Đẩy mạnh phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo

V.A| 17/06/2020 14:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm

Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 (Ban Chỉ đạo) đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).

Theo đó, để thực hiện hiệu quả mục tiêu đã đề ra, Chương trình phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo đối với công tác tham mưu, đề xuất về quản lý, điều hành thực hiện Chương trình trong năm 2020.

Chương trình sẽ triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" và tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để huy động tối đa nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng tâm hiệp lực và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020.

Đẩy mạnh phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Lê Hồng Hà)

Triển khai sâu rộng phong trào chung tay vì người nghèo

Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò trong giám sát thực hiện giảm nghèo bền vững và tham gia tích cực vào vận động người dân hưởng ứng các phong trào chung tay vì người nghèo, gây quỹ ủng hộ người nghèo và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng cần tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, dự án thành phần của Chương trình; rà soát, đánh giá hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giao kế hoạch, phân bổ nguồn vốn và các thủ tục trong đầu tư xây dựng cơ bản... để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 đã được giao. Đồng thời, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo có công với cách mạng, đồng bào ở vùng khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Mai Anh)

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo tập trung thực hiện công tác tổng kết, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của Luật Đầu tư công. Rà soát các cơ chế, chính sách để đề xuất khung pháp lý, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn để chủ động và tạo điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng chuẩn nghèo đa chiều (chung và đối với trẻ em) làm cơ sở đo lường và đề xuất định hướng giảm nghèo giai đoạn tiếp theo.

Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân khoảng dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3 - 4% so với cuối năm 2018.

Tuy nhiên, tình trạng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao (bằng 17,82% tổng số hộ thoát nghèo) chủ yếu do thiên tai, tách hộ.

Một số chính sách mang tính chất hỗ trợ ngắn hạn, thời vụ; trực tiếp, cho không, mang tính bình quân, cào bằng, thời gian đầu có tác dụng tốt, giải quyết được một số khó khăn trước mắt cho người dân, tuy nhiên đến nay không còn phù hợp, nhưng chậm sửa đổi, bổ sung...

Do đó, thời gian tới, Chương trình cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình, trong đó tập trung vào tình hình phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và đối ứng ngân sách địa phương; nắm bắt việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về chương trình, chính sách giảm nghèo; hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý chương trình.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO