Make in Vietnam

"Đi uống cafe mà không cần cầm theo ví"

Thế Phương 14/09/2023 07:00

Trong 5 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tăng 52,3% về số lượng, nhất là các phương thức thông qua QR Code và ví điện tử. Sau đại dịch COVID-19 người dùng đã quen với phương thức thanh toán “không tiền mặt” và thấy được sự tiện lợi.

Tỷ lệ người dùng ví điện tử, QR để thanh toán không tiền mặt tăng cao

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, với nhiều giải pháp đồng bộ, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. So với cùng kỳ năm 2022, trong 5 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,3% về số lượng, bao gồm: Qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; Qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; Qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; Qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị. Ngược lại, số lượng giao dịch qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị. Đồng thời, đến nay đã có trên 75% người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng.

Nhờ đó, từ việc nhiều người dân còn chưa biết, ngại ngần chuyển khoản, quét mã QR code,... đến thời điểm này, người dân ngồi ở bất cứ nơi đâu và chỉ thao tác một vài phút trên chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối Internet là có thể dễ dàng nộp thuế và nhiều khoản phí, lệ phí hay thanh toán mọi dịch vụ từ điện, nước, viễn thông...

Chia sẻ tại một sự kiện được tổ chức vào tháng 6/2023, ông Kelvin Tanu Utomo, trưởng bộ phận Sản phẩm và Giải pháp, Visa Việt Nam và Lào, chia sẻ, trong số 9 xu hướng được quan tâm trong lĩnh vực thanh toán số thì thanh toán qua ví điện tử - đang phổ biến nhất tại Việt Nam nhờ trải nghiệm thuận tiện cho người dùng, các ưu đãi và sự phủ rộng trong chấp nhận thanh toán qua hình thức này.

vnpayqr.png

Thanh toán không tiếp xúc có cơ hội phát triển khi đảm bảo nhiều yếu tố như: trải nghiệm thanh toán mượt mà và ít rào cản, đảm bảo an toàn, tăng doanh số cho người bán, giảm bớt rào cản xử lý thanh toán không tiền mặt. Tại Việt Nam, thanh toán không tiếp xúc và QR sẽ bổ trợ cho nhau, tùy vào lựa chọn của khách hàng.

Đại diện của Visa Việt Nam và Lào chia sẻ, sự phát triển của thanh toán không tiếp xúc đang phổ biến ở nhiều thị trường. Cụ thể, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỉ lệ giao dịch không tiếp xúc qua thẻ xếp từ thấp đến cao lần lượt là: Philippines (34,4%), Thái Lan (38,3%), Việt Nam (48,4%), Hong Kong (89,3%), Đài Loan (90,9%), Maylaysia (83%), Singapore (98%), Úc (99%) và New Zealand (96,4%). Như vậy, có thể thấy hiện nay tại Việt Nam cứ 10 giao dịch thanh toán trong cửa hàng thì có gần 5 giao dịch không tiếp xúc.

Trước đó, nghiên cứu mới nhất về thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 do Visa thực hiện, được công bố vào 31/5/2023 đã cho thấy, người tiêu dùng đang nhanh chóng thích nghi với thanh toán số và ngày càng hạn chế sử dụng tiền mặt khi thực hiện giao dịch. Theo đó, tỷ lệ người dùng Việt sử dụng thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử đã tăng trên mọi nhóm độ tuổi so với năm 2021: 66% người dùng thanh toán thẻ trực tuyến, 70% thanh toán ví điện tử trực tuyến hoặc trong ứng dụng - ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể so với mức 32% năm 2021; Tỷ lệ thanh toán bằng mã QR gia tăng vượt bậc, với 61% (năm 2022) so với mức 35% (năm 2021).

Đặc biệt, 90% người được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt (năm 2022), tăng hơn so với mức 77% (năm 2021) và 77% tin rằng họ có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày. Các giao dịch được người tiêu dùng thanh toán không tiền mặt bao gồm: Thanh toán hoá đơn (60%); Siêu thị (53%); Cửa hàng tiện lợi (49%); Du lịch nước ngoài (48%); Taxi và các phương tiện di chuyển (47%).

goi-taxi.png

Thế hệ Gen C sẽ định hình xu hướng không dùng tiền mặt

Về lý do dẫn đến sự thay đổi trong thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, đại diện VNPAY cho biết, đại dịch COVID-19 được xem là “cú huých” lớn, thúc đẩy người dùng Việt thay đổi hành vi thanh toán, chuyển từ giao dịch bằng tiền mặt sang các phương thức thanh toán số như QR Code, ví điện tử... Đó là khoảng thời gian để người tiêu dùng “làm quen” với các phương thức thanh toán “không tiền mặt” như QR Code, thẻ contacless, thẻ từ, thẻ chip...

“Sau một khoảng thời gian dài trải nghiệm, người tiêu dùng bắt đầu cảm nhận được sự tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng của phương thức thanh toán này, từ đó hình thành thói quen mới khi mua sắm”, đại diện VNPAY cho biết thêm.

Về những điểm sáng của thanh toán không dùng tiền mặt, theo đại diện VNPAY, xu hướng này đã tạo ra một thế hệ người dùng không tiền mặt - Gen C (Cashless Generation). Đó là những người trẻ Gen Z (sinh từ năm 1996 - 2010) thanh toán mọi giao dịch liên quan đến ăn uống, ngủ, chơi, học tập, làm việc... bằng cách sử dụng QR Code, ví điện tử, thẻ ngân hàng, Apple Pay... Dự đoán rằng thế hệ này sẽ định hình xu hướng tiêu dùng và trải nghiệm cuộc sống trong thời gian tới.

Nắm bắt xu hướng thị trường, các doanh nghiệp (DN), điểm bán hàng cũng nhanh chóng “chuyển mình”, cập nhật các giải pháp thanh toán mới, sử dụng đa phương thức thanh toán hiện đại để đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiền mặt của người dân.

Nhờ đó, số lượng điểm bán chấp nhận thanh toán của VNPAY tăng mạnh. Tăng trưởng của VNPAY trong giao dịch thanh toán QR code quý II-2023 tăng 300% so với cùng kỳ.

Dù vậy, tỷ lệ dùng tiền mặt dù giảm nhưng vẫn ở mức cao. Nguyên nhân bởi vì còn một bộ phận khách hàng còn giữ tâm lý ngần ngại khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.

Bên cạnh đó, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị. Ngược lại, ở khu vực nông thôn, mặc dù cũng phát triển, nhưng tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng.

Để giải quyết bài toán này và giảm tỷ lệ dùng tiền mặt, đại diện VNPAY cho rằng, trước tiên cần phân tích chi tiết những nguyên nhân và tìm phương án phù hợp. Cụ thể, hiện nay, thói quen dùng tiền mặt phần lớn đến từ: Người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Những đối tượng lớn tuổi, không có hoặc chưa biết sử dụng các phương tiện điện tử; Nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ...

Một số nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc họ còn sử dụng tiền mặt có thể kể đến như chưa được phổ cập thông tin, ngại thay đổi hoặc phải trả phí cho công ty phát hành thẻ và khoản phí này không được tính vào giá bán, làm ảnh hưởng đến doanh thu. Hay chi phí đầu tư trang thiết bị tốn kém, thủ tục kết nối với ngân hàng phức tạp...

“Một xã hội không dùng tiền mặt” sẽ sớm đạt được trong tương lai gần

Cũng theo đại diện VNPAY, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với tác động của đại dịch COVID-19 khiến cho các hình thức thanh toán điện tử ngày càng được đẩy mạnh, thị trường công nghệ tài chính (fintech) vì thế cũng ngày càng sôi động. Tuy nhiên, thói quen sử dụng tiền mặt từ lâu và với tâm lý người dân còn e ngại về độ an toàn của các dịch vụ thanh toán trực tuyến khiến tốc độ tăng trưởng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

giao-dich-kdtm-1.png

Để thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển nhanh, bền vững việc thay đổi thói quen người tiêu dùng bằng cách đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, công tác truyền thông và phối hợp với cơ quan báo chí để thực hiện các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của người tiêu dùng từ đó lan toả rộng rãi đến đại bộ phận người dân. Đặc biệt, tuyên truyền đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... tạo cơ hội cho họ tiếp cận với các hình thức thanh toán điện tử nhiều hơn.

