Tài chính tiêu dùng được hệ thống ngân hàng quan tâm
Tại Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính quy định: “Cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó”.
Tín dụng tiêu dùng có vai trò đặc biệt quan trọng với người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Với người dân, tín dụng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết thực hàng ngày của người dân, đặc biệt cũng làm cho quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tài chính tiêu dùng đáp ứng về vốn và giúp các hộ kinh doanh này quay vòng đồng vốn nhanh hơn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Còn với nền kinh tế, lĩnh vực này có vai trò quan trọng góp phần phát triển thị trường tài chính chung và đặc biệt với xã hội, giúp giảm tệ nạn tín dụng đen.
Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tài chính tiêu dùng - kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế". Hội thảo đã cho thấy định hướng rõ ràng của Nhà nước, Chính phủ, hệ thống ngân hàng đối với tài chính tiêu dùng trong thời gian tới.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã coi việc phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Hệ thống khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng được Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh.
Các hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được Ngân hàng nhà nước cấp phép đã khẳng định được vai trò, hiệu quả và thị phần trong sự phát triển chung của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam. Tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng đại chúng chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản bảo đảm… góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng "tín dụng đen", cho vay nặng lãi ở các địa bàn này; qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế và công bằng xã hội.
Trong những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính. Dù còn ở mức khiêm tốn nhưng tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng và tỷ trọng tín dụng tiêu dùng so với tổng tín dụng đối với nền kinh tế đều đã tăng đáng kể.
Đến ngày 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021 (trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng và dư nợ phát hành thẻ tín dụng tăng lần lượt là 10% và 19% so với cuối năm 2021) chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế. Những số liệu trên cho thấy, tài chính tiêu dùng đang góp phần giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, tiếp cận được dòng vốn của các công ty tài chính chính thức, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Tăng cường phối hợp để đẩy lùi tín dụng đen
TS Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính) cho biết, theo quy luật, khi kinh tế phát triển, tiêu dùng tăng, hoạt động đi vay để phục vụ tiêu dùng của người dân cũng tăng, phù hợp với xu thế chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng dựa vào chi tiêu Chính phủ và đầu tư sang dựa vào tiêu dùng tư nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do Ngân hàng Nhà nước cấp phép và hoạt động "tín dụng đen" đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.
Tín dụng đen là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua, nhất là đối với một bộ phận công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp - khu chế xuất; người thu nhập thấp ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các cơ quan chức năng thường xuyên nhận được đơn kêu cứu của người dân về tình trạng vay tiền qua app với lãi suất "cắt cổ", lãi mẹ đẻ lãi con, bị "khủng bố" đòi nợ khắp nơi.
"Có những đối tượng mạo danh tín dụng tiêu dùng đưa ra mức lãi suất có thể thấp nhưng phí và tiền phạt cao, do đó, người dân cần nắm rõ để biết mức phải trả vượt quá quy định không. Ví dụ, qua vài vụ án gần đây, trên trang web, các đối tượng thường công bố lãi suất từ 20% trở xuống nhưng khi đã vay sẽ phát sinh nhiều khoản phí tư vấn, giải ngân, phạt nợ quá hạn… rất cao, khiến lãi mẹ đẻ lãi con, có trường hợp hàng nghìn phần trăm/năm", Trung tá Đỗ Minh Phương Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cảnh báo.
Trước thực trạng này, bên cạnh nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng có ngay gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất bằng một nửa lãi vay hiện tại để công nhân, NLĐ có thể dễ dàng tiếp cận.
Cụ thể, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng sẽ được 2 công ty tài chính là Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD SAISON) triển khai (mỗi công ty 10.000 tỷ đồng) để cho công nhân, NLĐ ở các KCN có nhu cầu vay tiêu dùng. Thời hạn vay từ 3 tháng đến tối đa 3 năm với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày.
Hiện nay, việc ứng phó với nạn cho vay nặng lãi qua app đang nở rộ, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (sandbox cho fintech), để có hành lang pháp lý, bảo đảm hoạt động cho vay ngang hàng hay vay qua app (P2P lending) phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang rà soát, sửa đổi để có thể cho áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay trong việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay; ban hành một thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rõ các vấn đề đòi nợ, lãi suất..../.