“Đại dịch” thông tin về vắc-xin COVID-19 làm suy yếu các nỗ lực y tế cộng đồng

Ánh Dương| 05/12/2020 10:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Những thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19 đã phổ biến trên mạng xã hội trong suốt thời kỳ đại dịch, nhưng thời gian gần đây những thông tin này mới thật sự bùng nổ và được chia sẻ rộng rãi trên nhiều nền tảng và bởi nhiều các nhóm tư tưởng khác nhau gây ra những hệ lụy khó lường trong tương lai.

Bùng nổ thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19

Ngay từ hồi tháng 2, với sự lan rộng nhanh chóng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về một "đại dịch" khác đó là làn sóng tin giả và thông tin sai lệch về dịch bệnh chết người này trên mạng xã hội.

WHO đã định nghĩa "đại dịch" thông tin là một lượng thông tin dư thừa, cả trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm cả "những nỗ lực cố ý phổ biến những thông tin sai".

“Đại dịch” thông tin về vắc-xin COVID-19 làm suy yếu các nỗ lực y tế cộng đồng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Trong thời gian gần đây, với những hy vọng mới về vắc-xin COVID-19, WHO và các chuyên gia đang cảnh báo những hiện tượng tương tự có thể gây nguy hiểm cho việc triển khai các chương trình tiêm chủng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng này.

Theo đó, WHO cho biết: "Bệnh do virus corona là đại dịch đầu tiên trong lịch sử mà công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng trên quy mô lớn để đảm bảo cho mọi người được an toàn, cung cấp thông tin và kết nối hiệu quả".

Tuy nhiên, công nghệ mà chúng ta dựa vào để giữ kết nối và truyền tải những thông báo cũng đang kích hoạt và khuếch đại một trận dịch khác phá hoại phản ứng toàn cầu và gây nguy hiểm cho các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, WHO cảnh báo.

Hơn 1,4 triệu người đã tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, ba nhà phát triển vắc-xin - Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Đại học Oxford đang dẫn đầu một nhóm và một số chính phủ đã lên kế hoạch bắt đầu tiêm vắc-xin cho những người dễ bị tổn thương nhất trong năm nay.

Tuy nhiên, các chính phủ lại đang phải đối mặt với sự hoài nghi của người dân về việc vắc-xin được phát triển với tốc độ kỷ lục.

WHO cho biết: "Nếu không có sự tin cậy thích hợp và thông tin chính xác, các xét nghiệm chẩn đoán sẽ không được sử dụng, các chiến dịch tiêm chủng (hoặc các chiến dịch quảng bá vắc-xin) sẽ không đạt được mục tiêu và virus sẽ tiếp tục phát triển".

Steven Wilson, giáo sư tại Đại học Brandeis và là đồng tác giả của một nghiên cứu mang tên "Truyền thông xã hội và vắc xin phòng ngừa" được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh mới đây đã cho thấy mối liên hệ giữa các chiến dịch thông tin sai lệch trực tuyến và sự sụt giảm tiêm chủng.

"Nỗi sợ hãi của tôi liên quan đến tác động của thông tin sai lệch trên mạng xã hội trong bối cảnh COVID-19 là nó sẽ làm tăng số lượng người do dự về việc tiêm vắc-xin, ngay cả khi nỗi sợ hãi của họ không có cơ sở khoa học. Bất kỳ loại vắc-xin nào cũng chỉ hiệu quả khi khả năng của chúng tôi có thể triển khai vắc-xin cho người dân", Steven Wilson chia sẻ.

Theo Rory Smith thuộc trang web chống thông tin sai lệch của First Draft: "Từ góc độ thông tin, cuộc khủng hoảng COVID-19 không chỉ nhấn mạnh quy mô tuyệt đối của thông tin sai lệch trên toàn cầu, mà còn tác động tiêu cực đến sự tin tưởng vào vắc-xin, vào các tổ chức và các phát hiện khoa học mới".

Rachel O'Brien, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng của WHO, cho biết cơ quan này lo lắng việc thông tin sai lệch được tuyên truyền bởi cái gọi là phong trào "chống vaxxer" có thể thúc đẩy mọi người thực hiện hình thức tự miễn dịch chống lại virus corona.

“Đại dịch” thông tin về vắc-xin COVID-19 làm suy yếu các nỗ lực y tế cộng đồng - Ảnh 2.

Các tình nguyện viên chờ đợi để được tiêm vắc-xin mới COVID-19 do Trung Quốc sản xuất. (Ảnh: AFP)

Thời gian qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều thông tin sai lệch kỳ quặc như một số thuyết âm mưu cho rằng đại dịch COVID-19 mới là một trò lừa bịp hoặc nó một phần của kế hoạch do Bill Gates chủ mưu, nhằm kiểm soát dân số. Và các chương trình tiêm chủng là lá chắn cho việc cấy các con chip siêu nhỏ vào người để theo dõi họ.

Những quan niệm như vậy đã không còn hiếm gặp khi mà các cuộc thăm dò mới đây cho thấy người dân ở một số quốc gia, chẳng hạn như Thụy Điển và Pháp, đã hoài nghi về việc sử dụng vắc-xin, đặc biệt là khi các phương pháp điều trị đã được phát triển trong thời gian kỷ lục mà chưa có nghiên cứu dài hạn nào về hiệu quả của chúng và các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Trong một cuộc thăm dò mới đây của Ipsos cho thấy chỉ 54% người Pháp sẽ tự chủng ngừa để chống lại virus corona, thấp hơn 10 điểm % so với ở Mỹ, 22 điểm % so với Canada và 33 điểm % so với Ấn Độ. Tại 15 quốc gia, 73% người dân cho biết họ sẵn sàng tiêm vắc-xin chống lại COVID-19, thấp hơn 4 điểm % so với cuộc thăm dò trước đó vào tháng 8.

Khi mọi người không thể dễ dàng tiếp cận thông tin đáng tin cậy, thì sự hoài nghi về những vấn đề liên quan đến vắc-xin hay dịch bệnh sẽ ngày càng tăng đối với tất cả các cơ quan có thẩm quyền, cho dù đó là chính phủ hay khoa học.

“Đại dịch” thông tin về vắc-xin COVID-19 làm suy yếu các nỗ lực y tế cộng đồng - Ảnh 3.

Facebook cấm các thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19

Mới đây, Facebook cho biết sẽ xóa các tuyên bố sai sự thật về vắc-xin COVID-19, sau một thông báo tương tự của YouTube của Alphabet vào tháng 10.

Động thái này nhằm mở rộng các quy tắc hiện tại của Facebook chống lại những lời nói dối và thuyết âm mưu về đại dịch.

Theo đó, công ty truyền thông xã hội này cho biết họ sẽ loại bỏ những thông tin sai lệch về COVID-19 có nguy cơ gây hại "sắp xảy ra" như loại bỏ các thuyết âm mưu về vắc-xin COVID-19 đã bị lật tẩy, những thông tin về tính an toàn của vắc-xin đang được thử nghiệm trên các đối tượng cụ thể mà không có sự đồng ý của họ, đồng thời ghi nhãn và giảm phân phối những tuyên bố sai lệch khác.

"Điều này có thể bao gồm các tuyên bố sai về tính an toàn, hiệu quả, thành phần hoặc tác dụng phụ của vắc-xin. Ví dụ: chúng tôi sẽ xóa các tuyên bố sai sự thật rằng vắc-xin COVID-19 chứa vi mạch", công ty này cho biết trong một bài đăng trên blog.

Facebook không nói rõ khi nào họ sẽ bắt đầu thực thi chính sách đã cập nhật, nhưng họ cũng thừa nhận rằng sẽ "không thể bắt đầu thực thi các chính sách này trong một sớm một chiều".

Sự thay đổi chính sách toàn cầu này được đưa ra để đáp lại tin tức vắc xin COVID-19 sẽ sớm được tung ra khắp thế giới.

Một báo cáo trong tháng 11 của tổ chức phi lợi nhuận First Draft cho thấy 84% tương tác được tạo ra bởi nội dung liên quan đến thuyết âm mưu về vắc-xin đến từ các trang Facebook và Instagram.

Công ty truyền thông xã hội thường hiếm khi xóa những thông tin sai lệch về các vắc-xin khác theo chính sách xóa nội dung có nguy cơ gây hại sắp xảy ra. Tuy nhiên, trước đó, công ty này đã loại bỏ những thông tin sai lệch về vắc-xin ở Samoa, nơi bùng phát dịch sởi đã giết chết hàng chục người vào cuối năm ngoái và xóa bỏ những tuyên bố sai sự thật về một vụ tiêm vắc-xin bại liệt ở Pakistan dẫn đến bạo lực đối với nhân viên y tế.

Gần đây, Facebook cũng đã xóa một trang chống vắc-xin nổi bật và một nhóm tư nhân lớn - nhóm liên tục phá vỡ các quy tắc thông tin sai lệch về COVID-19. Hồi tháng 10, họ cũng đã thực hiện việc cấm những quảng cáo không khuyến khích mọi người tiêm vắc-xin.

Mức độ nghi ngờ càng tăng cao sẽ càng làm suy yếu các nỗ lực y tế cộng đồng ứng phó với COVID-19 và tạo điều kiện cho sự lây lan của virus ở các nước trên thế giới. Và những chính sách mới được coi là động thái kiên quyết tiếp theo của hãng công nghệ khổng lồ này nhằm chống các thông tin giả tràn lan trên mạng xung quanh đại dịch COVID-19.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Đại dịch” thông tin về vắc-xin COVID-19 làm suy yếu các nỗ lực y tế cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO