Đài Loan giải bài toán "khát" nhân lực chip bằng cách thành lập các trường đào tạo chuyên biệt

Hoàng Linh| 14/03/2022 09:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Đài Loan đang chạy đua để thành lập các "trường học chip" chuyên biệt hoạt động quanh năm để đào tạo thế hệ kỹ sư bán dẫn tiếp theo và củng cố vị thế thống trị của ngành công nghiệp quan trọng này.

Các kế hoạch được Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen đưa ra khi các công ty chip đầu tư hàng tỷ USD vào việc mở rộng công suất để tạo ra "bộ não" cấp nguồn cho mọi thứ từ điện thoại thông minh đến máy bay chiến đấu, trong bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu. Riêng gã khổng lồ chip TSMC trong năm nay sẽ chi tới 44 tỷ USD và tuyển dụng hơn 8.000 nhân viên.

Jack Sun, nguyên giám đốc công nghệ của TSMC đã nghỉ hưu vào năm 2018 và trở thành hiệu trưởng của một trong những trường đào tạo về bán dẫn mới vào năm ngoái, nói với Reuters rằng các công ty chip cần nhiều nhân lực và tài năng hơn để cạnh tranh trên trường toàn cầu.

Hiệu trưởng Sun cho biết: "Tôi đang dành những năm tháng quý báu của mình để đào tạo tài năng" và ông hướng mắt tới đồng nghiệp cũ tại TSMC của ông là Burn Lin, lớn tuổi hơn và là hiệu trưởng của một trường chip khác.

Sun và Lin, những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành đã chuyển sang làm công tác đào tạo, cho thấy chiến lược của Đài Loan trong việc tăng cường mối quan hệ giữa ngành và giới học thuật để duy trì là một nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen cho biết vào tháng 12/2021 tại buổi ra mắt trường Đại học Nghiên cứu Bán dẫn của Đại học Quốc gia Tsing Hua: "Trong việc ươm mầm tài năng lĩnh vực bán dẫn, chúng tôi đang chạy đua với thời gian".

Đài Loan giải bài toán

Phòng thí nghiệm chip tại Đại học Quốc gia Cheng Kung ở Đài Nam, Đài Loan (Ảnh: X06716)

Theo Bộ Giáo dục, Đài Loan đã hợp tác với các công ty chip hàng đầu để trả tiền cho các trường này. Bốn trường đầu tiên đã được thành lập tại các trường đại học hàng đầu vào năm ngoái, mỗi trường có chỉ tiêu khoảng 100 sinh viên thạc sĩ và tiến sĩ, và một trường khác đã được phê duyệt.

Trong một buổi công bố trường khác, Tổng thống Tsai Ing-wen cho biết: "Tôi đặc biệt yêu cầu các trường này mở cửa quanh năm, không nghỉ đông và nghỉ hè, để chúng tôi có thể nhanh chóng đào tạo ra tài năng".

Sự thiếu hụt nhân lực chip là mối quan tâm hàng đầu đối với Đài Loan, đây vốn được coi là ngành công nghiệp rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an ninh của Đài Loan.

Ưu tiên hàng đầu

Terry Tsao, Chủ tịch của tập đoàn công nghiệp SEMI Đài Loan, cho biết ngay cả trước khi tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu diễn ra, các công ty lo ngại sự khan hiếm nhân tài có thể cản trở ngành công nghiệp này đang bùng nổ.

Vào tháng 9/2019, Tsao và khoảng 20 giám đốc điều hành chip Đài Loan và nước ngoài đã gặp gỡ và thúc giục chính phủ giải quyết vấn đề. "Mọi người đều cho rằng đây là ưu tiên hàng đầu", Tsao nói.

Giờ đây, khi các quốc gia cam kết hàng tỷ USD cho sản xuất chip trong nước và các công ty đang tranh nhau xây dựng các nhà máy mới, nhu cầu về người thiết kế, sản xuất và thử nghiệm chip ngày càng tăng.

Trong quý 4 năm 2021, trung bình có gần 34.000 việc làm ngành chip mỗi tháng trên 104 Job Bank, một nền tảng tuyển dụng phổ biến của Đài Loan, nhiều hơn khoảng 50% so với một năm trước đó, theo dữ liệu do 104 cung cấp.

Mặc dù nhu cầu về công nhân đã tăng vọt, nhưng Đài Loan - một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới - đã có số kỹ sư ít hơn trong thập kỷ qua. Thậm chí số người làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về công nghệ đột phá cũng sụt giảm.

Để cạnh tranh, các công ty Đài Loan đã công bố các mức lương cao hơn, thời gian nghỉ phép khi làm cha mẹ dài hơn, nhiều học bổng để thu hút các kỹ sư từ các công ty khác và tuyển dụng tài năng mới. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng trong cung - cầu nhân lực trong lĩnh vực này tại Đài Loan.

Năm nay, MediaTek có kế hoạch tuyển dụng hơn 2.000 nhân viên R&D và tăng gấp đôi số lượng thực tập sinh mùa hè để thu hút nhân tài sớm hơn.

Các công ty cũng đang tìm kiếm nhân lực ở nước ngoài. Hãng sản xuất chip Đài Loan United Microelectronics Corp cho Reuters biết công ty này có kế hoạch tuyển dụng hơn 1.500 nhân viên mới tại Đài Loan trong năm nay và đang mở rộng các kênh tuyển dụng ở nước ngoài.

Thu hẹp khoảng cách

Tháng 5 năm ngoái, Đài Loan đã thông qua một quy định nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các trường học và công ty hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng đối với lợi ích quốc gia, mở đường cho việc thành lập các trường học đào tạo lĩnh vực chip. Các quy tắc nới lỏng hơn cho phép các trường nhận thêm nguồn hỗ trợ của công ty và tăng lương cho giảng viên.

Ngoài khoản hỗ trợ, các công ty sẽ giúp thiết kế chương trình giảng dạy, cử giám đốc điều hành đến nói chuyện và gửi các chuyên gia chip đến giảng dạy các khóa học và tư vấn cho các dự án nghiên cứu.

Su Yan-kuin, Hiệu trưởng trường chip tại Đại học Quốc gia Cheng Kung, trong văn phòng của mình trong khi các công nhân đang lắp ráp chip bên cạnh, cho biết: "Khi công nghệ chip phát triển nhanh chóng, có một khoảng cách giữa những gì bạn học và những gì bạn cần sử dụng tại công ty. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp bán dẫn, kết nối ngành và giới học thuật, do đó thu hẹp khoảng cách".

Đài Loan giải bài toán

TS. Su Yan-Kuin, Hiệu trưởng trường chip tại Đại học Quốc gia Cheng Kung ở Đài Nam, Đài Loan. (Ảnh: Reuters)

Lin Chun-yu, 24 tuổi, một nghiên cứu sinh sắp tới tại trường của Hiệu trưởng Su, sẽ nhận được 1.411 USD/tháng, một khoản hỗ trợ mà các sinh viên tiến sĩ ở Đài Loan thường không có được. Lin Chun-yu cho biết "Sự hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp sẽ rất hữu ích cho việc học tập của tôi và việc làm".

Trong khi một số người ở Đài Loan lo ngại việc tập trung lớn cho lĩnh vực bán dẫn sẽ liên quan tới chi phí cho các ngành công nghiệp khác, trong khi những người khác cho biết chi phí hỗ trợ như vậy là cần thiết.

Yeh Wen-kuan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chất bán dẫn Đài Loan, nói về việc các trường đào tạo nhân lực chip sẽ hút sinh viên từ các lĩnh vực khác. "Việc đào tạo này sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong hệ sinh thái. Nhưng không có lựa chọn nào khác ngay bây giờ. Là huyết mạch của Đài Loan, trước tiên bạn phải nắm lấy lĩnh vực đó. Nếu không nắm giữ nó, thì nền kinh tế Đài Loan làm sao phát triển?".

Không chỉ Đài Loan khát nhân lực chip

Theo Wall Street Journal (WSJ), nguồn cung nhân công có trình độ ngày càng cạn kiệt đã khiến các công ty bán dẫn lo lắng trong nhiều năm. Theo các quan chức trong ngành, mối quan tâm đó ngày càng tăng lên bởi sự thiếu hụt lao động toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã đẩy mọi việc lên môi trường số và cuộc chạy đua giữa các chính phủ nhằm tăng cường khả năng sản xuất chip trong nước.

Đài Loan giải bài toán

Nhà sản xuất chip theo hợp đồng GlobalFoundries, có trụ sở tại Malta, New York, dự kiến thị trường lao động sẽ tiếp tục thắt chặt trong vài năm tới.

Các cơ sở sản xuất chip mới, được gọi là nhà máy chế tạo, hoặc "fab" cần hàng nghìn kỹ sư có trình độ đại học để vận hành. Bên cạnh đó, lĩnh vực còn cần các kỹ thuật viên giám sát và quản lý quá trình sản xuất, trong khi các nhà nghiên cứu giúp đổi mới các loại chip mới và cách chế tạo chúng.

Intel đã cam kết đầu tư hơn 100 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chip trong những năm tới tại Mỹ và Châu Âu. Các công ty Tawan Semiconductor Manufacturing, Samsung Electronics và những công ty khác cũng có kế hoạch mở rộng quy mô lớn.

Theo một báo cáo của Eightfold.ai, một công ty quản lý nhân tài, chỉ riêng tại Mỹ, khoảng hơn 70.000 - 90.000 nhân viên cần phải được bổ sung vào năm 2025 để đáp ứng nhu cầu lực lượng lao động quan trọng nhất cho việc mở rộng quy mô dự kiến. Theo nghiên cứu, việc mở rộng tham vọng hơn này để Mỹ không phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, điều mà một số thành viên Quốc hội Mỹ đang thúc giục, sẽ nâng con số nhân lực lên 300.000 người cần được bổ sung./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đài Loan giải bài toán "khát" nhân lực chip bằng cách thành lập các trường đào tạo chuyên biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO