Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: A.VINH)
Nhiều dấu ấn nổi bật
Trong tham luận tại Đại hội diễn ra sáng ngày 27/1, đại biểu Nguyễn Văn Phong đã nêu bật thành tựu của Hà Nội sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 20 năm thực hiện Nghị quyết 15 - NQ/TW và Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII và khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, 12 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố trong nước và bạn bè quốc tế, với tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất cao, tranh thủ thuận lợi, thời cơ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Hà Nội đã có nhiều đổi thay nhanh chóng, kinh tế Thủ đô đã vượt qua suy thoái, liên tục tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước.
Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Môi trường đầu tư kinh doanh tích cực được cải thiện (chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố) hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài luôn dẫn đầu cả nước (năm 2019 đạt 8,05 tỷ USD mức cao nhất trong 30 năm đổi mới và hội nhập).
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng (gấp 1,36 lần năm 2016). Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Đến cuối năm 2020, Hà Nội có 13 huyện và 368 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 96,3%) và hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra.
Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước.
Trong quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước. Trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ... Đồng thời, việc liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước ngày càng được tăng cường; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô được nâng cao.
Đặc biệt, theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới. Đảng bộ thành phố đã gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) gắn với việc "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đạt kết quả toàn diện, quan trọng. Luôn giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm, bản lĩnh trong cấp ủy và tổ chức đảng các cấp.
Công tác củng cố các cơ sở đảng, giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội có nhiều kết quả tích cực. Công tác cán bộ được thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ có chuyển biến rõ rệt. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.
Truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm, bản lĩnh trong cấp ủy và tổ chức đảng các cấp được giữ vững và phát huy, kể cả những lúc khó khăn nhất. Đây có thể coi là một điểm sáng trong công tác xây dựng Đảng của thành phố trong nhiệm kỳ này tạo nền tảng xây dựng Đảng bộ thành phố ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo.
Mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng, phẩm chất cao đẹp, Hà Nội đã làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội được bạn bè thế giới ngợi ca là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; được UNESCO vinh danh là "Thành phố vì hòa bình". Ngày 30/10/2019, UNESCO tiếp tục chính thức ghi danh Hà Nội tham gia vào mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" thế giới.
"Đây là cơ hội thuận lợi cho thành phố trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa, đưa Hà Nội thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á - điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới", đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định.
Đứng trước bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nhất là dịch COVID-19 đang tạo ra những thay đổi lớn trên thế giới về thương mại, đầu tư… và tác động cả tới tình hình chính trị. Trong nước, vị thế và tiềm lực của đất nước sau gần 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều, nhưng nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro. Đối với Hà Nội, với vị trí, vai trò đặc biệt, thế, lực và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.
Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Thông minh - Hiện đại". (Ảnh: Lê Việt)
Tầm nhìn và chiến lược mới vì một Hà Nội "Xanh - Thông minh - Hiện đại"
Có thể thấy, thuận lợi và thách thức đan xen lẫn nhau nhưng thuận lợi và cơ hội cho đất nước, cho Hà Nội vẫn là chủ đạo để phát triển. Với truyền thống văn hiến, anh hùng, "Thành phố vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo" được Nhân dân cả nước tin yêu và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đặc biệt với vị thế, yêu cầu phát triển ngày càng cao của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ", "Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu về tất cả mọi phương diện. Đây là yêu cầu khách quan được đặt ra".
Nhận thức sâu sắc về điều đó cùng với tầm nhìn chiến lược rộng mở và quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Thông minh - Hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong để thực hiện thành công những mục tiêu, chỉ tiêu khẳng định vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025.
Một là, ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, có không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; tăng cường phân cấp, ủy quyền; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng thủ đô thành nơi đáng sống, làm cho văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần tiêu biểu, động lực quan trọng quyết định phát triển thủ đô.
Để cụ thể hóa, Hà Nội đã xây dựng 10 chương trình công tác toàn khóa với nội dung bao trùm tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; Chương trình phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thủ đô; Chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị…
Đồng thời, thành phố sẽ triển khai việc xây dựng mạng lưới "Sáng kiến Hà Nội" để tập hợp, phát huy tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân… có tình yêu, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển Hà Nội ở trong nước cũng như quốc tế.