Đổi mới sâu và rộng
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn được biết đến là một dân tộc đầy bản lĩnh và tài năng. Điều này đã được thể hiện trong cuộc chiến tranh giữ nước và càng được thể hiện một cách rõ nét trong thời bình, trong phát triển kinh tế, xây dựng và quản lý đất nước. Đặc biệt là kinh tế trong thời kỳ hội nhập như hiện nay. Theo ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến nay, chúng ta đã đổi mới kinh tế khá sâu. Tuy nhiên, với tình hình thế giới thay đổi nhanh, nhiều mặt cho nên kinh tế của ta vẫn cần tiếp tục đổi mới nhiều hơn, khẩn trương hơn nữa. Ông cho rằng cho dù đã đổi mới, nhưng dường như kinh tế Việt Nam còn khá chậm chạp. Kinh tế tư nhân vẫn còn gặp không ít rào cản, chưa dễ phát huy hết tiềm lực. Doanh nghiệp Nhà nước nhìn chung đổi mới chưa nhiều, hiệu quả hoạt động chưa được nâng cao rõ rệt, còn nhiều những điển hình có thể bứt phá, việc cổ phần hoá, đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế bố trí, lựa chọn nhân sự quản lý còn cần những thay đổi quyết liệt hơn, sâu sắc hơn. Ông khẳng định: "Đi đôi với đổi mới kinh tế, chúng ta đã có nhiều đổi mới chính trị quan trọng, nhưng chưa tương xứng với đổi mới kinh tế. Chính vì vậy, thời gian tới, đổi mới chính trị càng phải được quan tâm nhiều hơn. Hai mặt này phải song hành, đồng bộ thì đổi mới mới đạt kết quả cao và bền vững. Đổi mới chính là để xây dựng được CNXH đích thực: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".
Đi tìm "nô bộc" của dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là "đầy tớ" thật trung thành của Nhân dân. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, Đảng chọn nhầm cán bộ nghĩa là Nhân dân "bị" chọn nhầm "đầy tớ". Đây là sự bất hạnh khi quần chúng nhân dân phải chịu sự lãnh đạo của những kẻ kém đức, kém tài nhưng hằng ngày lại rao giảng đạo đức, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Nói một cách khác, Nhân dân lo nhất là Đảng cử nhầm người dẫn đến người dân chọn nhầm "đầy tớ". Cơ chế bầu cử trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay là "Đảng cử, dân bầu", cho nên mỗi quyết định nhân sự của Đảng liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Vì vậy, một trong những kỳ vọng của người dân tại Đại hội lần này là sẽ không chọn nhầm bất cứ một cán bộ nào, tránh những câu chuyện "chặt cành để cứu cây" đau xót đã xảy ra ở nhiệm kỳ XII của Đảng.
Nhiệm kỳ qua (2016-2021), với quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân, chúng ta đã đẩy mạnh công cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Hơn 110 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có cả những người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, thậm chí bị khởi tố, xử tù. Điều đó khiến người dân vui mừng, tin vào chủ trương của Đảng: "Không có vùng cấm" trong xử lý tiêu cực. Nhưng ngược lại, cũng phải thấy rằng, ở các đại hội trước đây, chúng ta đã để lọt những người không xứng đáng vào Trung ương, vì sự vi phạm của họ là cả một quá trình, nhiều nhiệm kỳ chứ không phải vào Trung ương họ mới tha hóa, biến chất.
Để bầu chọn đúng, trúng những người có đức, có tài, đòi hỏi rất cao trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước và Nhân dân của những đại biểu dự Đại hội. Vì lẽ đó, nhiều người dân mong muốn các đại biểu cẩn trọng, nghiên cứu thật kỹ lưỡng, kiên quyết không bầu những người mình còn thấy "lăn tăn" về đạo đức, lối sống; không đặt nặng cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn. Muốn vậy, cần thảo luận thật dân chủ phương án nhân sự tại Đại hội, thấy cái đúng phải bảo vệ, thấy "lăn tăn" về bất cứ nhân sự nào phải cương quyết nêu ra để Đại hội thảo luận, quyết định.
Một trong những nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng ta là tập trung dân chủ. Theo đó, dân chủ càng được mở rộng thì trình độ tập trung càng cao. Nếu Đảng ta mở rộng được dân chủ trong bầu cử theo hướng để đảng viên tham gia bầu cử trực tiếp ngày càng nhiều hơn thì sẽ chọn đúng hơn những người có đức, có tài, những người thực sự vì lý tưởng của Đảng, vì "dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh". Nhân dân hy vọng, vấn đề này sẽ được thảo luận tại Đại hội XIII, để sau Đại hội, Đảng ta sẽ triển khai đổi mới công tác bầu cử trong Đảng mạnh mẽ hơn nữa.
Tận dụng sự bứt phá của công nghệ
Ngày nay, công nghệ ngày càng hiện đại, nhất là khi mà trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin ngày càng hỗ trợ một cách đắc lực cho con người. Vì lẽ đó, việc Đảng ta ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ công tác bầu cử được chính xác là điều cần thiết. Đồng thời, về lâu dài, Đảng ta nên coi trọng việc ứng dụng công nghệ hiện đại để đổi mới nội dung, phương thức bầu cử. Trình độ đảng viên ngày càng cao, điều đó cho phép chúng ta mở rộng dân chủ trực tiếp, làm sao để ngày càng đông đảo đảng viên có thể tham gia thảo luận về đường lối, chủ trương của Đảng và tham gia bầu cử trực tiếp để lựa chọn nhân sự cấp cao của Đảng. Điều lệ Đảng đã quy định quyền bầu cử, ứng cử của đảng viên, nhưng trước đây chúng ta chưa có điều kiện để thực hành cơ chế bầu cử trực tiếp, chủ yếu vẫn là cơ chế bầu cử ủy quyền. Hy vọng, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, Đảng ta sớm nghiên cứu, áp dụng để mở rộng quyền bầu cử trực tiếp trong Đảng.
Tự tin nhưng không tự mãn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Điều đó khẳng định rằng, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng trong chặng đường 90 năm qua là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Trước đây, trong chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, chúng ta chiến đấu giỏi, khiến thế giới khâm phục. Ngày nay thế giới ngày càng kính nể Việt Nam và đang khen ngợi Việt Nam về thành tích chống COVID-19 và phát triển kinh tế. Chúng ta không tự mãn, nhưng ngày càng thêm tự tin, tài năng, bản lĩnh vốn có của người Việt Nam trong chiến tranh, bảo vệ đất nước đã dần dần thể hiện trong xây dựng, phát triển kinh tế, quản lý đất nước. Đó là nhờ sự lãnh đạo quyết liệt, sáng tạo của Đảng, Nhà nước và tinh thần quyết tâm vượt khó vươn lên của nhân dân ta. Qua đó cũng cho thấy quyết tâm chính trị, khát vọng và tinh thần đổi mới của đất nước.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng cảnh báo: "Không được chủ quan, tự mãn. Chủ quan là thất bại, có thể quá khứ rất oanh liệt, huy hoàng, vĩ đại nhưng chỉ cần chủ quan, tự mãn là thất bại, đổ vỡ". Chính vì vậy, với quan điểm tự tin nhưng không tự mãn, hy vọng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chắc chắn sẽ tạo tiền đề đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.