Vai trò của truyền thông chính sách trong hoạch định chính sách nhằm tạo dựng sự đồng thuận xã hội ở Việt Nam thời kỳ chuyển đổi số
Truyền thông chính sách là những nội dung thông điệp mà Chính phủ tiến hành nhằm thực hiện mục tiêu quản lý xã hội của mình.
Truyền thông chính sách
Truyền thông
Truyền thông là thiết chế xã hội rộng lớn hoạt động trong mối quan hệ giữa cá nhân cũng như các tổ chức xã hội một cách thường xuyên, liên tục. Với nghĩa đó truyền thông (xã hội) được đồng nhất với tất cả các mạng, kênh, nguồn tin xã hội hiện có, trong đó, truyền thông đại chúng (truyền thông Chính phủ) được coi là hạt nhân có vai trò định hướng, chi phối sức mạnh, khuynh hướng và tính chất của truyền thông xã hội nói chung. Bản chất của truyền thông đại chúng là phục vụ chế độ chính trị.
Truyền thông chính sách là những nội dung thông điệp mà Chính phủ tiến hành nhằm thực hiện mục tiêu quản lý xã hội của mình.
Chủ thể truyền thông (chính phủ) là những cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ngành, Trung ương, các cấp địa phương. Ngoài ra là những cơ quan thực hiện nhiệm vụ truyền thông của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thông qua báo chí (các loại hình báo chí chính thống). Ở đây, bài viết nhấn mạnh đến các đơn vị thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính phủ: Văn phòng các Bộ, Văn phòng Ủy ban Nhân dân các tỉnh; các Trung tâm Thông tin và Truyền thông; Các đơn vị chuyên trách Thông tin và Truyền thông (một số Bộ, Ngành); Người phát ngôn; Cổng thông tin điện tử.
Phương thức truyền thông chính sách được thực hiện chủ yếu thông qua các hình thức như: Tổ chức họp báo, giao ban báo chí, thông cáo báo chí, văn bản đề nghị gửi đến các cơ quan báo chí, trả lời phỏng vấn, truyền đạt tới xã hội qua cổng thông tin điện tử…
Chức năng cơ bản của truyền thông chính sách: Cung cấp thông tin một cách nhanh chóng và chính xác; Định hướng dư luận xã hội, tạo được uy tín mang tính thuyết phục; Trách nhiệm giải trình trước xã hội; Quản trị khủng hoảng truyền thông khi nảy sinh.
Truyền thông chính sách ở đây bao gồm cơ quan, đơn vị truyền thông và các phương tiện, hình thức truyền thông. Một chính sách của chính phủ (các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra) qua các cơ quan truyền thông của chính phủ công bố tới xã hội, các cơ quan làm nhiệm vụ truyền thông sẽ đăng tải, phản ánh, đánh giá, bình luận về các chính sách đó tới toàn xã hội.
Như vậy, với tư cách là phương thức và nội dung thiết chế quan trọng của xã hội, truyền thông chính sách có thể đảm nhận vai trò hết sức to lớn trong quá trình hoạch định, thực thi chính và đánh giá chính sách công. Truyền thông đảm bảo phát huy mọi động lực cho sự sáng tạo, kêu gọi sự đồng thuận xã hội. Truyền thông kêu gọi sự ủng hộ của đông đảo nhân dân tham gia vào các chu trình chính sách nhằm tạo ra sự thành công cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia.
Đồng thuận xã hội
Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí, tán thành, ủng hộ một cách rõ ràng hay ngầm định của đa số thành viên trong xã hội về một vấn đề nào đó như quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách, quyết định chính trị... trên cơ sở những điểm tương đồng và cùng chung mục đích, trong lúc vẫn thừa nhận những điểm khác biệt với điều kiện không làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung.
Để đạt được sự đồng thuận xã hội phải đảm bảo đồng thời hai điều kiện: Thứ nhất, phải thống nhất lợi ích của các thành viên, các giai cấp, tầng lớp, dân tộc... trong quốc gia; Thứ hai, phải phù hợp với quy luật khách quan, xu hướng phát triển chung của nhân loại.
Đối lập với đồng thuận xã hội là sự phản đối, phản ứng. Sự phản đối, phản ứng của xã hội biểu hiện rất phong phú với những mức độ khác nhau như biểu tình, phản kháng, chống đối… mầm mống của sự phản kháng xã hội là do mâu thuẫn xã hội nảy sinh. Do vậy, xây dựng đồng thuận xã hội, một mặt nhằm ổn định đời sống kinh tế, chính trị, xã hội tạo động lực cho sự phát triển đất nước; Mặt khác, là cơ sở, điều kiện để ngăn ngừa, xóa bỏ mâu thuẫn, xung đột xã hội.
Như vậy, đồng thuận xã hội không chỉ được xem là mục tiêu căn bản của chế độ chính trị mà còn là phương thức tập hợp lực lượng quan trọng của các hệ thống chính trị đó. Đồng thuận xã hội đóng vai trò quan trọng cho tập hợp lực lượng, nguồn lực, ý chí để thực hiện hiệu quả mục tiêu một cách nhanh chóng.
Vai trò của truyền thông chính sách trong hoạch định chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Chu trình chính sách thường trải qua ba giai đoạn: Hoạch định chính sách, thực thi chính sách và đánh giá chính sách. Các giai đoạn này đóng các vai trò khác nhau, kế tiếp nhau để cho vòng đời của chính sách hoàn chỉnh. Để một chính sách đạt được hiệu quả như mục tiêu ban đầu đặt ra thì đòi hỏi rất nhiều các yêu cầu ở các bước, các giai đoạn. Đồng thời để cho chính sách được thành công thì ngoài những yếu tố căn bản mang tính nguyên lý thì chính sách đó còn bị tác động bởi nhiều yếu tố như tâm lý, tâm trạng, phong tục của người dân, của những nhóm người được chính sách tác động (cả nhóm thụ hưởng và nhóm bị ảnh hưởng). Điều này rất cần sự nhận thức, chia sẻ, đồng thuận các nhóm người và xã hội vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia. Do đó, để tạo được sự đồng thuận xã hội thì vai trò của truyền thông chính sách của nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó truyền thông chính sách ở khâu hoạch định chính sách là đặc biệt của đặc biệt quan trọng.
Hoạch định chính sách là giai đoạn tìm kiếm các căn cứ, thông tin, dữ liệu để xây dựng chính sách. Ở đây chính sách được nghiên cứu, đề xuất để nhà nước thông qua các cơ quan, bộ phận do Chính phủ cho phép phê duyệt và ban hành. Giai đoạn này thể hiện vai trò quan trọng mang đến sự đúng hướng của cả các bước kế tiếp cũng như toàn bộ chu trình chính sách.
Chính sách chỉ có thể đúng đắn và đạt hiệu quả khi bước hoạch định chính sách đúng đắn. Giai đoạn này cần xác định các nội dung như: vấn đề trọng tâm của chính sách; mục tiêu của chính sách và xây dựng các giải pháp để đạt hiệu quả của chính sách. Trên cơ sở phân tích những phương án, Chính phủ sẽ chọn một phương án tối ưu, phù hợp để phê chuẩn và ban hành thành chính sách. Ở giai đoạn này, vai trò của truyền thông nhằm mục đích công khai, công bố các nội dung của chính sách trước cộng đồng xã hội, đặc biệt là nhóm đối tượng thụ hưởng và nhóm bị chính sách tác động. Qua đây có thể nắm bắt được dư luận, tâm trạng xã hội để có thể điều chỉnh chính sách cho phù hợp và đi đến sự hoàn thiện ở bước đầu tiên.
Một chính sách khi hoạch định mới chỉ thể hiện được nội dung tư vấn của chuyên gia và ý chí của Chính phủ vì mục tiêu chung, tất nhiên việc nghiên cứu thực tiễn qua điều tra, khảo sát là có, nhưng có thể chưa bao quát, hoặc thậm chí bị nhóm lợi ích trong quá trình vận động chính sách tác động. Cho nên việc truyền thông chính sách lúc này của Chính phủ là đặc biệt quan trọng như để lấy ý kiến, sự thẩm định, đánh giá từ phía cộng đồng. Chính phủ truyền thông chính sách dưới các hình thức khác nhau như: quảng cáo công ích, thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các mạng xã hội qua phương tiện cá nhân tới rộng rãi đến xã hội, đặc biệt là đến các đối tượng thụ hưởng, đối tượng bị chính sách tác động.
Ở đây ngoài việc công khai, thông báo với xã hội để đảm bảo nguyên tắc dân chủ, thì truyền thông chính sách còn lắng nghe và tiếp nhận những phản hồi từ phía người dân và xã hội. Qua đó quan trọng hơn là tìm sự đồng thuận từ phía xã hội góp phần cho chính sách được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, giảm bớt những phiền phức không đáng có.
Giai đoạn này khi truyền thông chính sách thông qua hình thức quảng cáo công ích trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Chính phủ phải xác định được đối tượng bị tác động mạnh, nhiều và đối tượng thụ hưởng để truyền thông đến họ một cách chính xác đầy đủ. Bên cạnh đó cần có những bình luận, đánh giá, định hướng của các chuyên gia, Chính phủ. Hiệu quả của công tác truyền thông này một phần phụ thuộc vào việc Chính phủ lựa chọn thời điểm truyền phát thông điệp cùng với việc lựa chọn phương tiện truyền thông phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh hoạt, trình độ của đối tượng.
Ở đây vai trò của người phát ngôn, truyền thông điệp của chính sách là rất quan trọng. Việc cung cấp các nội dung trong chính sách phải đầy đủ, rộng khắp, tới mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Đây là khâu quan trọng đầu tiên để tạo sự đồng thuận cho xã hội. Chính sách phải công khai cho mọi người nhận thức đầy đủ (sự minh bạch của thông tin về chính sách) là cơ sở để xây dựng được niềm tin, tạo dựng được thái độ ủng hộ của xã hội đối với chính sách.
Để tạo được sự đồng thuận trong xã hội từ khâu đầu tiên trong chu trình này thì điều trước hết là chính sách được hoạch định phải đúng đắn, chuyên nghiệp. Qua đây truyền thông chính sách cũng cần truyền thông thêm cả các bước, các khâu trong quá trình hoạch định chính sách của các chuyên gia, các chủ thể soạn thảo. Việc đầu tiên trong hoạch định chính sách là việc điều tra, tìm kiếm thông tin, cơ sở thực tiễn mang tính khoa học, khách quan, toàn diện, chiến lược… vì lợi ích quốc gia, dân tộc, do đó các cơ quan truyền thông chính thống cũng cần phải bám sát nhằm để phản ánh kịp thời. Trong quá trình hoạch định, chính sách không bị "bẻ cong", bị "lệch hướng" bởi các nhóm lợi ích hoặc những người hoạch định chính sách thiếu chuyên nghiệp, do đó các cơ quan truyền thông cần quan tâm bám sát để có thể phản ánh, lên án.
Bên cạnh đó, truyền thông chính sách ở khâu hoạch định chính sách này còn làm nhiệm vụ thẩm định, bổ sung những thiếu sót của chính sách. Người dân được biết, được bày tỏ ý kiến đây là cơ sở cho việc tạo sự đồng thuận trong xã hội. Vai trò của truyền thông chính sách nhằm công khai, minh bạch thông tin. Nếu có những phản ánh tiêu cực, không ủng hộ từ phía người dân thì các cơ quan truyền thông phải làm nhiệm vụ tuyên truyền, phân tích trên cơ sở tư vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia về mục tiêu của chính sách để cho xã hội nhận thức đầy đủ.
Để có sự đồng thuận xã hội đòi hỏi bản thân chính sách đã đúng đắn thì còn cần đến vai trò của truyền thông chính sách qua cách thức định hướng dư luận, phân tích, đánh giá bình luận từ các cơ quan báo chí và mạng xã hội.
Các chính sách khi truyền thông có thể bị phản đối từ một số nhóm của xã hội (mặc dù đây là chính sách đúng đắn, vì lợi ích cộng đồng). Đối với trường hợp này, cần phải tìm hiểu nguyên nhân. Nếu người dân chưa nắm được hết lợi ích lâu dài, lợi ích mang tính chiến lược của chính sách thì truyền thông phải phân tích, đánh giá, bình luận thông qua sự tham gia, tư vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín để tìm sự ủng hộ, đồng thuận xã hội. Tuy nhiên có những chính sách bị phản đối từ một số nhóm người. Trường hợp này mặc dù chính sách đúng đắn nhưng lại xung đột với lợi ích của một nhóm xã hội, do đó ngoài việc thuyết phục thì biện pháp thỏa thuận lợi ích là hữu hiệu.
Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông và trình độ của người dân đã được nâng cao thì việc truyền thông chính sách trong khâu hoạch định chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng và nhanh chóng.
Như vậy, để tạo sự đồng thuận từ khâu hoạch định chính sách thì phải đảm bảo được mấy yêu cầu: Chính sách phải đúng đắn, phù hợp với mục tiêu quốc gia; Phải thỏa thuận lợi ích với các nhóm bị chính sách làm tổn thương; Truyền thông một cách đầy đủ, công khai, minh bạch đối với cộng đồng xã hội.
Hoạch định chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu khởi đầu của quá trình chính sách. Trong khâu này việc tham gia công tác truyền thông chính sách của Chính phủ là đặc biệt quan trọng. Việc tham gia của truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng vì mục tiêu chính trị, lợi ích dân tộc… nhằm tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, tập hợp được mọi người dân đứng về phía chính sách, chính quyền, là cho nhân dân thống nhất từ nhận thức đến thái độ và hành vi. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay trình độ người dân đã được nâng lên, các phương tiện truyền thông cá nhân ngày càng hiện đại, bên cạnh đó là những thông tin nhiều chiều, nhiều nguồn tác động đến người dân. Do đó, vai trò truyền thông chính sách của chính phủ đòi hỏi phải có sự thay đổi theo hướng: nhanh, đúng, đầy đủ và minh bạch. Đây chính là cơ sở để tạo dựng niềm tin chủ Chính phủ với người dân, góp phần cho sự đồng thuận của xã hội./.
Tài liệu tham khảo:
1. PGS,TS. Nguyễn Văn Dững: (2017), Báo chí - Truyền thông những điểm nhìn từ thực tiễn, NXB. Đại học quốc gia Hà Nội.
2. Học viện Báo chí & Tuyên truyền: (2006) Những vấn đề về lý luận chính trị &truyền thông- nhận thức và vận dụng, NXB. Chính trị quốc gia.
3. Học viện Báo chí &Tuyên truyền: (2008) Báo chí &truyền thông đại chúng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế, NXB. Lý luận chính trị. 4. Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Báo đại biểu nhân dân, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc: (2017) Truyền thông chính sách kinh nghiệm Việt Nam và Hàn Quốc, NXB Chính trị quốc gia sự thật.
5. Học viện Báo chí& Tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc: (2018) Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội, NXB. Chính trị quốc gia sự thật.
6. Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Báo đại biểu nhân dân, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc: (2019) Truyền thông chính sách và năng lực tiếp cận của công chúng, NXB Chính trị quốc gia sự thật.
7. PGS,TS. Phạm Quý Thọ - ThS. Nguyễn Xuân Nhật: (2014) Chính sách công, NXB. Thông tin và Truyền thông
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2022)