải pháp để giải quyết triệt để cho vấn đề gặp phải.
Đứng đầu top TPTM năm 2018, New York giải quyết chỉ một vấn đề cốt lõi là nền kinh tế của họ đã tới ngưỡng, không thể phát triển thêm. Khi đó, mô hình kinh tế sáng tạo (Innovative Economy) ra đời. Mô hình này đã tạo ra những mạng lưới kết nối rộng khắp giữa thị trường và các công ty, startup cung cấp sản phẩm để hỗ trợ mua sắm, bán hàng,... Để làm được chuyện đó, họ phải nâng cấp từ hạ tầng giao thông, hạ tầng thanh toán… của thành phố.
Trường hợp của London (Anh), đó là mục tiêu tạo ra hệ thống giao thông công cộng hiện đại sử dụng hiệu quả hơn, ngoài việc đưa đón đúng giờ. Do đó, bên cạnh việc vận hành, chính quyền thành phố còn tìm cách giảm thiểu khí thải ra môi trường, từ đó giảm thiểu chi phí cho người dân. Ngược lại, chính hệ thống giao thông này đã có những tác động ngược lại đối với diện mạo đô thị, hành vi của người dân và môi trường.
ĐTTM hướng về nhân sinh
Trong khi đó, TS. Trịnh Công Duy, Giám đốc Trung tâm Phát triển phần mềm - Đại học Đà Nẵng, Cố vấn Cấp cao Tập đoàn Vicoland, đồng trưởng Làng SmartCity & PropTech cho rằng, công nghệ chỉ có tác dụng khi nó nhân sinh, tức hướng về con người và giải quyết vấn đề cho con người. Hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 200 khái niệm về TPTM, mỗi đô thị có một cách hiểu về khác nhau về "thông minh".
"Nhiều thành phố đưa công nghệ vào ứng dụng nhưng chưa được gọi là thông minh, nó chỉ dừng lại ở mức tiện nghi hơn thôi. Để trở thành TPTM thì cuộc sống người dân nơi đó phải dễ dàng hơn. Ví dụ chúng ta có thể đưa dữ liệu lớn vào để hiểu người dân hơn, từ đó đưa ra các quyết định tốt hơn, hạn chế các rủi ro", ông Duy khẳng định.
Lấy ví dụ về mô hình bản sao số (digital twin), ông Duy cho biết rất nhiều nước trên thế giới áp dụng đã thành công. Ý tưởng cơ bản của mô hình này là tất cả các đối tượng, hiện vật trong cuộc sống đều có một bản sao trên máy tính để quản lý. Đây cũng là công nghệ nổi bật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ví dụ, toàn bộ thông tin về những phương tiện chạy trên đường được số hoá, lưu trong hệ thống sẽ tạo thành một bản sao số của hệ thống giao thông đô thị, từ đó giúp cơ quan chức năng điều khiển, điều tiết hệ thống giao thông tốt hơn.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, thành viên sáng lập RealCom, CEO và người sáng lập Sen Vàng Group, đồng trưởng Làng SmartCity & PropTech cho rằng sản phẩm dù có hay và hiệu quả nhưng phải có người sử dụng thì mới được gọi là hữu ích, là thông minh và đô thị cũng không ngoại lệ. Nhiều đơn vị công nghệ đưa ra ý tưởng thì rất hay nhưng khi triển khai vào thực tế lại không thiết thực, sản phẩm không giải quyết được vấn đề cho người dùng.
"Chúng ta đừng nói sản phẩm này hay ra sao, hãy nói nó giải quyết vấn đề gì của khách hàng, và người ta sẽ sử dụng, bạn sẽ bán được hàng", bà Bích Ngọc nhấn mạnh. Cũng theo bà Ngọc, một yếu tố quan trọng khiến ĐTTM còn lệch nhịp tại Việt Nam đến từ việc các chủ đầu tư còn khá e dè với công nghệ, từ đó dẫn đến việc rất hiếm các chủ đầu tư ở Việt Nam về TPTM mà đây lại là nhóm có yếu tố quan trọng cấu thành đến sự phát triển của ĐTTM.
Theo ông Trịnh Công Duy, hiện có rất nhiều công nghệ TPTM nổi bật như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain), fintech, bất động sản số,... Điều quan trọng nhất là phải lựa chọn được giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương. Và việc xây dựng TPTM chỉ thành công nếu có được cơ sở dữ liệu lớn và mở. Dữ liệu này là một trong những yếu tố trọng yếu tạo nên thành công của TPTM./.