Theo đó, trong tháng 4, số lượng đăng ký sử dụng DVC TT đã tăng vọt so với thời điểm trước đó. Cùng với đó, KBNN đã triển khai thành công việc tích hợp, cung cấp DVC TT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) với 4 thủ tục hành chính (TTHC) có tần suất giao dịch với khối lượng lớn, đã thực sự mang lại những tiện ích đáng kể cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Cung cấp DVC TT trên Cổng DVCQG với 4 TTHC có tần suất giao dịch với khối lượng lớn
Cũng theo KBNN, trong 4 tháng đầu năm 2020, hệ thống KBNN đã tích cực triển DVC TT để đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra. Theo đó, đơn vị đã nâng cấp hệ thống DVC TT, bổ sung dịch vụ công ghi thu, ghi chi vốn nước ngoài qua KBNN và dịch vụ tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN; triển khai thí điểm kết nối và tích hợp từ các hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp vào hệ thống DVC TT của KBNN tại 5 đơn vị.
Hệ thống KBNN cũng đã hiệu chỉnh và mở rộng tài nguyên hệ thống DVC TT; hoàn thành tích hợp Dịch vụ công Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với KBNN trên Cổng DVCQG...
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong tháng 4/2020, KBNN đã đẩy mạnh triển khai DVC TT đến các đơn vị quan hệ ngân sách nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, đồng thời hỗ trợ công chức cơ quan KBNN và hệ thống làm việc tại nhà trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Tính đến 30/4, tổng số đơn vị đã đăng ký tham gia DVC TT là 73.595 trên tổng số 92.456 đơn vị, đạt tỷ lệ 79,6%. Riêng tháng 4/2020 có đến 7.837 đơn vị đăng ký sử dụng mới, tăng gấp 3 lần so với các tháng trước khi phát sinh dịch Covid-19. Tỷ lệ giao dịch thanh toán gửi qua DVC TT là hơn 823.000 giao dịch trên tổng số hơn 1,4 triệu giao dịch chi ngân sách, đạt tỷ lệ 55%.
Số người sử dụng đồng thời trong tháng duy trì ở mức cao hơn 10.000 người tại một số thời gian cao điểm trong ngày từ 9 - 11 giờ, đặc biệt ngày 29/4/2020, tăng cao nhất lên tới 32.000 người dùng đồng thời vào thời điểm 9 giờ sáng.
Số lượng giao dịch thanh toán chi ngân sách nhà nước gửi qua DVC TT khoảng 100.000 chứng từ thanh toán và khoảng 60.000 hồ sơ.
Bên cạnh đó, KBNN cũng đã triển khai thành công việc tích hợp, cung cấp DVC TT trên Cổng DVCQG với 4 TTHC có tần suất giao dịch với khối lượng lớn. 4 TTHC gồm: thủ tục kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước qua KBNN; thủ tục kiểm soát chi vốn nước ngoài qua KBNN; thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp.
Với 4 thủ tục nêu trên, mỗi ngày hệ thống DVC TT của KBNN tiếp nhận và xử lý khoảng hơn 100.000 chứng từ và 50 - 60.000 hồ sơ.
Việc KBNN đưa TTHC lên Cổng DVCQG với mục đích lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, qua đó, góp phần tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách.
Hướng tới Kho bạc điện tử
Việc hình thành thêm một kênh giao dịch điện tử của KBNN để khách hàng có thể tự do lựa chọn giao dịch, đã đưa KBNN đến gần hơn với khách hàng và xã hội. Đây là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và hướng tới Kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
KBNN cho biết, trong năm 2019, đã triển khai 100% các TTHC KBNN được thực hiện trên DVC TT mức độ 4; 100% các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia dịch vụ công mức 4. Đến nay, gần 100% các đơn vị giao dịch tại KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã tham gia DVC TT với KBNN.
KBNN xây dựng, nâng cấp hệ thống DVC TT và các chương trình ứng dụng liên quan phục vụ cho triển khai quy trình kiểm soát chi của KBNN cấp tỉnh, đảm bảo triển khai từ tháng 5/2020.
Thời gian tới, KBNN tiếp tục thí điểm kết nối và tích hợp từ các hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp vào hệ thống DVC TT của KBNN tại một số đơn vị; hiệu chỉnh và mở rộng tài nguyên hệ thống DVC TT; hỗ trợ các đơn vị KBNN, các đơn vị sử dụng ngân sách đẩy mạnh triển khai DVC TT, đặc biệt là các đơn vị giao dịch với KBNN huyện theo đúng lộ trình của Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Có thể nói, việc áp dụng DVC TT mức độ 4 áp dụng cho tất cả các đơn vị dự toán có giao dịch với KBNN tỉnh/thành phố (trực thuộc trung ương) và KBNN thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh/thành phố là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN. Đặc biệt là kết quả triển khai DVC TT trong thời điểm dịch bệnh, minh chứng là số lượng đơn vị đăng ký sử dụng mới và số chứng từ giao dịch qua DVC TT đều tăng. Cùng với đó, KBNN đã triển khai hoàn thành việc tích hợp dịch vụ công trên Cổng DVCQG theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo KBNN, thời gian tới, để tạo điều kiện cho đơn vị giao dịch, không phải nhập lại chứng từ trên hệ thống DVC TT, nộp hồ sơ trực tuyến cho KBNN nhanh chóng, đơn giản thuận tiện, giảm tải lượng người dùng đơn vị giao dịch truy cập vào DVC TT của KBNN. Giải pháp kết nối và tích hợp hệ thống DVC TT KBNN với các hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp cần phải được xây dựng.
Đồng thời, bổ sung căn cứ pháp lý vào dự thảo thông tư hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi từ NSNN qua KBNN thay thế Thông tư số 161/2012/TT-BTC quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN và Thông tư số 39/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 161/2012/TT-BTC để các đơn vị giao dịch và KBNN có căn cứ triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, KBNN xây dựng hệ thống sao lưu, lưu trữ điện tử quản lý khai thác sử dụng dữ liệu điện tử trong dài hạn (bao gồm hồ sơ chứng từ gửi qua dịch vụ công và lưu trữ dữ liệu điện tử khác của ngành KBNN). Trong năm 2020, triển khai các giải pháp đẩy mạnh triển khai ứng dụng Cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi NSNN và DVC TT tại tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách trên toàn quốc (trừ các giao dịch bằng tiền mặt theo chế độ quy định và giao dịch của các đơn vị thuộc khối an ninh, quốc phòng).