Thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xanh
Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu trong thời đại hiện nay, đặc biệt là kết hợp với chuyển đổi số. Do đó cần sự thúc đẩy để đưa quá trình chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xanh ngày một lớn mạnh.
Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xanh là việc áp dụng những công nghệ kỹ thuật số vào quá trình phát triển kinh tế nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái, đồng thời chú trọng vào sự bền vững. Việc ứng dụng các công nghệ tái tạo năng lượng hay kiểm soát khí thải cacbon trong hoạt động sản xuất là một trong những ví dụ điển hình.
Chuyển đổi số mang lại cho quá trình phát triển kinh tế xanh những sự hữu ích đáng kể. Thứ nhất, việc chú trọng sử dụng những công nghệ tái tạo năng lượng không những làm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch mà còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Hiện nay, các nhiên liệu hoá thạch đang dần cạn kiệt, do đó, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo là cần thiết đối với các doanh nghiệp để duy trì, không làm gián đoạn quá trình sản xuất. Không những vậy, việc này còn giúp cho doanh nghiệp không hao tốn chi phí khi những năng lượng được tạo ra từ môi trường tự nhiên như: gió, mặt trời, địa nhiệt,… có thể được sử dụng liên tục, đặc biệt trong trường hợp nhiên liệu hoá thạch trở nên khan hiếm, có thể đẩy giá lên cao.
Thứ hai, áp dụng công nghệ kỹ thuật nhằm bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất góp phần làm tăng trưởng kinh tế. Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay đang nghiêng về những sản phẩm thân thiện với môi trường. Vì thế, việc chuyển hướng sang sản xuất xanh, đặc biệt là với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại là một phương án tối ưu cho các doanh nghiệp nhằm tăng lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu người tiều dùng. Ngoài ra, điều này một phần nào đó làm tăng chất lượng sản phẩm. Do nhu cầu tiêu dùng xanh ngày một tăng đòi hỏi các nhà sản xuất phải luôn nâng cao chất lượng sản phẩm, vì thế, việc áp dụng công nghệ xanh trong sản xuất là một biện pháp gián tiếp làm tăng chất lượng sản phẩm, qua đó tạo bước đà phát triển kinh tế xanh.
Thứ ba, chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất xanh giúp đẩy mạnh sự bền vững. Sự cân bằng hài hoà giữa việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là điều cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Với việc ưu tiên sử dụng nhiên liệu tái tạo, tái chế vật liệu, tránh lãng phí song song với áp dụng công nghệ kỹ thuật, từ đó góp một phần bảo vệ nguồn năng lượng cần thiết cho các hoạt động sản xuất, giữ vững sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường.
Thứ tư, chuyển đổi số theo hướng xanh góp phần làm tăng tính hiệu quả trong các hoạt động sản xuất. Khi tham gia vào các quá trình sản xuất xanh, các doanh nghiệp có thể phải ưu tiên chú trọng sử dụng những công nghệ tân tiến nhất để đảm bảo sự thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, có thể vận hành được bằng năng lượng tái tạo. Việc vận hành những công nghệ tiên tiến phần nào đó giúp tăng sự hiệu quả trong sản xuất. Thêm vào đó, sự trợ giúp của những công nghệ tiên tiến còn giúp nâng cao năng suất lao động của nhân lực trong doanh nghiệp, qua đó đóng góp vào hiệu quả chung.
Thứ năm, những công nghệ kỹ thuật được sử dụng trong hoạt động sản xuất xanh có thể trở thành nền tảng cho việc phát triển và cải tiến ở bước tiếp theo. Công nghệ kỹ thuật luôn có những sự tiến bộ không ngừng, đặc biệt là trong phát triển kinh tế xanh. Vì thế, việc tối ưu những mặt lợi ích của công nghệ trong các hoạt động sản xuất xanh tạo ra đòn bẩy cho việc nâng cấp và phát triển những công nghệ này. Từ đó ứng dụng trong việc nâng cao phát triển kinh tế xanh.
Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh
Phát triển kinh tế xanh là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là khi có sự thúc đẩy mạnh mẽ của chuyển đổi số.
Đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo
Để đóng góp chung vào phát triển kinh tế xanh, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi về mô hình công nghệ ứng dụng, ưu tiên chuyển đổi sử dụng những công nghệ vận hành bằng năng lượng xanh, hạn chế tối đa sử dụng và giảm phụ thuộc vào những nguyên liệu hoá thạch. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có quá trình nghiên cứu nhằm đưa ra những sáng kiến tạo ra những nguồn nhiên liệu mới phù hợp, thân thiện với môi trường và đặc biệt có khả năng tái tạo, giúp tiết kiệm chi phí và duy trì được tính bền vững trong sản xuất.
Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong sản xuất
Phát triển kinh tế xanh không thể thiếu được sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường khi thực hiện các hoạt động sản xuất. Đặc biệt là đánh giá được những tác hại của ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất và những lợi ích của việc ứng dụng sản xuất xanh. Bên cạnh việc chú trọng vào những phương thức tăng năng suất đầu ra, các doanh nghiệp cần tự cập nhật những phương thức sản xuất mới nhằm tránh những tác động xấu đến môi trường. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo việc vận hành đúng với những phương pháp, đồng thời có sự đồng bộ hiệu quả khi thực hiện sản xuất xanh.
Tích cực thay đổi hành vi tiêu dùng
Không chỉ doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận và phương pháp phù hợp để tham gia vào sản xuất xanh, mỗi người tiêu dùng cũng cần tích cực hơn nữa trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xanh. Mỗi người tiêu dùng cần nhận thức rõ được sự hữu ích của những sản phẩm của sản xuất xanh, từ đó ưu tiên sử dụng những sản phẩm này. Việc này giúp các doanh nghiệp có thêm động lực để chuyển hướng sang các mô hình công nghệ sản xuất xanh nhằm tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, qua đó góp phần vào thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển kinh tế xanh.
Thường xuyên cập nhật và nâng cấp công nghệ khi cần thiết
Công nghệ sử dụng trong việc hỗ trợ sản xuất xanh nên được thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình trong quá trình vận hành. Những công nghệ đó có thể gặp trục trặc và ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng, do đó, nên được kiểm tra sát sao để kịp thời khắc phục hoặc có những nâng cấp khi cần thiết để đảm bảo duy trì được các hoạt động sản xuất xanh cũng như tăng cường được sự hiệu quả.
Kinh tế xanh đang thể hiện được tính hữu ích. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay không thể thiếu sự trợ giúp đắc lực của chuyển đổi số. Vì thế, để phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số cần được thúc đẩy mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất cũng như những điểm mạnh của việc áp dụng mô hình công nghệ sản xuất xanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng chuyển hướng sang sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất, đồng thời cập nhật và nâng cấp những công nghệ để phù hợp với sản xuất xanh. Không chỉ có vậy, mỗi người tiêu dùng cũng cần tích cực thay đổi nhận thức về tính ích lợi của những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường để tạo chất xúc tác cho doanh nghiệp tăng cường sản xuất xanh.
Tài liệu tham khảo:
https://thefinancialexpress.com.bd/views/analysis/digital-transformation-a-vehicle-for-green-growth
https://www.edie.net/digital-transformation-will-drive-a-more-sustainable-industrial-future/