Để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thấy được lợi ích của chuyển đổi số

PV| 25/10/2022 09:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều lý do đặc thù, việc thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, rất cần định hướng bài bản hơn từ phía cơ quan quản lý.

Môi trường kinh tế số tại Việt Nam còn khá khiêm tốn

Theo báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay, cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; hơn 26.000 hợp tác xã với tổng số 6,8 triệu thành viên, 2,5 triệu lao động và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh. Quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ (chiếm trên 94%), còn lại là các doanh nghiệp quy mô lớn. Những năm qua, hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng.

Hiện nay, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối. Nhiều doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee…; trên 200.000 cơ sở sản xuất kinh doanh đang sử dụng các phần mềm hóa đơn điện tử của nhiều nhà cung cấp khác nhau như E-invoice, Ihoadon hay Misa Meinvoice.

Hầu hết doanh nghiệp đều trang bị và sử dụng chữ ký số; hơn 60% các doanh nghiệp trên cả nước đang sử dụng phần mềm kế toán (Bravo, 3Tsoft, Misa) giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên; góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đối với khách hàng và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đối với không ít doanh nghiệp, hoạt động chuyển đổi số vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết. Phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ. Việc có thể hiểu, hình dung và nhận thức được các thay đổi đang diễn ra sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp là điều không dễ dàng. Do đó, quyết định thực hiện chuyển đổi số hay không sẽ cần thời gian.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, có trên 75% doanh nghiệp nhỏ và vừa và 63% doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện chưa rõ lợi nhuận đầu tư công nghệ bằng bao nhiêu, cũng như việc đầu tư đó có phù hợp với nhu cầu của họ hay không. Chưa đến 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, họ thiếu thông tin về những công nghệ hiện có, thiếu kỹ năng để sử dụng công nghệ. Các doanh nghiệp này cũng cho biết việc tiếp cận nguồn tài chính nước ngoài còn hạn chế.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa hình thành các cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp công nghệ, qua đó giúp doanh nghiệp có đủ thông tin để đưa ra lựa chọn phù hợp. Đồng thời, đây cũng là những thông tin hữu ích, minh bạch, phân tích cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số thấy được các khía cạnh (tính sẵn sàng, hiệu quả của giải pháp kinh doanh số, phân tích các công nghệ số, rủi ro, kinh phí đầu tư...) để có giải pháp tự hoàn thiện mình.

Các dự án chuyển đổi số có thể tốn rất nhiều kinh phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế. Theo khảo sát từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 55,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chi phí ứng dụng công nghệ là hạn chế lớn nhất.

Môi trường kinh tế số tại Việt Nam còn khá khiêm tốn, càng doanh nghiệp nhỏ và vừa càng khó tiếp cận, ngoài chỉ số mật độ thuê bao internet băng rộng, các chỉ số khác còn rất hạn chế. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử viễn thông có tỷ lệ nội địa chỉ đạt 15%.

Thách thức trong chuyển đổi số ở doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Ảnh 1.

Quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ (chiếm trên 94%).

Nhiều giải pháp đồng hành với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thời gian qua, các bộ, ngành và tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn về chuyển đổi số nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vấn đề này; định hình và hoạch định được chiến lược chuyển đổi số phù hợp với điều kiện của mình; lộ trình chuyển đổi số cho DN…

Giữa tháng 5, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyển đổi số, trong đó có chương trình chuyển đổi số cho 250 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp được giới thiệu chương trình, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số; tìm hiểu các nền tảng chuyển đổi số… Mới nhất, Cục Phát triển doanh nghiệp (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức buổi tập huấn với chủ đề: Tầm nhìn và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa. Hơn 200 DN trên địa bàn tỉnh đã tham gia chương trình. Buổi tập huấn cung cấp cho các DN những kiến thức tổng quan về chuyển đổi số; ảnh hưởng của chuyển đổi số đến hoạt động kinh doanh của DN; các giai đoạn chuyển đổi số cho DN một cách toàn diện.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó bổ sung quy định về hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn chính thống từ các ngân hàng là do năng lực tài chính của các chủ doanh nghiệp chưa cao, vì hạn chế về quản lý dòng tiền, minh bạch chứng từ, báo cáo tài chính. Cùng với đó, doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng do liên quan đến tài sản đảm bảo, về phương án kinh doanh khả thi, lịch sử trả nợ và các điều kiện, thủ tục vay vốn khác.

Trước nhu cầu và sự cần thiết này, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với USAID thông qua Dự án "Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa" (LinkSME), tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết quả, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.

Cục Phát triển doanh nghiệp và Dự án USAID LinkSME cũng đã triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, 14 doanh nghiệp đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD.

Các dự án, chương trình này sẽ tiếp rục được thực hiện để đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% nếu thuê, mua các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số do Bộ TT&TT chứng nhận, công bố.

Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là xu hướng nhất thời mà công cuộc số hóa còn mang lại những lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp, từ quản trị điều hành đến chiến lược kinh doanh nên doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải tranh thủ các chương trình, chính sách nhằm thay đổi hoàn toàn cục diện doanh nghiệp, vươn tầm phát triển mới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thấy được lợi ích của chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO