Truyền thông

Công nghệ số giúp người khuyết tật tiếp cận với cuộc sống

Nguyễn Nhàn 01/12/2024 09:25

Với phương châm không để người khuyết tật nào bị bỏ lại phía sau, những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hỗ trợ người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt là hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện hòa nhập cuộc sống một cách thuận lợi hơn.

Sổ tay nghề nghiệp cho người khuyết tật trên nền tảng công nghệ số

Theo báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật (NKT) Việt Nam, hiện có đến 99,9% số NKT không tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng và tỷ lệ NKT chưa qua đào tạo nghề ở nước ta chiếm gần 93%. Ðiều này, khiến cho 68,3% số NKT trong độ tuổi lao động chưa có việc làm.

Ngoài ra, số liệu thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (gọi tắt là DRD) cho thấy, có đến 90% số NKT chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ. Thiếu thông tin và kênh tư vấn, hỗ trợ kịp thời, phần lớn NKT chọn nghề nghiệp hoặc ngành học theo kiểu rập khuôn như: Công nghệ thông tin (CNTT) chỉ phù hợp NKT vận động, mát-xa phù hợp người khiếm thị, công việc chân tay phù hợp người điếc…

Ngay cả khi vào đại học, NKT cũng thường chọn chuyên ngành giáo dục đặc biệt để cảm thấy an toàn. Thế nhưng, việc lựa chọn ngành nghề không tương thích với năng lực và dạng tật đã đẩy không ít NKT rơi vào tình trạng học xong thì thất nghiệp do không thể đáp ứng yêu cầu từ nhà tuyển dụng.

Hiện nay, DRD đã phối hợp với nhóm cựu sinh viên Australia thực hiện dự án “Cải thiện việc làm hòa nhập cho NKT thông qua giáo dục nghề nghiệp”. Kết thúc dự án, DRD cho ra đời sản phẩm công nghệ hữu ích mang tên “Sổ tay nghề nghiệp, con đường học tập và các nguồn hỗ trợ dành cho NKT”. Là sổ tay trên nền tảng số, thiết kế theo hướng mở; danh sách ngành nghề sẽ tiếp tục được cập nhật nhằm giúp NKT có cái nhìn tổng quan và đầy đủ nhất về các ngành nghề phù hợp.

hinh-1.jpg
DRD hợp tác với nhóm cựu sinh Úc thực hiện và phát hành Sổ tay "Nghề nghiệp, con đường học tập và các nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật". (Ảnh DRD)

Sổ tay này cung cấp danh sách 64 ngành nghề được chọn lọc dựa trên cơ sở mô tả ngành học theo chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam và kinh nghiệm có được sau nhiều năm DRD hợp tác với các doanh nghiệp trong khâu đào tạo, giới thiệu việc làm cho NKT. Triển khai trên nền tảng số, danh sách này sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm gia tăng sự chọn lựa cho NKT khi tiếp cận môi trường giáo dục và việc làm.

Sổ tay có ba phần chính là: (1) Thông tin các nghề nghiệp và gợi ý về sự phù hợp đối với các dạng khuyết tật; (2) Thông tin về các trường cao đẳng nghề, kèm theo danh sách các ngành đào tạo, chính sách tuyển sinh và hỗ trợ học viên là NKT; (3) Thông tin các tổ chức, nguồn hỗ trợ NKT và các phần mềm hỗ trợ theo từng dạng khuyết tật.

Sổ tay còn giới thiệu một số ứng dụng và tiện ích hỗ trợ NKT học tập và tiếp cận các nguồn tài liệu trên nền tảng số tùy theo dạng tật. Người khiếm thị sẽ có phần mềm đọc màn hình, sách nói, công nghệ nhận diện hình ảnh; người khiếm thính và khiếm âm có máy trợ thính thông minh, ứng dụng chuyển đổi giọng nói thành văn bản. Trong khi đó, NKT vận động sẽ được hỗ trợ bàn phím điều chỉnh, chuột điều khiển bằng miệng/mắt, công nghệ theo dõi chuyển động…

Nhiều cơ hội tiếp cận CNTT cho người khuyết tật

Thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030, các hoạt động trợ giúp tiếp cận và sử dụng CNTT và truyền thông (CNTT-TT) đã được triển khai thường xuyên và linh hoạt.

Cụ thể như xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trợ giúp NKT tiếp cận CNTT-TT; duy trì, phát triển, nâng cấp các cổng thông tin điện tử hỗ trợ NKT; nghiên cứu phát triển các công nghệ hỗ trợ người NKT tiếp cận CNTT-TT; nghiên cứu phát triển các công nghệ hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống...

433117733_747549137468323_832951-1713346992635.jpg
Một buổi giới thiệu công nghệ cho học viên khuyết tật tại Công ty Cổ phần Nghị lực sống - doanh nghiệp xã hội. (Ảnh Internet)

Để hỗ trợ NKT tiếp cận, làm chủ công nghệ, thời gian qua, Liên hiệp hội về NKT Việt Nam cùng 50 tổ chức thành viên đã mở các lớp dạy CNTT. Liên hiệp hội cũng xây dựng phần mềm số liệu về NKT.

Qua đó, thống kê được số NKT, dạng tật, số NKT có nhu cầu về giáo dục, y tế, việc làm... Trên cơ sở những số liệu này, Liên hiệp hội về NKT Việt Nam sẽ đề xuất, thúc đẩy sửa đổi các chính sách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế một cách tốt nhất.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Danh mục tiêu chuẩn hỗ trợ NKT tiếp cận sử dụng CNTT-TT. Một số công nghệ, sản phẩm, công cụ tiện ích hỗ trợ NKT đã được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất đã giảm bớt khó khăn cho người sử dụng như: Bộ đọc Phương Nam (VOS), Phần mềm đọc tin nhắn (VIVAVU), Engine tổng hợp tiếng Việt (VieTalk for JAWS), hệ thống hỗ trợ giao tiếp với người khiếm thính, thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị, hệ thống điều khiển bằng giọng nói cho xe lăn điện, bộ công cụ tạo học liệu điện tử cho người khiếm thính…

Nhiều cổng thông tin/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo NKT có thể truy cập, khai thác thông tin, tư liệu. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển hệ thống CNTT, điện tử phục vụ cho NKT về nhìn, nghe, nói rất được quan tâm đẩy mạnh. Vì vậy, số NKT về nhìn, nghe nói biết sử dụng thông thạo máy tính, điện thoại thông minh và khai thác Internet ngày càng tăng lên, đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện rõ rệt.

Nhờ được hỗ trợ tiếp cận, CNTT đã trở thành "tay" của người khuyết tật vận động, "tai" của người khiếm thính, "mắt" của người khiếm thị. Công nghệ số cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa NKT và người không khuyết tật. Nhờ có công nghệ, NKT có thể hòa nhập và tự mình thực hiện các hoạt động như sử dụng dịch vụ công, dịch vụ y tế, giao tiếp, mua sắm trực tuyến.../.

Bài liên quan
  • Khẳng định vị thế công nghệ thông tin Việt Nam trên bản đồ thế giới
    Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: "Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Cũng vì có năng lực cạnh tranh quốc tế mà chúng ta tồn tại được lâu dài ở trong nước. Đi ra nước ngoài cũng là để bảo vệ Việt Nam".
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Tết còn, còn cơ hội cho sách Tết
    Trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” do NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng xuất bản năm 1933, ở bài mở đầu với tiêu đề “Văn chương với mùa xuân” có viết về thú chơi tết của người Việt như sau: “Coi đó biết chơi xuân là thói quen của người mình, làm người không biết chơi xuân người ta cho là thiệt thòi nhiều lắm”.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ số giúp người khuyết tật tiếp cận với cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO