Tại Hội nghị ngày 8/5, Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường cho biết qua các số liệu phát triển viễn thông trong 4 tháng đầu năm 2020, có thể khẳng định doanh nghiệp (DN) viễn thông đã rất nỗ lực tận dụng các cơ hội, nỗ lực vượt khó khăn, thách thức.
Theo số liệu của Cục, số thuê bao di động Việt Nam vẫn đạt mức cao ở thế giới. Trước đây Việt Nam đạt hơn 135 triệu thuê bao di động. Trong 1 năm vừa qua, số lượng thuê bao có sụt giảm do Bộ TT&TT chỉ đạo các DN viễn thông rất tích cực thực hiện chính sách ngăn chặn SIM kích hoạt sẵn.
"Chính những chính sách mạnh của Bộ TT&TT cùng với sự hợp tác của DN viễn thông, nên số thuê bao di động của Việt Nam càng ngày càng đi vào thực chất, là những người sử dụng thực tế. Số SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối giảm xuống", ông Cường cho hay.
Theo thống kê từ tháng 5/2019 cho đến nay, chúng ta đã giảm 8,85 triệu thuê bao di động. Tính cho tới nay chỉ còn hơn 125 triệu thuê bao. Đây vẫn là một con số cao so với thế giới và cũng là một chỉ số tốt, phản ánh sự năng động của lĩnh vực viễn thông Việt Nam, giúp cho thứ hạng viễn thông của Việt Nam được duy trì.
Ông Cường cho biết thêm, cũng do Covid-19, cách ly xã hội, số thuê bao di động trong tháng 4/2020, tiếp tục giảm mạnh hơn, giảm 1,14 triệu thuê bao, mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, có một thực tế được ông Cường chỉ ra là trong tháng 4 thực hiện cách ly xã hội, các đại lý phải đóng cửa, người dân không ra ngoài, nhưng SIM kích hoạt sẵn hay gọi là SIM rác vẫn vẫn được kích hoạt trước. Điều này thực tế vẫn có đại lý làm sai quy định.
Tiếp theo, một thực trạng được ông Cường nêu thêm, trong quá trình ngành Viễn thông hỗ trợ ngành Y tế tìm kiếm các thuê bao với người nhiễm Covid-19 như các trường hợp ở bệnh viện Bạch Mai để khảo sát, lập danh sách những người phải cách ly thì khi truy xuất thông tin người sử dụng thuê bao, gọi điện thoại đến chủ thuê bao thì tên người sử dụng thuê không trùng khớp với tên người đăng ký SIM. Điều này cho thấy tình trạng thông tin thuê bao không được đăng ký theo đúng quy định.
Đây là vấn đề, theo ông Cường, cần phải được quan tâm hơn, đặc biệt, trong thời gian tới đây, trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, kinh doanh trên thuê bao điện thoại là một xu thế rất là quan trọng. Đây cũng là một lợi thế của các DN viễn thông trong việc cung cấp các dịch vụ mới như mobile money sẽ được Chính phủ phê duyệt tới đây, với yêu cầu cần phải có các thông tin thuê bao chính xác.
Theo đó, Cục trưởng Cục Viễn thông, đề nghị các DN viễn thông cần phải triển khai những biện pháp, siết chặt hơn hệ thống đại lý để đảm bảo thông tin thuê bao chính xác, đúng quy định của pháp luật. "DN viễn thông cần phải nhìn thấy được trách nhiệm, có giải pháp tích cực "làm sạch", tăng cường sự chính xác của thông tin thuê bao. Qua đó tận dụng được các cơ hội phát triển lĩnh vực viễn thông".
Trước những số liệu của Cục Viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: nếu DN Viễn thông muốn mở rộng không gian phát triển, điều kiện tiên quyết là phải định danh được số điện thoại, nếu không thì DN sẽ không bước ra khỏi được không gian phát triển ngành đã bão hoà. Đặc biệt, khi Chính phủ đồng ý chủ trương cho triển khai dịch vụ mobile money trên vùng phủ toàn quốc. Việc này chỉ triển khai được khi định danh được số điện thoại.
"Các nhà mạng đẩy SIM rác ra thị trường thì chỉ làm giảm doanh thu của nhà mạng và không bước ra khỏi được lĩnh vực của mình. Nhà mạng cần nhận thức sâu sắc được việc này", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Quyết tâm triển khai 5G
Cũng về phát triển lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng nhấn mạnh: mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Bộ TT&TT vẫn quyết tâm triển khai công nghệ 5G.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, vào tháng 6 này, thiết bị 5G của Việt Nam được triển khai thử nghiệm trên mạng lưới. Tháng 10/2020 Việt Nam sẽ thương mại hoá 5G bằng thiết bị Việt Nam.
Trước mắt Việt Nam sẽ triển khai 5G ở quy mô vừa phải. Thiết bị 5G Việt Nam sẽ đi theo hướng chuẩn mở (open standard), đạt chuẩn an toàn an ninh mạng Việt Nam. Đối với việc đẩy mạnh 4G, Bộ TT&TT đang tăng tốc.