Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xuất bản trong môi trường số
Sự thay đổi của ngành xuất bản trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo cán bộ xuất bản tại các cơ sở đào tạo.
Tóm tắt:
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền ban hành chiến lược đào tạo nhân lực cho báo chí, xuất bản.
- Đổi mới trong đào tạo nhân lực ngành xuất bản:
+ Mô hình đào tạo CDIO;
+ Đổi mới nội dung chương trình đào tạo;
+ Điều chỉnh hệ thống giáo trình theo xu hướng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành;
+ Cập nhật quy trình đào tạo tiên tiến theo hướng hiện đại, sát thực tế;
+ Từng bước triển khai chuyển đổi số về đào tạo.
Định hướng chiến lược đào tạo xuất bản
Sự thay đổi của ngành xuất bản trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo cán bộ xuất bản tại các cơ sở đào tạo. Với tư cách là trường đại học (ĐH) trọng điểm trong hệ thống giáo dục quốc dân, là cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông hàng đầu của cả nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) có vai trò quan trọng không chỉ tạo nguồn nhân lực xuất bản đáp ứng yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ xuất bản thay đổi và phát triển rất nhanh.
Hiện nay, Học viện ngày càng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu khoa học, đội ngũ và cơ sở vật chất để “trở thành trường ĐH hàng đầu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa, báo chí và truyền thông tại Việt Nam đến năm 2025; trung tâm nghiên cứu uy tín về báo chí và truyền thông tại khu vực Đông Nam Á đến năm 2035 và trường đại học được xếp hạng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2050” [1].
Mục tiêu chiến lược của Học viện trở thành lựa chọn số 1 của người học về báo chí, xuất bản, truyền thông - nơi người học thực sự ở vị trí trung tâm của quá trình dạy học và nhận được những trải nghiệm tích cực. Học viện sẽ là trung tâm quốc gia nghiên cứu tư tưởng - văn hóa, lý luận chính trị, báo chí và truyền thông, là nơi tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành về những lĩnh vực này [2].
Theo định hướng đó, chương trình đào tạo xuất bản của Học viện ngày càng được cải tiến sát với yêu cầu thực tiễn, nội dung cập nhật, có tính ứng dụng cao, tăng cường thực hành gắn với sử dụng công nghệ.
Đến những đổi mới trong đào tạo nhân lực ngành xuất bản
Thứ nhất, đổi mới xây dựng chương trình đào tạo theo mô hình CDIO
CDIO là một mô hình cải tiến chương trình đào tạo, thu hẹp khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và thị trường lao động, đề xướng các cải cách giáo dục để người học có được sự phát triển toàn diện các kiến thức, kỹ năng cá nhân, nghề nghiệp và nhanh chóng thích ứng môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Theo cách tiếp cận CDIO, khi xây dựng và nâng cấp các chương trình đào tạo phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ, từ khâu xây dựng chuẩn đầu ra (CĐR), thiết kế khung chương trình, chuyển tải khung chương trình vào thực tiễn và đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng như toàn bộ Chương trình.
Mô hình đào tạo CDIO nhằm đào tạo sinh viên biết bao quát việc Hình thành ý tưởng (Conceive), Thiết kế (Design), Triển khai (Implement) và Vận hành (Operate) các sản phẩm và hệ thống có tính phức tạp, có giá trị gia tăng, trong môi trường hiện đại, làm việc theo nhóm.
Học viện đã và đang định hướng đổi mới chương trình đào tạo cử nhân ngành xuất bản theo cách tiếp cận CDIO. Theo đó, Học viện đã thực hiện các hoạt động: khảo sát các bên có liên quan, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để xây dựng chuẩn đầu ra chi tiết và chương trình đào tạo tích hợp đáp ứng các chuẩn đầu ra. Khi xây dựng chương trình đào tạo ngành xuất bản, cần phải chú ý thực hiện những vấn đề sau:
- Xác định mục tiêu đào tạo, khảo sát nhu cầu của xã hội, những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất mà người học cần phải có sau khi ra trường; tìm hiểu đặc điểm thiết bị, công nghệ, quy trình làm việc, loại hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của các nhà xuất bản (NXB)... để xây dựng nội dung chương trình cho phù hợp.
- Xây dựng nội dung chương trình: số lượng môn học, cơ cấu môn học lý thuyết, môn thực hành, môn đại cương với môn chuyên ngành, sao cho nội dung giữa các học phần khoa học, cập nhật, phù hợp với yêu cầu thực tế, không bị chồng chéo, tăng cường cho viên đi thực tế, thực tập.
- Hội đồng khoa học xây dựng chương trình cùng với những giảng viên có kinh nghiệm, lấy ý kiến của những người có liên quan như: những nhà quản lý giáo dục, những chuyên viên kỹ thuật, chuyên gia trực tiếp liên quan đến nghề đào tạo, nhà tuyển dụng (NXB, công ty sách...).
- Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, ban biên soạn tổ chức chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung chương trình cho phù hợp. Chương trình đào tạo xuất bản ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay về cơ bản đã đảm bảo các yêu cầu sau đây:
- Cơ bản, hiện đại và gắn với thực tiễn
- Tăng khối lượng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, giảm khối lượng kiến thức giáo dục đại cương so với trước.
- Khống chế tỷ lệ giữa giảng lý thuyết và thực hành, cụ thể là phải dành ít nhất 50 % tổng quỹ thời gian mỗi môn học cho thực hành (xêmina, thảo luận, chữa bài tập trên lớp, tham quan, nghe báo cáo..).
Thứ hai, đổi mới nội dung chương trình đào tạo
Thực hiện chủ trương đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo, đến nay, Học viện đã liên tục có sự điều chỉnh, bổ sung chương trình bậc đại học và cao học cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của ngành. Hiện tại, Học viện đang trong chu kỳ tiến hành rà soát, điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo xuất bản cả 3 bậc học: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Học viện chú trọng xây dựng chương trình đào tạo bậc đại học, coi đây là “xương sống” cho toàn bộ các bậc đào tạo của Học viện.
Trong đợt điều chỉnh năm 2024, Học viện đã xây dựng và thống nhất các môn học phần khối kiến thức ngành, kiến thức cơ sở ngành với nhóm báo chí - truyền thông. Điều này tạo nên sự liên thông của chương trình đào tạo xuất bản với chương trình đào tạo nhóm ngành báo chí - truyền thông, tăng cường kiến thức cho sinh viên nhằm đáp ứng sự rộng mở đầu ra việc làm.
Hiện Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang đào tạo 2 chuyên ngành đại học: Biên tập xuất bản và Xuất bản điện tử. Đối với các học phần chuyên ngành Biên tập xuất bản đều tăng cường số giờ học thực hành kỹ năng nghiệp vụ như biên tập bản thảo các loại sách chuyên ngành, kỹ năng trình bày minh họa sách và các xuất bản phẩm, các kỹ năng khai thác tổ chức bản thảo...
Một số môn học mới được đưa vào chương trình như Biên tập sách truyện tranh, Biên tập sách kinh tế; Quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động xuât bản; Tổ chức sự kiện xuất bản; Đồ họa xuất bản; Sản xuất video clip cho XBP; Kỹ năng viết cho truyền thông xuất bản... Hiện tại, Khoa có một phòng thực hành biên tập với các trang thiết bị máy móc hiện đại.
Học viện cũng xác định rõ mối quan hệ về mục tiêu, nhiệm vụ giữa đào tạo biên tập - in - phát hành để tạo tính đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau trong quy trình đào tạo chung. Trong tất cả các khối kiến thức (kiến thức đại cương, kiến thức ngành, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành) đều được thiết kế những học phần bắt buộc và tự chọn. Đặc biệt, từ phần kiến thức cơ sở ngành các môn học tự chọn được thiết kế thành các modul để sinh viên có thể lựa chọn học các học phần theo ý muốn và khả năng học tập, từ đó hướng đầu ra cho sinh viên sẽ rộng hơn.
Các học phần bắt buộc cung cấp những tri thức và nghiệp vụ cơ bản của biên tập viên; các học phần tự chọn thiết kế thành các modul theo 3 hướng: biên tập, kinh doanh xuất bản, truyền thông. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể có những vị trí, việc làm thích hợp trong ngành Xuất bản theo khả năng như nhân viên kinh doanh xuất bản, nhân viên truyền thông xuất bản chứ không nhất thiết chỉ làm biên tập viên.
Hơn nữa, với cách thiết kế chương trình linh hoạt như vậy, sinh viên có thể dễ dàng đăng ký học song bằng trong cùng nhóm ngành báo chí - truyền thông. Hiện nay, các ngành trong nhóm ngành báo chí - truyền thông ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền bao gồm: Báo chí, Xuất bản, Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Quan hệ quốc tế.
Một điểm mới trong nội dung đào tạo xuất bản ở Học viện hiện nay là thiết kế môn học Thực tế chính trị - xã hội nhằm tăng thêm sự hiểu biết của sinh viên về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa phương trên cả nước. Những chuyến đi tìm hiểu thực tế này đã truyền động lực, cảm hứng quyết tâm theo đuổi nghề xuất bản của sinh viên.
Thứ ba, xây dựng, bổ sung, điều chỉnh hệ thống giáo trình theo xu hướng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Theo đó, ngoài việc cung cấp cho sinh viên những kỹ năng mềm thông qua các môn học lý thuyết cơ sở có nội dung thuộc về bản chất và nguyên lý, thì rất cần thông qua quá trình liên kết, phối hợp đào tạo với các đơn vị xuất bản sẽ tạo dựng cho sinh viên kỹ năng nghề thông qua học thực tế, thực nghiệm, hướng tới tự chủ và độc lập trong công việc. Đây là một mô hình mới, quá trình học có nội dung trải nghiệm liên tục, từ quá trình tiếp thu đến tự học, đến học nhóm, thực hành tại các đơn vị xuất bản và sau cùng là thực tế ứng với các mong muốn vị trí làm việc sau này của sinh viên.
Chẳng hạn, trong chương trình đào tạo chuyên ngành Xuất bản điện tử, sinh viên sau khi học môn Xuất bản sách điện tử, Xuất bản sách nói đã được Học viện tổ chức đi thực tập, kiến tập nghề nghiệp tại các nhà xuất bản, công ty có kinh nghiệm làm xuất bản điện tử: NXB Thông tin và Truyền thông, NXB Quân đội nhân dân, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Công ty cổ phần sách điện tử Waka...
Sinh viên được trải nghiệm thực tế, tìm hiểu quy trình làm sách nói, sách điện tử; được trực tiếp tham gia các khâu làm sách nói như dựng kịch bản, thu âm, biên tập âm thanh. Đối với làm sách điện tử định dạng Epub, HTML vì đã được học lý thuyết và kỹ thuật làm sách cơ bản ở trường, nên sinh viên bắt nhịp rất nhanh với công việc ở các NXB và Công ty. Bên cạnh đó, sinh viên được các đơn vị xuất bản hướng dẫn sử dụng phần mềm biên tập sách điện tử, cách tra và sửa các mã code sách điện tử sai.
Quá trình xây dựng đề cương chi tiết môn học, biên soạn giáo trình chuyên ngành Xuất bản điện tử, Học viện mời các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín cùng tham gia. Trong giáo trình vừa mang tính chất hệ thống khái quát lý thuyết, vừa mang tính chất cầm tay chỉ việc đối với những nội dung mang tính chất kỹ năng. Mục tiêu của Học viện tiến tới năm 2030 có 50% giáo trình chuyên ngành Xuất bản điện tử được biên soạn, xuất bản bằng hình thức sách điện tử.
Thứ tư, đổi mới và cập nhật quy trình đào tạo tiên tiến theo hướng hiện đại, sát thực tế, phù hợp với yêu cầu của các cơ sở sử dụng đội ngũ sinh viên sau khi ra trường; từng bước nâng cao chất lượng giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo và bồi dưỡng, tuyển chọn và biên dịch những tài liệu của nước ngoài để phục vụ cán bộ giảng dạy và sinh viên học tập, mời nhà tuyển dụng tham gia trực tiếp vào việc thiết kế khung chương trình, hướng tới xây dựng một bộ giáo trình chuẩn và liên thông đào tạo các loại hình thuộc khối xuất bản, biên tập in và phát hành xuất bản phẩm.
Xu hướng của xuất bản hiện đại ngày nay sẽ tập trung vào sản xuất nội dung. Như vậy, những gì cần truyền thông, cần tiếp cận đến công chúng đều phải qua xuất bản. Hiểu theo cách đó, trong chương trình đào tạo của Học viện cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Nghĩa là, cần thay đổi mục tiêu đào tạo cán bộ biên tập truyền thông chứ không bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực xuất bản.
Trên thực tế, đầu ra của sinh viên Xuất bản rất đa dạng, rộng mở. Có nhiều sinh viên khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sau khi tốt nghiệp ra trường làm biên tập viên ở các báo, tạp chí hoặc các công ty sách, công ty truyền thông. Do vậy, những học phần liên quan đến biên tập truyền thông sẽ được thiết kế, tính toán cân nhắc đưa vào chương trình để đảm bảo tính khoa học, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thứ năm, từng bước triển khai chuyển đổi số về đào tạo
Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã và đang xác lập lộ trình chuyển đổi số về xây dựng bài giảng, hệ thống hoạt động dạy học, kỹ năng của giảng viên, học viên, hệ thống kiểm tra đánh giá... Hệ thống học liệu số, thư viện số của nhà trường đã phần nào đáp ứng nhu cầu dạy - học để tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, liên kết quốc tế trong đào tạo ngành xuất bản.
Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực xuất bản, Học viện chú trọng mở bản những lớp bồi dưỡng theo nhu cầu của các đơn vị xuất bản. Sự cạnh tranh thị trường mạnh mẽ giữa các nhà xuất bản và các đơn vị làm sách tư nhân hiện nay cho thấy có những kiến thức xuất bản cần phải cập nhật thường xuyên cho biên tập viên để họ có thể ứng dụng vào trong công việc chuyên môn của mình.
Những năm gần đây, chương trình bồi dưỡng Nghiệp vụ Quản lý nhà nước về xuất bản, Nghiệp vụ xuất bản đã thường xuyên cập nhật các kiến thức mới gắn với những vấn đề thực tiễn của ngành xuất bản. Nhu cầu được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về xuất bản điện tử của các nhà xuất bản hiện nay rất cấp thiết - điều này đặt ra cho Học viện cần xây dựng chương trình bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu này.
Việc kết hợp cộng tác và liên kết đào tạo, bồi dưỡng giữa Học viện với ngành, với các nhà xuất bản là nhân tố cơ bản bảo đảm sự thành công và hiệu quả cao của sự nghiệp đào tạo cán bộ. Sự phối hợp thường xuyên giữa Nhà trường và các đơn vị xuất bản không chỉ trong lĩnh vực hỗ trợ đội ngũ giảng dạy, kinh phí đào tạo, mà còn cả ở việc thực hiện nội dung chương trình đào tạo, tiếp nhận và sử dụng cán bộ được đào tạo...
Hiện tại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ký kết hợp tác với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, NXB Lý luận chính trị, Công ty cổ phần sách Alpha books, Công ty sách điện tử Waka trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, xuất bản, nghiên cứu khoa học.
1. https://ajc.hcma.vn/content/tintuc/Lists/News/Attachments/15395/2022.9.9%20Chi%E1
%BA%BFn%20l%C6%B0%E1%BB%A3c%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20
H%E1%BB%8Dc%20vi%E1%BB%87n%20%C4%91%E1%BA%BFn%202030,%20
t%E1%BA%A7m%20nh%C3%ACn%202045.pdf2. https://ajc.hcma.vn/content/tintuc/Lists/News/Attachments/15395/2022.9.9%20Chi%E1%
BA%BFn%20l%C6%B0%E1%BB%A3c%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20
H%E1%BB%8Dc%20vi%E1%BB%87n%20%C4%91%E1%BA%BFn%202030,%20
t%E1%BA%A7m%20nh%C3%ACn%202045.pdf
Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp khoa về Đào tạo cán bộ xuất
bản, phát hành trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 -
Khoa Xuất bản phát hành - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
2. https://tdmu.edu.vn/cdio/tong-quan-cdio-1/tong-quan-ve-
cdio
3. https://ajc.hcma.vn/content/tintuc/Lists/News/
Attachments/15395/2022.9.9%20Chi%E1%BA%BFn%20
l%C6%B0%E1%BB%A3c%20ph%C3%A1t%20
tri%E1%BB%83n%20H%E1%BB%8Dc%20
vi%E1%BB%87n%20%C4%91%E1%BA%BFn%202030,%20
t%E1%BA%A7m%20nh%C3%ACn%202045.pdf
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2024)