Reavol và kế hoạch phát triển văn hoá đọc nhờ ứng dụng sách nói
REAVOL ra đời để giải quyết bài toán mà nhà sáng lập Tống Văn Huy và bạn bè gặp phải, đó là việc yêu thích đọc sách nhưng không có nhiều thời gian. REALVOL tin rằng, việc đọc và nghe sách tinh gọn, tóm tắt trong 30 phút sẽ là chìa khóa để thay đổi thói quen, thúc đẩy văn hóa đọc.
Tóm tắt:
- Sau 2 tháng triển khai, Tủ sách trực tuyến do REAVOL thực hiện tại tỉnh Yên Bái, một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục ATTT (Bộ TT&TT)... đã có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng đầu sách cũng như số lượng thành viên đọc sách mỗi ngày.
- REAVOL ra đời từ những người thích đọc sách mà không có nhiều thời gian. Nhưng việc tiên phong triển khai một nền tảng tóm tắt sách/sách tinh gọn gặp rất nhiều khó khăn về sản phẩm, nội dung
- Trong thời gian ngắn sẽ đi theo con đường thay đổi thói quen, văn hóa đọc của người dân Việt Nam, trước khi trở thành một sàn nội dung số trong tương lai.
Điều này đã thể hiện qua những thành công ban đầu ở các địa phương, các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, doanh nghiệp (DN).
Ra đời từ bài toán thích đọc sách nhưng không có nhiều thời gian
Ngày 25/4, tại buổi lễ khai mạc các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 của tỉnh Yên Bái, lãnh đạo Sở TT&TT đã phát động phong trào phát triển văn hóa đọc sách trên môi trường mạng; khai trương “Kho sách điện tử tỉnh Yên Bái”; phát động phong trào “Tóm tắt nội dung sách” đã đọc và ký kết chương trình triển khai nền tảng đọc và nghe sách của người Việt trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Đến cuối tháng 6/2022, sau 2 tháng triển khai thí điểm phong trào đọc sách trên nền tảng REAVOL và “Tủ sách trực tuyến tỉnh Yên Bái” đã có 2.687 người tham gia là thành viên tủ sách, 256 cuốn sách đã được đưa vào tủ sách trực tuyến này. Từ khi ra mắt, nhiều thành viên đã rất tích cực đọc sách, tìm hiểu kiến thức trên nền tảng, tiêu biểu 3 thành viên tích cực đã dành trên 500 giờ để đọc, nghe 207 cuốn sách. Điều đó đã cho thấy, mặc dù trong thời gian ngắn nhưng nền tảng đọc và nghe sách của người Việt đã khiến độc giả Yên Bái quan tâm và thích thú.
Ông Nguyễn Thúc Mạnh, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái cho biết, “Tủ sách trực tuyến của tỉnh Yên Bái” được xây dựng trên REAVOL - nền tảng đọc và nghe sách của người Việt. Bên cạnh hơn 7000 cuốn sách có sẵn tại nền tảng thì tỉnh cũng đưa vào tủ sách trực tuyến những đầu sách hay về Yên Bái và những sáng tác của tác giả Yên Bái vô cùng có giá trị.
Mô hình Tủ sách trực tuyến này không chỉ giúp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung mà còn là cơ hội để người dân Yên Bái tiếp cận với văn hóa đọc trên môi trường số. Với lượng sách phong phú, độc giả có thể đọc, nghe, xem video, tự do sáng tác với nhiều nội dung đa dạng và hấp dẫn. Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin để người dân biết đến nền tảng REAVOL, qua đó, chủ động cài đặt, sử dụng, tiếp cận gần hơn với tri thức và công nghệ số.
Vào cuối năm 2022, Giải thưởng cặp bài toán và giải pháp CĐS xuất sắc cho cộng đồng tại cuộc “Tìm kiếm giải pháp CĐS quốc gia - Viet Solutions” 2022 do Bộ TT&TT tổ chức cũng đã được trao cho REAVOL (đơn vị đưa ra giải pháp) và Sở TT&TT tỉnh Yên Bái (đơn vị đưa ra bài toán). Cũng trong năm này, REAVOL cũng vinh dự được Bộ TT&TT được công nhận là nền tảng số phục vụ người dân.
Trước đó, tại cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu Create@ Alibaba Cloud Global Startup Contest 2021, vượt qua hơn 500 công ty khởi nghiệp, nền tảng Reavol đã lọt top 9 thế giới và đạt giải Tiềm năng phát triển.
Chia sẻ về sự ra đời của nền tảng, nhà sáng lập và CEO của REAVOL Tống Văn Huy cho biết, ý tưởng ra đời từ năm 2016 khi ông Huy và những người xung quanh dù đều thích đọc sách nhưng không có nhiều thời gian, sự kiên nhẫn để có thể đọc đầy đủ tất cả các cuốn sách. Xuất phát từ nguyên nhân này, nhà sáng lập REAVOL đã cùng những người bạn tạo ra một nhóm trên Facebook để các thành viên ai đọc xong cuốn nào thì tóm tắt và chia sẻ cho người khác, nếu cảm thấy hợp gu thì sẽ mua về đọc.
Bên cạnh đó, khi đội ngũ phát triển tiến hành khảo sát thị trường trên các hội nhóm, cộng đồng và bạn bè xung quanh thì nhận thấy rằng, một tỷ lệ rất lớn những người thích đọc sách hiện nay đều không có thời gian đọc sách vì nhiều lý do. Do đó, nền tảng REAVOL đã ra đời và trở thành biện pháp đọc sách hữu hiệu cho tất cả mọi người.
Ngay từ khi mới ra mắt, ứng dụng đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Đầu tiên là những người thích đọc và hay mua sách, sau khi nghe xong tóm tắt, họ sẽ đỡ mất thời gian trong việc tìm ra những cuốn sách yêu thích của mình. Còn những người thích đọc sách mà không có thời gian thì hoàn toàn có thể nghe và đọc với thời gian chỉ 20-30 phút/cuốn. Điều này là hoàn toàn khả thi.
Chưa kể đến, sau khi tìm hiểu, ông Huy thấy rằng, trên thế giới cũng đã có một vài sản phẩm về tóm tắt sách nhưng thị trường Việt Nam thì chưa có những sản phẩm như vậy. Do đó, năm 2016, đội ngũ phát triển đã nghiên cứu và xây dựng nền tảng REAVOL. Nhưng phải đến năm 2017, nền tảng này mới bắt đầu được thực hiện.
Sau một thời gian dài thử nghiệm, đến năm 2021, đội ngũ xây dựng mới bắt đầu thành lập doanh nghiệp và chính thức cho ra mắt sản phẩm REAVOL - Sách tóm tắt. Trong thời gian thử nghiệm, có những thời điểm đội ngũ Reavol đã muốn bỏ cuộc vì gặp nhiều khó khăn, nhất là với những người tay ngang, phải tìm hiểu và nghiên cứu sản phẩm kĩ đến từng chi tiết.
Hiện nay, nền tảng REAVOL đã có gần 7.000 cuốn sách thuộc 20 chủ đề khác nhau với hơn 1,5 triệu người dùng. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang hợp tác với một số doanh nghiệp, các bộ ban ngành để thay đổi văn hóa đọc của nhân viên/người lao động. Để cá nhân hóa tối đa đến từng người dùng, REAVOL cũng đã xây dựng nhiều tủ sách, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt, Tủ sách trẻ em tại REAVOL được rất nhiều các bạn nhỏ yêu thích. Từ đây, nền tảng sẽ hướng đến việc xây dựng tủ sách gia đình, tạo thói quen đọc sách cho cả nhà và giảm bớt thời gian trên mạng xã hội của các bạn nhỏ.
Về kế hoạch trong tương lai, REAVOL đang nỗ lực để phát triển nền tảng thành sàn nội dung số, từ đó góp phần thay đổi văn hóa đọc của người Việt, tối ưu việc tiếp cận kiến thức mới cho tất cả mọi người, nhất là trong bối cảnh người dùng đang phải đối mặt với rất nhiều thông tin rác.
Đã từng 5 lần “đập đi xây lại” và bỏ cuộc vì bị người dùng “ném đá”
Cũng theo ông Huy, đến khi đội ngũ phát triển bắt đầu thực hiện mới thấy làm sách tóm tắt không hề dễ dàng và phải đập đi làm lại rất nhiều phiên bản. Thậm chí có những phiên bản khi đưa ra thị trường đã nhận được những phản hồi rất tiêu cực từ phía người dùng. Dần dần, đội ngũ đã rút kinh nghiệm và tìm kiếm được phiên bản, nhân sự phù hợp nhất với REAVOL. “Để ra
được phiên bản cuối cùng, đội ngũ đã phải mất 5 phiên bản thì mới được thị trường chấp nhận”, ông Huy cho biết thêm.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng sản phẩm, đa phần khó khăn liên quan đến vấn đề nội dung. Trong thời gian đầu khi thực hiện nền tảng, REAVOL đã gặp không ít những ý kiến cho rằng thị trường này quá bé trong khi phải tóm tắt cả nghìn cuốn là một việc rất khó và không có đủ nguồn nhân lực để thực hiện. Nhưng ông Huy cho rằng, thị trường có rất nhiều bạn trẻ tài năng, thể hiện qua việc đang có hàng nghìn tác giả Việt Nam đang hợp tác với các đơn vị nước ngoài để sáng tác, biên dịch nội dung. Đây là cơ sở để đội ngũ xây dựng tin rằng, REAVOL sẽ làm được và quyết tâm thực hiện.
Thời gian đầu, REAVOL hợp tác với một số tác giả để tóm tắt sách nhưng chưa thực sự thành công, phải đến khi tìm kiếm được những người hay đọc và có khả năng viết để truyền tải nội dung thì mới thực sự cảm thấy hài lòng. “Quá trình thực hiện nội dung rất vất vả nhưng càng làm thì chúng tôi càng biết phải làm sao cho đúng. Từ đây, chúng tôi đã xây dựng được quy trình thực nên việc tóm tắt nội dung dễ dàng hơn rất nhiều”, ông Huy bày tỏ.
Còn về mặt công nghệ, khó khăn chủ yếu liên quan đến VoiceAI, mới chỉ đáp ứng được khoảng 6/10 điểm. Mặc dù đã sử dụng nhiều giải pháp khác nhau nhưng theo ông Huy, giọng đọc AI chưa thể hay bằng giọng người thật, rất khó để chạm tới cảm xúc của người nghe sách.
Còn những rào cản khác trong quá trình phát triển bao gồm vấn đề bản quyền do chưa có quy định nào liên quan đến sách tinh gọn và câu chuyện chi phí phát triển. Bởi vì, thị trường sách tin gọn còn tương đối mới, để phát triển mạnh sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền, trong khi không phải là lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Về mặt thuận lợi, đầu tiên phải kể đến đội ngũ phát triển sản phẩm luôn đồng hành cùng công ty, nghiên cứu và làm việc để cho ra đời phiên bản sách hoàn hảo nhất. Tiếp theo, đó là sự giúp đỡ của Bộ TT&TT đối với một startup non trẻ như REAVOL trong việc phục vụ, thay đổi văn hóa đọc của người dùng. Còn khi triển khai, nền tảng cũng đã nhận được sự ủng hộ của các địa phương có mong muốn chuyển đổi số văn hóa đọc trong cộng đồng. “Dù chưa tạo ra nguồn doanh thu lớn nhưng đây cũng là nguyên liệu để đội ngũ REAVOL marketing, educate thị trường”, ông Huy chia sẻ thêm.
Trong quá trình xây dựng sản phẩm, Reavol cũng đã có được những hướng đi, những thị trường mới như việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp. Trước đây, các doanh nghiệp triển khai chưa thực sự hiệu quả, phải đến khi phối hợp cùng REAVOL để xây dựng tủ sách trực tuyến thì mới thực sự tạo được sự thay đổi lớn trong văn hóa đọc sách của nhân viên.
Sau quá trình phát triển, ông Huy nhận thấy, để một sản phẩm có thể thành công thì điều quan trọng nhất là phải có những kế hoạch mang tính khả thi. “Vì vậy, trong thời gian ngắn hạn từ 1-2 năm tới, REAVOL vẫn sẽ phát triển theo hướng sách tinh gọn, sách tóm tắt. Bởi vì, khi muốn người dùng đọc sách nhiều hơn thì phải dần dần thay đổi thói quen của họ. Do đó, REAVOL vẫn sẽ kiên định với mục tiêu ban đầu của mình”, ông Huy cho biết thêm.
Chia sẻ về kỷ niệm lớn nhất trong quá trình phát triển, nhà sáng lập REAVOL khẳng định, đó là thời điểm năm 2018, khi một phiên bản sản phẩm bị khách hàng “ném đá” với những đánh giá chỉ khoảng 2-3 sao. Thời gian đó, ông Huy cho biết, do chưa bao giờ sản phẩm công ty làm ra lại đánh giá tiêu cực như vậy. Thế nên, ông đã quyết định ngừng phát triển sản phẩm này một thời gian. “Thời điểm đó, dù bị khách hàng phản hồi không mấy tích cực nhưng đội ngũ phát triển không buồn vì đúng là phiên bản đó có quá nhiều thiếu sót. Chúng tôi cũng luôn cảm thấy day dứt và trăn trở làm thế nào để sản phẩm tốt lên”, ông Huy chia sẻ thêm.
Mong muốn có các quy định rõ ràng về bản quyền sách tin gọn, sách tóm tắt
Đánh giá về thị trường hiện nay, theo CEO REAVOL, hiện đa phần các sản phẩm ở Việt Nam chủ yếu theo hướng số hóa sách giấy lên điện tử hay sách nói. Còn những sản phẩm đi theo hướng sách tinh gọn, sách tóm tắt thì REAVOL đang là đơn vị đầu tiên.
Ngay cả trên thế giới, cũng rất ít đơn vị đi theo mô hình này, trong đó tiêu biểu nhất là nền tảng Blinkit. Hay thậm chí mô hình tủ sách điện tử mà REAVOL đang làm cũng chưa thấy đơn vị nào trên thế giới triển khai. Nguyên nhân chủ yếu do ở các nước khác, người dân có thói quen chủ động đọc sách, khác với Việt Nam, tỷ lệ đọc còn rất thấp. “Đó là lý do tại sao trên thế giới không có nhiều mô hình để thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc cũng như nền tảng tóm tắt sách”, ông Huy lý giải.
Về câu chuyện cạnh tranh với những nền tảng sách điện tử khác, ông Huy cho rằng, mỗi sản phẩm sẽ có giá trị riêng của riêng mình và sẽ tồn tại song song, không triệt tiêu lẫn nhau. Người dùng ngày càng bận rộn thì những ứng dụng tóm tắt sách như REAVOL sẽ trở thành xu hướng.
Ngoài ra, theo ông Huy, thị trường mà REAVOL đang phát triển không hẹp vì phục vụ được nhiều đối tượng khác nhau. Trong quá trình phát triển sản phẩm, REAVOL đã nhận được không ít mong muốn được đọc sách đầy đủ sau khi nghe xong bản tóm tắt. Nhưng đội ngũ phát triển vẫn luôn kiên định đi trên con đường mình đã vạch ra, đó là: Cần thay đổi văn hóa đọc trước khi hướng đến phiên bản sách đầy đủ. Bước tiếp theo, REAVOL sẽ hợp tác với nhà xuất bản để có giúp người dùng tìm đọc được bản đầy đủ sau khi đọc xong sách tóm tắt.
Với định hướng trong tương lại, REAVOL sẽ phát triển hệ sinh thái xung quanh chứ không chỉ có sách tóm tắt. Công ty sẽ có rất nhiều dự định xoay quay sản phẩm như nội dung hay kể cả du lịch. Ví dụ như khách tham quan có thể truy cập những nội dung liên quan đến địa phương mình đang ghé thăm với tính năng Tủ sách địa phương khi bật vị trí (location) trên smartphone.
REAVOL luôn mong muốn xã hội hóa nội dung vì trong quá trình phát triển, công ty nhận thấy thấy nghề sáng tác sách, truyện... (content) rất hấp dẫn trên thế giới nhưng ở Việt Nam lại chưa có nhiều đất diễn để các bạn trẻ phát triển. Do đó, REAVOL mong muốn tạo một sân chơi cho các bạn trẻ, dù hiện tại các bạn đã kiếm được tiền từ content do mình tạo ra nhưng giá trị còn thấp.
Nhà sáng lập của REAVOL khẳng định, dù các quy định hiện nay đã có những hỗ trợ nhất định cho các ứng dụng Make in Viet Nam phát triển, nhưng trong một số lĩnh vực thì vẫn chưa thực sự rõ ràng ví dụ như một ứng dụng sách nói, sách tóm tắt/sách tinh gọn như REAVOL cần phải có những giấy phép gì.
Điều này dẫn đến một số câu chuyện liên quan đến vấn đề bản quyền. Hiện REAVOL đang có những công cụ để cộng đồng có thể báo cáo nên vẫn trong tầm kiểm soát của nền tảng. Trong tương lai, REAVOL mong muốn cụ thể hóa, rành mạch vấn đề này để có thể phát triển lâu dài. Bản thân nền tảng cũng đã có những sự hợp tác với các nhà xuất bản cũng như Trung tâm bản quyền số VDCA để bảo trợ cho các vấn đề liên quan đến tác giả.
“Với kế hoạch trở thành một sàn nội dung số, chúng tôi mong muốn các quy định trong thời gian tới sẽ có sự phân biệt rõ ràng giữa sàn thương mại điện tử nói chung và các sàn nội dung số. Bởi vì, nếu chỉ quy định chung chung thì sẽ có những rủi ro cho các doanh nghiệp phát triển nội dung số, do thương mại điện tử có những sự khác biệt với nội dung số”, ông Huy nói.
Bên cạnh đó, cùng với việc công nghệ phát triển và sự thúc đẩy của cơ quan quản lý với chuyển đổi số, Chính phủ sẽ cần tạo điều kiện hơn nữa cho các startup công nghệ, nhất là các vấn đề liên quan đến thuế, bảo hiểm... để doanh nghiệp được tạo điều kiện tối đa.
Tiêu biểu có thể kể đến khi các startup công nghệ gặp khó về nguồn vốn, khi muốn được hỗ trợ tài chính lại chưa có những quy định phù hợp liên quan đến việc định giá phần mềm, dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn từ cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn. Khác với nước ngoài, startup được hỗ trợ cho vay dựa trên định giá doanh nghiệp công nghệ. “Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, sẽ có các quy định cởi mở hơn”, ông Huy kết luận./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2023)