Dịch COVID-19: cú hích để các thầy cô giáo áp dụng công nghệ trong giảng dạy

NK| 12/11/2021 12:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 là một cú hích tạo thói quen sử dụng các công cụ trực tuyến cho học sinh, thầy cô giáo. Để khi trở lại lớp học trong giai đoạn sắp tới, công nghệ sẽ được sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, các thầy cô cần thay đổi tư duy và trang bị thêm cho mình nhiều kỹ năng mới, để tạo ra sự tương tác và tăng hiệu quả học tập.

Học online từ bắt buộc sẽ trở thành một sự lựa chọn trong giai đoạn tới

Chia sẻ về những ưu điểm của việc học online trong một sự kiện trực tuyến được tổ chức gần đây, ông Trần Thành Nam, Giám khảo Siêu trí tuệ Việt Nam, trường Đại học Giáo dục cho biết, đó là khả năng kết nối rộng lớn, nếu như trước đây chỉ được học với các bạn học sinh xung quanh mình thì khi lên môi trường trực tuyến thì khoảng cách địa lý đã được rút ngắn lại rất nhiều. Thông qua các nền tảng online, học sinh có thể có các kênh tiếp cận đa dạng hơn để tiếp thu kiến thức như Facebook, YouTube, TikTok, còn với các thầy cô giáo cũng có thể chia sẻ những kiến thức, hiểu biết mình có đưa lên mạng để truyền tải đến nhiều người hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, học online có thể giúp hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp.

Cùng quan điểm, ông Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc học online từ câu chuyện bắt buộc do dịch COVID-19 đã trở thành một sự lựa chọn cho giai đoạn bình thường mới, nhất là khi mọi người đã thấy được nhiều điểm tích cực của phương pháp mới này. So với học trực tiếp truyền thống, việc học online không bị giới hạn bởi công nghệ và cách trình bày, do đó nếu tận dụng tốt, các thầy cô giáo có thể thiết kế bài giảng thú vị và tạo sự hứng thú hơn cho học sinh. "Thay vì tự giảng dạy bằng lời nói theo cách thông thường, tôi vẫn thường bật clip trên mạng cho học sinh xem bằng tiếng Anh có phụ đề và đưa ra các thảo luận để kiểm tra mức độ hiểu, từ đó hiệu quả học tập đã cao hơn", ông Vinh chia sẻ.

Tuy nhiên, việc học online cũng sẽ có những giới hạn, khó khăn nhất định, đầu tiên là trang thiết bị, khi mà không phải ai cũng có công cụ đảm bảo để học tập hay đường truyền ổn định. Tiếp theo là năng lực sử dụng thiết bị, đặc biệt với các em học sinh nhỏ tuổi, việc sử dụng máy tính chưa được thành thạo. Chưa kể đến việc tiếp xúc nhiều với thiết bị công nghệ cũng mang lại những tác động tiêu cực nhất định, nhất là với lứa tuổi học sinh.

Chưa kể đến, học online nếu không có khả năng tự học, không có mong muốn học tập hiệu quả thì sẽ không thể đảm bảo được chất lượng. Thậm chí, nếu học online trong một thời gian quá dài như hiện nay, thì ngay cả các bạn sinh viên đại học cũng rất khó để duy trì sự tập trung, chứ chưa nói đến các em học sinh nhỏ tuổi hơn như cấp tiểu học.

"Nhiều hôm dạy sinh viên, khi hỏi các bạn có nắm được bài không thì nhiều bạn đã tắt camera để không phải trả lời. Hay tôi vẫn thường nhận được tin nhắn của thầy cô giáo đề nghị nhắc học sinh nào đó bật camera để phản hồi thầy cô", ông Vinh dẫn chứng.

Yếu tố bất lợi cuối cùng của việc học online đó là yếu tố tiếp cận công nghệ của các thầy cô giáo. Do các thầy cô giáo chưa trải qua bất kì trường lớp nào để đào tạo giảng dạy trực tuyến nên sẽ gặp khó khăn trong quãng thời gian đầu. Do đó nhà trường cần dành nhiều thời gian cho việc hướng dẫn giáo viên, học sinh để cùng nhau vượt qua những trở ngại ban đầu.

Trong giai đoạn bình thường mới, khi giáo viên đã quen với việc chuẩn bị bài giảng trực tuyến thật kĩ để áp dụng cho học trực tiếp, thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Bởi vì khi đó, thay vì mất thời gian cho việc nói, giảng dạy trên lớp thì sẽ chiếu video và tập trung vào thảo luận, tương tác, hỏi đáp, quan tâm nhiều hơn đến học sinh. "COVID-19 là cú hích tạo thói quen online cho học sinh, thầy cô giáo, để rồi khi quay trở lại lớp học, công nghệ sẽ được tận dụng nhiều hơn, có sự tương tác nhiều hơn và tăng hiệu quả học tập", ông Vinh bày tỏ.

Bên cạnh việc học online, theo ông Vinh, các thầy cô giáo có thể kết hợp với học qua truyền hình. Thời gian vừa qua, Bộ GD&DT và các Sở GD&DT đã đưa nhiều chương trình truyền hình với chất lượng rất tốt, nên thầy cô giáo cũng có thể sử dụng hiệu quả kho tài nguyên này để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Ngoài ra, nếu các thầy cô có điều kiện thì có thể tìm hiểu thêm các tài liệu dạy học số đã được đưa lên mạng nhiều và miễn phí như Khan Academy hay những khóa học trên Coursera. Khi đó, học sinh có thể kết hợp vừa học Toán, vừa luyện tiếng Anh. Các trang web này cũng có hệ thống kiểm tra và bài tập khá phong phú.

Dịch COVID-19 sẽ là cú hích để các thầy cô giáo áp dụng công nghệ cho việc giảng dạy - Ảnh 1.

Để có một bài giảng hấp dẫn, các thầy cô giáo cần có cách tiếp cận giống như việc xây dựng một bộ phim nhiều tập.

Làm thế nào để giải bài toán học online hiệu quả?

Ông Phạm Quốc Hùng, đồng sáng lập nền tảng Clevai Math cho biết, đối với việc học online, đường truyền Internet giống như một phương tiện để đi đến trường lớp. Hiện nay, khi mọi thói quen online đã trở nên phổ biến và hình thành, việc học online kết hợp với offline sẽ trở thành một xu hướng trong thời gian tới, các phụ huynh có thể sắm các đường truyền Internet dự phòng như các bộ phát WiFi lắp SIM 4G, khi hiện nay tốc độ mạng di động không thua kém so với mạng cố định, để có thể vừa đáp ứng việc học tập của con cũng như làm việc của bản thân mình. Ngoài ra, các thầy cô giáo và phụ huynh, học sinh có thể sử dụng các công cụ "Make in Viet Nam" như Zavi (VNG),Vemis (Viettel) trong trường hợp đứt cáp quang biển, khiến việc truy cập các công cụ ngoại như Zoom gặp khó khăn.

Còn đối với việc có quá nhiều công cụ để cho con học, nộp bài tập, cô giáo Phùng Kim Dung, nguyên Tổ trưởng Tổ Toán tin Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam cho rằng, các thầy cô cần chủ động, tính toán kỹ lưỡng khi lựa chọn phần mềm, vì hiện tại ngành giáo dục đang từng bước ứng dụng công nghệ nên sẽ có rất nhiều nền tảng mà ứng dụng nào cũng hay, dẫn đến tình trạng "loạn công nghệ". Điều này khiến cả học sinh lẫn cô giáo quá chú ý đến phần mềm mà quên đi cái quan trọng nhất là nội dung kiến thức được truyền tải. Vì vậy, các thầy cô lựa chọn phải chú ý chọn những phần mềm sao cho đơn giản, dễ sử dụng, dễ truy cập, dễ tham gia bài học và nhất là không sử dụng quá nhiều công nghệ trong một buổi dạy.

Đối với học sinh, khi học online phải nhìn màn hình nhiều, các bố mẹ cần đảm bảo cho con sức khoẻ tốt, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh mọi rối loạn tâm thần, sợ học, trầm cảm… Đồng thời, cần chuẩn bị cho con em mình phòng học yên tĩnh, đường truyền và thiết bị tốt nhất để đảm bảo tiếp thu bài giảng hiệu quả.

Cung quan điểm, ông Hùng cho rằng, để hạn chế việc "loạn" phần mềm khi học online, việc đầu tiên là thống nhất từ phía nhà trường, quận hay Sở GD&ĐT trên cơ sở phải đảm bảo một số tiêu chí như giao bài, nộp bài dễ dàng, chấm điểm, nhận xét... Công cụ này cũng phải thực sự dễ dàng sử dụng để trẻ em từ lớp 3 trở lên có thể chủ động trong việc nộp bài.

Mặc dù hiện ngay cả trên thế giới cũng chưa có công cụ nào có thể kết hợp/thay thế các công cụ dạy online, và thường được chia ra các công cụ chính như hệ thống quản trị học tập, hệ thống giao tiếp, dạy trực tiếp, hỗ trợ tương tác và hệ thống đánh giá… Tuy nhiên, các thầy cô giáo nên tập trung chọn 2 hoặc 3 nền tảng thống nhất, ví dụ giảng dạy trực tiếp có thể sử dụng các nền tảng quốc tế như Google Meet, Microsoft Team hoặc các nền tảng Việt, hay nền tảng ra bài tập có thể sử dụng Google Class, Azota. "Để giảm bức xúc cho phụ huynh trước việc loạn công cụ, nhà trường nên thống nhất, đồng bộ các công cụ, để giáo viên/phụ huynh có thể hướng dẫn để con tự chủ động nộp bài tập trực tuyến", ông Phạm Quốc Hùng chia sẻ.

Làm sao để có một bài giảng hấp dẫn? ông Phạm Quốc Hùng cho rằng, các thầy cô giáo cần có cách tiếp cận giống như việc xây dựng một bộ phim nhiều tập. Sau nhiều năm làm trong lĩnh vực giáo dục, ông Phạm Quốc Hùng đã tổng kết một quy tắc mang tên KIDICHI, bao gồm 4 yếu tố quan trọng. Trước tiên, giáo viên muốn xây dựng một bài giảng hay trong 35 phút hay 45 phút thì cần có kịch bản tốt. Chưa kể, trong một học kỳ có đến 30-40-50 tiết học, mà phải đảm bảo các em học sinh đều phải cảm thấy hay, hấp dẫn. Để làm được điều này, các thầy cô cần đưa ra sự liên kết giữa các bài giảng. Ví dụ bài giảng hôm nay học về nhân 2 chữ số, mà trước đó có học phép nhân tròn chục thì bài giảng hôm nay phải có sự liên kết, để từ đó tạo ra sự khó khăn, thách thức, đòi hòi học sinh phải suy nghĩ giải quyết vấn đề. Tuỳ từng nội dung mà các thầy cô giáo đưa ra kịch bản phù hợp, như để truyền đạt kiến thức, thực hành, luyện tập…

Thứ hai là "diễn xuất tốt", tức là giáo viên cần chuẩn làm sao để xuất hiện trên màn ảnh với tâm thế tốt nhất, hình ảnh đẹp nhất.

Yếu tố tiếp theo là cần chia nhỏ thời gian, để có thể tạo sự tập trung cho học sinh trong khoảng thời gian từ 3, 5 hoặc 10 phút tùy hoạt động. Việc chia nhỏ này phải phù hợp với tiết học. Ví dụ như sau khi nghe giảng xong sẽ đến phần hỏi đáp, sau đó là đến phần bài tập, thay vì giảng liên tục từ đầu cho đến cuối tiết học.

Cuối cùng là hiệu ứng, khi giáo viên cần phải đưa vào các hiệu ứng từ âm thanh đến hình ảnh để bài giảng của mình đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn với học sinh. Để làm được điều này, các thầy cô giáo phải có sự đầu tư, tìm hiểu nhiều công cụ như PowerPoint, công cụ khác quay phim, tạo phim ngắn hoặc dành thời gian trên Youtube để nhặt ra những đoạn video phù hợp bài học.

Còn theo ông Hùng Trần, CEO STEM for Vietnam, khi các thầy cô giáo xác định dạy học online thì phải liên tục bổ sung cho mình những kỹ năng khác, bên cạnh việc giảng dạy theo cách truyền thống. Có thể ban đầu, các thầy cô làm chưa thực sự tốt nhưng sẽ phải hoàn thiện, thay đổi để mỗi ngày tốt lên một chút. Quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy của các thầy cô giáo, do đó có một nghịch lý là có những bạn mới ra trường nhưng đã có thể đưa những bài giảng, chương trình thực sự hiệu quả hơn các thầy cô có vài chục năm kinh nghiệm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Dịch COVID-19: cú hích để các thầy cô giáo áp dụng công nghệ trong giảng dạy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO