Đào tạo báo chí số để người học thích ứng với công nghệ làm báo mới
Đào tạo nghiệp vụ báo chí số là điều kiện tối cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và nâng cao chất lượng báo chí trong thời đại công nghệ số.
Báo chí số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, đòi hỏi đội ngũ nhà báo phải có những kỹ năng và kiến thức mới để đáp ứng nhu cầu của thời đại. Điều này dẫn tới những thách thức mới đối với công tác đào tạo nghiệp vụ báo chí số ở tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Kết hợp học đi đôi với hành
Tham luận tại Hội thảo “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức mới đây, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đào tạo nghiệp vụ báo chí số cho đội ngũ nhà báo là điều kiện tối cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và nâng cao chất lượng báo chí trong thời đại công nghệ số.
Hiện nay, một số trường đại học và cơ sở đào báo chí ở Việt Nam đã bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo báo chí số, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động.
Một số chương trình đào tạo báo chí số được cho là cập nhật và đổi mới mạnh mẽ là chương trình: Báo mạng điện tử, Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông đại chúng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; và Truyền thông đa phương tiện của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT).
Phương pháp đào tạo các ngành, chuyên ngành này là kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, với mô hình thực hành theo môn học tại các toàn soạn trong trường, kiến tập và thực tập tại các cơ quan báo chí ngoài trường.
“Hội Nhà báo Việt Nam luôn sẵn sàng trong các hoạt động liên kết với các đơn vị đào tạo báo chí nói chung và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm góp phần xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí số cho người học ở các bậc học cũng như đội ngũ hội viên, nhà báo trong cả nước, từ đó đáp ứng yêu cầu của CĐS báo chí hiện nay”, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị nêu rõ: Việc đào tạo đội ngũ người làm báo năng động, giỏi tác nghiệp trong thực tiễn là mục tiêu cao cả của ngành báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh CĐS báo chí hiện nay, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho nhà báo số đã trở thành con đường phát triển tất yếu, cần chiến lược đào tạo bài bản và lâu dài.
“Mục đích cuối cùng là đào tạo ra những người làm báo gắn thực tiễn với đời sống báo chí và họ không phải chỉ là “đánh trận trên giấy”, mà cần có vốn kiến thức sâu rộng, kỹ năng tác nghiệp “đa năng””.
Qua khảo sát các cơ sở đào tạo báo chí cũng như các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ có thể thấy, hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ở nước ta chủ yếu chia thành một số các mảng chính như: kỹ năng tác nghiệp cho các loại hình báo chí (viết, biên tập, tổ chức nội dung, ảnh báo chí); quản lý, kinh doanh báo chí truyền thông; mô hình tổ chức tòa soạn; kỹ năng báo chí đa phương tiện; sử dụng truyền thông xã hội cho tác nghiệp báo chí, làm báo bằng các thiết bị di động, xây dựng chiến lược CĐS báo chí, tòa soạn hội tụ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tác nghiệp…
Theo PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, công tác đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ngày nay đã từng bước phá vỡ mô hình đào tạo truyền thống. Trước kia, các cơ sở đào tạo chủ yếu căn cứ vào các loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử…) để chia thành các chuyên ngành đào tạo phục vụ cho từng kênh truyền thông riêng biệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong kỷ nguyên CĐS, việc kết hợp giữa đào tạo trong nhà trường và bồi dưỡng nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi nó có thể giúp các nhà báo được đào tạo lại, thích ứng với những công nghệ làm báo mới.
Hiện nay rất cần đội ngũ giảng viên có kiến thức và kỹ năng tốt, nền tảng tri thức phong phú, nắm bắt các kỹ năng làm báo mới, truyền thông đa phương tiện, sử dụng thành thạo truyền thông xã hội… Do đó, ngoài việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, các cơ sở đào tạo cũng cần giành thời gian nhất định để nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ giảng viên trong trường đại học, định vị hướng phát triển cho ngành báo chí, khuyến khích các giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn tại các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.
“Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo số là công việc hết sức cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Nhà báo số với vốn kiến thức toàn diện; kỹ năng nghiệp vụ đa dạng; tư duy sáng tạo kết hợp với năng lực nhạy bén: “học đi đôi với hành”; thích nghi với hoạt động quản lý kinh doanh và truyền thông đa phương tiện”, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghiệp vụ báo chí số
Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghiệp vụ báo chí số, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, cần xác định rõ về yêu cầu sống còn trong việc nâng cao năng lực và đổi mới mô hình đào tạo báo chí số với cả các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí, các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp (DN) truyền thông.
Muốn vậy, các cơ sở đào tạo phải đẩy mạnh đổi mới, liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của báo chí số; Tái cấu trúc mô hình đào tạo, xác định rõ đầu vào, đầu ra và tất cả các yếu tố của quá trình đào tạo nghiệp vụ báo chí số.
Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo báo chí, các DN, các hiệp hội, viện nghiên cứu và các cơ quan báo chí với các tổ chức truyền thông để xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế; Tăng cường liên kết 4 nhà trong đào tạo nghiệp vụ báo chí số (Nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu phát triển và ứng dụng, nhà sáng chế công nghệ)...
Cùng với đó là đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo. Đảm bảo các phòng học chức năng đủ tiêu chuẩn, đảm bảo điều kiện tối thiểu về giáo trình, tài liệu học tập, thư viện số cập nhật thường xuyên các tài liệu mới; Tạo điều kiện cho sinh viên thực hành và rèn luyện kỹ năng báo chí số, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và học tập suốt đời cho sinh viên.
Hơn thế nữa, cần nâng cao hơn nữa mối liên kết giữa nhà trường với nhà tuyển dụng.
PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi cũng cho rằng: Để thích ứng với những thay đổi của các phương tiện truyền thông, trước hết các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần chú trọng mục tiêu, mô hình, nội dung và hệ thống chương trình...
“Nên chăng xóa bỏ các vách ngăn giữa các chuyên ngành truyền thống, để người học có thể tích lũy kiến thức phong phú, có độ “rộng”, “sâu” và “tinh” về tư duy liên ngành, nắm bắt được các kỹ năng truyền thông số, liên ngành, đồng thời thích ứng với môi trường truyền thông mới”.
Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay, các cơ quan báo chí cần lựa chọn một vài phóng viên “cứng”, gửi đến các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, để các nhà báo có kinh nghiệm truyền thụ kỹ năng tác nghiệp hiện đại, giúp họ có thể “tác chiến đơn thương độc mã” trong môi trường truyền thông số.
Trên cơ sở mục tiêu xây dựng thành một “hệ thống module mang tính hội tụ liên ngành”, có thể phân tích trên hai phương diện, một là hội tụ trong giảng dạy, lý thuyết và thực tiễn; hai là, hội tụ về kỹ năng báo chí, kinh doanh và quản lý các phương tiện truyền thông.
Giữa nội dung trong các module có thể sử dụng chung nguồn tài nguyên sẵn có và cần có một hệ thống mở linh hoạt hơn, giúp chương trình đào tạo phát triển phù hợp với sự phát triển của các phương tiện truyền thông.
Trong kỷ nguyên số, các cơ sở đào tạo báo chí cũng cần trang bị các studio chuyên dành cho truyền hình, biên tập báo in, studio phim tài liệu hay studio cho MC... “Mỗi studio có nét đặc sắc riêng, song chúng có thể hỗ trợ lẫn nhau, hình thành thế mạnh tương tác, đáp ứng nhu cầu giảng dạy báo chí truyền thông số. Được đào tạo trong các studio có thể tạo ra môi trường học tập tốt nhất vì có sự tương tác, tiếp cận với thực tiễn cho học viên, họ được làm mẫu và mô phỏng ở các khâu, từ đơn giản đến phức tạp”, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi chia sẻ./.