Chuyển động ICT

Đến 2030, ngành công nghiệp bán dẫn có ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên

AD 22/09/2024 10:54

Đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Đây là một trong những mục tiêu của Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" (Chương trình) được đặt ra tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký ban hành ngày 21/9/2024.

cn-ban-dan20231014171624.jpg
(Ảnh minh họa)

Theo Quyết định, mục tiêu chung của Chương trình là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học (ĐH) trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ ĐH trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp (DN).

Đến năm 2050, phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Các cơ sở đào tạo, đặc biệt các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện.

Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù

Cụ thể, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bên Nhà nước - Nhà trường - Nhà DN, tập trung vào các định hướng chính sách như: đơn giản hóa thủ tục hành chính; ưu đãi về đầu tư, tài chính, kế toán, thuế để bảo đảm thuận lợi trong việc đầu tư, hỗ trợ, tài trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa công nghệ, ươm tạo công nghệ, DN để phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại các viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở hỗ trợ đào tạo.

Về nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tham gia làm việc tại Việt Nam bao gồm: Cơ chế lương, thưởng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; Chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân; Hỗ trợ về thị thực lao động dài hạn; Đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các chuyên gia quốc tế; Hỗ trợ về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội và nơi lưu trú cho thân nhân của nhân lực trình độ cao, giảng viên, chuyên gia cao cấp làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo

Các cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở hỗ trợ đào tạo và các tổ chức có liên quan cần chủ động bố trí hoặc huy động nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển phòng thí nghiệm bán dẫn bảo đảm phục vụ cho nhu cầu đào tạo, nghiên cứu của đơn vị.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phần mềm bản quyền để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại 18 cơ sở giáo dục ĐH công lập.

Ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư, xây dựng, nâng cấp và hiện đại hóa 04 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.

Về tổ chức đào tạo

Chương trình nêu rõ sẽ ưu tiên học bổng cho người học theo học các chương trình đào tạo tài năng, cho người học chương trình đào tạo về công nghiệp bán dẫn theo quy định của cơ sở giáo dục ĐH.

Đối với đào tạo nhân lực trình độ ĐH cần: Rà soát, xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn; Phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong hệ thống giáo dục ĐH; Phát triển các chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Về đào tạo nhân lực trình độ sau ĐH cần: Xây dựng và triển khai các chương trình trao đổi, hỗ trợ học bổng tham gia các chương trình đào tạo sau ĐH trong và ngoài nước; Tăng cường phối hợp giữa viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục ĐH và DN trong việc thực hiện chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Về huy động, đa dạng hóa nguồn lực

Ngoài nguồn ngân sách Trung ương, quyết định nêu cần thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của DN và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn. Khuyến khích DN, cơ sở đào tạo tư thục thành lập Quỹ đào tạo và phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, các cơ sở giáo dục ĐH, viện nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức có liên quan lồng ghép các chương trình, dự án khác từ các nguồn vốn trong nước, ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án thuộc phạm vi Chương trình.

Xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển DN

Theo quyết định, để xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển DN cần ươm tạo DN và khuyến khích khởi nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn, tạo điều kiện phát triển các DN hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Hỗ trợ DN tiếp cận nguồn lực lao động, tài chính và công nghệ bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Thu hút nhân tài, hợp tác với các nhân sự cao cấp trong các tập đoàn bán dẫn lớn tham gia vào quá trình giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục ĐH, viện nghiên cứu, cơ sở hỗ trợ đào tạo và ươm tạo, phát triển DN trong nước.

Nghiên cứu và phát triển

Để tăng cường gắn kết đào tạo nhân lực trình độ sau ĐH với hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp cần thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh. Ưu tiên bố trí nguồn lực và cân đối NSNN hằng năm để hỗ trợ, tài trợ các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục ĐH, trung tâm đổi mới sáng tạo và DN.

Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp khác

Quyết định nêu rõ cần truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, DN và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của Chương trình, của ngành công nghiệp bán dẫn và khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), tạo phong trào thi đua sôi nổi trong thực hiện phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các nội dung của Chương trình.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn; khuyến khích các cơ sở giáo dục của Việt Nam xây dựng, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên, học viên với các cơ sở giáo dục, nghiên cứu về ngành công nghiệp bán dẫn có uy tín trên thế giới.

Quyết định nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối điều phối, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai Chương trình; định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có); trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục ĐH xây dựng đề án đề xuất đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn; lựa chọn các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH và ban hành kế hoạch đào tạo theo mục tiêu của Chương trình.

Bộ Tài chính căn cứ đề xuất của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương và khả năng cân đối ngân sách Trung ương, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình theo pháp luật về ngân sách nhà nước./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đến 2030, ngành công nghiệp bán dẫn có ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO