Công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện quyết liệt, hiệu quả

PV| 24/12/2020 13:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những năm vừa qua, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã được Bộ Công Thương thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả. Đến nay, hoạt động của doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp về cơ bản đã được kiểm soát tốt, không còn các vi phạm nghiêm trọng.

Hoạt động của DN bán hàng đa cấp về cơ bản đã được kiểm soát tốt

Theo Bộ Công Thương, để được hoạt động bán hàng đa cấp, DN phải đăng ký với Bộ Công Thương và chịu sự kiểm tra, giám sát của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương và các lực lượng chức năng liên quan trong quá trình hoạt động. Công tác quản lý hoạt động này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ.

Trong những năm vừa qua, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã được Bộ Công Thương thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả, nhiều DN đã bị xử phạt nghiêm minh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, một số DN sau khi bị Bộ Công Thương xử lý hành chính đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xem xét xử lý hình sự theo quy định.

Đến nay, hoạt động của DN bán hàng đa cấp có phép về cơ bản đã được kiểm soát tốt, không còn các vi phạm nghiêm trọng, hiện chỉ còn 22 DN có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp so với con số 67 DN vào đầu năm 2016.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do các điều kiện quy định cho DN đăng ký kinh doanh theo phương thức đa cấp được nâng cao và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh đa cấp không phép và kinh doanh dịch vụ sử dụng mô hình trả thưởng đa cấp như: đầu tư tài chính, tiền ảo, dịch vụ giáo dục, đào tạo, đặc biệt là hoạt động lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hoạt động huy động tài chính trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... có xu hướng phát triển nhanh chóng, len lỏi tới từng đơn vị dân cư và thu hút người dân ở mọi lứa tuổi tham gia. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép hoặc không có phép đã lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận không nhỏ người dân tham gia.

Để có cơ sở ngăn chặn từ sớm, xử lý nghiêm các hoạt động này, năm 2017, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Điều 217a Bộ luật Hình sự quy định về tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng hoặc quy mô mạng lưới tham gia từ 100 người trở lên đã có thể bị xử lý hình sự.

Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, khi phát hiện hoặc tiếp nhận các thông tin về dấu hiệu của hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, Bộ Công Thương đã đăng tin, bài cảnh báo để hạn chế nguy cơ người dân tham gia vào các hoạt động này.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng trực tiếp tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm cung cấp thông tin và hướng dẫn người dân cách thức nhận diện các loại hình kinh doanh đa cấp trái phép. Cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến tại TP.Hồ Chí Minh về chủ đề nhận diện đa cấp bất chính, phối hợp với Báo Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức buổi tọa đàm tại Hà Nội về chủ đề nhận diện đa cấp bất chính...

Đồng thời, Bộ Công Thương đã chuyển thông tin, tài liệu đến các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Công an để theo dõi, tiến đến xử lý hình sự theo quy định tại Điều 217a Bộ luật Hình sự.

Công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện quyết liệt, hiệu quả - Ảnh 1.

Tọa đàm "Nhận diện đa cấp bất chính" do Bộ Công Thương phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức chiều 14/7 vừa qua. Ảnh: Bộ Công Thương

Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể thời gian tới

Cũng theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền và thực thi pháp luật, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động này.

Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép sửa đổi một số quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Trong quá trình sửa đổi quy định, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan cũng như lấy ý kiến góp ý công khai về các chính sách, quy định mới nhằm quản lý tốt hợp đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Trong dài hạn, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 217a Bộ luật hình sự nhằm nâng cao tính khả thi và hiệu quả của quy định này trên thực tế.

Theo Dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể của từng cấp quản lý:

Đối với cơ quan quản lý Nha nước cấp Trung ương: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Cải tiến và ứng dụng CNTT trong việc quản lý và thực thi pháp luật bán hàng đa cấp; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cho cán bộ ở Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với cơ quan quản lý Nha nước cấp địa phương cần: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương cho cấp tỉnh và cấp quận, huyện, thị xã; Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện quyết liệt, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO