"Đám mây": công cụ số "cất cánh" cho các ngân hàng phát triển

Đỗ Minh| 03/12/2021 08:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong tiến trình phát triển của các ngân hàng, việc chuyển đổi số (CĐS) sẽ góp phần tạo hiệu quả doanh thu, tăng chất lượng phục vụ, trải nghiệm khách hàng... Và đây chính là các mục tiêu, đích để các ngân hàng hướng đến.

Một trong các giải pháp tối ưu chính là cần thiết phải có một phương án chủ động để chuyển đổi hạ tầng các dịch vụ dựa trên mô hình sử dụng công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM), vì đây đang được coi là công cụ số giúp các ngân hàng "cất cánh" phát triển lớn mạnh, bền vững trong hiện tại và tương lai.

Đám mây công cộng (Public cloud): chìa khóa tạo hệ thống hạ tầng theo hướng dịch vụ, phục vụ

Nói về điều này, ông Phạm Thế Hiển, Giám đốc chương trình hạ tầng linh hoạt Blue ngân hàng ACB cho rằng, giờ đây dòng chảy CĐS trong các ngân hàng đang chuyển biến rất mạnh mẽ, tuy nhiên,  vẫn luôn cần một sự "tiến hóa" tích cực, mạnh mẽ từ dòng chảy chuyển đổi này.

ACB luôn đặt niềm tin lớn để triển khai hạ tầng linh hoạt theo hướng dịch vụ, phục vụ để thay thế hạ tầng truyền thống, tạo môi trường làm việc số được kết nối ổn định trên môi trường đám mây. Việc triển khai này giúp hướng đến đạt các mục tiêu hướng đến, tạo ra các trải nghiệm dịch vụ CNTT cho khối bên trong (phòng, ban), bên ngoài (đối tác, tổ chức, khách hàng).

Cloud – công cụ số

Công nghệ đám mây sẽ giúp ACB hạn chế chi phí, tăng lợi ích kinh tế, liên thông vận hành.

"Một trong các giải pháp ACB đang tập trung phát triển, triển khai chính là sử dụng các công nghệ đám mây vì điều này giúp ACB đưa ra các kế hoạch quản lý chặt chẽ, giảm các chi phí đầu tư và phân bổ, khai thác các nguồn tài nguyên hợp lý", Giám đốc Hiển nhấn mạnh

Bổ sung thêm cho quan điểm đổi mới, hướng đi chuyển đổi bắt buộc này, ông Phan Hoài Bảo, Giám đốc thiết kế hạ tầng hướng dịch vụ, phục vụ của ACB nói rõ hơn, hạ tầng theo hướng dịch vụ bao gồm các dịch vụ khi cung cấp đến người dùng, khách hàng được hoàn chỉnh, đóng gói sẵn theo nhu cầu, yêu cầu thường xuyên sử dụng các hoạt động đối với ngân hàng. Đặc biệt, các nền tảng ứng dụng của ACB hướng đến việc được cài đặt sẵn, hoàn chỉnh trên hệ thống CNTT, cơ sở dữ liệu, web của ngân hàng.

Hoạt động hạ tầng dịch vụ, quản trị của ACB sử dụng việc tiếp cận các tài nguyên CNTT theo hướng đám mây công cộng (tài nguyên tại trung tâm dữ liệu của ACB, tài nguyên đi thuê tại các hạ tầng đám mây lớn). Các tài nguyên này sẽ được hợp nhất thành một tài nguyên duy nhất để cung cấp dịch vụ cho người dùng, khách hàng.

Đồng thời, hạ tầng này còn cung cấp, tạo ra sự linh động cấp phát tài nguyên từ bất cứ vị trí nào ACB mong muốn. Nêu ví dụ cụ thể cho quan điểm, hướng đi đổi mới này, ông Bảo cho biết, đối với các dự án kinh doanh mới đang trong trong giai đoạn triển khai (ý tưởng về mặt sản phẩm) sẽ được dùng để kiểm tra (test) các giải pháp kinh doanh và được ưu tiên lựa chọn trên hạ tầng đám mây công cộng. Còn đối với các dự án đã chứng tỏ được hiệu quả qua ý tưởng và kinh doanh sẽ được di chuyển các tài nguyên về thẳng hạ tầng trung tâm dữ liệu của ACB, điều này giúp hạn chế chi phí, tăng lợi ích kinh tế, liên thông vận hành.

"Đặc biệt, việc di chuyển các tài nguyên được xử lý trên các thao tác đơn giản của người quản trị; không bị gián đoạn dịch vụ trong quá trình di chuyển tài nguyên các dịch vụ, giao dịch ngân hàng", ông Bảo nhấn mạnh.

Mục tiêu cuối cùng ACB hướng đến là tự động hóa hoàn toàn cơ chế dịch vụ và nếu khi có vấn đề sự cố nào xảy ra sẽ chủ động, nhanh chóng tối thiểu hóa thời gian gián đoạn các dịch vụ giao dịch với khách hàng, đồng thời đảm bảo chuẩn hóa, đối soát các dữ liệu giao dịch mới hoàn thiện trong các dữ liệu đồng bộ tại trung tâm dữ liệu của ACB. 

"Đồng thời, ACB sử dụng các hạ tầng dịch vụ đám mây từ các nhà cung cấp dịch vụ lớn, trong đó phải kể đến là giải pháp ký thuật nòng cốt, "trái tim" mang tên VMware", ông Bảo chia sẻ.

Công nghệ đám mây sẽ giúp tăng cường bảo mật dữ liệu

Nói về VMware, ông Phạm Việt Thắng đại diện công ty VMware cho biết đang liên kết hỗ trợ cùng ACB để tạo nền tảng cho việc CĐS, đặc biệt, cho phép các khách hàng của ACB tạo dựng, sử dụng đồng bộ các thiết bị máy tính và các thiết bị di động có thể truy xuất vào các ứng dụng trên nền tảng hạ tầng đám mây thông qua giải pháp cloud Foundation – điển hình là sản phẩm SDDC Manager Dashboard.

Giải pháp cloud Foundation và sản phẩm SDDC Manager Dashboard luôn đảm bảo đầy đủ các tính năng tác vụ, vận hành của một trung tâm dữ liệu. Khi sử dụng, nó đảm bảo tạo ra hiệu quả hiệu quả tích cực, đồng bộ chuẩn với các dữ liệu có sẵn. Điểm nổi bật VNware mang lại chính là tăng, đảm bảo mọi sự sáng tạo được thực hiện, đưa các dịch vụ mới đáp ứng tốt các nhu cầu của khách hàng sử dụng cloud server.

"Chiến lược của VMware mang đến cho khách hàng sự tự do và khả năng kiểm soát hoạt động kinh doanh đa đám mây, đồng thời giúp khách hàng, DN khai thác tối đa năng lực của các đám mây và tài nguyên điện toán trong các trung tâm dữ liệu để nâng cao khả năng chống chịu và tính tin cậy của công nghệ cùng sự trải nghiệm tối ưu", ông Thắng cho biết.

Cũng trên phương diện là một công ty công nghệ hàng đầu và là đối tác hỗ trợ kỹ thuật cho ACB, bà Đào Hoàng Giang đại diện công ty phần mềm Red Hat cho biết ACB trong quá trình chuyển đổi rất chú trọng đến vấn đề bảo mật, nhất là các bảo mật đám mây công cộng.

Bảo mật đám mây công cộng chính là một nền tảng sử dụng mô hình ĐTĐM đảm bảo đủ tiêu chuẩn để làm cho các tài nguyên có thể sử dụng được từ xa. Do đó, việc bảo mật đối với các ngân hàng cần một quá trình liên tục và xây dựng ngay từ vòng đầu tiên để bảo vệ các lớp của công nghệ một cách toàn diện.

Cloud – công cụ số

Công nghệ đám mây khi được khai thác, tận dụng tốt sẽ thúc đẩy, tạo sự phát triển cho các ngân hàng

Phương pháp này cũng chính là một giải pháp tiếp cận phòng vệ chuyên sâu (bảo vệ hệ điều hành, tự động hóa trên các dịch vụ đám mây…) theo nhiều lớp để giúp khách hàng bảo mật trên toàn bộ hạ tầng, ứng dụng và vòng đời ứng dụng.

Khi Red Hat hỗ trợ ACB phát triển thông qua sản phẩm Red Hat OpenShift Platform, điều này giúp ACB thêm công cụ số có khả năng phòng thủ có chiều sâu ở nhiều tầng lớp khác nhau. Hiện tính năng OpenShift đang hỗ trợ hệ điều hành Enterprise Linux, giúp tối ưu tính bảo mật, loại bỏ các dịch vụ không cần thiết để giảm bề mặt tấn công, tăng tính an toàn.

"Đặc biệt, OpenShift cung cấp khả năng kiểm soát quyền hạn truy cập cho từng đối tượng khác nhau và cung cấp khả năng rà soát, thanh tra hệ thống thông qua các nhật ký được lưu và mã hóa bảo mật tự động cho các ngân hàng...", bà Giang cho biết.

Trên quan điểm vai trò quan trọng, không thể thiếu của việc bảo mật dữ liệu, ông Trần Anh Vũ, Giám đốc thiết kế an toàn bảo mật hướng dịch vụ ACB cho biết thêm, hiện nay ACB đang thực hiện dự án chuyển đổi từ truyền thống sang linh hoạt theo hướng dịch vụ và bảo mật luôn là tiêu chí quan trọng quá trình chuyển đổi.

ACB hướng đến áp dụng chiến lược ảo hóa trung tâm dữ liệu (data center virtualization); quản lý và vận hành hạ tầng dịch vụ đám mây (cloud management and automation); tăng cường đặc tính bảo mật hiện tại (Security); đơn giản và ảo hóa quản lý chính sách mạng (Network Virtualization); hiện đại hóa môi trường lao động và nguồn nhân lực (Digital Workspace); hiện đại hóa ứng dụng thân thiện trong kỷ nguyên số (Application Modernization)…

Như vậy, qua các quan điểm chia sẻ trên, chúng ta thêm sự khẳng định công nghệ đám mây giờ đây thực sự là công cụ số quan trọng cần được khai thác, tận dụng để thúc đẩy, tạo sự phát triển. Thiết nghĩ, khi các ngân hàng triển khai tốt, tận dụng tốt các lợi thế từ công nghệ đám mây, điều chắc chắn các giá trị thành quả nhận được sẽ là giảm gánh nặng đầu tư vào nguồn lực CNTT, hợp lý hóa quy trình, tăng cường năng lực xử lý dữ liệu, nâng cao hiệu suất kinh doanh và trải nghiệm số cho khách hàng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Đám mây": công cụ số "cất cánh" cho các ngân hàng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO