Thị trường ngàn tỷ đang ngủ quên
Covid-19 là cú hích cho ngành công nghiệp âm nhạc thu âm toàn cầu khi mảng trực tuyến tăng trưởng 18,5% trong năm 2021, đạt 14,5 tỷ USD, với hơn 1 tỷ người trả phí nghe nhạc trực tuyến. Đặc biệt, hình thức nhạc trực tuyến Streaming đang lên ngôi, chiếm 62% doanh thu nhạc trực tuyến.
Năm 2021 cũng xuất hiện làn sóng bán gia tài âm nhạc cho các nền tảng trực tuyến của các nghệ sỹ lớn. Trong đó, ca sĩ - nhạc sĩ Bob Dylan bán bản quyền toàn bộ các ca khúc của mình cho Tập đoàn Universal Music Publishing Group, với giá khoảng 300- 400 triệu USD; Neil Young bán lại tác quyền một nửa số tác phẩm của mình cho Tập đoàn Hipgnosis Song Fund (Anh), với giá 150 triệu USD; nữ ca sĩ - nhạc sĩ Stevie Nicks đã bán 80% số lượng bản quyền ca khúc cho Công ty Primary Wave với giá 100 triệu USD…
Các nền tảng công nghệ phân phối nhạc trực tuyến như Spotify năm 2021 đã đạt doanh thu gần 10 tỷ USD từ gần 400 triệu người dùng thường xuyên. Còn Apple cho biết, người đăng ký Apple Music đạt khoảng 60 triệu thuê bao trả phí…
“Nếu Việt Nam quản lý tốt bản quyền trên Internet sẽ thúc đẩy ngành âm nhạc trực tuyến, mang lại doanh thu rất lớn, ước tính hàng ngàn tỷ đồng/năm”, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia đánh giá.
Cú hích mới cho thị trường nhạc trực tuyến Việt Nam
Tại Việt Nam, thị trường âm nhạc số vẫn còn rất sơ khai, non trẻ. Các ca sỹ như Mỹ Tâm, Sơn Tùng MTP, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên…bắt đầu có nguồn thu từ nhạc số và năm 2021 đã bước chân vào Streaming với kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, vấn nạn vi phạm bản quyền nhạc trực tuyến đang là rào cản lớn nhất.
Điển hình nhất là bài hát nổi tiếng “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son được rất nhiều người yêu thích, nhưng trớ trêu thay, khi nhạc sĩ Giáng Son đăng tải bài hát của mình lên YouTube cá nhân thì bị “tố”… vi phạm bản quyền. Từ vụ việc này mới phát hiện ra có tới 76 album, tương ứng với 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất cho các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Tuyên, Trọng Đài, Phan Huỳnh Điểu, Văn Cao... đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube.
Tình trạng lấy tác phẩm của nhạc sỹ đăng ký bản quyền, dùng “chùa” sản phẩm, vi phạm bản quyền âm nhạc số đang rất phức tạp tại Việt Nam. Do đó, việc phát triển và ứng dụng công nghệ để quản lý và bảo vệ chất xám, bảo vệ tài sản trí tuệ trên Internet là điều kiện tiên quyết để khai thác “mỏ vàng” âm nhạc số Việt Nam. Có bảo vệ được bản quyền, minh bạch khi sử dụng tác phẩm, mới có thể đảm bảo quyền lợi kinh tế cho các nhà sáng tác, từ đó thúc đẩy nền âm nhạc nước nhà phát triển.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Tổng giám đốc MCM Online cho biết: “Bản nhạc là đứa con tinh thần, là tài sản, là trí tuệ, là mồ hôi, là máu, nên những tài sản vô giá này cần được bảo vệ. Các nhạc sĩ cần được cung cấp thông tin đầy đủ về tác phẩm của mình được ai sử dụng, sử dụng ở đâu, sử dụng như thế nào. Nhạc sĩ cần được trả thù lao khi tác phẩm của mình được biễu diễn, được các bên khai thác kinh doanh. Bảo vệ được bản quyền sẽ kích thích ngành công nghiệp âm nhạc phát triển bùng nổ, đóng góp cho nền kinh tế số của đất nước”.
MCM Online là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ bảo vệ bản quyền Sigma DRM và Sigma Watermarking. Theo đó, công nghệ Sigma DRM tiến hành mã hóa tất cả các bản nhạc, cấp khóa giải mã mỗi khi sử dụng tác phẩm và mỗi lần cấp khóa, hệ thống sẽ đếm như một lần sử dụng tác phẩm. Còn công nghệ Sigma Watermarking được dùng để đánh dấu (ký số) khi muốn phân phối hay phái sinh một tác phẩm âm nhạc, từ đó giúp các tác giả có thể truy vết để dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, hoặc theo dõi việc phân phối, sử dụng tác phẩm.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, bảo vệ bản quyền âm nhạc số là vấn đề nóng bỏng. Ngày 17/2/2022, Hiệp ước về Quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, đánh dấu việc Việt Nam chính thức tham gia sân chơi bảo vệ bản quyền quốc tế.
“Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh hơn để bảo vệ bản quyền tác giả, nhất là bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Khi đồng bộ hệ thống luật pháp cùng với sự tham gia các hiệp ước quốc tế, thì chuyện thực thi, minh bạch, công khai trong khai thác bản quyền với sự góp phần của các nền móng công nghệ sẽ sớm được thực thi một cách có hiệu quả”, bà Oanh cho biết.