Đề án trang bị sách cho xã, phường: Thành quả và thách thức

Hoàng Minh| 06/12/2022 13:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau Hội nghị tổng kết việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) đã quyết định ban hành Kết luận số 30-KL/TW ngày 8/2/2018 về tiếp tục thực hiện Đề án 396… với mục tiêu góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp xã, đáp ứng mục tiêu phát triển đất nước và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân tại cơ sở.

Đề án 396: Tạo bệ phóng cho các thư viện xã, phường

Năm 2009, Ban Bí thư đã giao Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Sau quá trình thí điểm ở 16 tỉnh, thành phố, đến năm 2011, Đề án được triển khai trên phạm vi cả nước. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc quản lý, khai thác, sử dụng các ấn phẩm, ngày 08/02/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Kết luận số 30-KL/TW về tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn.

Theo Hội nghị tổng kết việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2016, việc trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước là một chủ trương đúng đắn, thể hiện nhận thức và quyết tâm của Đảng đối với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân ở cơ sở. Đề án đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên ở cơ sở và các tầng lớp nhân dân có điều kiện tự trang bị, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, năng lực về nhiều mặt...

Đề án trang bị sách cho xã, phường: Thành quả và thách thức - Ảnh 1.

Rất nhiều sách có nội dung phong phú, cung cấp những tri thức cơ bản, chính thống về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội.... được xuất bản (Ảnh: PV)

Trong giai đoạn này, Đề án đã xuất bản gần 400 đầu sách (bao gồm cả đĩa CD-ROM và CD Audio) với trên 9,4 triệu bản sách. Sách có nội dung phong phú về nhiều lĩnh vực, cung cấp những tri thức cơ bản, thiết thực, quan trọng, chính thống về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội, công tác quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho cơ sở xã, phường, thị trấn... Việc tăng cường trang bị sách cho cơ sở, xã, phường, thị trấn góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở"; Kết luận của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng"; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ"...

Sau hơn 10 năm thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng các ấn phẩm trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn, Đề án đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đáp ứng kịp thời việc tự nghiên cứu, tham khảo, học tập nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiến thức về nhà nước và pháp luật; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; về văn hoá, đạo đức, khoa học - kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

Thành quả bước đầu

Nhờ có Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn và việc xã hội hoá mô hình thư viện, việc tặng sách của các tập thể, cá nhân... nên đa số thư viện, tủ sách hoạt động tốt với nhiều đầu sách chất lượng, thiết thực thu hút nhiều lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân đến khai thác thông tin, tra cứu dữ liệu, tìm hiểu kiến thức... Nhiều cơ sở quản lý, sử dụng và khai thác sách có hiệu quả.

Các cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn trong các tỉnh đã chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện Đề án; bố trí tủ sách, phòng đọc, phân công cán bộ phụ trách, thường xuyên kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng để phát huy hiệu quả Đề án. Nhiều địa phương lập tủ sách của đảng uỷ và giao cho văn phòng đảng uỷ trực tiếp quản lý; một số địa phương giao văn phòng UBND xã hoặc chuyển sách vào tủ sách pháp luật, giao cho cán bộ tư pháp quản lý; một số nơi chuyển sách vào trung tâm học tập cộng đồng… Các xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận sách đều thông báo tới các đồng chí trong cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, nhân dân tìm đọc, tra cứu khi cần thiết. Nhiều lượt tập thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thường xuyên quan tâm nghiên cứu, cập nhật những kiến thức mới và tiếp nhận những thông tin từ sách của Đề án.

Đề án trang bị sách cho xã, phường: Thành quả và thách thức - Ảnh 2.

Thư viện thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh: HA)

Những cuốn sách với nội dung thiết thực, dễ hiểu; những mô hình mới, những kinh nghiệm hay, những điển hình tiên tiến trong sách đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân vận dụng vào thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; làm giảm tình trạng hiểu sai, hiểu nhầm; đưa người dân tiếp cận những tri thức mới của nhân loại. Đề án đã từng bước đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin, tra cứu dữ liệu, trau dồi kiến thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần làm ổn định tình hình chính trị, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Có thể thấy, từ một chủ trương hết sức đúng đắn, với sự quyết tâm triển khai đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn cùng với Tủ sách pháp luật, sách trang bị tại điểm bưu điện, văn hóa xã đã góp phần làm phong phú tủ sách ở cơ sở, là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng các sách, tài liệu về giáo dục lý luận chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… phục vụ công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở; phục vụ nhu cầu tìm hiểu và nâng cao kiến thức về mọi mặt của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

Vẫn còn những nỗi lo

Sau hơn 10 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu đáng ghi nhận, vẫn còn những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương, mục đích, yêu cầu của Ðề án; thiếu thông tin về danh mục sách, đơn vị được tiếp nhận, chưa thống nhất và còn lúng túng về hình thức tổ chức, quản lý, sử dụng,…

Số lượng sách của Ðề án gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu của cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Mỗi xã, phường, thị trấn được trang bị hai bộ sách, chủ yếu phục vụ cho đối tượng là cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã tìm hiểu, tra cứu để xử lý công việc hằng ngày. Trong khi điều kiện ở cấp xã, nhất là xã miền núi có nhiều thôn, bản nằm cách xa trung tâm nên nhân dân rất khó tiếp cận được sách của Ðề án.

Hầu hết các xã, phường, thị trấn chưa có phòng đọc riêng; thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc. Sách của Ðề án hầu hết đặt tại trụ sở UBND xã, nên không thuận tiện cho quần chúng nhân dân tới đọc và mượn sách. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý, khai thác, sử dụng sách của Ðề án ở cơ sở đều thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, không có chế độ phụ cấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Ðề án.

Đề án trang bị sách cho xã, phường: Thành quả và thách thức - Ảnh 3.

Cần tăng cường hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho mỗi phòng đọc, thư viện. (Ảnh: PV)

Vì lẽ đó, để phát huy hơn nữa hiệu quả của Đề án, cần tiếp tục tăng cường việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả sách được trang bị. Trong quá trình triển khai thực hiện Ðề án, phải gắn chặt việc quản lý, khai thác, sử dụng sách của Ðề án với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương với các nhiệm vụ chủ yếu: Ðẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về chủ trương đúng đắn của Ban Bí thư, về mục đích, yêu cầu của Ðề án, về trách nhiệm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền trong việc chỉ đạo thực hiện Ðề án; Cán bộ quản lý sách phải được phân công trách nhiệm cụ thể, được tập huấn, có hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình trong công việc để hướng dẫn cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đọc, tra cứu tìm hiểu kiến thức, thông tin. 

Ðồng thời, cần tổ chức luân chuyển sách của Ðề án đến tủ sách các thôn, bản để nhân dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn thông tin từ sách, tìm hiểu học tập và áp dụng vào sản xuất, đời sống; Trong công tác quản lý, tổ chức phong trào đọc sách ở cơ sở, cần nghiên cứu mô hình hợp nhất các nguồn sách từ tủ sách lý luận chính trị, sách pháp luật, bưu điện văn hóa…gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phù hợp với đối tượng tiếp nhận, khai thác, sử dụng sách của Ðề án; Các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương cần chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, bám sát cơ sở để nắm bắt nhu cầu, đánh giá đúng tình hình quản lý, sử dụng sách của Ðề án; tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Ðề án hằng năm; kịp thời phát hiện những mô hình tốt để phổ biến rộng rãi, phản ánh những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân liên quan đến việc quản lý, sử dụng sách./.

Bài liên quan
  • Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
    Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đề án trang bị sách cho xã, phường: Thành quả và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO