Để làn sóng công nghệ và đổi mới sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ
“Chúng tôi hi vọng, trong thời gian tới, tất cả các vướng mắc sẽ được khơi thông để làn sóng công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đến được với doanh nghiệp (DN) và DN mạnh dạn đầu tư vào công nghệ”.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt đã nhân mạnh như vậy khi chia sẻ về một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành KH&CN tập trung triển khai trong năm 2023 nhân dịp Xuân Quý Mão 2023.
Chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, có thể nói, đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) được đánh giá gián tiếp thông qua một số điểm, một số chỉ tiêu. Cụ thể như năm 2022, chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng; tiếp tục xếp thứ 4 trong Đông Nam Á; xếp thứ 2 trong các quốc gia có mức thu nhập bình quân thấp (sau Ấn Độ).
Mặc dù giảm thứ hạng so với năm 2021 (xếp thứ 44), tuy nhiên, một số chỉ số đã có cải thiện đáng chú ý như: Trụ cột Thể chế tăng 32 bậc, từ thứ hạng 83 năm 2021 lên 51 năm 2022; nhóm chỉ số Liên kết ĐMST tăng 10 bậc, từ thứ hạng 58 năm 2021 lên 48 năm 2022; trụ cột Sản phẩm sáng tạo tăng 7 bậc, từ thứ hạng 42 năm 2021 lên 35 năm 2022…
Bên cạnh đó, DN ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động KH&CN và ĐMST. Các tập đoàn, công ty lớn như VinGroup, Samsung… tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho hoạt động KH&CN và ĐMST.
Ngoài ra, Báo cáo tình hình KTXH quý IV và năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 12/2022 cho thấy, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) ước tính đạt khoảng 43,8% (gần bằng trung bình giai đoạn 2016-2020 – thời điểm trước dịch COVID-19 là 45,5%; cao hơn mức 37,12% của năm 2021). Kết quả trên đã phản ánh được hoạt động ĐMST như: Hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, hoạt động đổi mới công nghệ, hoạt động đổi mới phương thức quản lý của DN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, gần đây, trong tiếp xúc, trao đổi với các DN, một tín hiệu đáng mừng là các DN Việt Nam bắt đầu đặt niềm tin vào KH&CN và coi đó là một trong những giải pháp tiên quyết để vươn lên. Mặt khác, chưa bao giờ các DN lại cần đến các giải pháp công nghệ như và chưa bao giờ các nhà khoa học lại mong mỏi chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu của mình như hiện nay.
“Tôi nghĩ rằng đây là điểm thuận lợi quan trọng để chúng ta lan tỏa tinh thần "lấy DN làm trung tâm" hay "DN là trung tâm của hệ thống ĐMST", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ KH&CN cũng tái cơ cấu hệ thống các chương trình KH&CN quốc gia để DN có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia nhằm tìm giải pháp công nghệ cho chính mình, nâng cao năng lực cho chính mình; quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập từ địa phương đến trung ương cũng như các tổ chức KH&CN trong trường đại học…
Nhìn ra thế giới, chúng ta đều thấy là những giải pháp công nghệ, dù ở trong khuôn viên DN hay trong các trường viện, đều gặp nhau ở một điểm, đó là càng hứa hẹn nhiều đột phá thì càng có nhiều rủi ro; giải pháp càng được đóng gói một cách hoàn hảo theo tiêu chuẩn tối ưu về chi phí nguyên liệu đầu vào, quy trình vận hành, nhân công, hiệu quả về sản phẩm, đem lại lợi nhuận kinh tế… thì càng phải được phát triển theo nhiều bước, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.
Do đó, khi tiến hành tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia lần này, Bộ KH&CN xác định thiết kế các đề tài, nhiệm vụ hướng đến việc làm ra các công nghệ mới, các giải pháp mới, có thể thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm thay vì 5 năm như trước; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy ĐMST trong DN và sản phẩm đầu ra…
Bộ KH&CN đã cùng với các bộ, ngành liên quan bàn bạc tháo gỡ các vướng mắc để giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ xét duyệt đề tài, thủ tục thanh quyết toán cũng như vấn đề về xử lý tài sản hình thành từ đề tài do ngân sách nhà nước tài trợ để chuyển giao hoặc hoàn trả lại cho nhà nước.
“Chúng tôi hi vọng trong thời gian tới, tất cả các vướng mắc sẽ được khơi thông để làn sóng công nghệ và ĐMST từ trường, viện đến được với DN và DN mạnh dạn đầu tư vào công nghệ”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, để giúp DN tiếp cận được với những công nghệ mới đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao công nghệ từ viện, trường vào DN thì cách làm hiệu quả nhất là tạo điều kiện mở các tài sản trí tuệ (sở hữu trí tuệ - SHTT) được hình thành từ đề tài nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ.
Bộ KH&CN cũng đã sửa đổi Luật SHTT theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay về mặt pháp lý và thực tiễn.
Khi hoạt động chuyển giao công nghệ thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí càng phát triển, các DN càng có điều kiện nâng cao năng lực, áp dụng các công nghệ mới và tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường…
Chính sự phát triển này sẽ quay trở lại thúc đẩy sự phát triển về KH&CN ở các trường đại học, viện nghiên cứu. Khi đó, các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm phát triển công nghệ thực sự là một thành phần quan trọng đóng góp vào hệ thống ĐMST quốc gia và sẽ nhận được nhiều nguồn đầu tư hơn, không chỉ từ ngân sách nhà nước như trước.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang xây dựng cơ chế và đề xuất triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST trong một số dự án KH&CN. Trong năm 2023, sẽ tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh.
“Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy rằng khu vực DN tư nhân đã bắt đầu có những điểm sáng. Một số tập đoàn và DN đã bắt đầu dành nguồn đầu tư đáng kể cho R&D, trong đó có đầu tư dài hạn cho khoa học cơ bản. Một số nghiên cứu cơ bản đã được họ đầu tư đủ lâu và đủ sâu để trở thành những ứng dụng công nghệ hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh, thậm chí tạo cơ sở hình thành các công ty khởi nguồn (spin off)”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định ./.