COVID đã làm thay đổi thói quen đọc sách và góp phần khơi dậy niềm tin về văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số hiện nay. Văn hóa đọc hay đọc sách một cách có văn hóa không chỉ nói về ý thức đọc sách đúng đắn của con người, mà còn đề cao nhu cầu thưởng thức văn hóa đích thực trong việc đọc sách.
Dịch bệnh khơi dậy niềm tin về văn hóa đọc
Trên thực tế, có nhiều người lo ngại, văn hóa đọc của người Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở một bộ phận giới trẻ dường như đang có chiều hướng sa sút. Họ thích giải trí trên các phương tiện nghe, nhìn hơn là cầm sách đọc. Hơn thế nữa, cùng với sự phát triển như vũ bão của nền công nghiệp hiện đại, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, truyền thông, giải trí, các phương tiện nghe nhìn (điện thoại, máy tính bảng, laptop,...) tỏ ra vượt trội với tính năng tiện dụng, hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn các trang sách in. Việc chuyển từ đọc sách in sang đọc online là một xu thế tất yếu. Sách điện tử sẽ là hình thức của sách trong tương lai.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020 đến nay, tại Việt Nam, văn hóa đọc đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch COVID-19. Dịch bệnh đã khiến cho người Việt Nam không chỉ thay đổi thói quen đọc sách mà còn góp phần khơi lên niềm tin về văn hóa đọc trước nỗi lo mai một trong thời công nghệ số. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với các biện pháp giãn cách xã hội để bảo đảm phòng, chống dịch đã giúp nhiều người trở lại thói quen đọc sách hằng ngày, nhờ đó niềm tin về văn hóa đọc trong cộng đồng được khơi dậy.
Đặc biệt, trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan mật thiết đến phát triển văn hóa đọc đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Các đơn vị đã xác định hướng đi, bước đầu có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo với mục tiêu tăng số lượng người đọc, tăng thời gian đọc, chú trọng hình thành thói quen ham đọc trong giới trẻ.
Thời gian qua, Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đẩy mạnh chương trình “Đọc sách cùng bạn” với các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kỹ năng và phương pháp đọc sách. Bên cạnh đó, hoạt động giới thiệu sách trực tuyến của các thư viện trong nước cũng được đẩy mạnh. Nhiều thư viện đưa ra các sáng kiến phục vụ bạn đọc tốt hơn, như nhận phục vụ nhu cầu mượn sách qua email và gửi sách đến nhà cho bạn đọc; mở dịch vụ miễn phí đọc sách cho học sinh, sinh viên trong những ngày các em phải nghỉ học; tư vấn hướng dẫn bạn đọc sử dụng thư viện trực tuyến…
Cùng với đó, các thư viện cũng đặc biệt chú trọng thay đổi hình thức phục vụ để bắt kịp xu hướng và đáp ứng tốt nhu cầu bạn đọc. Xây dựng, nâng cấp thư viện trở thành thư viện điện tử, trên cơ sở triển khai các dịch vụ như đăng ký mượn sách trực tuyến, gia hạn sách trực tuyến, tư vấn cho bạn đọc qua trang facebook, website của thư viện. Đồng thời, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đầu tư khá đồng bộ…
Một ví dụ điển hình, trong thời gian dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, TP. Hồ Chí Minh đã phải thực hiện giãn cách xã hội để tăng cường phòng chống dịch. Nhằm giúp người dân có thêm kênh giải trí hữu ích tại nhà, hàng ngàn hộ gia đình được trao tặng sách và tạp chí từ Chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách” do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam, Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh, Công ty Đường sách TP. Hồ Chí Minh triển khai.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: “Với những người ở trong các khu giãn cách, cách ly, nhu cầu đọc sách càng lớn nên chúng tôi phát động cuộc vận động này. Chúng tôi vận động các nhà xuất bản, các công ty sách đóng góp sách giấy, sách điện tử và sách nói (video book), chuyển tất cả các ấn phẩm đến với người dân trong các khu phong tỏa. Đã có hơn 10.000 quyển sách, 2.000 video book và hơn 100 sách điện tử được chuyển đến cho người dân. Thể loại sách chủ yếu là sách khoa học, kiến thức, truyện, tiểu thuyết, sách kỹ năng sống, sách văn học, truyện tranh… phù hợp với nhiều lứa tuổi, đối tượng đọc… Chúng tôi chuyển sách tới các gia đình, mỗi nhà từ 3 đến 5 cuốn sách hay chuyển đường link cho họ đọc”.
Mang sách đến từng nhà trong giai đoạn giãn cách là hoạt động ý nghĩa, giúp người dân có thêm món ăn tinh thần trong những ngày ở nhà chống dịch. Và cũng vì vậy, đọc sách ngày giãn cách là một trong những hoạt động được nhiều người dân hưởng ứng. Ở nhiều địa phương trong cả nước đã hình thành nhiều nhóm đọc sách trên facebook. Họ chia sẻ cho nhau đọc các cuốn sách hay, sách nên đọc. Đồng thời, phát động phong trào “30 phút đọc sách mỗi ngày”, “Đọc sách là niềm vui”, “Đọc sách mỗi ngày”... thu hút hàng nghìn người quan tâm, chia sẻ.
Ở nhà đọc sách trong thời gian phải giãn cách xã hội là việc làm hữu ích không chỉ góp phần giảm lây nhiễm COVID mà còn nâng cao tri thức cho mỗi người. Sách là liều thuốc tinh thần, giúp mọi người cảm thấy bình thản, vững tâm hơn vào công cuộc toàn dân phòng chống dịch; trang bị kiến thức cho người dân tự bảo vệ mình trước dịch bệnh; từ đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Theo Vụ Thư viện, trong hai năm triển khai Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” và “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, số lượt người sử dụng sách báo tăng lên hơn 50 triệu lượt người. Số sách, báo trong thư viện công cộng và 30 tỉnh, thành phố lên đến hơn 180 triệu. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 do Bộ VHTT&DL phát động đã có sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh, sinh viên từ gần 5.400 trường tiểu học, THCS, THPT, Đại học, Học viện, nhà trường, trong đó có cả những em khiếm thị.
Hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 19/4/2020 với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh” tại trang web book365.vn. Hội sách ứng dụng công nghệ 4.0 tiên tiến hàng đầu hiện nay: công nghệ tọa đàm trực tuyến, công nghệ sàn sách trực tuyến... đã thu hút hàng triệu lượt truy cập với hàng trăm ngàn người tham gia. Năm 2021, Triển lãm sách trực tuyến kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước do Bộ TT&TT tổ chức từ ngày 4/6-15/6/2021 với 12 đơn vị tham gia triển lãm đã thu hút 541.543 lượt người truy cập, tổng số sách cung cấp đến tay bạn đọc là 3.706 cuốn sách với doanh số bán được là 415 triệu đồng.
Từ những con số ấn tượng trên, có thể thấy dịch bệnh là nguy cơ nhưng đồng thời cũng tạo ra được những thời cơ mới cho ngành Xuất bản, Thư viện... Hoạt động giới thiệu sách trực tuyến đã thu hút đông đảo bạn đọc tham gia, từ đó đã tạo sức lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, ngành Xuất bản Việt Nam đạt kỷ lục mới: Số đầu sách xuất bản là 37.000, doanh thu đạt 4.326 tỷ đồng. So với năm 2014, số đầu sách tăng 30%, doanh thu tăng 36%. Suốt gần hai năm qua, toàn ngành Xuất bản nỗ lực vượt khó. Trong năm 2020 và năm 2021, con số về đầu sách và doanh thu đều xấp xỉ đạt hơn 92% so với năm 2019, có nghĩa là mức giảm không đáng kể, mặc dù chịu tác động rất lớn từ dịch COVID.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: “Có được thành tích kể trên, ngành Xuất bản đã nhanh chóng thích ứng chuyển đổi số, thương mại điện tử (TMĐT) được đẩy mạnh tạo thuận lợi cho mua bán xuất bản phẩm. Ngoài ra, nhiều đơn vị làm sách cũng nỗ lực nâng cao chất lượng một số mảng sách trước đây ít được quan tâm đầu tư như sách lịch sử, sách khoa học... đồng thời, tăng cường quảng bá xuất bản phẩm trên Internet, tiếp cận gần hơn với độc giả”.
Cũng theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, thực trạng kinh doanh, mua bán xuất bản phẩm vài năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, TMĐT đã chiếm thế thượng phong. Những người ham mê đọc sách đã hình thành thói quen mua sách qua các ứng dụng TMĐT, như: Tiki, Shopee, Lazada... thay vì phải đến các nhà sách, hiệu sách. Bên cạnh lý do tiện lợi trong lựa chọn sản phẩm, giao dịch nhanh gọn, quan trọng là chiết khấu rẻ hơn, chất lượng sách được bảo đảm.
Tuy nhiên, tác động của đại dịch dù sao vẫn khiến tăng trưởng của ngành Xuất bản chững lại, một số điểm yếu tồn tại nhiều năm vì thế lại càng chậm được khắc phục. Điển hình là số lượng bản sách trên đầu người chưa được cải thiện. Năm 2019, số lượng bản sách đạt kỷ lục 440 triệu bản sách nhưng trong đó có 300 triệu bản sách giáo khoa (SGK), giáo trình. Như vậy, mức thụ hưởng sách không tính SGK, giáo trình chỉ đạt 1,4 bản sách/người/năm, không đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm như Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư (năm 2004) đã đề ra.
Qua các số liệu nêu trên, có thể thấy, ngành Xuất bản vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phấn đấu làm ra nhiều đầu sách, bản sách, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc, góp phần cải thiện văn hóa đọc.
Dòng chảy ngầm của văn hóa đọc
Có một điều không thể phủ nhận, ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, dòng chảy ngầm của văn hóa đọc vẫn được duy trì đều đặn, điển hình nhất là việc 2 Hội sách quốc gia trực tuyến đầu tiên đã được tổ chức vào các năm 2020 và 2021 để thích ứng với tình hình mới.
Đặc biệt, Hội sách trực tuyến quốc gia chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8 tổ chức trên Sàn sách quốc gia Book365 (diễn ra từ ngày 17/4 đến 21/5/2021) đã thu hút đông đảo bạn đọc trong khắp cả nước kể cả nước ngoài quan tâm dõi theo. Với thông điệp “Sách cho mọi nhà, đưa sách đi xa", mục tiêu của Hội sách là đưa sách đi muôn nơi, tới khắp mọi miền đất nước, không phân biệt vùng miền, không phân biệt khoảng cách địa lý, đặc biệt hướng tới bạn đọc vùng sâu vùng xa mong mỗi cuốn sách sẽ được gửi tới những người cần sách.
Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: Hội sách trực tuyến quốc gia lần này với gần 100 đơn vị xuất bản trong và ngoài nước tham dự (tăng 20 đơn vị so với năm 2020), hội sách đã cung cấp hơn 40.000 cuốn sách tới bạn đọc, tăng 3 lần so với năm 2020 (13.000 cuốn). Doanh số giá bìa đạt 4,5 tỷ đồng, doanh số theo giá bán đạt 3,5 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với hội sách 2020 (1 tỷ đồng). Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ hai có hơn 5,9 triệu lượt độc giả truy cập, tăng 3 lần so với năm trước; hơn 27.000 vận đơn được thực hiện (trong đó chiếm hơn 60% số vận đơn đến từ các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), gấp 2,5 lần số vận đơn so với năm 2020. Sau hơn một tháng triển khai, Hội sách trực tuyến quốc gia đã vượt mục tiêu đề ra.
Đây cũng là những con số biết nói, thêm một lần nữa minh chứng rõ, Hội sách quốc gia được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trong 2 năm vừa qua đã được đông đảo bạn đọc quan tâm, chia sẻ, đồng thời góp phần lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc đi khắp cộng đồng.
Quả thật, như chia sẻ của nhiều đơn vị xuất bản, 2 năm dịch bệnh vừa qua là thời điểm khó khăn của ngành sách khi doanh số giảm mạnh ảnh hưởng lớn tới việc đầu tư và mở rộng kinh doanh. Nhưng ở hướng ngược lại, quãng thời gian “sống chậm” vừa qua cũng là thời điểm cộng đồng có thêm thời gian đọc sách. Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội và Internet, hàng loạt những bài điểm sách hoặc những hội nhóm chia sẻ, giới thiệu và trao đổi sách ra đời. Một mạng lưới và cộng đồng đọc sách khổng lồ, có sự liên kết và tương tác (điều khó gặp ở những năm trước đây) và thói quen chọn sách, mua sách, thảo luận, bình luận về sách đã hình thành và tạo thuận lợi cho việc phát triển văn hóa đọc trong tương lai.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết: Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực thì đại dịch cũng trở thành động lực làm cho mỗi tổ chức, cá nhân buộc phải đổi mới hoạt động của tổ chức, thay đổi hành vi cá nhân. Đặc biệt, việc chuyển đổi số lúc này là lời giải cho những chuyển động đó. Nó trở thành mệnh lệnh cho sự tồn tại, phát triển của mọi lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Mặc dù vậy, sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách online chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp. Trước mắt là thị trường bán sách truyền thống bị thu hẹp, về lâu dài sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp, hệ lụy từ việc mất việc làm của một bộ phận người lao động sẽ làm doanh nghiệp phát hành, nhà sách có nguy cơ dừng hoạt động.
Đấy cũng là một trong những lí do ngành Xuất bản Việt Nam xác định mục tiêu, đến năm 2025 lọt top 4 quốc gia có nền xuất bản phát triển trong khu vực Đông Nam Á, duy trì được tốc độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20-30% là xuất bản phẩm điện tử; đưa doanh thu xuất bản điện tử đạt mức 8-10% tổng doanh thu toàn ngành (khoảng 250 tỷ); tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử.
Như thế, dù liên quan tới các đơn vị tư nhân hay cơ quan quản lý, những gì diễn ra cho thấy: Việc khuyến khích đọc sách và phát triển văn hóa đọc vẫn là một dòng chảy ngầm bất chấp dịch bệnh.
Xây dựng thói quen đọc sách
Nhà văn Mark Twain đã từng nói: “Một người không đọc sách chẳng hơn gì một kẻ không biết đọc”. Rõ ràng, đọc sách để tiếp nhận tri thức là một việc làm cần thiết. Bởi vậy, dù trong hoàn cảnh nào, ngay cả khi dịch COVID bùng phát, bằng nhiều phương pháp tiếp cận sách, nhiều hình thức đọc mới, mỗi người đã góp phần lan tỏa và hình thành thói quen đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân. Luôn kiên định với việc đọc sách có thể là một nhiệm vụ khó khăn lúc đầu, nhưng lâu dần sẽ thành thói quen tự nhiên.
Văn hóa đọc trước hết cần duy trì, phát triển và tạo ra thói quen đọc trong suốt cuộc đời mỗi người. Xây dựng thói quen đọc sách phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, từ tuổi trước khi đến trường. Trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc.
Ngày nay, trong thời đại cách mạng công nghệ, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, của tri thức nhân loại, mỗi người và hơn thế nữa là mỗi quốc gia cần xây dựng văn hóa đọc. Điều đó sẽ tạo ra được một nền văn hóa đọc phát triển, góp phần xây dựng và tạo nên một xã hội học tập phát triển.
Không có gì lạ, khi việc phát triển văn hóa đọc trong những năm gần đây lại trở nên bức thiết và luôn được quan tâm. Đó không chỉ là nhu cầu mà còn là đòi hỏi tất yếu của một xã hội phát triển. Một khảo sát gần nhất ở thời điểm trước khi dịch bệnh bắt đầu (2019) cho thấy: Việt Nam chỉ có 30% số người được khảo sát có đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho việc đọc sách của người Việt Nam trung bình mới đạt khoảng 1 giờ/người/tuần (Theo một khảo sát quốc tế năm 2016). Đây là con số rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo thống kê số người đọc sách ở Việt Nam của Cục Xuất bản In và Phát hành: Trong ba năm gần đây bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu cuốn sách. Trong đó, sách giáo khoa chiếm 300 triệu cuốn. Như vậy chỉ khoảng 100 triệu cuốn sách chia cho hơn 100 triệu dân. Điều này cho thấy, văn hóa đọc của giới trẻ nói riêng và của người Việt nói chung còn rất thấp, mỗi năm một người Việt đọc chưa tới một cuốn sách.
Có thể thấy, xây dựng văn hóa đọc cho một dân tộc là một quá trình lâu dài và khó đạt tới một kết quả lớn ngay trong thời gian ngắn. Nhưng giờ đây, khi giai đoạn “hậu COVID-19” đang tới gần và đòi hỏi sự tăng tốc của toàn xã hội để bù lại những gì đã mất trong 2 năm qua, dòng chảy của văn hóa đọc cũng đang đứng trước những cơ hội lớn để được tiếp sức, phát triển và từng bước trở thành trào lưu xứng với vị trí của mình.
Bằng kinh nghiệm vượt khó trong hơn hai năm dịch bệnh vừa qua, tin rằng, với sự đồng lòng chung tay của toàn xã hội, sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, sự ý thức của mỗi người dân, văn hóa đọc ở nước ta sẽ được cải thiện, xã hội ta sớm trở thành xã hội học tập, góp phần xây dựng đất nước hùng cường./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2022)