Định hướng triển khai hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng lĩnh vực TT&TT

Tâm An| 28/12/2022 20:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã và đang tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật của Bộ, đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao năng suất chất lượng (NSCL).

Ngày 28/12, Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội thảo về các mô hình, giải pháp thúc đẩy phát triển sản suất, nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ngành TT&TT nhằm giới thiệu và trao đổi/chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ngành TT&TT.

Tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật 

Ngày 11/01/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của KHCN, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ bám sát những mục tiêu, định hướng của chương trình, kế hoạch đối với lĩnh vực TT&TT.

Định hướng triển khai hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng lĩnh vực TT&TT - Ảnh 1.

Vụ trưởng Lê Xuân Công: Bộ TT&TT đã và đang tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ KH&CN cho biết, Bộ TT&TT đã và đang tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật của Bộ; hướng dẫn các cơ quan đơn vị của Bộ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và tổ chức đánh giá phù hợp; Thực hiện đầu tư nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ phát triển ứng dụng các công nghệ số hiện đại vào công tác quản lý chất lượng; đồng thời tổ chức tuyên truyền để thúc đẩy nâng cao NSCL các sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực TT&TT.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo để trao đổi về các nội dung, định hướng công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về phương thức quản lý chất lượng và các giải pháp áp dụng hệ thống ISO 9001:2015 và ISO 17025 cho các phòng thử nghiệm.

Định hướng triển khai các hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng lĩnh vực TT&TT

Theo ông Đinh Hải Đăng, đại diện Vụ KH&CN, dựa trên những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Quyết định 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 ban hành kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030, Bộ TT&TT đã nghiên cứu đề xuất một số định hướng nhiệm vụ trong lĩnh vực TT&TT về các lĩnh vực cụ thể như: chính sách; tiêu chuẩn hóa; nghiên cứu và phát triển; tăng cường năng lực các tổ chức đánh giá sự phù hợp; và truyền thông, tuyên truyền.

Theo đó, về mặt chính sách, ông Đăng nhấn mạnh việc đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp KH&CN nhằm thúc đẩy NSCL chuyên ngành là việc cần ưu tiên thực hiện. Bên cạnh đó, phối hợp đề xuất, xây dựng các chính sách, cơ chế hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy NSCL các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lĩnh vực TT&TT; và phối hợp nghiên cứu, đề xuất chính sách thử nghiệm công nghệ để nâng cao NSCL cũng cần được quan tâm.

Ngoài ra, về mặt chính sách, Bộ TT&TT cũng cho rằng cần có sự phối hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thúc đẩy NSCL trong lĩnh vực TT&TT.

Về mặt tiêu chuẩn hóa, lĩnh vực TT&TT cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu quản lý, phù hợp với thực tiễn phát triển và đảm bảo hài hòa hóa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực cũng như mục tiêu của chương trình đặt ra.

Đồng thời, cần có những hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp và các hệ thống chất lượng phù hợp cho các tổ chức, DN TT&TT; cũng như tập huấn, đào tạo các chuyên gia về tiêu chuẩn hóa, quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp lĩnh vực TT&TT…

Về nghiên cứu, phát triển, Bộ TT&TT cũng đặt ra một số định hướng cụ thể như: nghiên cứu, ứng dụng các công cụ, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực TT&TT hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh tại các DN; Thiết lập khung tiêu chuẩn, nền tảng tiêu chuẩn cho các hệ thống, dịch vụ phục vụ sản xuất thông minh; Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ/giải pháp xanh vào phát triển sản xuất và ứng dụng trong cộng đồng; Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về việc ứng dụng các nền tảng số trong quản trị DN phục vụ nâng cao NSCL chuyên ngành TT&TT…

Trong khi đó, về việc tăng cường năng lực các tổ chức đánh giá sự phù hợp, Bộ TT&TT cho rằng cần xây dựng hệ thống các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước đủ đánh giá các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành TT&TT. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, hướng dẫn xây dựng phòng thí nghiệm/thử nghiệm trọng điểm/chuyên ngành theo định hướng chung của nhà nước; Phối hợp, hỗ trợ các tổ chức đánh giá sự phù hợp của cơ quan nhà nước có chính sách, cơ chế để bù đắp chi phí và tái đầu tư; cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu cùng khai thác, sử dụng (có điều kiện và chi phí)…;

Cùng với đó là nghiên cứu, mở rộng và khai thác năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài theo các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau để phục vụ xuất nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian để phục vụ người tiêu dùng…

Đối với định hướng về truyền thông và tuyên truyền, ông Đăng nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình. Theo đó, cần có các chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức chung về thúc đẩy NSCL; Phổ biến các mô hình, giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ để nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Thực hiện tổ chức các diễn đàn, hội thảo… về NSCL chuyên ngành TT&TT.

Thông tin, tuyên truyền về nâng cao năng suất, chất lượng trong lĩnh vực TT&TT

Chia sẻ về việc thông tin, tuyên truyền về nâng cao NSCL trong lĩnh vực TT&TT, ông Nguyễn Quang Hưng, đại diện Tạp chí TT&TT cho biết, NSCL sản phẩm là yếu tố sống còn của DN trong thị trường, đặc biệt trong một lĩnh vực công nghệ cao như là TT&TT.

Việc tuyên truyền về nâng cao NSCL trong lĩnh vực TT&TT là nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, DN, người lao động về tầm quan trọng của việc nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa.

Đồng thời, hỗ trợ DN trong lĩnh vực TT&TT nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng: các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao NSCL, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Từ thực tế đó, công tác truyền thông, tuyên truyền về nâng cao NSCL trong lĩnh vực TT&TT đạt hiệu quả, ông Hưng cho biết cần có các bài viết có nội dung, chất lượng cao về các mô hình, giải pháp trong hoạt động thúc đẩy NSCL các sản phẩm, hàng hóa nói chung và sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực TT&TT.

Các tin, bài, ảnh đăng thông tin, tuyên truyền phải đạt được tính giáo dục cao, nhằm nâng cao nhận thức của DN, người lao động về tầm quan trọng của công tác nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa.

Định hướng triển khai hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng lĩnh vực TT&TT - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Hưng: Năng suất, chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn của DN trong thị trường, đặc biệt trong một lĩnh vực công nghệ cao như là TT&TT.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, ông Hưng cũng đưa ra một số kiến nghị cụ thể:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, truyền thông về nâng cao NSCL sản phẩm TT&TT cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có điểm nhấn cùng với các hoạt động của ngành.

Thứ hai, Bộ TT&TT cần sớm có những hướng dẫn hay định hướng thực hiện Quyết định của Thủ tướng chính phủ nhằm giảm bớt độ trễ thực hiện giữa quyết định của Thủ tướng và hướng dẫn của các Bộ, ngành.

Đặc biệt, ông Hưng nhấn mạnh việc truyền thông chính sách không phải chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan báo chí mà các tổ chức, đơn vị chức năng cũng cần chủ động cùng tham gia thực hiện và báo chí như là cánh tay nối dài cho công tác này.

Thứ ba, chú trọng vào sự "hỗ trợ" chứ không làm thay DN. Việc nâng cao NSCL là việc DN phải chủ động làm, và cơ quan Nhà nước, cơ quan báo chí sẽ đồng hành hỗ trợ cùng DN, có những thông tin phản hồi về dịch vụ hay các mô hình mới để DN có thể học hỏi kinh nghiệm.

Đặc biệt chia sẻ tại hội thảo, đại diện của Tạp chí TT&TT cũng cho biết, Tạp chí sẽ xây dựng, tập hợp tuyến bài phong phú để Tạp chí trở thành địa chỉ tin cậy tra cứu về thông tin nâng cao NSCL sản phẩm TT&TT của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, DN và của cả người dân.

Trong thời gian vừa qua, Tạp chí TT&TT cũng đã tích cực thực hiện các bài viết tuyên truyền có điểm nhấn phù hợp với hoạt động của ngành trên trang Tạp chí điện tử ictvietnam.vn; và các bài viết chuyên sâu, chuyên đề theo các sự kiện đặc biệt trên Tạp chí in được phát hành hàng tháng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Định hướng triển khai hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng lĩnh vực TT&TT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO