Mỗi xã được chọn sẽ được hỗ trợ 1 tỷ đồng quy hoạch điểm du lịch tiêu biểu
Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đang được dự thảo và hoàn tất, trong đó, dự kiến sẽ đầu tư phát triển 100 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS&MN.
Ném Còn - một trò chơi đặc trưng của một số đồng bào dân tộc vùng cao thu hút khách du lịch. Ảnh: BM
Cụ thể, dự án sẽ nghiên cứu, rà soát quy hoạch du lịch trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN để xây dựng bộ tiêu chí chuẩn về Điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS&MN.
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1 lần tối đa 80% chi phí cho việc rà soát, hoặc xây dựng quy hoạch mới các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS&MN đạt chuẩn trong chuỗi liên kết vùng với mức tối đa 3 tỷ đồng/điểm đến cấp huyện, 1 tỷ đồng/điểm đến cấp xã và liên xã (không quá điểm đến cấp 2 xã trong 1 huyện). Cộng với hoạt động vay vốn tín dụng ưu đãi cho đồng bào.
Đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở lưu trú do người DTTS làm chủ
Tiếp đó, dự án dự kiến sẽ có hỗ trợ đặc thù phát triển cơ sở lưu trú đạt chuẩn trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN.
Trong đó, hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi bằng với lãi suất tín dụng dành cho người nghèo đối với các mục chi: sửa chữa, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới cho các cơ sở lưu trú ở cộng đồng do người DTTS làm chủ.
Hỗ trợ chi phí tổ chức các tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng về tiếp đón, phục vụ khách lưu trú cho các cơ sở lưu trú do người DTTS làm chủ.
Đồng thời, các loại hình du lịch phù hợp với thực tế vùng đồng bào DTTS&MN sẽ được các ưu đãi phát triển.
Ẩm thực là sản phẩm quảng bá hiệu quả tới sự cảm nhận của khách du lịch. Ảnh: BM
Cụ thể, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương cho nghiên cứu, thiết kế vận hành các tour, tuyến du lịch khám phá, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng tại các bản, làng của đồng bào DTTS theo mô hình lưu trú tại nhà dân (Homestay).
Việc nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc cùng với việc tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đồng bào DTTS&MN cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí từ một phần của dự án và một phần từ ngân sách Nhà nước.
Hỗ trợ xúc tiến đầu tư và kết nối phát triển vùng đồng bào DTTS&MN
Tiếp đó, Dự án sẽ hỗ trợ xúc tiến đầu tư và kết nối phát triển vùng đồng bào DTTS&MN tại các sự kiện trong nước và quốc tế.
Trong đó, hỗ trợ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, chiến lược quảng cáo tiếp thị về các điểm đến và các cơ sở lưu trú tại điểm đến trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ hàng năm khu vực du lịch đồng bào DTTS&MN để tổ chức hội chợ tại các địa bàn Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Tổ chức lồng ghép đầu tư hạ tầng du lịch vào các chương trình, dự án đầu tư tại địa phương.
Một mô hình xúc tiến, quảng bá du lịch có sự tham gia đồng bào dân tộc. Ảnh: BM
Thêm nữa, các hạng mục đầu tư hạ tầng lồng ghép với các chương trình đề án, dự án từ ngân sách Trung ương cho các vùng đồng bào DTTS&MN có tiềm năng phát triển du lịch nhưng có khó khăn về ngân sách cũng sẽ được hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Đồng thời, huy động nguồn hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức trong nước, quốc tế để đầu tư hạ tầng du lịch cho các địa phương có đồng bào DTTS.
Đi kèm với các hoạt động, không thể thiếu là việc hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào DTTS&MN và có lộ trình nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí cơ sở lưu trú vùng đồng bào này.
Được biết, Dự án sẽ huy động nhiều nguồn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương tới vốn tín dụng chính sách và cả các nguồn huy động hợp pháp khác. Tất cả dồn lực đầu tư xây dựng thành công 100 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS&MN. Góp phần tạo ra hàng nghìn cơ hội cải thiện, nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu của đồng bào DTTS&MN.