Điện gió ngoài khơi - tiềm năng để phát triển kinh tế biển bền vững
Phát triển điện gió ngoài khơi đang là hướng đi đúng đắn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy chiến lược chuyển dịch năng lượng, hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng phát triển nền kinh tế biển bền vững.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, về lý thuyết Việt Nam có tiềm năng sản xuất gần 500 GW điện gió ngoài khơi. Còn đánh giá của Cơ quan năng lượng Đan Mạch, tiềm năng khả thi của Việt Nam trong phát triển loại năng lượng này khoảng 162 GW, trong đó 132 GW ở khu vực độ sâu đáy biển dưới 50m.
Các dự án điện gió ngoài khơi (xây cách bờ 20-50km) sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển du lịch của địa phương, đánh bắt thuỷ sản hay đi lại tàu bè. Thậm chí, các dự án này sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm chất lượng cao, mang lại cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất điện gió cho nhiều đối tác, nhà cung cấp trong nước.
Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy mà những năm qua, Đảng và Chính phủ đã không ngừng có những chính sách để tận dụng và phát triển hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên này.
Tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh phát triển ưu tiên 06 ngành kinh tế biển, trong đó có “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”, trong đó điện gió ngoài khơi.
Đặc biệt là Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra nhiệm vụ xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Với hơn 3.200km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió. Các khu vực đang được khai thác điện gió và có nhiều tiềm năng tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu… và các đảo.
Hiện nay trang trại gió biển Bạc Liêu đầu tiên với công suất 100 MW đã hoạt động cung cấp khoảng 300 triệu kWh/năm và tới năm 2025, lên tới 1.000 MW hay 3 tỷ kWh/năm.
Siêu dự án Thăng Long ngoài khơi Bình Thuận với công suất 3,4 GW đang trong quá trình nghiên cứu khả thi từ năm 2019 và có thể hoàn thành trước năm 2030 sẽ mang lại vị thế cường quốc điện gió ngoài khơi cho Việt Nam.
Chỉ tính riêng các vùng biển quanh đảo Phú Quý, đảo Bạch Long Vĩ thì tiềm năng công suất lắp đặt lên đến 38 GW mỗi vùng. Hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW.
Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW. Với những ưu đãi về điều kiện tự nhiên như vậy, Việt Nam đặt ra lộ trình đạt mục tiêu đạt 2.000 MW điện gió năm 2025 và 6.000 MW điện gió năm 2030.
Cần có lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi
Mặc dù Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng gió, nhưng cho đến nay, số các dự án thực hiện còn rất ít do thiếu các chính sách đủ mạnh, đồng bộ, bao gồm từ điều tra, đánh giá tiềm năng đến khai thác và sử dụng.
Đồng thời, Việt Nam cũng đang thiếu số liệu cần thiết và tin cậy về tốc độ gió cho nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ở các khu vực khác nhau; thiết bị nhà máy điện gió đều là thiết bị siêu trường, siêu trọng trong khi cơ sở hạ tầng đường, cảng còn thô sơ dẫn đến rủi ro cao và không đảm bảo an toàn; thiếu năng lực quản lý, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các dự án điện gió;
Thiếu thông tin đánh giá về tiềm năng điện gió ngoài khơi, cũng như khả năng nối lưới các dự án sau khi hoàn thành; các dự án điện gió ở vùng đất bãi bồi ven biển có địa hình, địa chất tương đối phức tạp và chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt như mưa, bão, sóng to, gió lớn, kết hợp với chế độ thủy triều không ổn định sẽ dẫn đến nhiều thách thức trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị; công nghệ mới và kỹ thuật phức tạp, các nhà thầu trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thi công xây dựng, lắp đặt tuabin gió trên biển.
Điện gió là điện năng chỉ được tạo ra khi có gió và công suất phát ra thay đổi theo mức gió. Vùng thuận lợi cho đặt nhà máy cũng thường cách xa vùng tiêu thụ, gây khó khăn rất lớn trong công tác vận hành, ổn định hệ thống; khó khăn về nhập khẩu các thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài phối hợp kỹ thuật.
Ngoài ra, điện gió ngoài khơi cũng đang là một thách thức lớn đối với ngành Năng lượng Việt Nam, khi các nước trên thế giới đang chạy đua lắp đặt với nhiều đặc điểm ưu việt, lợi ích. Ở Việt Nam, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là công nghệ mới, khi triển khai chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề về công nghệ, cũng như chi phí phát triển.
Mặc dù là nước có tiềm năng lớn về năng lượng gió, tuy nhiên việc phát triển các nguồn năng lượng gió trong thời gian qua ở nước ta vẫn tiếp tục đối mặt với một số bất cập và thách thức, như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp....
Thách thức lớn nhất để phát triển nguồn điện này là cần có cơ chế, chính sách ổn định và lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực về tài chính, cũng như có kinh nghiệm đầu tư, triển khai thực hiện một cách có hiệu quả.
Để khai thác được nguồn năng lượng này tại Việt Nam một cách hiệu quả, rất cần một sự đầu tư bài bản, cụ thể, đủ mạnh ở cấp quốc gia và phải đặt nó vào vị trí quan trọng, nhằm tạo ra những tiền đề cho việc hoạch định các chiến lược, chính sách, kế hoạch, lộ trình phát triển cụ thể.
Cần có hàng loạt các cơ chế khuyến khích cho điện gió, các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư, như: ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu…