Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng cả về số lượng và giá trị
Theo ghi nhận từ hệ thống của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 94% về số lượng và 114,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Đến nay, Ngân hàng nhà nước đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Qua đó cho thấy dư địa phát triển và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là rất lớn.
Là công ty cung cấp hạ tầng thanh toán quốc gia kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán, chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bà Phạm Thị Hương Giang - Phụ trách Phát triển kinh doanh - NAPAS – cho biết, để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ thanh toán không tiền mặt cho doanh nghiệp và người dân, NAPAS đã phối hợp các ngân hàng phát hành thẻ chip nội địa theo tiêu chuẩn mới do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Đến nay, thị trường đã có bộ sản phẩm thẻ chip nội địa đầy đủ nhất gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước, thẻ đa ứng dụng. Thời gian qua, NAPAS đã nỗ lực hỗ trợ các ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi thẻ chip cho người dân, đồng thời, mở rộng các tính năng, tiện ích giúp tăng trải nghiệm thanh toán nhanh, an toàn chỉ bằng 1 thao tác chạm thẻ của người dùng. Bên cạnh các giải pháp công nghệ, NAPAS đã phối hợp với các ngân hàng, đối tác liên tục triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến khích thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập Ví MoMo - chia sẻ, cùng với Hà Nội, trong thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thúc đẩy thói quen tiêu dùng không tiền mặt và hướng tới sự xuất hiện của những đô thị không tiền mặt đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với các dịch vụ hành chính công, bệnh viện, trường học, xăng dầu, phí cầu đường…, sắp tới, MoMo sẽ đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp, tiểu thương tại Hà Nội bằng nền tảng công nghệ tự chủ của MoMo.
Chủ động giải pháp từ các đơn vị kinh doanh
Có thể thấy, nếu như trước đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ dừng lại ở việc sử dụng thẻ ATM hoặc các giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, thì nay người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại thông minh để quản lý tài khoản và thanh toán nhanh chóng bằng các giải pháp như xác thực sinh trắc học vân tay, khuôn mặt. Tính năng thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code) cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn vì tính thuận tiện, đơn giản của hình thức này. Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán không tiếp xúc được nhiều cửa hàng, đơn vị áp dụng.
Ông Đàm Mạnh Tuấn - Giám đốc AEON Long Biên - cho biết, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt của AEON Việt Nam đã tăng tương đối. Trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ này đạt gần 50% và mục tiêu của AEON thời gian tới là có lượng khách hàng không dùng tiền mặt đạt trên 50%.
Cũng theo ông Đàm Mạnh Tuấn, hiện tại AEON Long Biên có sử dụng các Kios, hệ thống quầy thu ngân không dùng tiền mặt, tốc độ thanh toán nhanh gấp 4 lần so với thanh toán dùng tiền mặt. Khách hàng sẽ được thanh toán online, VN Pay, quét mã QR cũng như sử dụng quẹt thẻ ATM. Ngoài ra cũng có quầy Kios tự động chọn món và tự thanh toán. Nhờ có các quầy thu ngân này, tốc độ xử lý các đơn hàng mua sắm đã được đẩy nhanh, đồng thời, người tiêu dùng không cần mang theo tiền mặt khi đi mua sắm.
"Để người tiêu dùng ngày càng tiếp cận nhiều hơn với thanh toán không dùng tiền mặt, đơn vị đã phối hợp với các ngân hàng và các đơn vị thanh toán để có nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời phát triển thêm nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thêm nhiều quầy thu ngân tự động…", ông Đàm Mạnh Tuấn cho biết thêm.
Ở góc độ ngân hàng, bà Châu Giang - Giám đốc Marketing ngân hàng SHB cho biết, trong dịch Covid-19 vừa qua, việc khách hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên rất nhiều. Nếu như 2 năm trước lượng khách hàng sử dụng internet banking hay mobile app trong các hoạt động giao dịch chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn thì năm qua đã tăng trưởng lên đến 2, 3 con số. Để tăng lượng khách hàng không dùng tiền mặt, theo bà Châu Giang, trước tiên cần có nền tảng thanh toán dễ dùng và thân thiện; sau đó là các hoạt động về liên kết với các đối tác để làm sao có nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng…
Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như ngân hàng, trung gian thanh toán, thương mại điện tử, bán lẻ, giao nhận... trong việc tích cực phát triển thêm nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo nhiều nền tảng dễ sử dụng cũng như nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng. Thói quen sử dụng tiền mặt khi thanh toán sẽ dần được thay thế.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục Trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương):
Trong giai đoạn đại dịch, các hình thức thanh toán không tiền mặt cũng chiếm thế thượng phong, tạo dư địa phát triển cho thương mại điện tử. Kỳ vọng đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong thương mại điện tử sẽ chiếm 50%, trong đó 85% thông qua các trung gian thanh toán.