“Như vậy, nếu chúng ta làm tốt những điều này thì “một xã hội không dùng tiền mặt” sẽ sớm đạt được trong tương lai gần”, đại diện VNPAY bày tỏ.

Với tư cách là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thanh toán điện tử, VNPAY đã và đang xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ - kết nối, phát triển mạng lưới thanh toán với hàng trăm ngàn đối tác và hệ sinh thái, cung cấp dịch vụ nền tảng và dịch vụ tiện ích cho Thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt.

VNPAY là một trong những DN đầu tiên đưa ra thị trường dịch vụ thanh toán bằng quét mã VNPAY-QR và tích hợp trong ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng với tính năng QR Pay. Hiện nay, VNPAY-QR hiện đã liên kết với hơn 30 ngân hàng, 15 ví điện tử, phục vụ khoảng 40 triệu khách hàng.

Để mang lại sự tiện lợi cho người dùng, VNPAY không ngừng nỗ lực phát triển điểm chấp nhận thanh toán VNPAY-QR lên tới hơn 250.000 điểm bán năm 2023. Các lĩnh vực liên tục được mở rộng, bao phủ mọi ngành nghề từ ẩm thực, thời trang, vận tải, y tế, giáo dục, giải trí... đáp ứng gần như mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, với giải pháp VNPAY-QR, khách hàng có thể sử dụng cho mọi loại hình mua sắm từ mua sắm online tới mua sắm tại cửa hàng.

Trong thời gian qua, VNPAY vẫn tiếp tục nghiên cứu và mở rộng hệ sinh thái thanh toán số nhằm gia tăng trải nghiệm thanh toán không tiền mặt cho người dùng. Cụ thể, gần đây, VNPAY đã phát triển tính năng “Gọi Taxi”, tích hợp trên hầu hết các ứng dụng ngân hàng và ví VNPAY.

Hiện VNPAY đang hợp tác với hơn 100 thương hiệu taxi Việt trên toàn quốc như Xanh SM, Mai Linh, G7, Sun Taxi, Lado Taxi, Vạn Xuân, Thanh Nga, Thăng Long, Thủ Đô,... nhằm hỗ trợ người dùng đặt xe nhanh chóng, thanh toán dễ dàng ngay trên ứng dụng ngân hàng, ví điện tử mà không cần dùng tiền mặt hay cài đặt thêm ứng dụng khác trên smartphone.

Trong những năm tới, VNPAY tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán cho trong lĩnh vực giao thông, y tế, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đầy tiềm năng mà trước đây chưa tiếp cận được. Việc mở rộng phương thức thanh toán sẽ tạo điều kiện cũng như tiền đề cho mục tiêu phủ rộng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam của VNPAY.

Bên cạnh QR code, VNPAY tập trung phát triển hệ sinh thái thanh toán trải rộng từ thanh toán các loại hóa đơn hàng tháng như điện, nước, internet, di động, cước truyền hình, học phí...; nạp thẻ điện thoại; mua sắm trên kênh VnShop với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng; cụm tính năng đặt vé như vé máy bay, vé xe khách, vé tàu, vé xem phim, phòng khách sạn, gọi taxi...

Đồng thời, tập trung phát triển ví điện tử VNPAY - ví điện tử đầu tiên dành cho gia đình Việt. Với tính năng độc đáo là ví gia đình mở ra nhiều cơ hội cho mọi người dân, lứa tuổi tiếp cận thanh toán hiện đại, góp phần đẩy mạnh tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT - Chuyên đề Kinh tế số Xã hội số tháng 9/2023)

Bài liên quan
  • Gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế
    Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021, “Về đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025”, đưa ra mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Đi uống cafe mà không cần cầm theo ví"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO