Truyền thông

Đề xuất các mức “cấm sóng”, “cấm diễn” đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật

Bình Minh 14:46 08/03/2023

Hiện tượng nghệ sĩ, người nổi tiếng tại Việt Nam thời gian qua thực hiện phát hành MV cổ xúy tự tử, ảnh hưởng tiêu cực giới trẻ; đưa tin sai sự thật hay quảng cáo tiền ảo, bói toán mê tín, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thổi phồng công dụng… đặt ra vấn đề quản lý nhà nước như thế nào. Trong đó, có đề xuất, hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm từ 3, 6, 12 tháng hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến xã hội.

Một số kinh nghiệm từ các quốc gia

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), ở Trung Quốc, phong sát là khái niệm chỉ lệnh cấm tiếp xúc công chúng, xuất hiện, biểu diễn, quảng cáo trên truyền thông, mạng internet (“cấm sóng”, “cấm mạng”, “cấm diễn”).

Đối tượng bị phong sát là nghệ sĩ; người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên mạng Internet (KOL, Live Streamer biểu diễn, bán hàng…) với những lý do như: Vi phạm quy định pháp luật, bê bối về đời tư, đạo đức; phát hành tác phẩm trái thuần phong mỹ tục, thô tục, phản cảm; đề cập tới vấn đề chính trị, tôn giáo nhạy cảm; quảng cáo gian dối, thổi phồng công dụng.

mv-moi-cua-son-tung-bi-phan-ung-du-doi-8cb984fdadfa4a389e238af8bdad5dd6.jpeg

MV bị dừng phổ biến trên không gian mạng. Ảnh: Vietnamnet

Tại Trung Quốc việc thực hiện lệnh phong sát như sau: Cơ quan ban hành: Tổng cục Phát thanh, Truyền hình quốc gia Trung Quốc, Bộ Văn hóa và Du lịch, và Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cơ quan triển khai: cơ quan truyền thông nhà nước (báo chí, Đài PTTH), cơ quan quản lý NTBD, nền tảng video, âm nhạc trực tuyến, MXH trực tuyến, công ty sản xuất và phát hành phim, chương trình truyền hình, công ty quảng cáo,…

Phương thức công bố: nội bộ hoặc công khai rộng rãi; nêu tên và chỉ trích công khai trên truyền hình CCTV và Nhân Dân nhật báo. Thời gian phong sát từ vài năm đến vĩnh viễn, phụ thuộc vào tính chất nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến xã hội. Trên thực tế một số diễn viên, người nổi tiếng của Trung Quốc đã từng bị phong sát.

Đối với xã hội Hàn Quốc, có tiêu chuẩn rất khắt khe với nghệ sĩ, vi phạm pháp luật và “scandal” là điều cấm kỵ. Để hạn chế giới trẻ học theo thói xấu, nghệ sĩ Hàn Quốc vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức của xã hội bị “tẩy chay”, “cấm sóng”, “cấm diễn”.

Lý do nghệ sĩ, người nổi tiếng bị “cấm sóng”, “cấm diễn” tại Hàn Quốc gồm: Vi phạm quy định pháp luật; bê bối về đời tư, đạo đức hoặc gián tiếp thúc đẩy hành vi sai trái của người khác. Thời gian thực hiện lệnh cấm trên có thể từ vài năm hoặc vĩnh viễn do Đài Phát thanh truyền hình, công ty quản lý nghệ sĩ, công ty truyền thông, quảng cáo,... hoặc các Đài Phát thanh truyền hình lớn (KBS, SBS, MBC) lập Hội đồng thẩm định xem xét và đưa ra khuyến cáo về “danh sách đen”.

Theo kinh nghiệm từ một số quốc gia, việc “cấm sóng”, “cấm diễn” cần được thực hiện dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của cơ quan quan lý từ Trung ương đến địa phương. Sự phối hợp giữa 3 cơ quan chức năng: Ban Tuyên giáo, Bộ Văn hóa và Tổng cục Phát thanh truyền hình quốc gia. Đồng thời, sử dụng văn bản hành chính, không phải quy phạm pháp luật. Hoặc việc “cấm sóng”, “cấm diễn” từ sự chủ động của các Đài Truyền hình và công ty truyền thông dưới sự tác động của Hiệp hội nghề nghiệp. Các biện pháp xử lý đều có tác dụng răn đe cao, đặc biệt áp dụng với các sao hạng A nổi tiếng.

Thực trạng và đề xuất giải pháp tại Việt Nam

Cũng theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện nay Việt Nam chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu nên nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, hành xử trái đạo đức, thuần phong mỹ tục tràn lan như: Hoạt động biểu diễn; phát ngôn; quảng cáo có vi phạm...

Thời gian qua, có hiện tượng, nghệ sĩ phát hành MV cổ xúy tự tử, ảnh hưởng tiêu cực giới trẻ; nghệ sĩ đưa tin sai sự thật bị xử phạt 5-10 triệu đồng. Cũng có nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo tiền ảo, bói toán mê tín, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thổi phồng công dụng…: phạt đến 80 triệu đồng.

Trên thực tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng không hiệu quả vì không có chế tài xử lý. Do vậy, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất, cần vận dụng kết hợp cả kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và đặc thù của Việt Nam để triển khai giải pháp này theo hướng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chỉ đạo chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương. Còn cơ quan thực hiện là: Cơ quan báo chí, Đài PTTH, công ty truyền thông lớn, cơ sở tổ chức biểu diễn.

Phương thức cần triển khai là trước mắt, do chưa có quy định pháp luật nên sử dụng phương thức “khuyến nghị” hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng, chỉ đạo cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình phối hợp thực hiện nghiêm. Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, địa phương cân nhắc hạn chế cấp phép, cấp văn bản chấp thuận các hoạt động nghệ thuật của người vi phạm.

Về lâu dài, xây dựng Bộ Tiêu chí nhận diện hành vi vi phạm của nghệ sĩ và người nổi tiếng (dựa trên những hành vi được nêu ra trong Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật). Đồng thời, thành lập Hội đồng tư vấn để đánh giá, kết luận về các trường hợp vi phạm dựa trên Bộ Tiêu chí, đề xuất áp dụng chế tài hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn lên cơ quan chức năng (Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông).

Khi có kết luận vi phạm từ Hội đồng hoặc cơ quan có thẩm quyền, sẽ áp dụng thời gian hạn chế từ 3, 6 đến 12 tháng hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến xã hội. Đồng thời, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện theo lĩnh vực quản lý nhà nước./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
  • Ra mắt sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" của Đại tá, GS. Phan Phác
    Cuốn sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" với những bài viết mang giá trị lịch sử và thực tiễn sâu sắc được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn biên soạn và ra mắt độc giả đúng dịp cả nước trong không khí kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất các mức “cấm sóng”, “cấm diễn” đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO