Xu hướng ứng dụng AI trong hoạt động quản lý báo chí

04/03/2022 16:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Trên thế giới, những nghiên cứu về mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí được rất nhiều học giả quan tâm trong những năm gần đây và trải dài trên rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu như: khung giao tiếp giữa con người và máy móc, news bot, chat bot, ứng dụng trong báo chí điều tra, AI trong việc tạo tin tức và nội dung v.v..

Điều này thể hiện sự cần thiết của các nghiên cứu về AI và báo chí cũng như yêu cầu về những công trình nghiên cứu kế tiếp trong lĩnh vực nghiên cứu mới nổi này. Theo John McCarthy, AI là “một ngành khoa học và kỹ thuật chế tạo ra các máy móc thông minh, đặc biệt là các chương trình máy tính thông minh. Nó liên quan đến việc sử dụng máy tính để hiểu trí thông minh của con người. Tuy nhiên, AI không chỉ giới hạn trong các cách thức hoạt động giống như con người” [1]. 

AI không chỉ giải quyết vấn đề bằng cách quan sát, bắt chước con người mà còn sử dụng các phương pháp khác, liên quan đến thuật toán, tính toán mà chúng ta không thể thấy ở con người. Như vậy, chúng ta có thể hiểu AI là sự thông minh hay khả năng của máy móc do con người tạo ra (đặc biệt là máy tính, robot) có thể thực hiện những tác vụ đòi hỏi trí thông minh của con người, tiêu biểu như biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết học và tự thích nghi, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ và tiếng nói. Tuy nhiên, cách thực hiện của máy móc hoặc chương trình máy tính AI có thể giống hoặc không giống nguyên lý hoạt động của bộ não hay cách thức hoạt động con người. 

Ứng dụng AI trong hoạt động báo chí và quản lý báo chí

Trong xu hướng làm báo hiện đại, AI đang được sử dụng trong hoạt động báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, từ việc phát hiện tin nóng, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt comment, sản xuất video, cho đến viết tin, bài tự động đã có sự tham gia của AI, cụ thể như:

Thu thập thông tin: ứng dụng của công nghệ AI, mà cụ thể ở đây là học máy (machine learning), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing) hay nhận diện hình ảnh (Image Recognition), giúp nhà báo tìm và xử lý thông tin nhanh chóng, tạo ý tưởng câu chuyện, xác định xu hướng, điều tra, theo dõi dư luận xã hội xoay quanh vấn đề hoặc sự kiện, trích xuất thông tin của nội dung. 

Ví dụ, hãng thông tấn AP sử dụng công cụ phân tích Newswhip để theo dõi các xu hướng trên mạng xã hội, phân tích thông tin, sự kiện trong một khoảng thời gian thực hoặc lịch sử theo bất kỳ thang thời gian nào trong khoảng từ 30 phút đến 3 năm và gửi cảnh báo thời gian thực hoặc thông báo hàng ngày cho các phóng viên.

Sản xuất nội dung: Công nghệ AI giúp tạo nội dung, chỉnh sửa, thể hiện tin tức dưới các định dạnh khác nhau để phù hợp với các nền tảng khác nhau. Ngoài ra, AI còn giúp chọn lọc nội dung cho phù hợp với từng đối tượng độc giả, tránh những nội dung nhạy cảm, không phù hợp với văn hóa hay quan điểm của họ. Ứng dụng AI trong sản xuất tin, bài tự động từ dữ liệu thường được ứng dụng trong việc đưa tin về thể thao và tài chính. 

AI giúp nhà báo giảm tải những công việc lặp đi lặp lại, tăng hiệu quả và giảm chi phí. Ví dụ, hãng tin AP sử dụng phần mềm Wordsmith để biến các dữ liệu tài chính thành bài viết, hay tờ Washington Post dùng công nghệ tự phát triển là Heliograf để đưa tin thể thao và hoạt động tranh cử. Các tờ báo điện tử ngày nay có thể ứng dụng AI để tạo ra phiên bản báo nói sử dụng giọng đọc Robot tự động hay sử dụng người dẫn chương trình ảo trong các bản tin video.

Phân phối nội dung: công nghệ AI giúp các cơ quan báo chí cá nhân hóa nội dung dựa trên nhu cầu và sở thích của độc giả, tiếp thị nội dung phù hợp với mối quan tâm của từng người, tìm kiếm khán giả mục tiêu và hiểu hành vi của họ. Ứng dụng của AI ngày càng trở nên quan trọng và thiết thực hơn với các cơ quan báo chí ngày nay khi nhiều nơi đã và đang chuyển đổi từ mô hình doanh thu dựa trên quảng cáo sang mô hình đặt mua (subscription model).

Bên cạnh việc trợ giúp về nội dung, AI còn có thể giúp các tòa soạn ứng dụng trong công tác quản lý như:

Quản lý bình luận của độc giả: Trong khi nhiều cơ quan báo chí loại bỏ các bình luận (comment) vì khâu kiểm duyệt quá khó khăn, AI có thể giúp các tờ báo phân biệt bình luận độc hại và bình luận lành mạnh cũng như xếp loại bình luận căn cứ vào lịch sử các quyết định do nhân viên quản lý bình luận đưa ra trong quá khứ. Nhờ đó, tỷ lệ bài được phép bình luận đã được tăng lên.

Tương tác với độc giả: Ứng dụng chatbot của Quartz Bot cho phép người dùng gõ câu hỏi về các sự kiện thời sự, nhân vật hoặc địa điểm, ứng dụng sẽ trả nội dung mà nó cho là phù hợp với người đó. Các ứng dụng khác như bot cho Facebook Messenger của Guardian; BBC dùng bot để đưa tin về trưng cầu dân ý EU...

Tự động kiểm chứng thông tin (fact-check): Cho phép các nhà báo nhanh chóng kiểm chứng tính chính xác của thông tin. Ví dụ, một số công cụ kiểm chứng nổi tiếng trên thế giới như Full Fact (UK), Chequeabot (Argentina) cho phép kiểm chứng các phát ngôn trong truyền thông và khớp chúng với các dữ liệu hiện có để kiếm tra tính chính xác, tin cậy của thông tin dựa trên các công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quản lý báo chí - Ảnh 1.

Đối với hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực báo chí truyền thông, Trung Quốc là nước tương đồng với Việt Nam về mặt địa chính trị, thể chế... đã ứng dụng thành công công nghệ AI trong lĩnh vực này. Trong bài phát biểu năm 2016 với các cán bộ tuyên truyền và các phóng viên, nhân viên truyền thông nhà nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ ước mơ truyền bá một trật tự truyền thông quốc tế mới với việc ứng dụng AI [1]. Trong những năm gần đây, Tân Hoa xã đã triệt để thực hiện yêu cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cụ thể là việc tự trang bị cho mình “Media Brain”, một tòa soạn AI để hỗ trợ tất cả các giai đoạn đưa tin.

Media Brain được Tân Hoa Xã phát triển và là nền tảng truyền thông có sự hỗ trợ của AI đầu tiên tại Trung Quốc. Nền tảng MAGIC sản xuất những đoạn video ngắn dựa trên các công nghệ thông minh và sự kết hợp giữa con người - máy móc giúp cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất thông tin. Trong đợt đưa tin về Vòng chung kết Giải vô địch Bóng đá thế giới (FIFA World Cup 2018), một đội ngũ chỉ bao gồm một số biên tập viên (BTV) với sự hỗ trợ của MAGIC đã sản xuất được 37.581 video ngắn. Video về một pha ghi bàn thắng được sản xuất chỉ trong vòng 6 giây, là video nhanh nhất được sản xuất từ trước đến nay. 

Tại Hội chợ xuất nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018, MAGIC được kết nối với “Live Cloud” - một nền tảng di động dùng để thu thập, xử lý và phân phối thông tin - để tạo ra một dây chuyền sản xuất nội dung mới. Trong vòng 6 ngày diễn ra hội chợ, 554 video ngắn đã được tạo ra với lượt xem lên đến 38 triệu lượt. 

Trong các kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp (Lưỡng hội) năm 2019, MAGIC được sử dụng để làm rõ hơn báo cáo công tác của chính phủ. MAGIC sản xuất các video ngắn bằng hệ thống phân tích và biên tập thông minh, sử dụng dữ liệu lớn và AI, kết luận rằng những dự báo và quyết định của Chính phủ Trung Quốc về tình hình kinh tế là chính xác. Video đầu tiên được tạo ra thu hút 130 triệu lượt xem [2].

Tân Hoa Xã đã triển khai dự án BTV AI đầu tiên trên thế giới, sử dụng các công nghệ AI mới nhất để tạo ra một bản sao của một phát thanh viên người thực. “BTV AI” được mô phỏng bằng các công nghệ dựa trên kết quả tổng hợp và phân tích sâu về giọng nói, chuyển động môi, biểu cảm khuôn mặt từ các bản tin có phát thanh viên người thật. 

“BTV AI” có thể tự động chuyển tải các văn bản tiếng Trung hoặc tiếng Anh thành các video chứa nội dung tương ứng, đảm bảo phần thu âm khớp với biểu cảm khuôn mặt và cử động môi trong video. “BTV AI” có khả năng chuyển tải thông tin giống như phát thanh viên người thật. Điểm khác biệt duy nhất là “BTV AI” có thể làm việc 24 giờ/ngày mà không mệt mỏi. Bất kể khi nào nhận được văn bản đầu vào, “BTV AI” sẽ làm việc ngay lập tức mà không ngừng nghỉ. 

Năm 2019, Tân Hoa Xã đã đưa ra báo cáo “Cải cách và Phát triển Truyền thông trong Kỷ nguyên AI”, tập trung vào sự phát triển của các phương tiện thông minh trong và ngoài nước, chú ý đến những tiến bộ vượt bậc của các công ty công nghệ đại diện trong lĩnh vực này.

Với việc tích cực ứng dụng AI, tích hợp AI vào phần mềm quản lý tòa soạn, Tân Hoa Xã cũng đang mở rộng “hợp tác truyền thông”, cung cấp nội dung của mình và gần đây là công nghệ của mình cho các hãng truyền thông nước ngoài miễn phí. Thông thường, những cơ sở báo chí này nằm ở các quốc gia khan hiếm nguồn tài liệu báo chí và báo cáo của Tân Hoa Xã có thể lấp đầy khoảng trống về mức độ đưa tin. Các học giả truyền thông Trung Quốc gọi đó là “mượn thuyền vươn khơi”. Tân Hoa Xã đã và đang mở rộng các hoạt động hợp tác này và với nội dung AI có thể lan truyền qua các kênh này nhanh hơn.

Tại Việt Nam, nhiều báo điện tử đã ứng dụng công nghệ Big Data và AI trong việc cá nhân hóa nội dung người dùng. Ví dụ: bằng cách thu thập thói quen người dùng nhiều trang báo điện tử hiện nay (như Zing News, VnExpress...) đã có thể biết được sở thích công chúng và hiển thị các nội dung liên quan. Khi người dùng thích đọc tin về thị trường chứng khoán hay bóng đá, họ sẽ thấy những nội dung này liên tục được hiển thị ở vị trí dễ nhìn hơn...

Trong kỷ nguyên số, báo chí, phát thanh, truyền hình là những công cụ quan trọng được sử dụng để thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục, kết nối, sẻ chia thông tin, quan điểm, tư tưởng ... trên đa dạng nền tảng phân phối, không chỉ các kênh phân phối truyền thống (báo giấy, báo điện tử, phát thanh truyền hình quảng bá), mà còn trên Internet, mạng xã hội, và đa dạng các phương tiện truyền thông liên lạc khác (SMS, Zalo, Viber, Whatsapp ...).

Ngoài ra, một số công nghệ tự động hoá như “chat-bot” - trả lời tự động hay “báo nói tự động” cũng đang được các tờ báo như Vietnamplus, Dân Trí, ICT News - Vietnamnet ứng dụng mạnh mẽ. Vào ngày 8.7.2021, Báo Lao Động chính thức ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng BTV ảo được sản xuất tự động bằng công nghệ AI dựa trên hệ thống LDO-AI. Ngày 5/01/2021, Báo Thanh Niên chính thức giới thiệu dự án “Báo thông minh” tích hợp AI nhằm tăng cường trải nghiệm nội dung cho độc giả, sử dụng nền tảng Google Cloud AI. 

Xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quản lý báo chí - Ảnh 2.

Biên tập viên ảo trong bản tin của Báo Lao Động. (Ảnh: N.T.A/laodong.vn)

Không chỉ dừng lại ở báo nói, khi truy cập vào báo điện tử Thanh Niên (thanhnien.vn), độc giả có thể sử dụng câu lệnh đơn giản như “Chào Thanh Niên” để kích hoạt tính năng AI. Tiếp đó, độc giả có thể giao tiếp với Báo Thanh Niên qua giọng nói và nghe trợ lý ảo của báo đọc tin bài hay hỗ trợ trong một số tác vụ như “mở trang, chuyên mục”, “cuộn xuống”, “cuộn lên”, “tìm tin bài”... 

Nhìn chung, ở Việt Nam, các cơ quan báo chí lớn (có năng lực tài chính và nhân sự) thường thực hiện ứng dụng công nghệ số khá sớm và nhanh chóng so với các cơ quan báo chí địa phương trong hoạt động quản lý, sản xuất và phân phối nội dung báo chí.

Một số gợi mở đối với Việt Nam

Từ thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam, có thể thấy, AI đã và đang được triển khai một cách mạnh mẽ, trở thành xu thế tất yếu trong hoạt động báo chí và quản lý báo chí, đặc biệt trong bối cảnh báo chí Việt Nam đang được thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại theo Đề án Quy hoạch Phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Điều này đòi hỏi công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí phải hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, khung pháp lý, ứng dụng... liên quan tới công nghệ để đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, đối với việc triển khai ứng dụng AI vào hoạt động báo chí và quản lý báo chí, các cơ quan quản lý báo chí có thể tham khảo một số gợi mở sau:

Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức, để triển khai AI trong quản lý báo chí, có thể đưa nội dung ứng dụng AI trong quản lý báo chí vào Đề án/Chương trình chuyển đổi số lĩnh vực báo chí hoặc xem xét thành lập đơn vị cấp Phòng chịu trách nhiệm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý báo chí tại Cục Báo chí hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI trong quản lý báo chí.

Thứ hai là vấn đề khung pháp lý, trong lĩnh vực báo chí, bên cạnh vấn đề chuyên môn là vấn đề đạo đức và pháp luật cần phải được nghiên cứu để kịp thời điều chỉnh các vấn đề thực tiễn phát sinh. Đạo đức báo chí vốn đã là một chủ đề nhạy cảm - và đạo đức trong AI cũng vậy, điều này làm cho sự kết hợp của giữa AI và báo chí trở nên đặc biệt gây tranh cãi. 

Theo GS. Seth Lewis của Đại học Oregon đề cập [3], nếu một bản tin tự động làm mất danh dự của một cá nhân thì khi đó ai chịu trách nhiệm? Và vụ kiện sẽ tiến hành ra sao? Ông Lewis cho rằng các nhà lập pháp chưa sẵn sàng để tìm ra cách thức để “kiện” các thuật toán. Sau cùng, con người vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm bằng cách này hay cách khác [4]. 

Patrick White, giáo sư báo chí tại Đại học Quebec ở Montrealargues cũng cho rằng một trong những mối nguy hiểm của AI chính là việc sai lệch thuật toán, bởi vì các thuật toán được thiết kế bởi con người, sẽ luôn có những thành kiến có thể thay đổi phân tích dữ liệu và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc xác minh nội dung được tạo bởi con người trước khi xuất bản sẽ luôn là biện pháp bảo vệ chống lại các sai sót [5].

Thứ ba là tăng cường ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động của các cơ quan báo chí và cơ quan QLNN trong lĩnh vực này. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả ứng dụng AI trong QLNN về lĩnh vực này, cụ thể như:

Cảnh báo sớm các vi phạm trong lĩnh vực báo chí

Cơ quan báo chí và cơ quan QLNN trong lĩnh vực thông tin & truyền thông (TT&TT) có thể xác định các từ khóa xoay quanh các chủ đề công chúng nước ngoài quan tâm, từ đó giúp tối đa hóa lượng công chúng và đem lại những ảnh hưởng tích cực.

Phân phối đúng mục tiêu

Bên cạnh việc hỗ trợ cảnh báo và sản xuất nội dung, các công cụ AI cũng giúp phổ biến nội dung để phát huy tác dụng tối đa. Nếu được trang bị một kho dữ liệu về hành vi trực tuyến của khán giả, cơ quan QLNN về TT&TT có thể điều chỉnh việc phân phối nội dung để đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa, AI sẽ đẩy mạnh tuyên truyền một cách có chọn lọc dựa trên “thẻ sở thích” bắt nguồn từ “hồ sơ” của từng cá nhân. 

AI sẽ cho phép các phương tiện truyền thông nhà nước điều chỉnh nội dung dựa trên các biến số bao gồm thời gian một người dành thời gian đọc tin tức, thời gian họ trực tuyến trong ngày, loại nội dung họ tương tác và vô số yếu tố khác. AI cũng có thể hỗ trợ phân phối theo thời gian thực, tăng cường hơn nữa tính kịp thời của thông tin để tăng cường nhận thức của dư luận xã hội.

Thay lời kết

Có thể thấy, dưới tác động cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công tác quản lý báo chí - truyền thông ở nước ta đang gặp nhiều thách thức, phải đối mặt với các vấn đề quản lý thông tin trên một không gian “mở” nhưng “ảo”, những vấn đề về an ninh truyền thông, hacker, tin tặc, các loại tội phạm thông tin đặc biệt nguy hiểm... Do vậy, công tác quản lý báo chí - truyền thông của Việt Nam cần đổi mới quan điểm, tư duy và cách thức quản lý từ truyền thống sang hiện đại; từ đó đề ra giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm phát triển ngành báo chí - truyền thông, đặc biệt là ứng dụng các giải pháp công nghệ như AI vào việc nâng cao hiệu quả quản lý báo chí - truyền thông trong thời đại số.

Xét tổng thể, trong hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay, cụ thể là luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí truyền thông, không gian pháp lý điều chỉnh các quan hệ pháp luật có sự tham gia của công nghệ còn hạn hẹp, chưa thể xử lý được các vấn đề phát sinh liên quan đến AI. Do đó, việc chuẩn bị những giải pháp, kịch Cbản cụ thể trước xu hướng AI phát triển mạnh trong lĩnh vực báo chí truyền thông tại Việt Nam là hết sức cần thiết.

Tài liệu tham khảo

[1]. McCarthy, J. (2007). What is artificial intelligence?, https://www.cjr.org/analysis/china-xinhua-news-ai.php

[2] https://www.vietnamplus.vn/tan-hoa-xa-cac-hang-thong-tan-can-di-dau-trong-viec-su- dung-ai/565083.vnp

[3] White,Patrick (2020). How Artificial Intelligence Can Save Journalism?, Retrieved May 23, 2020 from https://theconversation.com/how-artificial-intelligence-can-save- journalism-137544.

[4]. Hashem, Zahir (2020).Robot Journalism, Artificial Intelligence Leads Future Journalism. Tech Arabia, retrieved May 22, 2020 from https://cutt.us/Ums17

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 2 tháng 2 năm 2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng ứng dụng AI trong hoạt động quản lý báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO