Tăng cường bao trùm tài chính
Các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn tới việc đóng cửa và cấm đi lại trên diện rộng. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân của các nước ASEAN vẫn tiếp tục sống ở các khu vực bị thiệt thòi, ít hoặc không có khả năng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng chính thức.
Trong khối ASEAN, ước tính có khoảng 290 triệu người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng. Con số này đang dần dần được giảm thiểu khi các chính phủ tập trung vào việc giải quyết vấn đề bao trùm tài chính bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận rộng rãi của công chúng đối với các dịch vụ tài chính và ngân hàng thiết yếu. Việc nhiều người chưa có tài khoản ngân hàng cũng đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các nhà cung cấp dịch vụ số.
Nhu cầu về các dịch vụ số tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Cụ thể, theo The Asian Banker, năm 2020, ví di động GCash ở Philippines đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng giao dịch 254% so với cùng kỳ năm trước, trong khi Ngân hàng Indonesia báo cáo mức tăng trưởng chuyển tiền điện tử 38,62%.
Sự phát triển và mở rộng nhanh chóng của các dịch vụ số đang mang lại những cơ hội mới giúp các hệ thống tài chính trở nên bao trùm hơn. Đồng thời nó cũng tạo ra áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý của khu vực nhằm đảm bảo nền kinh tế số thực sự góp phần vào sự bao trùm về kinh tế và tài chính.
Mặc dù các chính phủ và các cơ quan quản lý đang có những nỗ lực đáng kể để giải quyết khoảng cách bao trùm tài chính tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy sự bao trùm tài chính cho nhiều cộng đồng địa phương.
Các nhà hoạch định chính sách có thể làm gì?
Để đạt được mục tiêu này, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào hai khía cạnh chính: thúc đẩy các chiến lược bao trùm tài chính số để hỗ trợ phục hồi và xây dựng khả năng phục hồi; và khám phá các cơ hội và thách thức mới nổi để đảm bảo rằng lợi ích của việc bao trùm tài chính đến được với những đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trong xã hội.
Đại dịch đã khiến chúng ta ngày càng quan tâm đến khoảng cách số giữa những người có đủ nguồn lực và khả năng để đón nhận quá trình chuyển đổi số và những người không có. Do đó, thu hẹp khoảng cách số là cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế số, bao gồm cả tiềm năng hỗ trợ phục hồi toàn diện.
Chính phủ và ngành tài chính, đặc biệt là ngân hàng và fintech, có vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách này bằng cách mang đến các sáng kiến cho phép mọi người trở thành những người tham gia tích cực vào nền kinh tế số.
Một số giải pháp nền tảng giúp thu hẹp khoảng cách số và giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt gồm: hệ thống ID quốc gia hỗ trợ thanh toán - cung cấp quyền tiếp cận tài chính toàn dân; các công nghệ chấp nhận thanh toán điện tử mới có chi phí thấp, dễ dàng sử dụng; phổ cập Internet cho phép quyền truy cập bình đẳng vào các dịch vụ thiết yếu, tận dụng cơ hội kinh tế; và nâng cao nhận thức về tính an toàn, bảo mật và sự tiện lợi của việc không dùng tiền mặt.
Các nhà hoạch định chính sách cũng có thể hỗ trợ quá trình này thông qua những biện pháp can thiệp nhằm nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ số của các tổ chức tài chính để cải thiện hoạt động và dịch vụ cho khách hàng của họ.
Đại dịch một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng tiếp cận các giải pháp thanh toán số đối với người nghèo. Ví dụ, để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, nhiều chính phủ đã tăng tốc số hóa các khoản hỗ trợ xã hội để cứu trợ cho các cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các giải pháp như vậy cũng làm gia tăng rủi ro, đặc biệt là khi các hộ gia đình nhìn chung còn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt, có kỹ năng số hạn chế hoặc gặp phải các vấn đề về kết nối.
Cùng với sự tăng tốc của những tiến bộ công nghệ trong thời kỳ đại dịch, các nhà hoạch định chính sách cần xem xét việc này đang định hình thế giới hậu đại dịch như thế nào, bao gồm cả việc đánh giá lại cách hiểu và thúc đẩy bao trùm tài chính.
Nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng tác động của bao trùm tài chính đã thay đổi đáng kể giữa các nhóm thu nhập tùy theo các khía cạnh (mức tiếp cận, sử dụng, v.v.). Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét các khía cạnh như phát triển kinh tế, phân phối thu nhập, nhân khẩu học, cấu trúc thị trường và chất lượng cơ sở hạ tầng trong việc điều chỉnh các chiến lược bao trùm tài chính hiệu quả.
Mặc dù 1,7 tỷ người ở châu Á - Thái Bình Dương đang được tiếp cận với các dịch vụ số từ năm 2002 đến 2018, khoảng cách kết nối số vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Đầu tư nhiều hơn vào hiểu biết kỹ thuật số và kết nối là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ tài chính. Các cơ chế tài chính sáng tạo mới như mã hóa tài sản, trái phiếu dự án dựa trên blockchain và huy động vốn cộng đồng cũng có thể giúp huy động tài chính cho mục đích này.
Cuối cùng, khi các quốc gia cần các chiến lược cụ thể để tận dụng lợi ích của nền kinh tế số và dịch vụ tài chính số, thì tăng cường hợp tác khu vực mạnh mẽ sẽ giúp đảm bảo khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển và thịnh vượng. Trong bối cảnh các hệ thống tài chính ngày càng tích hợp và kết nối với nhau, sự hợp tác như vậy càng trở nên quan trọng hơn.
Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang càn quét khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới nhưng nó cũng mang lại cơ hội cho một kỷ nguyên hậu COVID-19 mạnh mẽ và toàn diện. Điều quan trọng là chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt những cơ hội này./.