Doanh nghiệp biến nguy thành cơ

Hương Dịu| 28/07/2021 17:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục hoành hành, gây khó cho nhiều doanh nghiệp, nhưng đây cũng chính là “lửa thử vàng” để các doanh nghiệp biến nguy thành cơ, đón đầu những xu hướng kinh doanh mới, hướng tới sự phát triển bền vững hơn.

Doanh nghiệp biến nguy thành cơ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nên ứng dụng công nghệ để làm điểm tựa phục hồi. Ảnh: ST

Nắm bắt xu hướng thị trường

Từ năm 2019, Tập đoàn Tân Long đã chuyển hướng sang đẩy mạnh phát triển sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, tiên phong là nhãn gạo A An. Lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ, ngay từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, doanh nghiệp đã xác định lương thực là ngành thiết yếu, cần sự đầu tư nghiêm túc để phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Hơn nữa, xu hướng của người tiêu dùng Việt Nam hiện đã không chỉ quan tâm ăn ngon mà là ăn sạch hơn, an toàn hơn, cùng với đó là sự cạnh tranh về dịch vụ khách hàng. Do đó, để vượt qua thách thức của đại dịch, Công ty này đã tập trung đẩy mạnh các nền tảng online, công nghệ, đặt hàng qua hotline, quản trị tồn kho trên kênh bán hàng, quản lý dịch vụ giao hàng tận nơi… giúp mảng bán lẻ thực phẩm không bị đứt gãy, ghi nhận tăng trưởng tốt.

Dịch Covid-19 như chất xúc tác để các doanh nghiệp đổi mới mạnh mẽ hơn, tìm được con đường để trụ vững và phát triển; đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp không chỉ là chìa khóa để các doanh nghiệp duy trì hoạt động, ổn định trong đại dịch, mà thậm chí là bước đệm cho việc phục hồi sau đại dịch.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã coi Covid-19 là cơ hội "lửa thử vàng". Chính những thử thách của thị trường, của chuỗi phân phối sẽ tạo sức bật cho doanh nghiệp, cũng như những sản phẩm dịch vụ của họ. Vì thế, việc tìm hiểu và nắm bắt được nhu cầu thị trường, những thay đổi của người tiêu dùng sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển.

Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) công bố thông tin cho biết, quý 2/2021, doanh thu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt, lũy kế 6 tháng, FPT Retail dự kiến duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính nhờ việc liên tục mở thêm các cửa hàng mới. Đến hết tháng 6/2021, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã lên tới 300 cửa hàng và chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm công nghệ FPT Shop gồm hơn 619 cửa hàng. Để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch phải hạn chế đi lại, FPT Retail đã đầu tư nâng cấp server phục vụ kinh doanh online, cũng như đầu tư thêm hệ thống kho bãi và logistics.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, ngành bán lẻ có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2021. Ngành này có khả năng thích ứng nhanh với thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, số lượng sản phẩm đa dạng của các nhà sản xuất trong nước. Hàng tiêu dùng nhanh sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán lẻ 2021.

Công nghệ vẫn là tiên quyết

Có thể thấy, những doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội nêu trên đều có sự góp mặt của công nghệ trong các giải pháp phát triển. Theo các chuyên gia của PwC, khủng hoảng Covid-19 đã thay đổi nhiều khái niệm cũng như mô hình về chi phí. Một số năng lực vốn được xem như kiến tạo khác biệt thì giờ đây đã trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp, ví dụ như tự động hóa và công nghệ giúp phối hợp làm việc.

Đại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ, công nghệ tự động hóa đang dần thay thế người lao động, giúp tăng năng suất lao động. Theo tính toán, trung bình một máy laser sử dụng công nghệ tự động, công nghệ cao trong may mặc có thể thay thế cho gần 50 công nhân may thủ công. Ngoài ra, nếu theo công nghệ cũ, một chiếc quần jean thành phẩm ra đời cần tới 13 phút, nhưng với công nghệ lập trình trên máy như hiện nay, một sản phẩm chỉ cần chưa tới 10 giây để hoàn thành.

Với những tập đoàn lớn như FPT, nhờ công nghệ đã giúp Tập đoàn này tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, vượt qua khó khăn của Covid-19. Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ của FPT ước tính, mỗi năm FPT có khoảng 1,2 triệu yêu cầu nội bộ về những yêu cầu hành chính như cấp phát máy hay ký hợp đồng... tương đương 6,5 triệu tác vụ cần làm mỗi năm. Nhờ chuyển đổi số nhanh, FPT đã có thể giảm 65% thời gian trung bình trong quy trình xử lý các yêu cầu nội bộ, tăng 150% năng suất cho khối hỗ trợ quản lý. Với bộ chuyển đổi này, nhiều khách hàng của FPT trong và ngoài nước cũng đã sử dụng và đạt được nhiều cải thiện về chất lượng dịch vụ với khách hàng.

Tương tự, bà Đinh Thị Thúy, Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho hay, doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm thế sống chung với dịch ngay từ năm 2020, nên đã có kế hoạch dự phòng, tận dụng công nghệ để đảm bảo hoạt động được thông suốt. Đại dịch khiến nhiều khách hàng của Công ty ngừng hoạt động, làm giảm một số chỉ tiêu kinh doanh, nhưng lại là cơ hội để MISA cung cấp các giải pháp chuyển đổi số. Hiện MISA đã ứng dụng và cung cấp ứng dụng quản trị doanh nghiệp hợp nhất, cũng như các dịch vụ kế toán trực tuyến và hỗ trợ miễn phí cho 30.000 doanh nghiệp có nhu cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cộng thêm việc Việt Nam ngày càng mở cửa và hội nhập với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thì việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt. Hơn nữa, nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp chủ động ứng dụng khoa học công nghệ có tỷ lệ tồn tại rất cao, ít tổn thương hơn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp biến nguy thành cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO