Truyền thông

Đọc sách là phương thức tất yếu để làm giàu và phát triển đời sống tinh thần

Phạm Văn Chung 01/09/2024 09:30

Tôi hiểu rằng một đất nước muốn trở thành một nước phát triển văn minh thì nó nhất định phải giàu có và không ngừng phát triển về tinh thần.

Tóm tắt:
- Văn hóa là sự khẳng định thực sự tồn tại con người, mà tinh thần, trước hết và căn bản là tri thức.
- Chung đúc, kết tinh tri thức, tinh thần là tất yếu của hoạt động con người và là đặc trưng cơ bản của Sách.
- Sách có thể thay đổi hình thức, phương thức chuyển tải thông tin của nó, nhưng không có gì có thể thay thế
Sách trong vai trò trung gian hóa.
- Đọc sách như thế nào: Đọc sách có mục đích, đọc có ghi chép và biết cách chọn sách...

Tôi hiểu rằng một đất nước muốn trở thành một nước phát triển văn minh thì nó nhất định phải giàu có và không ngừng phát triển về tinh thần. Không phủ nhận ý nghĩa của sự giàu có về đời sống vật chất, nhưng cái thật sự đặc trưng cho con người là đời sống tinh thần của nó. Đây không phải là một sự suy luận tùy tiện, một sự tưởng tượng thuần túy, hoặc một thứ chủ nghĩa duy tâm “ẩn giấu” nào đó, trái lại lịch sử văn minh nhân loại đã chứng minh rất rõ điều này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, nhất là đối với đất nước Việt Nam chúng ta hiện nay, là làm thế nào để có thể giàu có và phát triển về tinh thần? Tôi cho rằng đó là việc người dân chúng ta, nhất là những người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên, những người lao động trí óc phải đọc sách. Có thể sẽ có người nói rằng phải sáng tạo, phải viết và làm ra sách, mới có thể phát triển tinh thần. Tất nhiên, điều này không sai, nhưng ở nước chúng ta trước hết phải đọc sách đã, phải xem đó là phương thức tất yếu để làm giàu và phát triển đời sống tinh thần. [Lưu ý: Tôi dùng chữ “phương thức” trong tựa đề bài này nhằm nói đến cả mục tiêu, động cơ và cách thức, chứ không chỉ riêng cách thức].

doc-sach.png

1. Tinh thần và văn hóa

Tác giả Denys Cuche trong cuốn sách Khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội cho rằng “trái với khái niệm về xã hội, vốn ít nhiều là khái niệm cạnh tranh với khái niệm văn hóa trong cùng lĩnh vực ngữ nghĩa, khái niệm văn hóa chỉ được áp dụng cho loài người” (Denys Cuche, Dẫn nhập, Khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội, Lê Minh Tiến dịch, Nxb Tri thức Hà Nội 2020, tr. 17).

Nhận định của tác giả cho thấy chỉ có văn hóa mới là cái thực sự đặc trưng cho tồn tại con người, vì chỉ có nó mới phân biệt rõ nhất tồn tại con người với tồn tại tự nhiên. Với thế giới do mình sáng tạo ra là văn hóa, con người khẳng định rằng nó chỉ có thể tồn tại bằng văn hóa, dựa trên văn hóa. Cho nên, chỉ khi vươn tới văn hóa con người mới thực sự khẳng định sự tồn tại của nó với tư cách con người.

Nhưng cái gì có thể làm cho con người tạo nên văn hóa, khiến cho nó thực sự phân biệt với tự nhiên? Đó chính là ý thức, là đời sống tinh thần của nó. Một triết gia từng nói, đại ý rằng chính nhờ ý thức con người đã nhân đôi mình lên không chỉ trong nhận thức, ý thức mà cả trong hiện thực. Bằng ý thức con người đã tạo nên tự nhiên thứ hai, tự nhiên mang tính người. Tất nhiên, con vật cũng có ý thức, nhưng ý thức của nó chỉ là cái giúp nó chiếm đoạt những gì có sẵn trong tự nhiên, trong khi ý thức của con người giúp nó làm nên tự nhiên mới, tạo nên tồn tại riêng biệt của nó là văn hóa.

Trong ý thức, tinh thần con người thành phần quan trọng nhất là tri thức. Việc nhận biết ra những đặc tính, cấu trúc của các vật thể, quá trình tự nhiên vật chất, những khả năng nối kết giữa chúng khiến con người hình dung ra được những cấu trúc, dạng thái mới của vật chất, vì thế tự nhiên thứ hai đã được tạo nên bao gồm tất cả những vật dụng từ giản đơn như con dao, cái cày, cái cuốc cho đến những cái phức tạp như máy móc và cả việc tổ chức đời sống con người. Không có tri thức con người không thể có những hình thái vật thể ấy. Dĩ nhiên, không thể loại bỏ, xem thường những khát vọng, cảm xúc, ý chí và những quá trình tinh thần khác, nhưng tất cả chúng cần phải được hóa thân vào các hình thái vật thể được hình dung bởi tri thức con người. Tri thức giúp hiện thực hóa đời sống tinh thần con người.

Như thế, văn hóa là sự khẳng định thực sự tồn tại con người, mà tinh thần, trước hết và căn bản là tri thức, là cái thực sự khiến cho con người có thể khẳng định điều này. Vì vậy, càng làm giàu có, phát triển không ngừng đời sống tinh thần của mình, nhất là tri thức của mình, con người càng khẳng định ý nghĩa của sự tồn tại của nó, kiếp làm người của nó.

2. Sách là gì và tại sao phải đọc sách?

1. Sách và vai trò của sách.

Thấy được giá trị, tầm quan trọng lớn lao của tri thức, của đời sống tinh thần nói chung, ngay từ thời cổ xưa con người đã phát minh ra một hình thức đặc biệt để lưu giữ chúng, đó là Sách. Với vô vàn những thể loại, các dạng tồn tại khác nhau từ thô sơ đến hiện đại, Sách là hình thức tồn tại không thể thiếu của tri thức, tinh thần. Sách là sản phẩm không chỉ của những người trực tiếp làm ra nó như người viết, sáng tác, người biên tập, in ấn, mà còn là hiện thân của rất nhiều người, các thế hệ người khác nhau đã hóa thân vào đây qua bộ óc và bàn tay người viết và in sách. Sách là yếu tố trung gian tất yếu giữa những người làm nên nó và những người đọc, tiếp thu để làm giàu đời sống tinh thần của mình và chuyển hóa nó thành đời sống hiện thực, thành văn hóa mới.

doc-sach-3.png

Sách có thể thay đổi hình thức, phương thức chuyển tải thông tin của nó, nhưng không có gì có thể thay thế Sách trong vai trò trung gian hóa như đã nói. Con người ư? Không, con người rồi sẽ chết dù bộ óc người có thể lưu trữ được nhiều thông tin tri thức và tinh thần sống động hơn nhiều so với Sách.

Cũng có thể xem con người là một thứ “sách” nhưng nó cũng buộc phải trở thành Sách theo đúng nghĩa của từ này. Con người phải gửi mình vào Sách trước khi lìa đời, nó phải viết, phải làm ra Sách. Tuy vậy, điều hết sức quan trọng muốn nói là tri thức, tinh thần con người được và cần được tổng hợp, chung đúc, kết tinh, phải được làm thành Sách thì mới có thể lưu chuyển từ thế hệ này, đời này sang thế hệ khác, đời khác.

Tổng hợp, chung đúc, kết tinh tri thức, tinh thần là tất yếu của hoạt động con người và là đặc trưng cơ bản của Sách. Con người tiến lên không phải bằng cách mang theo tất cả những gì đã có đến tận chi tiết của chúng, trái lại chỉ có thể bằng cách đứng trên, tiếp tục đi lên từ những gì đã được kết tinh, tổng hợp, chung đúc lại, và cái hình thức chứa đựng, mang tải điều này chỉ có thể là Sách. Càng kết tinh, tổng hợp, chung đúc sâu sắc, rộng lớn bao nhiêu, sách càng có giá trị bấy nhiêu. Vì thế, “sách là một trong những lâu đài bền vững nhất” (Châm ngôn về sách).

Ai có thể chứng minh được rằng đọc xong một cuốn sách điều ta nhận được chỉ là tri thức (hiểu biết)? Chắc chắn là không. Sách còn đem lại cho ta cả thế giới tình cảm, cảm xúc, ý chí, ấn tượng, niềm tin, khát vọng. Sách có thể nuôi dưỡng tâm hồn ta, nhưng cũng có thể làm ta đau khổ, bất hạnh, thậm chí làm nhục ta. Nhưng trên - từ tất cả những điều ấy - Sách là cái chỉ bảo cho ta cách thức, con đường tạo dựng nên đời sống mới, văn hóa mới.

2. Đọc sách là phương thức tất yếu để làm giàu và phát triển đời sống tinh thần con người. Một khi Sách được hiểu như trên thì liệu có cách thức, phương thức nào khác thật hữu hiệu để làm giàu và phát triển đời sống tinh thần của chúng ta, ngoài đọc Sách? Chúng ta có thể học trong đời sống thực tế? Vâng, rất cần. Nhưng không có Sách, tách rời Sách, chúng ta mãi mãi chỉ là kẻ kinh nghiệm chủ nghĩa. Chúng ta có thể học ở người khác và họ cũng là những người đọc, thậm chí rất nhiều sách? Vâng, điều này cũng cần, nhưng Sách họ đọc chủ yếu cần cho công việc của họ. Người thầy đọc sách và người học đọc sách, đấy là những việc khác nhau về bản chất xét theo xu hướng của nó.

Một cộng đồng tăm tối, nghèo hèn là một cộng đồng không có sách, không đọc sách. Đối với con người Việt Nam chúng ta, niềm khao khát sáng tạo nên một cuộc sống mới bằng cách tạo nên những lý thuyết, học thuyết, tư tưởng mới và nỗ lực làm thành những cuốn sách mới của chính chúng ta, là điều đáng trân trọng, đáng khích lệ biết bao. Nhưng để làm được như thế, trước hết chúng ta phải đọc Sách và Sách chúng ta cần đọc là Sách của các nước, các dân tộc phát triển - văn minh đã đi trước chúng ta. Đấy là bài học, là con đường của các nước lạc hậu đã trở thành những nước phát triển - văn minh, đã để lại cho chúng ta. Để tiến bộ, phát triển chúng ta cần đứng trên vai những người khổng lồ cả về thực tiễn và tinh thần, trước hết về tri thức, tinh thần.

3. Đọc sách như thế nào? (Một vài kinh nghiệm bản thân)

Với những kinh nghiệm còn ít ỏi của mình, nhưng cũng xin mạnh dạn đề xuất ở đây một vài điều về cách đọc sách.

1. Về động cơ đọc sách. Đọc sách không thể thiếu động cơ, không thể thiếu mục đích, nhu cầu. Có rất nhiều động cơ, tôi nói đến một động cơ quan trọng mà chính tôi đã trải nghiệm. Tôi hiểu hạnh phúc là hiểu biết. Tôi đã có một bài viết khá hoàn chỉnh về chủ đề này, ở đây chỉ trình bày một cách vắn tắt.

273062_nhieu-giaiphaplantoa.jpg

Có thể hiểu một cách chung nhất hạnh phúc là sự thỏa mãn các nhu cầu con người. Với sự thỏa mãn ấy hạnh phúc được thể hiện ra là niềm vui sướng, sự điềm tĩnh, thanh thản. Hạnh phúc không chỉ là mục đích mà con người vươn tới, còn là tiền đề, động lực để con người tiếp tục vươn lên. Tuy nhiên, nếu chỉ xét hạnh phúc thuần túy là sự thỏa mãn như thế thì chúng ta có gì hơn con vật?

Như đã nói ở trên, chúng ta là con người, chúng ta cần khẳng định sự tồn tại của chúng ta khác biệt với các loài khác. Và sự khác biệt ấy chính là văn hóa, thế giới văn hóa do chúng ta tạo nên. Nói về văn hóa ta có thể chỉ ra rất nhiều yếu tố, nội dung làm cho ta phân biệt với muôn loài như nhà cửa, công cụ lao động, xe cộ, máy móc, tôn giáo v.v.. Nhưng điều ta cần phải chỉ rõ là dấu hiệu nào căn bản nhất hay cái “thời khắc” nào quan trọng nhất khiến ta thực sự phân biệt, tách ra, đối diện với tự nhiên như một tồn tại khác, chỉ của riêng ta, không gì thay thế được.

Nói về tình cảm có lẽ chúng ta phải xấu hổ với sự trung thành của những con chó đối với người chủ của chúng. Tương tự, chúng ta cũng có thể nói về ý chí, sự can đảm và thậm chí cả sự “trung thực” v.v.. của loài vật mà ta không thể sánh bằng. Cho nên, dấu hiệu hay tiêu chí căn bản nhất, hay cái “thời khắc” quan trọng nhất khiến ta tách ra, đối diện với loài vật, với tự nhiên, đó chính là hiểu biết (tri thức). Chính tri thức đã giúp ta làm nên những hình thái vật thể mới mà thiên nhiên chưa hề có hoặc chỉ có dưới dạng khả năng. Với việc tạo nên những hình thái, thế giới vật thể mới này, thế giới văn hóa, chúng ta đã phân biệt mình với loài vật.

Vì thế, hạnh phúc thật sự của con người, dù có thể là chưa đầy đủ, chưa trọn vẹn, nhưng là hạnh phúc “đầu tiên” của nó, đó là khát vọng hiểu biết (tri thức) và sự thỏa mãn khát vọng ấy. Cho nên, trong cuộc đời sẽ thật may mắn cho những ai có khát vọng hiểu biết, hơn thế hiểu biết lớn lao và nỗ lực hết mình để thỏa mãn chúng. Không biết mình còn có thể làm được gì nữa ở tuổi này, nhưng tôi rất tự tin mà nói rằng tôi thấy hạnh phúc của mình là hiểu biết, mỗi hiểu biết trong lĩnh vực chuyên môn đều đem lại cho tôi niềm vui và càng thúc đẩy tôi cố gắng lao động.

Tôi cũng muốn trình bày một động cơ quan trọng nữa, đó là khát vọng sáng tạo. Tuy vậy, tôi thấy đây là điều rất khó nói, bởi vì tôi đã có sáng tạo nào đâu, ngoài những điều có thể gọi là sáng kiến, tìm tòi hoặc cao hơn là có vài ý tưởng nào đó. Vậy, cho phép tôi nói thêm và nhấn mạnh rằng khát vọng sáng tạo là động lực trực tiếp lớn nhất của đọc sách, nghiên cứu nói chung, rằng bên dưới khát vọng sáng tạo là tình yêu, trách nhiệm lớn lao đối với quê hương, đất nước và cả nhân loại, con người, dưới đó nữa còn là Tự do. Thật vui và ắt hẳn là rất hiệu quả khi ta đọc sách mà không bị áp lực nào từ bên ngoài hoặc từ đâu đó bắt ta phải vì cái này, cái kia. Khát vọng sáng tạo là khát vọng chứa đầy tính nhân văn của con người.

2. Cách đọc sách tốt nhất là đọc nghiên cứu.

Đây cũng là kinh nghiệm cá nhân của tôi. Đọc nghiên cứu là đọc theo các chủ đề, với các chủ đề nhằm thực hiện một đề tài, cao hơn nữa là các dự án, chương trình nghiên cứu nào đó. Tất nhiên, những đề tài, dự án, chương trình phải có ý tưởng mới, cao hơn là tư tưởng mới. Lĩnh vực nghiên cứu triết học như mọi người có thể thấy, là rất rộng lớn, gồm rất nhiều nội dung, vấn đề khác nhau, bởi vậy đòi hỏi sự quan tâm, năng lực bao quát rất lớn, đồng thời lượng sách cần đọc cũng rất lớn. Do đó, nếu không có đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu thì sẽ gặp khó khăn rất nhiều, sẽ không tránh khỏi sự lan man, bất định và tất nhiên sẽ không thực sự có kết quả như mong muốn.

Tôi có nhiều đề tài, chủ đề nghiên cứu và hiện nay đang được thể hiện trong một chuỗi các bài thuyết giảng tại “Câu lạc bộ Sophie” ở 13, ngõ 19 Đặng Dung do các bạn trẻ gồm cả học sinh PTTH, ĐH và các bạn đã tốt nghiệp ĐH đứng ra tổ chức. Những đề tài của tôi như Triết học ý thức, Triết học tri thức, Triết học con người, Triết học giáo dục, Triết học đức hạnh v.v.., và vào thời gian tới đây 14h Chủ nhật 25 - 4 tôi sẽ trình bày bài thứ tư Triết học văn hóa.

Những đề tài, chủ đề nghiên cứu này được tôi xây dựng, hình thành, ấp ủ từ rất lâu, nói chung cũng đã đến hơn 10 năm, có đề tài còn lâu hơn. Vì thế, khi đọc sách tôi thường hướng vào các chủ đề, đề tài này, cho nên đọc không bị tản mạn, trái lại thường rất tập trung. Cố gắng tìm ra những nội dung, vấn đề, ý nghĩa mà sách được đọc có thể đem lại để giải quyết các vấn đề của đề tài, đó chính là nội dung cơ bản hay nguyên tắc căn bản của cách đọc nghiên cứu của tôi.

3. Một vài yêu cầu khác. Yêu cầu có tính nguyên tắc của tôi là đọc sách nhất định phải ghi chép. Châm ngôn tôi tự nêu cho mình từ rất sớm là “đọc sách mà không ghi chép giống như đổ nước lên mặt đá”. Tôi có khoảng hai chục quyền vở ghi chép những cuốn sách, tài liệu mà tôi đọc. Ngoài ra, tôi muốn nói rằng cần có cả yếu tố may mắn nữa. Tôi gặp khá nhiều may mắn trong đọc sách. Xin nói ở đây điều may mắn nhất của tôi, đó là việc anh bạn cùng Khoa Triết học với tôi (về sau anh chuyển sang Khoa Xã hội học và đã mất vì bệnh ung thư) đã cho tôi cuốn sách rất hay là “Những vấn đề triết học văn hóa” bằng tiếng Nga. Cuốn sách đã đem lại cho tôi những tri thức rất bổ ích về văn hóa và lịch sử triết học, mà chính từ nội dung cuốn sách này, về sau văn hóa đã trở thành vấn đề quan tâm thiết thân của tôi. Tuy vậy, có một danh ngôn là “dịp may chỉ mách bảo những trí tuệ chuyên cần”.

doc-sach-2.png

Hiện nay sách được dịch, được xuất bản ở nước ta ngày càng có nhiều thể loại và có giá trị nhiều mặt, mặc dù ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như triết học, vẫn còn thiếu. Tuy nhiên, tình trạng đọc sách ở nước ta là rất đáng buồn, nếu không muốn nói là thảm hại. Chúng ta cần tìm ra nguyên nhân, động lực để khơi lên lòng yêu sách, ham thích đọc sách rộng khắp trong cộng đồng.

Sách một mặt thể hiện tri thức, tư tưởng, quan niệm của người viết, người sáng tác, nhưng mặt khác, người đọc, tiếp thu nó cũng cần phải có một tâm hồn, khả năng tương xứng với nó thì những gì dưới - sau các con chữ, ngôn từ kia mới có thể đi đến, đi vào người đọc được. Vậy, phải chăng nguyên nhân sâu xa của vấn đề nằm trong chính văn hóa của chúng ta: Văn hóa của chúCng ta chưa tạo nên kiểu nhân cách với cái Tôi đích thực (theo đúng nghĩa của từ này) của nó?

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đọc sách là phương thức tất yếu để làm giàu và phát triển đời sống tinh thần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO