DN tăng cường ứng dụng công nghệ đám mây để hiện đại hóa sản phẩm, dịch vụ
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) nắm bắt các công nghệ số đổi mới như trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ cần đến tài nguyên và cơ sở hạ tầng điện toán đám mây để tăng tốc và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh.
Dịch vụ đám mây ở Malaysia tiếp tục đà tăng trưởng, đặc biệt khi các DN địa phương đang tìm cách nắm bắt cơ hội số hóa, triển khai chiến lược chuyển đổi số (CĐS) để giành lợi thế trước đối thủ cạnh tranh. Trên thực tế, các dịch vụ đám mây ở Malaysia đã phát triển từ trong thời kỳ đại dịch do các DN cần đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục.
Dịch vụ đám mây ở Malaysia tăng trưởng nhờ sự ủng hộ của chính phủ
Tại Malaysia, nhu cầu về dịch vụ đám mây gia tăng cũng một phần nhờ sự ủng hộ của chính phủ. Chính phủ Malaysia cấp phép nhiều trung tâm dữ liệu (TTDL) hơn để hỗ trợ cơ sở hạ tầng.
Ví dụ, vào tháng 2/2021, chính phủ đã phê duyệt xây dựng các TTDL mới của Amazon Web Services (AWS), Google Cloud, Microsoft Azure và Telekom Malaysia trên lãnh thổ Malaysia, theo chiến lược ưu tiên đám mây và kế hoạch chi tiết về nền kinh tế số của Malaysia.
Theo báo cáo “Tình trạng đám mây ở Malaysia năm 2023” của Forrester, những chính sách ủng hộ dịch vụ đám mây của chính phủ đã giúp Malaysia trở thành “bãi đáp” cho các công ty đang muốn tiếp cận gần 27 triệu người tiêu dùng trực tuyến của quốc gia này.
“Trong thập kỷ qua, Malaysia đã thực hiện một số thay đổi đáng kể, mở cửa kinh tế và khai thác, đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng số - bắt chước và có khả năng vượt qua Singapore trong dài hạn”, Sam Higgins, nhà phân tích chính tại Forrester, nhận xét.
Báo cáo nhấn mạnh một số xu hướng dịch vụ đám mây ở Malaysia. Đầu tiên là các loại dịch vụ đám mây đang được sử dụng trong nước.
65% các nhà hoạch định chính sách về đám mây trong các DN Malaysia đang sử dụng ít nhất hai mô hình triển khai đám mây. Đó là đám mây lai và đám mây công cộng. 84% những người sử dụng dịch vụ đám mây công cộng sử dụng hai nhà cung cấp trở lên. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến các nhu cầu và trường hợp sử dụng khác nhau của mỗi công nghệ đám mây. Có thể kể đến các công ty nổi bật sử dụng đám mây công cộng ở Malaysia là Ngân hàng Standard Chartered và Tenaga Nasional.
“Rủi ro luôn rình rập các DN nếu chỉ phụ thuộc vào một hoặc hai nhà cung cấp đám mây công cộng tại địa phương. Ngoài ra, một thách thức nữa đối với các nhà lãnh đạo công nghệ Malaysia là phải cung cấp các giải pháp rẻ hơn, tiết kiệm chi phí hơn theo yêu cầu của các đối tác kinh doanh”, ông nói thêm.
Các DN thích sử dụng dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) công cộng do khả năng mở rộng của dịch vụ này. Điều này là do các DN Malaysia có thể xây dựng các ứng dụng mới trên các TTDL hiện đại của các nhà cung cấp đám mây công cộng lớn và có tổng chi phí sở hữu thấp hơn.
Ví dụ về các công ty đã thực hiện điều này bao gồm Caring Pharmacy, Celcom và Cục Thống kê Malaysia đều đã di chuyển khối lượng công việc sang đám mây công cộng. Trung bình, những người ra quyết định về đám mây DN của Malaysia nói rằng họ đã di chuyển 48% tổng danh mục ứng dụng của mình sang đám mây công cộng và có kế hoạch tiếp tục di chuyển trong 2 năm tới.
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn có kế hoạch mở rộng tại Malaysia
Mặc dù việc áp dụng các dịch vụ đám mây ngày càng tăng ở Malaysia, Alibaba vẫn là công ty đám mây lớn duy nhất ở quốc gia này. Theo một báo cáo gần đây của Alibaba Cloud, một nửa số DN được khảo sát có kế hoạch tăng đầu tư vào ĐTĐM, trong khi 84% DN được khảo sát dự kiến sẽ chuyển hoàn toàn sang đám mây trong vòng 2 năm tới, một phần do nhu cầu mới xuất hiện.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy mức độ sử dụng phần mềm trên đám mây của Malaysia đã tăng 56% do hậu quả của đại dịch. Trong số các ngành công nghiệp chính dự kiến sẽ có mức đầu tư vào đám mây tăng mạnh nhất là lĩnh vực trò chơi, tiếp theo là truyền thông, viễn thông, Internet, công nghệ và dịch vụ tài chính.
Hiện nay, các công ty lớn về công nghệ đám mây đang có kế hoạch mở rộng tại Malaysia. Microsoft Azure đã công bố khoản đầu tư 1 tỷ USD và có kế hoạch tổ chức một khu vực đám mây tại Kuala Lumpur. AWS, Google Cloud và Telekom Malaysia cũng có kế hoạch xây dựng các TTDL tại quốc gia này. Trên thực tế, AWS hứa hẹn sẽ đầu tư 6 tỷ USD vào Malaysia vào năm 2037.
Các lãnh đạo CNTT tại DN Malaysia cho biết họ triển khai cơ sở hạ tầng đám mây để cải thiện khả năng khắc phục các sự cố và đảm bảo DN hoạt động liên tục, không bị gián đoạn khi xảy ra sự cố. Đồng thời, DN cũng có được quyền truy cập vào các tài nguyên đang phát triển nhanh chóng, dễ dàng và nhận hỗ trợ về những chính sách bền vững của chính phủ.
Malaysia đã chứng kiến các vụ vi phạm dữ liệu kỷ lục trong những tháng gần đây, vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi khả năng phục hồi là yếu tố chính trong quá trình ra quyết định của họ. An ninh mạng vẫn là mối quan tâm lớn ở quốc gia này và các DN Malaysia cuối cùng cũng nhận ra lợi ích của đám mây đối với các dịch vụ sao lưu và phục hồi.
“Malaysia không tránh khỏi tình huống sự cố an ninh mạng gia tăng. Trên toàn cầu, bất chấp những nỗ lực tốt nhất của nhiều chuyên gia công nghệ làm việc chăm chỉ, giá trị ngày càng tăng của nền kinh tế kỹ thuật số - theo ước tính của Cục Quản lý Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ là 25% GDP của đất nước - khiến hành vi trộm cắp dữ liệu cá nhân trở nên rất hấp dẫn đối với tội phạm", nhà phân tích của Forrester nói.
Sự hỗ trợ của chính phủ và các chính sách hợp tác với khu vực tư nhân sẽ giúp bảo vệ chủ quyền kỹ thuật số của công dân. Vì vậy, ngày càng có nhiều nỗ lực nâng cao năng lực của cả các tổ chức công và công ty tư nhân để giải quyết các mối đe dọa này. Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù việc áp dụng các dịch vụ đám mây có thể cải thiện tính bảo mật của cơ sở hạ tầng cơ bản nhưng vẫn luôn cần phát huy mô hình trách nhiệm chung giữa các DN sử dụng dịch vụ đám mây.
DN tìm kiếm các dịch vụ đám mây để hiện đại hóa sản phẩm và dịch vụ
Các DN ở Malaysia đang nỗ lực hiện đại hóa các sản phẩm và dịch vụ. Do đó, họ tìm đến đám mây để giúp hiện đại hóa các ứng dụng cốt lõi của mình. Dữ liệu năm 2022 của Forrester cho thấy 38% những người ra quyết định trên nền tảng đám mây dành cho DN Malaysia mong muốn ưu tiên mở rộng TTDL hoặc hiện đại hóa các ứng dụng và dịch vụ hiện có trong 12 tháng tới.
Thiếu kỹ năng về công nghệ đám mây là một vấn đề toàn cầu. Do đó, các DN cần có các dịch vụ đám mây chuyên nghiệp, được quản lý, cũng như các nhà tích hợp hệ thống toàn cầu, để lấp đầy khoảng trống này. Khoảng 30% những người ra quyết định về đám mây cho DN ở Malaysia nói rằng các tổ chức của họ sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba để vận hành các hoạt động trên đám mây, cung cấp dịch vụ tích hợp hoặc phát triển các chiến lược đám mây.
Theo trang The Malaysian Reserve, việc áp dụng công nghệ ĐTĐM đã trở nên phổ biến trong tất cả các ngành công nghiệp nói chung ở cả khu vực tư nhân và công cộng tại Malaysia, bao gồm các DN nhỏ và vừa (SME), các cơ quan chính phủ và các tập đoàn lớn, vì Malaysia mong muốn trở thành một quốc gia công nghệ cao vào năm 2030.
Theo đó, khi ngày càng có nhiều công ty nắm bắt các công nghệ số đổi mới như AI, họ sẽ cần các tài nguyên và cơ sở hạ tầng ĐTĐM để tăng tốc và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh. Các dịch vụ đám mây phát triển mạnh mẽ cho thấy ngày càng có nhiều DN tìm kiếm cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, linh hoạt, an toàn để số hóa hoạt động kinh doanh của họ.
GM Kun Huang của Alibaba Cloud Intelligence Malaysia cho biết xu hướng này đang diễn ra tại Malaysia và với sự đầu tư ngày càng tăng của các công ty, quốc gia này có tiềm năng bắt kịp và trở thành người chơi chính trong lĩnh vực này.
Tại Malaysia, ngành công nghiệp ĐTĐM được dự đoán sẽ tăng lên 3,7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 13% vào năm 2024./.