Đà Nẵng chuyển đổi số: Động lực giải quyết ‘điểm nghẽn’

Thành Vân| 05/08/2021 15:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Với 3 trụ cột chính trong chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong trên cả nước lấy chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố.

Đà Nẵng chuyển đổi số: Động lực giải quyết ‘điểm nghẽn’ - Ảnh 1.

Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó công nghiệp công nghệ cao là một trong 3 trụ cột chính được quan tâm tập trung phát triển, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố, và tầm nhìn đến năm 2045 "TP. Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á". Theo đó, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, được chính quyền Đà Nẵng xác định là "kim chỉ nam" cho sự thúc đẩy phát triển mọi mặt về chính quyền, kinh tế, xã hội.

Không phải đến năm 2021, cụm từ "chuyển đổi số" mới bắt đầu được lan truyền mạnh ở Đà Nẵng. Mà trên thực tế, Đà Nẵng đã là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi số từ năm 2014 và đã đạt nhiều kết quả. Với sự tư vấn từ các chuyên gia Tập đoàn IBM (Mỹ), năm 2014, Đà Nẵng đã ban hành "Ðề án xây dựng thành phố thông minh" làm cơ sở để các cơ quan thành phố phối hợp các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước và quốc tế triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh.

Đến năm 2018, Đà Nẵng tiếp tục ban hành khung "Kiến trúc tổng thể thành phố thông minh" tập trung vào sáu trụ cột chính, gồm: quản trị thông minh, kinh tế thông minh, môi trường thông minh, đời sống thông minh, giao thông thông minh và công dân thông minh. Trong 11 năm liên tiếp (2009-2019), Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index). Đặc biệt, cuối năm 2020, Ðà Nẵng vinh dự đón nhận giải thưởng "Thành phố thông minh Việt Nam 2020" (Vietnam Smart City Award 2020).

Đà Nẵng chuyển đổi số: Động lực giải quyết ‘điểm nghẽn’ - Ảnh 2.

Cùng với đó, ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2015 – 2019 là 20%/năm, riêng lĩnh vực xuất khẩu phần mềm tăng trưởng trên 25% (trong đó, Nhật Bản và Mỹ là những thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm 36% thị phần xuất khẩu). Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, mọi hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu của TP. Đà Nẵng đều gặp khó khăn, rơi vào tăng trưởng âm. Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu phần mềm không giảm mà còn tăng nhẹ so với năm 2019, đạt 60,3 triệu USD. Từ đó, công nghiệp CNTT trở thành điểm sáng của kinh tế thành phố. 

Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 7.000 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực CNTT, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Trong đó, 1.900 doanh nghiệp ngành nghề chính trong lĩnh vực CNTT. Toàn thành phố có 36.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT.

Để tạo bước đột phá trong giai đoạn tới, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về chuyển đổi số trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

Trong đó, về phát triển chính quyền số, hướng đến 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4 (trừ một số thủ tục hành chính có tính chất đặc thù, có quy định riêng), 60% dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên nhiều nền tảng, hỗ trợ trên thiết bị di động; 100% cơ quan Nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở… 

Đà Nẵng chuyển đổi số: Động lực giải quyết ‘điểm nghẽn’ - Ảnh 3.

Kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP thành phố (trong đó, công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; có 1.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới…

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% giá trị tăng thêm của lĩnh vực; 90% doanh nghiệp có tài khoản giao dịch thương mại điện tử. Tối thiểu 50% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử B2C (kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng) chiếm ít nhất 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố...

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh; thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

Trong đó, duy trì các mục tiêu đạt được trong giai đoạn trước và đạt được một số mục tiêu như: có 90% dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức độ 3, 4; giảm 30% thủ tục hành chính hiện có thông qua kế thừa dữ liệu số; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; hoàn thành cơ bản chính quyền số tại 100% quận, huyện và phường, xã.

Kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; có 5.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới; có 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, với ít nhất 10 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Về phát triển xã hội số, 90% người dân sử dụng điện thoại thông minh; 95% người dân, doanh nghiệp được trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số; có thể tham gia hoạt động học tập, lao động, sản xuất, đời sống và sinh hoạt trên môi trường số; 80% hộ gia đình, 100% doanh nghiệp có tài khoản giao dịch thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; 100% khu vực dân cư thành phố có sóng và dịch vụ 5G.

Đà Nẵng chuyển đổi số: Động lực giải quyết ‘điểm nghẽn’ - Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, thành phố nhận thức được chuyển đổi số không phải là tập hợp các ứng dụng công nghệ thông tin mà là thay đổi phương thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội và sản xuất kinh doanh, kết hợp với ứng dụng công nghệ số, từ đó, tạo ra các dịch vụ mới, đem lại giá trị mới.

"Đà Nẵng xác định quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi. Đồng thời, lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và "dẫn dắt" phát triển kinh tế số, xã hội số. Để triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng thành công, điều tiên quyết cần phải có chiếc lược, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, rõ ràng, dễ tiếp cận và có khả năng thực thi cao", Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nhấn mạnh.

Đà Nẵng chuyển đổi số: Động lực giải quyết ‘điểm nghẽn’ - Ảnh 5.

Đà Nẵng chuyển đổi số: Động lực giải quyết ‘điểm nghẽn’ - Ảnh 6.

Tại Việt Nam, khái niệm "chuyển đổi số" thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học...

Có thể nói rằng, chuyển đổi số là quá trình tất yếu trên toàn thế giới. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang thay đổi quan niệm, dần cởi mở trong tư duy, trong các chính sách thu hút đầu tư, mở cửa nền kinh tế...

Với Đà Nẵng, tận dụng những lợi thế có sẵn, thành phố đã sớm bắt kịp với thế giới khi đã chuẩn bị sẵn cho mình một nền móng vững chắc. Đó là nền công nghiệp công nghệ thông tin, hạ tầng đã dần hình thành và hoàn thiện. Tuy nhiên để thành công, Đà Nẵng cần phải giải quyết nhiều vấn đề liên đến nguồn lao động, chính sách, cơ chế trong thời gian tới.

Đà Nẵng chuyển đổi số: Động lực giải quyết ‘điểm nghẽn’ - Ảnh 7.

Trong lần bàn về chuyển đổi số tại Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT FPT Truơng Gia Bình nhìn nhận, khác biệt của Đà Nẵng chính là tinh thần quyết tâm của lãnh đạo và người dân. Ông Bình cho rằng, để Đà Nẵng chuyển đổi số thành công, đóng vai trò dẫn dắt chuyển đổi số trong khu vực. Để làm được điều này, Đà Nẵng cần có các chương trình chuyển đổi số cụ thể ở từng ngành, từng xã, phường… Điều này sẽ được thực hiện theo quy tắc 3H: Heart - Head - Hand (trái tim - bộ não - đôi tay), tức bắt đầu từ khát vọng và ý chí, sau đó đến tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch và cuối cùng là triển khai vào thực tế. 

GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Đà Nẵng cần tập trung đào tạo con người, vì đây là yếu tố quan trọng trong việc phát triển chuyển đổi số trong tương lai. Cùng với đó, Đà Nẵng cần đầu tư hạ tầng để phát triển công nghệ LoRa cũng như phát triển nguồn năng lượng sạch, kết hợp nhiều nguồn năng lượng khác.

Tương tự, GS.TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng KH&CN cho rằng, Đà Nẵng cần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu trầm trọng, trong khi đó các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn mới bắt đầu triển khai đào tạo chuyên ngành chuyển đổi số.

"Đà Nẵng nên giao cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn triển khai thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số. Đồng thời, phát triển kinh tế số tốn rất nhiều chi phí nên chính quyền Đà Nẵng cần xem xét lại nguồn kinh phí để đầu tư", ông Quân đề xuất.

Hiện nay, công cuộc chuyển đổi số không còn là trào lưu thời thượng hay khái niệm công nghệ mà là giải pháp sống còn cho mọi hoạt động của một quốc gia. Trong bối cảnh dịch bệnh đã cho thấy lợi ích của chuyển đổi số là không thể phủ nhận, tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công cần có hành động cụ thể từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân. 

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng chuyển đổi số: Động lực giải quyết ‘điểm nghẽn’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO