Ngày 19/11/2018, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số đã tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số - Cơ hội và Thách thức. Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp, Nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT Trần Đức Lai, các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT-TT trên cả nước đã đến dự.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: Hội thảo được tổ chức với hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN), tổ chức, chuyên gia cùng nhau nhìn rõ hơn các cơ hội, thách thức của công cuộc chuyển đổi số thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới; cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tiến trình phù hợp sự phát triển của công nghệ, để hợp tác, phát triển, thay đổi cách thức quản lý, phương thức hoạt động, sản xuất kinh doanh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Sự cấp thiết của chuyển đổi số tại Việt Nam
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TTTT Nguyễn Thành Phúc cho biết khái niệm chuyển đổi số có rất nhiều nhưng có 3 định nghĩa gần gũi, dễ tiếp cận. Đó là, theo Gartner, chuyển đổi là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh và tạo ra những cơ hội doanh thu và giá trị mới. Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình lại với nhau để tạo ra những giá trị mới cho khách hàng và duy trì lợi thế cạnh tranh trong thế giới số. Theo techopedia.com, chuyển đổi số là những thay đổi một cách tổng thể và toàn diện liên quan đến ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của đời sống và xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau.
Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc
Trên cơ sở đó, Chuyển đổi số tác động đến con người, DN, nhà nước. Chuyển đổi số đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong GDP. Theo báo cáo của McKinsey&Company đóng góp chuyển đổi số vào tăng trưởng GDP của Mỹ là 25,3%, Brazil là 35%, EU là 36,2%, Úc là 41,1%. Chuyển đổi số làm thay đổi cơ cấu việc làm, cụ thể 85% công việc trong 3 năm tới sẽ được chuyển đổi. Do vậy, chuyển đổi số là cấp thiết. Trong chuyển đổi số, “dữ liệu là cốt lõi, nền tảng trong chuyển đổi số”.
Theo nhận định của ông Phúc, chuyển đổi số ở Việt Nam đã diễn ra nhưng chưa đồng bộ, tổng thể. Theo đó, Bộ TTTT sẽ trình Thủ tướng Đề án Chuyển đổi số quốc gia để tiếp cận một cách tổng thể dự kiến được thông qua vào năm 2019. Trên cơ sở đó, các tổ chức, DN, cá nhân phải chuyển đổi số. Cơ quan nhà nước (CQNN) dưới tác động của người dân, công nghệ cũng phải chuyển đổi số để đáp ứng mong mỏi của người dân, sánh vai với các cường quốc khác.
Phó Chủ tịch Siemens Tindaro Danze
Chia sẻ vai trò của chuyển đổi số đối với sản xuất kinh doanh, Phó Chủ tịch Siemens Tindaro Danze lấy ví dụ hai trường hợp điển hình là Grab và Airbnb, công ty công nghệ làm ra giải pháp cho thuê căn hộ đến khách du lịch từ xa. Mô hình kinh doanh của hai công ty này tương đồng là không sở hữu tài sản thực mà dựa vào công nghệ. Hay trường hợp của Facebook, YouTube... không sản xuất nội dung mà toàn bộ nội dung đều do người dùng sản xuất và đăng trên nền tảng của họ. Từ hai ví dụ trên cho thấy chuyển đổi số là thay đổi về mô hình kinh doanh.
Đề xuất các giải pháp chuyển đổi số tại Việt Nam
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc đã trình bày một số giải pháp cho chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo đó, các giải pháp về tuyên truyền, hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, an toàn thông tin (ATTT).
Cụ thể về tuyên truyền, cần phải tuyên truyền về chuyển đổi số, thực hiện các chương trình tập huấn cho các đối tượng. Về hạ tầng số, cần chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật như: Phát triển mạng 5G, Phát triển hạ tầng IoT (Dành băng tần phù hợp cho IoT phát triển); Phát triển điện toán đám mây, bao gồm G-Cloud: Về hạ tầng dữ liệu, cần hoàn thiện nền tảng kết nối, trao đổi dữ liệu và SIoT DE; Phát triển các CSDL quốc gia nền tảng (dân cư, DN, đất đai…). Về hạ tầng nền tảng số, cần phát triển các nền tảng số, Mobile ID, Mobilepayment, EDP, nền tảng y tế cộng đồng…
ATTT cho chuyển đổi số cũng rất quan trọng, cần phải có hệ thống xác thực điện tử quốc gia; Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn không gian mạng và các hệ thống SOC…
Về nhân lực số, cần đào tạo việc làm mới (AI, Cloud, big data, IoT, các nhà khoa học dữ liệu…); Đào tạo kỹ năng số cho cộng đồng; Đào tạo lập trình từ cấp tiểu học…
Đặc biệt, cần tạo môi trường pháp lý cho các nền tảng số phát triển; Bảo vệ thông tin cá nhân; Quy định dữ liệu mở, chia sẻ dữ liệu; Bảo vệ tài sản số; Sandbox: cho thử nghiệm công nghệ mới trong một thời gian ngắn để có chính sách phù hợp.
Phó Giám đốc Sở TTTT Hà Nội Nguyễn Xuân Quang
Chia sẻ về chuyển đổi số của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở TTTT Hà Nội Nguyễn Xuân Quang đã trình bày tiến trình chuyển đổi số cho chính quyền điện tử và thành phố thông minh của thành phố. Hà Nội xác định “dữ liệu là cốt lõi, nền tảng trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh”. Hà Nội đã xây dựng xong CSDL dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ công dân, DN và công tác quản lý điều hành của thành phố, tập trung xây dựng các hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi, chuyên ngành và số hóa dữ liệu.
Tọa đàm bàn tròn Chuyển đổi số - cơ hội và thách thức của Việt Nam
Chia sẻ ý kiến tại tọa đàm trong khuôn khổ Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, cho biết muốn chuyển đổi thành công phải thống nhất từ thuật ngữ, tư duy đến hành động.
Các DN số ở Việt Nam đã làm chủ công nghệ mà còn ứng dụng để phục vụ chuyển đổi số. Viettel, VNPT, FPT đã có những giải pháp triển khai không chỉ ở trong nước, phục vụ chuyển đổi số. Các startups, cũng đang hình thành các giải pháp phục vụ cho người dân, chính quyền, và đều thành công ở một mức độ nhất định. Doanh thu của lĩnh vực nội dung số Việt Nam đạt khoảng 800 triệu USD, nếu thiết lập được chính sách quay trở lại phục vụ trong nước rất tốt. Việt Nam cũng cần coi DN nước ngoài đầu tư ở Việt Nam như là DN trong nước thì liên kết lại tạo ra năng lực lớn, tạo ra khung chuyển đổi số.
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam Trương Đức Tùng cho rằng, yếu tố quyết định thành công của một tổ chức là ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Để thực hiện thành công, đầu tiên tổ chức cần phải đặt ra mục tiêu chuyển đổi số. Tiếp theo, là con người thực hiện, mà trước tiên là xuất phát từ ý chí của lãnh đạo, từ trên xuống. Cấp dưới là chủ thể quyết định sự thành công. Yếu tố thứ ba là kinh phí, nếu không có sự chuẩn bị thì khó có thể thành công. Cuối cùng là tổ chức kế hoạch, phải có lộ trình cho phù hợp.