Truyền thông

Đẩy mạnh vai trò của báo chí trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng

Thu Hoài 27/11/2024 15:03

Mạng xã hội là chiến trường lớn nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội (MXH) cao trên toàn thế giới. Tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận Internet đạt 79,1%.

Việt Nam có 72,70 triệu người sử dụng MXH, tương đương với 73,3% tổng dân số. Tổng cộng có 168,5 triệu kết nối di động tại Việt Nam vào đầu năm 2024, con số này tương đương với 169,8% tổng dân số.

picture1.png

Sự lan tỏa và phát triển của không gian mạng thông qua các nền tảng phổ biến như Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok, Instagram… và các ứng dụng từ công nghệ AI như ChatGPT mang lại nhiều tác động tích cực như: tạo nên sự kết nối, chia sẻ các thông tin hữu ích, nâng cao kỹ năng sống, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội; tham gia vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Không gian mạng có đặc tính dễ lan truyền thông tin, tạo hiệu ứng xã hội nhanh và có sự tương tác lớn, cho phép người dùng được thoải mái bày tỏ chính kiến, thái độ, là công cụ phổ biến của đông đảo người dùng trong việc trao đổi thông tin, liên lạc, kết nối bạn bè, học tập, chia sẻ cảm xúc, giải trí, thương mại online, xây dựng các nhóm cộng đồng, bày tỏ quan điểm…

picture2.png

Bên cạnh mặt tích cực, MXH cũng gây nên không ít tác hại với người dùng, điển hình là gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý; giảm khả năng giao tiếp thực tế, suy giảm tương tác giữa các thành viên trong xã hội; suy giảm khả năng tư duy độc lập và sáng tạo; sao nhãng, lãng phí thời gian…

Người dùng MXH có thành phần hết sức đa dạng, giống như một phiên bản “xã hội”. Trong đó, một bộ phận không nhỏ người dùng ở Việt Nam coi MXH như Facebook, Tiktok… là công cụ chính để tiếp cận thông tin, ít đọc các thông tin chính thống trực tiếp, mà đọc một cách thụ động qua các chia sẻ trên không gian mạng này, khiến bị lệ thuộc và ít nhiều bị tác động bởi các vấn đề tiêu cực, một chiều, từ đó có góc nhìn chưa đúng về nhiều vấn đề của đời sống xã hội…

Một điểm quan trọng, nội dung được lan truyền trên không gian mạng rất khó quản lý, giám sát và kiểm duyệt. Nhiều người dùng vô tư chia sẻ, bày tỏ thái độ yêu - ghét, nói - viết những điều mình cho là hay, là đúng trong khi không đủ kỹ năng và trình độ để phân tích, nhận diện đúng - sai của vấn đề. Hoặc nhiều người dùng khả năng tự “đề kháng” kém khiến dễ rơi vào bẫy “tin giả”, vô hình dung trở thành công cụ lan truyền tin tiêu cực gây hoang mang dư luận, trực tiếp tạo ra những hệ lụy khôn lường ảnh hưởng đến cả cộng đồng.

Song song với sự phát triển công nghệ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có làn sóng tội phạm sử dụng công nghệ AI.

Trong bối cảnh như vậy, việc lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động chống phá, xuyên tạc nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” hay “cách mạng màu” của các thế lực thù địch đã và đang diễn ra ngày một tinh vi và phức tạp. Nếu không phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời… sẽ tác động đến tư tưởng, tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên, dễ dẫn họ sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

“Đẩy mạnh” thông tin chính thống để “đẩy lùi” thông tin tiêu cực

Hành động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc trên MXH được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Đảng và Nhà nước hiện vẫn đang không ngừng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân về pháp luật, ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt chú trọng nhóm thanh thiếu niên là lực lượng tích cực nhất trên không gian mạng. Quy tắc ứng xử trên MXH được phổ biến rộng rãi nhằm xây dựng văn hóa môi trường MXH an toàn, lành mạnh.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tăng cường. Trong đó, cần chú trọng giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả; nâng cao khả năng tự phòng, chống của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị.

Cùng với đó là nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu trong khai thác, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, trong đó có MXH, của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.

Một trong những giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả là phát huy lợi thế chủ động về thông tin của hệ thống báo chí để hạn chế những “khoảng trống thông tin” mà các đối tượng thù địch có thể lợi dụng nhằm tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước được coi trọng.

Thông qua các cơ quan báo chí, đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về những thành tựu đột phá, kết quả đạt được có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước về cả lý luận và thực tiễn trong gần 40 năm qua.

Thực hiện tốt hơn nữa chế độ thông tin cho các cơ quan báo chí một cách công khai, kịp thời, giúp thông tin trên hệ thống báo chí chính xác, kịp thời, chặt chẽ và không có sơ hở để các đối tượng thù địch tạo cớ suy diễn, công kích. Đặc biệt, chú trọng thông tin tích cực, các mô hình hay, điển hình tiên tiến, theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

picture3.png

Mặt khác, các cơ quan báo chí, truyền thông cần tăng cường xây dựng chiến lược, kế hoạch tuyên truyền đấu tranh chủ động, vừa thường xuyên, vừa có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những tuyến bài đầu tư công phu, có chất lượng tốt, nhân các vấn đề, sự kiện chính trị lớn của Đảng, của đất nước; kết hợp chặt chẽ và có sự phối hợp giữa các loại hình báo chí, chú trọng các tác phẩm truyền thông đa phương tiện.

Kết hợp thông tin phản bác của các cơ quan báo chí chính thống với các kênh truyền thông khác, theo phương thức lấy thông tin chủ đạo từ các cơ quan báo chí làm thông tin nguồn để lan tỏa trên không gian mạng, tận dụng tính năng siêu kết nối xã hội của các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội; tích hợp tính năng chia sẻ thông tin của các báo, tạp chí điện tử trên các nền tảng xã hội.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, các cơ quan báo chí cần tận dụng triệt để công nghệ thông tin - truyền thông hiện đại để gia tăng tần suất, cường độ truyền thông, như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), rô-bốt… tự động sản xuất các tin, bài, bình luận tích cực theo mẫu liên tục phủ lên không gian mạng, chủ động mở các kênh truyền thông xã hội riêng như “cánh tay” nối dài đẩy mạnh thông tin ra bên ngoài phục vụ quần chúng, nhân dân, độc giả.

Đồng thời, cần có chiến lược xây dựng nền tảng các ứng dụng phương tiện truyền thông xã hội trọng điểm, có chất lượng, sức cạnh tranh, tính hấp dẫn, tính giáo dục và phù hợp với văn hóa dân tộc, từ đó góp phần gia tăng năng lực tự chủ thông tin quốc gia./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh vai trò của báo chí trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO