Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT trên nền tảng số
Dự kiến, năm 2024, Dự án “Trường Đào tạo, Bồi dưỡng số” của Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT - Bộ TT&TT chính thức đi vào hoạt động. Các khoá/lớp của Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT sẽ diễn ra trên cả nền tảng số.
Khi mô hình “Trường Đào tạo, Bồi dưỡng số” của Trường được chính thức đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được tốt hơn yêu cầu các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có Chương bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước (QLNN) về báo chí.
Nhân dịp này, PV Tạp chí TT&TT đã có cuộc trao đổi với TS. Đinh Đức Thiện, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT về mô hình trường đào tạo mới này.
PV: Được biết Chương trình QLNN về Báo chí do Cục Báo chí phối hợp với Nhà trường tổ chức trong những năm gần đây không chỉ tổ chức tại Hà Nội mà còn tổ chức ở các địa phương. Với cương vị là Hiệu trưởng Nhà trường, ông có thể chia sẻ về ý nghĩa và sự cần thiết của những lớp học QLNN?
TS. Đinh Đức Thiện: Báo chí có vai trò quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nói chung, văn hóa nói riêng. Hoạt động báo chí là kênh thông tin quan trọng để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, phát triển văn hóa và kinh tế, nâng cao dân trí, đời sống tinh thần của Nhân dân.
Do đó, tăng cường QLNN về báo chí là vấn đề quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. QLNN về báo chí là một trong những nội dung quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân và phải được tiến hành trên nhiều phương diện. Trong đó, QLNN về báo chí hiện nay có những đổi mới đáng kể, mang lại những hiệu quả tích cực, đặc biệt từ khi Luật Báo chí năm 2016 ban hành và có hiệu lực.
Việc nâng cao trình độ, chất lượng nhân lực ngành báo chí nói chung và nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí nói riêng đáp ứng được yêu cầu đổi mới của công tác QLNN về báo chí, đảm bảo công tác quản lý đi đôi với sự phát triển của hoạt động báo chí trong xu thế hội nhập quốc tế.
Chính vì vậy, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức QLNN về báo chí trong giai đoạn hiện nay là vô cùng quan trọng, cấp thiết. Điều này đã được Ban Chấp hành Trung ương thể hiện ở Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28/2/2023 của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí”. Trong Quy định 101-QĐ/TW đã nêu rõ: một trong những tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí là “Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ QLNN về báo chí” (Tại mục 4, Điều 5 của Quy định).
Trên cơ sở chức năng QLNN về báo chí tại Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26/7/2022 của Chính phủ, quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT; thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT và Cục Báo chí đã phối hợp triển khai biên soạn và tổ chức các lớp bồi dưỡng Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ QLNN về báo chí.
Chương trình này được biên soạn với các mục tiêu đó là: (1) Đáp ứng điều kiện để bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan báo chí (tại Quy định số 101-QĐ/TW); (2) Cập nhật, trang bị kiến thức về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực báo chí; (3) Cung cấp kiến thức QLNN về báo chí; các kỹ lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí.
- Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT và Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số (CĐS) báo chí - Cục Báo chí đã phối hợp và cụ thể hóa như thế nào về các định hướng, chỉ đạo của Bộ TT&TT vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nhất là nội dung về CĐS báo chí, thưa ông?
TS. Đinh Đức Thiện: Hiện nay, cụm từ “chuyển đổi số” không còn xa lạ đối với các ngành nghề, lĩnh vực, coi đó là sự tiếp cận bắt buộc để thay đổi theo những xu hướng vận động mới. Đối với báo chí và truyền thông cũng không nằm ngoài trục xoay đó.
Để thực hiện CĐS báo chí đáp ứng mục đích và yêu cầu, ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Tiếp đó, ngày 2/6/2023, Bộ TT&TT ban hành Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS báo chí. Mục tiêu Bộ Chỉ số làm công cụ, thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng, mức độ trưởng thành CĐS báo chí của các cơ quan báo chí dùng chung trên phạm vi cả nước. Qua đánh giá, nhằm giúp từng cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình CĐS từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp CĐS số phù hợp, giúp cơ quan báo chí phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Để hỗ trợ tư vấn cho các cơ quan báo chí về công tác CĐS, ngày 5/6/2023, Bộ TT&TT đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí. Sự ra đời của Trung tâm sẽ góp phần hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu trong Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Trong chương trình đào tạo - bồi dưỡng về QLNN về báo chí, Trường và Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí đã phối hợp và cụ thể hóa các định hướng, chỉ đạo của Bộ TT&TT vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Trong quá trình bồi dưỡng, các giảng viên/chuyên gia đã lồng ghép những định hướng, chỉ đạo của Bộ TT&TT vào những chuyên đề về kiến thức QLNN về báo chí và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí.
Nội dung về CĐS báo chí được đưa vào chương trình như một chuyên đề rất quan trọng. Để giảng dạy, trao đổi chuyên đề này, Trường mời các đồng chí lãnh đạo Bộ TT&TT. Chuyên đề với những kiến thức cập nhật như: Báo chí truyền thông thời CĐS và hội tụ; Không gian mới của báo chí khi CĐS; Hiện trạng CĐS của báo chí Việt Nam; Chiến lược CĐS của báo chí Việt Nam; Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của CĐS báo chí Việt Nam; Kế hoạch hành động của Bộ TT&TT trong triển khai Chiến lược CĐS của báo chí Việt Nam; Vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp (DN) hỗ trợ CĐS báo chí.
- Phản hồi từ phía đối tượng học viên (là lãnh đạo, nguồn lãnh đạo cơ quan báo chí) cũng như từ chính các chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên về Chương trình đào tạo, bồi dưỡng QLNN về báo chí hiện nay như thế nào thưa ông? Ông có thể chia sẻ thêm những định hướng về chương trình đào tạo, bồi dưỡng để các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng yêu cầu của Bộ TT&TT?
TS. Đinh Đức Thiện: Kết thúc mỗi khoá/lớp học, Trường đều gửi các Phiếu Khảo sát lấy ý kiến đến từng học viên của lớp nhằm ghi nhận những ý kiến phản hồi từ các học viên về các nội dung trong Chương trình bồi dưỡng QLNN về báo chí như: Sự hữu ích của nội dung các chuyên đề trong chương trình; Giảng viên/chuyên gia/khách mời của chương trình (về kiến thức, kỹ năng chuyên môn; Phương pháp giảng dạy; Kinh nghiệm công tác; Khả năng giải đáp, trao đổi, cập nhật thông tin; Các hoạt động thực tế của lớp…
Kết quả khảo sát đã cho thấy những phản hồi rất tích cực từ phía học viên về Chương trình bồi dưỡng QLNN về báo chí. Tất cả các nội dung đánh giá đều có tỉ lệ hài lòng ở mức trên 90%. Bên cạnh đó, Trường cũng ghi lại những ý kiến đóng góp chi tiết của từng học viên. Từ đó, đưa ra những định hướng nhằm mục tiêu hướng tới xây dựng, cải thiện nội dung và cách thức tổ chức lớp ngày càng chất lượng hơn.
Với quan điểm định hướng đào tạo, bồi dưỡng theo hướng mở, trong quá trình học tập có sự tương tác đa chiều: Giữa giảng viên với học viên và giữa học viên với học viên; trong đó, đặc biệt chú ý tới những bài tập tình huống trong thực tế tác nghiệp cũng như lãnh đạo, quản lý của các học viên đã, đang và sẽ trải qua trong quá trình công tác của mình.
Với định hướng này, ngoài việc tăng cường nội dung thực hành, thảo luận và xử lý tình huống thực tiễn nhằm nâng cao tư duy chiến lược, kỹ năng xử lý tình huống, quản trị sự thay đổi,... cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí. Một điểm nhấn trong phương pháp đào tạo, bồi dưỡng của Chương trình này đó là phần toạ đàm. Đây là nội dung được tổ chức thực hiện, sau khi các học viên đã được nghiên cứu, bồi dưỡng toàn bộ các chuyên đề trong chương trình.
Buổi toạ đàm, các học viên trong lớp sẽ đặt câu hỏi và lãnh đạo các cơ quan QLNN về báo chí sẽ trả lời trực tiếp, mục đích nhằm trao đổi với học viên của lớp về những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế quản lý, những vấn đề nổi cộm hiện nay trong lĩnh vực quản lý điều hành các cơ quan báo chí, hệ thống các các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, những vấn đề về kinh tế báo chí, những vấn đề phức tạp nhạy cảm và việc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực báo chí trong tình hình mới…
Những chia sẻ và các vấn đề trao đổi trong buổi toạ đàm sẽ góp phần vào việc có thêm thông tin thực tế cho các cơ quan QLNN về báo chí trong việc điều chỉnh những chính sách quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí phát triển đúng định hướng và bắt kịp các xu hướng phát triển của xã hội hiện nay.
Trong năm 2022 và 2023, Trường đã tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, phần cứng, phần mềm, hệ thống giải pháp để xây dựng mô hình “Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Số” đầu tiên của Việt Nam. Với việc nâng cấp, đầu tư mới trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, phòng thí nghiệm/mô phỏng trên không gian số đáp ứng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến trong bối cảnh hiện nay.
Sang năm 2024, khi mô hình “Trường Đào tạo, Bồi dưỡng số” của Trường được chính thức đi vào hoạt động, thì việc tổ chức các khoá/lớp của Trường sẽ diễn ra trên cả nền tảng số. Các bài giảng điện tử, các học liệu số sẽ được cung cấp qua “Trường Đào tạo, Bồi dưỡng số” tới học viên của tất cả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng (trong đó có Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ QLNN về báo chí). Lúc này, các anh chị học viên sẽ dễ dàng tiếp cận các nội dung kiến thức, dễ dàng đăng ký tham gia vào các khoá/lớp do Trường tổ chức. Hơn nữa việc tham gia học tập, bồi dưỡng trên môi trường số còn giúp giảm thời gian, giảm công sức, giảm các chi phí phát sinh.
Như vậy Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT với vai trò, trách nhiệm của một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ TT&TT, với chức năng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia quản lý, hoạt động trên các lĩnh vực thuộc chức năng QLNN của Bộ TT&TT (trong đó có lĩnh vực báo chí). Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT đã và đang triển khai các bước trong quá trình biên soạn và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ QLNN về báo chí, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và chất lượng nhân lực báo chí đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
PV: Xin cảm ơn ông!