Công nghệ là cầu nối cho truyền thông trong phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM

Vinh Hồng| 29/07/2021 18:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Vai trò của Chính phủ, nhận thức và sự tuân thủ của người dân, cũng như các chiến dịch truyền thông là 3 yếu tố dẫn đến thành công trong phòng chống dịch bệnh.

Trên đây là nhận định của ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam khi nhận xét về công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. 

Đúng như nhận xét của quan chức của ADB, trong gần 1 tháng triển khai giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tại TP.HCM, mặt trận truyền thông đã đóng vài trò đặc biệt quan trọng, mang đến cho người dân Thành phố các thông tin chính thống, nhanh chóng với nhiều nội dung khác nhau liên quan đến các thông tin chỉ đạo, thông tin hướng dẫn, thông tin tham khảo, thông tin cảnh báo... Các thông tin này đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM trong thời gian vừa qua. 

Truyền thông thể hiện vai trò trong phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM - Ảnh 1.

Tín nhắn với nhiều nội dung khác nhau liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh đã được các cơ quan chức năng của TP.HCM gửi đi mỗi ngày trên các phương tiện khác nhau đến người dân.

Công nghệ cầu nối cho truyền thông trong phòng chống dịch bệnh

Có thể nói, kể từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến nay, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn Thành phố từ ngày 6/7/2021, không chỉ các bộ ban ngành Trung ương, mà từ UBND Thành phố cho đến các sở ban ngành như Sở TT&TT, Sở Y tế... đều đã sử dụng nhiều phương thức truyền thông khác nhau, coi đây là giải pháp cùng nhiều giải pháp chuyên môn hiệu quả khác góp phần thực hiện mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh.

Không chỉ truyền thông trên các phương tiện truyền thống như báo chí, phát thanh, truyền hình, loa tuyên truyền di động... như một phần của các giải pháp thành phố thông minh, các tin nhắn, thông điệp từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước đã được gửi đến người dân Thành phố thông qua các kênh công nghệ di động có nhiều người dùng như Zalo, SMS, và các ứng dụng di động khác... ngày một nhiều hơn. 

Qua các kênh truyền thông công nghệ này, đại đa số người dân Thành phố đã nhận được các thông tin chính thống, đáng tin cậy về các vấn đề có liên quan đến phòng chống dịch bệnh... Ngoài ra do có lợi thế về công nghệ, các kênh nhắn tin này còn cho phép mở rộng các tin nhắn bằng cách điều hướng người dùng đến với các trang hoặc ứng dụng có liên quan, từ đó người dân có được các hướng dẫn, tư vấn và phương thức thực hiện các công việc liên quan đến hầu hết các vấn đề cần thiết, phải thực hiện trong giãn cách xã hội theo Chị thị 16 như khai báo y tế, mua sắm nhu yếu phẩm, tiêm chủng, cách ly v.v...

Ông Phạm Anh Tuấn, một doanh nhân và cũng là một người dân sống tại Q.7, TP.HCM cho biết: "Thời gian qua, tôi thường xuyên nhận các nhắn tin được gửi vào smartphone của nhiều cơ quan khác nhau trên địa bàn Thành phố. Không chỉ là các thông tin sát sườn liên quan đến dịch bệnh mà qua đó, doanh nghiệp của tôi có được nhiều thông tin liên quan đến cách thức vận chuyển hàng hoá, hay các chiến dịch tiêm chủng dành cho các đối tượng được ưu tiên. Tôi cho rằng, trong những ngày giãn cách xã hội như thế này, người dân hầu như phải ở nhà thì các kênh nhắn tin trên điện thoại di động của chính quyền đã giúp ích cho chúng tôi nhiều trong cuộc sống và ứng phó với dịch bệnh".

Không chỉ là các ứng dụng nhắn tin, tại TP.HCM, tổng đài điện thoại tiếp nhận thông tin của người dân cũng đã được khởi động để kết nối người dân với chính quyền, với các y bác sĩ... một cách nhanh chóng, thuận tiện, và phát huy hiệu quả cao.

Theo thông tin từ buổi họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn do Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM tổ chức vào chiều ngày 28/7, tính đến 0 giờ ngày 28/7, có hơn 217.700 cuộc gọi của người dân; các tổng đài viên đã tiếp nhận và xử lý hơn 12.100 cuộc. Trong đó, các Sở - ngành, quận huyện đã xử lý hơn 70% nội dung các cuộc gọi. 

Vẫn tại cuộc hợp báo này, khi nói về công tác tiếp nhận phản ánh của người dân qua tổng đài 1022 và 115, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết, Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Y tế triển khai vận hành Tổng đài 1022. Hiện tại, Sở bố trí mỗi ngày 3 ca 4 kíp, mỗi ca trực có khoảng 20 - 30 tổng đài viên, mỗi ngày có 120 tổng đài viên trực 24/7.

Hiệu quả từ truyền thông chống đại dịch

Cũng tại họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho biết: "Thông qua tổng đài 1022, Thành phố đã nhận thấy việc cung ứng hàng hoá được quan tâm. Sau nhiều biện pháp được thực hiện, Thành phố đã đáp ứng được tương đối nhu cầu hàng hóa của người dân. Hiện tại, hàng hoá đang tổ chức đưa về từng địa phương để đảm bảo nhu cầu mua hàng của người dân". Điều đó cho thấy, truyền thông đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các cơ quan chức năng tại TP.HCM thực hiện việc trợ giúp người dân khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Không chỉ là lương thực thực phẩm, qua các tổng đài điện thoại, các ứng dụng di động, mạng xã hội... nhiều hoàn cảnh khó khăn trong bệnh cũng đã được biết đến, và từ đó họ có được những sự trợ giúp từ các nhà hảo tâm, từ Chính quyền thành phố v.v... Từ truyền thông, lãnh đạo Thành phố cũng có được các cơ sở dữ liệu quan trọng, đáng tin cậy để ra quyết định cũng như phân bổ nguồn lực hợp lý hơn.    

Truyền thông thể hiện vai trò trong phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM - Ảnh 2.

Một cảnh báo về hành vi lừa đảo tiêm chủng vaccine Covid-19 đã được sở TT&TT TP.HCM gửi đi kịp thời đến từng người dân.

Dịch bệnh như môi trường tốt để tin giả, tin xấu độc, các hành vi lừa... có đất sống. Không chỉ chiến đấu với dịch bệnh mà các cơ quan chức năng và người dân Thành phố còn phải đối phó với các vấn nạn này trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bởi các vấn nạn này nếu được xử lý kịp thời và nhanh chóng thì có thể sẽ khiến cho cuộc chiến chống Covid-19 trở nên khó khăn và kéo dài hơn. 

Trong hoàn cảnh này, tại TP.HCM truyền thông đã là một trong những biện pháp trước tiên hiệu quả nhất để đối phó với các vấn đề này. Trên thực tế, mỗi khi xuất hiện tin giả, tin xấu độc, các hành vi lừa đảo... các cơ quan chức năng của Thành phố đã nhanh chóng gửi đi các thông tin cảnh báo hay truyền thông lại cho người người dân được rõ. Ví dụ như các tin đồn liên quan đến phong toả một phường hay một toà nhà nào đó, và cả tin giả liên quan đến số ca dương tính, tử vong v.v... 

Việc gửi đi các thông điệp truyền thông để cảnh báo người dân đã giúp cho xã hội và cộng đồng bớt đi sự hoang mang, lo lắng, thậm chí là mất tiền mất của vì cả tin. Chính vì vậy, trong suốt thời gian vừa qua, dù trải qua nhiều khó khăn nhưng về cơ bản, TP.HCM vẫn giữ được sự ổn định và chính quyền Thành phố đã ngày càng nhận được sự tin tưởng và đồng lòng của người dân hơn.  

Không còn nghi ngờ gì nữa, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 truyền thông đã đóng góp vài trò quan trọng và không thể thiếu để góp phần giúp cho TP.HCM cũng như cả nước nhanh chóng chiến thằng dịch bệnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ là cầu nối cho truyền thông trong phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO