Chuyển đổi số

Kinh nghiệm của các bộ, ngành tiên phong cung cấp dịch vụ công trực tuyến

QA 31/08/2024 15:55

Bộ TT&TT đã triển khai Hệ thống EMC để đo lường, giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thực sự của việc cung cấp DVCTT.

Theo đó, từ cuối năm 2023, Bộ TT&TT đo lường tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành, địa phương thông qua Hệ thống EMC. Kết quả đạt được đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43%, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023; trong đó khối bộ, ngành đạt 63%, khối địa phương đạt 17,9%.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT được tổ chức sáng ngày 31/8/2024, tại Đà Nẵng, Bộ TT&TT đã tổng kết kinh nghiệm triển khai DVCTT điển hình tại một số bộ, ngành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp DVCTT toàn trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển trình độ ĐH, CĐ

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thực hiện kết nối, tích hợp, khai thác dữ liệu chia sẻ từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư phục vụ triển khai DVCTT “Đăng kí dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và Xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng (ĐH, CĐ)” từ năm 2022.

Việc này để phục vụ khoảng 1 triệu thí sinh hàng năm từ bước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào ĐH, thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến và xác nhận nhập học trực tuyến, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho thí sinh và phụ huynh.

thi-sinh-dang-ky-thu-ky-thi-tot-nghiep-thpt-1ng-16826548917532060136355-17142134139061693085750.jpeg
Năm 2024 là năm thứ 3 triển khai DVCTT toàn trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển trình độ ĐH, CĐ (Nguồn: VGP)

Năm 2022, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận tổng số 1.001.011 thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 934.186 thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến, đạt tỷ lệ 93,32%.

Từ năm 2023, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an đưa vào sử dụng chính thức công cụ khai thác dữ liệu dân cư trên hệ thống CSDL ngành giáo dục, nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục kiểm tra, xác nhận cho thí sinh về thông tin cư trú phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT.

Năm 2023, đã có 968.157 hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến, đạt 94,43% (được học sinh lớp 12 năm học 2022 - 2023 thực hiện thành công) và 663.729 hồ sơ trực tuyến được người dân (thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 2023) thực hiện trên DVCTT này với tổng số nguyện vọng xét tuyển là 3.415.366 (tính đến nay, đã tiếp nhận 1.280.251 hồ sơ trực tuyến với 6.516.472 nguyện vọng xét tuyển trong năm 2022 và năm 2023).

Năm 2024 là năm thứ 3 triển khai dịch vụ công (DVC) này bằng hình thức đăng ký trực tuyến toàn trình. Trong kỳ thi năm 2024, đã có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 1.029.678 thí sinh đăng ký trực tuyến (chiếm tỷ lệ 96,11%, tăng hơn gần 2% so với cùng kỳ năm 2023). Hiện tại, đang trong quá trình xét tuyển ĐH, CĐ cho các thí sinh.

Điểm mới là đến nay, Bộ GD&ĐT không phải tổ chức phân chia thời gian đăng ký dự thi nên tất cả thí sinh có thể cùng truy cập vào hệ thống để đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến bằng tài khoản được cấp theo thời gian quy định; đồng thời, việc đối chiếu, xác nhận ưu tiên liên quan đến nơi cư trú cho thí sinh dự thi đã tích hợp chức năng khai thác dữ liệu dân cư trên Hệ thống quản lý thi và Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (Thí sinh không phải tự đi xin xác nhận bản giấy từ công an địa phương).

Chuyển đổi sổ (CĐS) trong lĩnh vực này giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục có liên quan, rút ngắn thời gian xét tuyển, tăng tính minh bạch, hạn chế gian lận trong thi cử, xét tuyển. Ước tính lợi ích từ việc thực hiện DVCTT toàn trình này có thể tiết kiệm cho xã hội khoảng 244 tỷ đồng/năm.

Bộ Công an cung cấp 2 DVCTT toàn trình cấp hộ chiếu phổ thông và thông báo lưu trú

Theo Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, “Cấp hộ chiếu phổ thông” và “Thông báo lưu trú” là hai trong số 25 DVC thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của CSDL quốc gia về dân cư với Cổng DVC Quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ giao cho Bộ Công an chủ trì thực hiện từ tháng 3/2022.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an và sự quyết tâm của các đơn vị nghiệp vụ thuộc bộ, hiện tại 2 DVC này được triển khai trực tuyến toàn trình theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP và đang phát huy được hiệu quả rõ rệt.

Về kết quả cụ thể, tính từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 30/9/2023 DVC cấp hộ chiếu phổ thông đã tiếp nhận trên 2.150.000 hồ sơ, trong đó có 1.980.000 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 94,28%; Thông báo lưu trú đã tiếp nhận 4.919.882 hồ sơ, trong đó có 4.912.994 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 99,86%.

Bộ Tài chính cung cấp DVCTT toàn trình Khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh

Bộ Tài chính triển khai DVCTT toàn trình trên Cổng DVC quốc gia và trang điện tử ngành thuế: “Khai thuế GTGT đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh”. Việc triển khai DVCTT toàn trình này đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra, mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ người nộp thuế không ngừng phát triển mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp (DN) và cho cơ quan nhà nước (CQNN).

Hiện tại đã có 100% DN thực hiện nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến, với số lượng hồ lên tới hơn 41 triệu hồ sơ. Tính từ đầu năm đến 30/11/2023, đã có 5.671.776 hồ sơ trực tuyến được giao dịch.

Bộ Tư pháp thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên - Huế

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/5/2023 của Chính phủ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2023 và Chỉ thị số 23/CT- TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách TTHC cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, Bộ Tư pháp đã cùng với Bộ Công an triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hà Nội.

Kể từ ngày 22/4, người dân tại Hà Nội và Thừa Thiên - Huế có thể đề nghị cấp Phiếu LLTP ngay trên ứng dụng VNeID. Đây là DVCTT toàn trình thiết yếu đầu tiên của Bộ Tư pháp (cùng với 2 dịch vụ của Bộ Công an) được triển khai trên VNeID.

Với việc kết nối, khai thác thông tin từ CSDL quốc gia dân cư, người dân chỉ phải tích hoặc điền 6/23 trường thông tin (giảm được 17 trường thông tin so với tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP truyền thống), do đó rất thân thiện với người dùng khi nộp hồ sơ trực tuyến chỉ trong vòng chưa đến 2 phút với vài click chuột kể từ khi đăng nhập thành công vào VNeID. Kết quả bản điện tử sẽ được cập nhật trên ứng dụng VNeID; đồng thời người dân có thể lựa chọn nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích nếu có nhu cầu.

buu-cuc-lltp_2.jpg
Nhân viên BĐVN hướng dẫn khách hàng khai thông tin trên Cổng DVCTT

Với sự chỉ đạo quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương liên quan, sau 2 tháng triển khai thí điểm từ 22/4/2022 - 22/6/2024, đã đạt được một số kết quả như tại Hà Nội, đã tiếp nhận 11.449 yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID, chiếm 50,37% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Tại Thừa Thiên - Huế: đã tiếp nhận 1.954 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID/, chiếm 70,23% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP.

Sau 2 tháng triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID đã cho thấy rõ lợi ích và sự thuận tiện mang lại cho người dân, đã có 50/61 địa phương đăng ký, đề nghị cấp tài khoản kết nối để thử nghiệm kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh và Phần mềm quản LLTP dùng chung. Cuối tháng 6/2024, Bộ Tư pháp đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tổng kết quá trình thí điểm và đề xuất triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Văn bản số 656/TTg-KSTT đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai DVCTT toàn trình

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã cung cấp 25/25 (100%) TTHC dưới dạng DVCTT toàn trình, các DVC được cung cấp trên nhiều nền tảng: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia, ứng dụng VssID, các nhà cung cấp dịch vụ IVAN. Hằng năm, có khoảng 13,5 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (nếu tính số lượng hồ sơ gắn với từng người lao động là gần 100 triệu hồ sơ giao dịch điện tử).

Khi thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế (KCB BHYT), người dân có thể lựa chọn sử dụng ứng dụng VssID, VNeID hoặc thẻ CCCD gắn chip để làm thủ tục KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy. 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng VssID, VNeID và thẻ CCCD gắn chip, giúp ngành BHXH Việt Nam cắt giảm được tối đa chi phí in ấn thẻ BHYT.

Với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên CCCD gắn chíp, VNeID, VssID, chỉ mất khoảng 6-15 giây để hoàn thành thủ tục đăng ký KCB BHYT, thay bởi mất tối thiểu 10 phút như trước đây.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Nền tảng quan trọng để triển khai các DVCTT toàn trình (cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe và 2 nhóm TTHC liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng).

Kinh nghiệm triển khai DVCTT của các bộ

Qua quá trình thực hiện triển khai DVCTT của các bộ, ngành, Bộ TT&TT đã tổng hợp rút ra bài học kinh nghiệm.

Đầu tiên là, về quyết tâm chính trị, nhận thức và xác định đúng tầm quan trọng, tính cấp bách của nhiệm vụ được giao, từ đó xác lập cơ chế chỉ đạo tương xứng từ lãnh đạo Bộ đến lãnh đạo đơn vị và chuyên viên thực hiện; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết ngay từ khi bước vào thực hiện nhiệm vụ với các mốc thời gian tính theo từng ngày, đồng thời quyết tâm thực hiện đúng thời gian từng nội dung công việc, để tạo cơ sở cho các bước tiếp theo hoàn thành đúng tiến độ.

Hai là, cần có sự phối hợp hiệp đồng, chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài cơ quan để giải quyết các vấn đề về kỹ thuật và nghiệp vụ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai DVCTT.

Ba là, việc chủ động triển khai các nhiệm vụ, giúp các đơn vị sẵn sàng trong công cuộc CĐS của bộ, ngành, tiếp cận và triển khai các tiện ích thiết thực phục vụ người dân và xã hội.

Bốn là, chú trọng phát triển hạ tầng CNTT, hoàn thiện CSDL dùng chung, an ninh an toàn, bảo mật dữ liệu, thực hiện kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư. Việc ứng dụng triển khai số hóa trên nền CSDL quốc gia về dân cư giúp các dữ liệu được liên thông, đồng bộ, làm sạch và ứng dụng triển khai được ngay để thực hiện các TTHC và DVCTT cho công dân

Năm là, tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành về nhiệm vụ CĐS (trong đó có việc triển khai DVCTT), từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa tới người dân và xã hội./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm của các bộ, ngành tiên phong cung cấp dịch vụ công trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO