Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, hiện nhiều nước đã xây dựng và triển khai các chiến lược/chương trình quốc gia về chuyển đổi số, điển hình như Anh, Úc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Mexico, Singapore, Thái Lan, Uruguay,… Nội dung chuyển đổi số của các nước có khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia đang được Bộ TTTT gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TTTT (mic.gov.vn) cũng đang đăng tải dự thảo Đề án này để lấy ý kiến góp ý của toàn thể nhân dân, các chuyên gia.
Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng cho biết: “Mong muốn tất cả mọi người cùng đến, cùng nghe, cùng trao đổi để đạt đến một sự thống nhất nhất định trong một số nội dung quan trọng để Bộ có những hoàn thiện tiếp theo để Đề án khi trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tính khả thi trong quá trình thực hiện”.
Là đơn vị thuộc Bộ TTTT, thường trực xây dựng dự thảo, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, chuyển đổi số là giai đoạn tiếp theo của số hóa và trong Chuyển đổi số thì mọi sản phẩm và dịch vụ đều gắn liền với dữ liệu.
Ông Nguyễn Thành Phúc đã trình bày ngắn gọn Dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, tập trung vào 5 nội dung chính: Bối cảnh, cơ hội và thách thức; Tầm nhìn và các mục tiêu; Nguyên tắc và khung hành động; Các nhiệm vụ, giải pháp và Tổ chức thực hiện.
Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa trình bày Dự thảo Đề án
Theo ông Phúc, có 6 thách thức đặt ra với chuyển đổi số là: Các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu chậm chuyển đổi số; Nguy cơ an ninh mạng; Thiếu nhân lực ICT; Vấn đề về bảo vệ tính riêng tư; Sự hình thành những hình thức quan hệ mới và cuối cùng là nguy cơ mất việc làm với nhiều đối tượng khi quá trình chuyển đổi số diễn ra.
Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đem lại những cơ hội mới cho nền kinh tế, trước hết là việc tăng năng suất lao động, thoát bẫy thu nhập trung bình, thông minh hóa các lĩnh vực kinh tế xã hội, tăng cường hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cuối cùng là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ (startup)
Bên cạnh đó là những cơ hội mang lại cho xã hội, bao gồm: Công khai, minh bạch, giảm tham nhũng; Chính phủ hiệu lực, hiệu quả và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách số, giảm bất bình đẳng về thu nhập, đào tạo, tiếp cận dịch vụ.
Cục Tin học hóa đề xuất tầm nhìn của chuyển đổi số Việt Nam đó là Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, nơi thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; Mọi người có thể tham gia, không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số; và Giữ gìn những giá trị cơ bản của con người.
Quá trình chuyển đổi số quốc gia, theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2020 - 2022) là số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước nhằm tăng hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, tạo ra các nguồn tăng trưởng mới. Giai đoạn 2 (2023 - 2025): Nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế bằng chuyển đổi số và Giai đoạn 3 (2026 - 2030) là phát triển nền kinh tế số, xã hội số toàn diện.
Hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cùng các chi tiêu cụ thể đã được Cục Tin học hóa đề ra trong dự thảo Đề án.
Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cũng nhận định, việc thực hiện chuyển đổi số tất yếu sẽ phải tiêu tốn nhiều chi phí. Trên phương diện quốc gia, quá trình này cần một cơ cấu lãnh đạo mang tính liên ngành và đủ mạnh để giải quyết mọi vấn đề đặt ra mà quan trọng nhất là yếu tố pháp lý, tức là cần có Luật về Chuyển đổi số theo kinh nghiệm của một số nước đi trước.
Đóng góp ý kiến về Dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPost Bank, Phó Chủ tịch VDCA, cho biết ba vấn đề cần quan tâm khi xây dựng Đề án là thể chế, công nghệ và con người.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPost Bank, Phó Chủ tịch VDCA, góp ý cho Dự thảo Đề án Chuyển đổi số Quốc gia
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, nội dung Đề án cần đề cập tới vấn đề an toàn số, thể chế (tranh chấp và xử lý) và hợp tác quốc tế.
"Vấn đề an toàn số là trách nhiệm của nhà nước, đòi hỏi sự vào cuộc của các bên liên quan. Hợp tác quốc tế cho an toàn số là không thể thiếu vì tội phạm điện tử là tội phạm toàn cầu, không riêng gì một nước nào", ông Đồng cho hay.
Ông Lê Duy Tiến, Trưởng ban KHCN Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đặt vấn đề Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số phải đủ mạnh để buộc các bộ, ngành, địa phương thực hiện lộ trình chuyển đổi số đúng tiến độ. Ngoài ra cần làm rõ vai trò của các Hội không chỉ trong quá trình xây dựng mà cả với việc triển khai đề án.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Vũ Kiêm Văn, Giám đốc Trung tâm CNTT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho biết vấn đề quan tâm lớn nhất đối với doanh nghiệp khi triển khai Đề án là nguồn nhân lực, các ưu đãi đối với doanh nghiệp cũng như các tiêu chuẩn, khuôn mẫu để doanh nghiệp tuân theo. Điều này cần được rõ hơn trong Đề án.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, TS. Nguyễn Thành Phúc cho biết, yếu tố pháp lý vấn đề cần giải quyết trước tiên với chuyển đổi số và hình thức sandbox chính là môi trường tốt để tiến hành các thử nghiệm về chuyển đổi số.
Tổng kết buổi tọa đàm, ông Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao những nỗ lực của Cục Tin học hóa trong quá trình xây dựng bản dự thảo đầu tiên với Đề án Chuyển đổi số Quốc gia.
Theo ông, cơ quan soạn thảo cần chủ động các hoạt động lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo với các doanh nghiệp, tổ chức trong nhiều lĩnh vực vì Chuyển đổi số là nhu cầu không của riêng ai. Riêng với VDCA, trách nhiệm thu thập ý kiến đóng góp sẽ được giao cho Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông và VDCA hy vọng sẽ cùng với cơ quan soạn thảo Đề án tổ chức một số hội thảo chính thức.