Truyền thông

Đảm bảo chính sách đặc thù để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

NM 12/11/2024 09:13

Việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị tích cực thực hiện, triển khai hiệu quả các chính sách chỉ đạo về phát triển kinh tế, xã hội toàn diện của Đảng, Nhà nước, Chính phủ chính là một nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, luôn cần phải thực hiện nỗ lực, thường xuyên, quyết tâm cao.

Đặc biệt, nhất là việc ưu tiên thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, giảm nghèo… đảm bảo tất cả doanh nghiệp (DN), người dân luôn có cơ hội, điều kiện tốt nhất “tiến về phía trước”, “không có đối tượng bị bỏ lại phía sau”, từ đó giúp DN, người dân ổn định, thuận lợi phát triển, bền vững.

Các chính sách vay vốn, hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh thực tế

Sáng ngày 11/11, tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, trong phiên hỏi, trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có những chia sẻ rõ nét về việc thực hiện các chính sách đã triển khai thời gian qua.

Theo đó, trả lời câu hỏi của đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tuyên Quang về việc NHNN đã có những chính sách hỗ trợ như thế nào đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong giai đoạn khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung quan tâm, rà soát các khách hàng vay vốn tại tổ chức mình để xác định mức độ thiệt hại các khoản dư nợ mà khách hàng và người dân đã vay tại ngân hàng.

Đặc biệt, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định hiện hành. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD xem xét giảm lãi cho DN và người dân chịu tác động của cơn bão số 3.

screenshot-1845-(1).png
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: NHNN đã được Chính phủ giao nhiệm vụ đầu mối để ban hành Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

Cũng liên quan đến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định về việc triển khai Nghị quyết 143 của Chính phủ để khắc phục hậu quả cơn bão, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN trình Chính phủ về phân loại tài sản có về rủi ro khi thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các DN và người dân chịu tác động của bão lũ.

Đồng thời, NHNN đã dự thảo các thông tư hướng dẫn và xin ý kiến theo quy trình. Xác định đây là một sự cố cấp thiết nên NHNN đã trình các cấp có thẩm quyền để xin ban hành theo thủ tục rút gọn.

“Tuy nhiên, theo quy định, phần quyết định về phân loại trích lập dự phòng tự do đối với các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vì vậy, đồng thời với xây dựng dự thảo thông tư, NHNN cũng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để sớm triển khai trong thực tiễn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La về giải pháp hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng cơn bão số 3 vay vốn, Thống đốc NHNN cho biết, khi cơn bão số 3 xảy ra gây thiệt hại lớn, NHNN đã rà soát và xác định được dư nợ, con số tương đối lớn; chỉ đạo các TCTD thực hiện giảm lãi suất và cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đến nay, NHNN trong quá trình hoàn tất ban hành thông tư sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về phân loại nợ, phân loại rủi ro đối với các khoản vay khi các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, về tài sản đảm bảo của các hộ dân không còn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, NHNN đã chỉ đạo các TCTD khảo sát, phối hợp với từng xã, địa phương rà soát để quyết định cho vay. Nếu không còn tài sản đảm bảo nhưng phương án kinh doanh khả thi và chứng minh được khả năng trả nợ, các TCTD vẫn cho vay theo hình thức tín chấp...

Chính sách đặc thù để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Cũng tại phiên chất vấn, Thống đốc NHNN đã trả lời các câu hỏi về những giải pháp cụ thể thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, các chính sách xã hội giúp các địa phương đảm bảo nguồn vốn vay, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia...

Cụ thể, trả lời câu hỏi về giải pháp thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã được Chính phủ giao nhiệm vụ đầu mối để ban hành Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, trong đó có nhấn mạnh nội dung về các đối tượng yếu thế, DN nhỏ và vừa, các đối tượng khó khăn đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Mục tiêu của Chiến lược này là giúp người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc có khả năng tiếp cận tài chính với chi phí hợp lý.

Triển khai Chiến lược này, NHNN đã ban hành các văn bản chỉ đạo. Trong thực tế, kết quả triển khai tương đối tích cực, đó là tất cả các kênh cung ứng dịch vụ của hệ thống ngân hàng đều có thể: Cung cấp trên các kênh số, kênh điện tử; cho phép các cá nhân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận, sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ, hoặc tiếp cận các khoản tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Trả lời câu hỏi giải pháp hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương đảm bảo nguồn vốn vay của đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, nguyên tắc, khoản cho vay theo các đối tượng thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội phải từ ngân sách nhà nước (Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh).

screenshot-1847-(1).png
Các đại biểu tại phiên hỏi, trả lời chất vấn sáng ngày 11/11

Do đó, NHNN Việt Nam vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước duy trì 2% vốn; đồng thời, đề xuất có các nguồn vốn để tiếp tục thực hiện chương trình cho vay đối với các đối tượng của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thống đốc cũng cho biết, trước đây theo quy định, chỉ được phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng khoản trái phiếu đến hạn, như vậy không tăng được dư nợ. “Do đó, NHNN đang đề nghị tháo gỡ vướng mắc này để dư địa của Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng lên. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD trong hệ thống quan tâm mua trái phiếu Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành để có nguồn thực hiện cho vay đối với đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Cũng trả lời câu hỏi về việc thực hiện Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia của đại biểu Phạm Thị Minh Huệ, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, Thống đốc NHNN cho biết, từ năm 2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40 để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, con số ủy thác của các địa phương lên tới 47.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12,9% trong tổng số nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội từ ngân sách Trung ương, từ địa phương, từ các tiền gửi của TCTD… đây là một con số không nhỏ và có vai trò rất quan trọng.

Gia tăng nhiều nguồn vốn vay

Liên quan đến các câu hỏi về nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã báo cáo, tham mưu cho Chính phủ để tăng cường vốn cho DN và người dân. Theo đó, hiện có rất nhiều nguồn vốn cho DN và người dân như: Nguồn vốn tự có, nguồn vốn vay ngân hàng, nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài, nguồn vốn vay nợ (hiện đã có cơ chế DN đi vay vốn nước ngoài, có khả năng tự vay - tự trả)…

Tiếp đó, đối với giải pháp để người thu nhập thấp mua được nhà ở, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực trạng thị trường bất động sản hiện nay đang mất cân đối cung - cầu về các phân khúc, nhất là đối với phân khúc người thu nhập thấp chưa được phát triển mạnh mẽ. Do đó, NHNN đã có giải pháp tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn...

NHNN đã ban hành các thông tư để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, qua đó góp phần giúp các DN kinh doanh bất động sản tiếp cận nguồn vốn vay mới. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD giảm và miễn lãi các dự án, trong đó có các dự án bất động sản.

Như vậy, với những trả lời chất vấn cụ thể trên cho thấy ngành NHNN thời gian qua đã thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội và thiết nghĩ những kết quả này cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa sẽ góp phần gia tăng các lợi ích an sinh xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân ngày một hạnh phúc, bền vững./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo chính sách đặc thù để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO