Truyền thông

Đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam

T.Đ.H 13:55 07/11/2023

Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu COVID-19. Đây là cơ hội lớn để các địa phương lựa chọn giữa lộ trình tăng trưởng xanh, giúp đối mặt với tác động của dịch bệnh trong tương lai, rủi ro do biến đổi khí hậu và bền vững về môi trường. Nếu chọn lựa theo xu hướng này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh.

Chú trọng hơn vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.

Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam hướng đến một tương lai: “Thịnh vượng về kinh tế gắn liền tính bao trùm và tính bền vững về môi trường, chống chịu hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và các cú sốc”.

697f040f-662c-4290-9f5c-bc3ef6877dc1.jpg
Ảnh minh họa.

Cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành 2 Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho 2 thời kỳ phát triển khác nhau. Giai đoạn 2011-2021, đề ra các cơ chế để hỗ trợ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh bao gồm: Chính sách, chủ trương của Đảng, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Thông tư, Chỉ thị.

Bước sang Giai đoạn 2021-2030, ngoài định hướng tổng thể và định hướng phát triển theo ngành, lĩnh vực trong Chiến lược tăng trưởng xanh, các chiến lược và chính sách phát triển vĩ mô là nền tảng cung cấp định hướng cho việc xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, gồm có: Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030...

Theo đó, các mục tiêu vĩ mô về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững; định hướng các nhóm giải pháp lớn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, ít chất thải…; và xác định động lực phát triển mới là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề ra tại các văn bản định hướng nêu trên, tạo tiền đề pháp lý cho việc xây dựng các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể của các Bộ, ngành và địa phương trong giai đoạn 2021- 2030.

Để triển khai các chiến lược và chính sách phát triển vĩ mô trên, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, quy hoạch, đề án, kế hoạch hành động các cấp, các ngành. Việc xây dựng Bộ chỉ số tăng trưởng xanh đảm bảo rà soát, xem xét tích hợp những định hướng, nội dung quan trọng có liên quan, không mâu thuẫn, chồng lắp, mà cùng cộng hưởng với những văn bản mới ban hành cho giai đoạn mới hướng tới các mục tiêu phát triển chung.

Cụ thể, Bộ chỉ số tăng trưởng xanh xem xét tích hợp các nội dung phù hợp từ Kế hoạch hành động quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi lồng ghép các nội dung chống chịu với BĐKH trong các hành động tăng trưởng xanh; cập nhật các hành động về tổ chức và phát triển thị trường carbon và bảo vệ tầng ozon; xem xét giải pháp của các quy hoạch đã ban hành để phát triển sâu sắc thêm các khía cạnh “xanh” trong các hành động về quản lý tài nguyên và phát triển cơ sở hạ tầng...

Xây dựng khung pháp lý cho phát triển nhanh và bền vững

Xây dựng và hoàn thiện các công cụ thuế đối với các hoạt động hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững, gồm việc nghiên cứu đề xuất lộ trình, phạm vi áp dụng nguồn thu từ thuế và sửa đổi, bổ sung một số nội dung của thuế bảo vệ môi trường nhằm sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh các hoạt động có phát thải carbon (tập trung nhiều trong ngành khai khoáng, năng lượng,...): các hoạt động này phát triển từ yêu cầu của Chiến lược tăng trưởng xanh về giảm phát thải KNK, đồng thời cụ thể hóa nhiệm vụ thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành Năng lượng tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Xây dựng, áp dụng khung chính sách về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ tài chính nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó biến đổi khí hậu; xác định các chương trình, dự án, nhiệm vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp thực hiện mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp thực hiện thông qua các hình thức hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ, giải pháp chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho bảo hiểm xanh: Nghiên cứu, xây dựng quy định về bảo hiểm xanh; xây dựng danh mục các sản phẩm bảo hiểm xanh nhằm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có rủi ro môi trường cao: hoạt động này phát triển từ yêu cầu của mục tiêu phát triển nhanh và bền vững về việc phát triển thị trường bảo hiểm xanh.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh: Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020; cũng như quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng: các hoạt động này được phát triển trên cơ sở khoản 1, khoản 4 Điều 149 Luật BVMT 2020 đã đưa ra khái niệm về tín dụng xanh, yêu cầu quản lý rủi ro môi trường. Theo đó, đề xuất các nhiệm vụ sẽ chi tiết hóa các thông tin về cấp tín dụng xanh, thể chế hóa việc quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng tại các văn bản pháp lý chuyên ngành.

Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh: Các hoạt động chủ yếu gồm: Ban hành cơ chế ưu đãi cho đầu tư xanh, tín dụng xanh nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh ở các địa phương; Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh; Rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh của nước ngoài; Nâng cấp, thể chế hóa Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và yêu cầu Báo cáo bền vững (BCBV) đối với doanh nghiệp ở các địa phương...

Bài liên quan
  • Thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xanh
    Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu trong thời đại hiện nay, đặc biệt là kết hợp với chuyển đổi số. Do đó cần sự thúc đẩy để đưa quá trình chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xanh ngày một lớn mạnh.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO