Truyền thông

Đối thoại Biển lần thứ 11: Nhận diện các hoạt động phức hợp và những thách thức đặt ra

Mai Hà 12/07/2023 10:39

Ngày 11/7, Đối thoại Biển lần thứ 11 với chủ đề "Hoạt động phức hợp: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển" do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) đồng tổ chức đã diễn ra tại Hải Phòng.

doi-thoai.jpeg
Các đại biểu tham dự Đối thoại Biển 11 chụp ảnh chung.

Đối thoại Biển lần thứ 11 được tổ chức nhằm thảo luận về xu hướng sử dụng hoạt động phức hợp của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới (bao gồm cả hoạt động vùng xám tại Biển Đông). Tại đây, các diễn giả đã chia sẻ các quan điểm về hoạt động phức hợp và kinh nghiệm ứng phó với các hoạt động vùng xám từ góc độ thực tiễn các nước. Đối thoại cũng hướng tới mục tiêu thảo luận, đề xuất các kiến nghị chính sách và pháp lý để quản lý các hoạt động nhằm đảm bảo trật tự trên biển.

Đối thoại Biển lần thứ 11 gồm bốn phiên với các chủ đề: (i) Hoạt động phức hợp từ lý thuyết tới thực tiễn; (ii) Các khía cạnh phi quân sự của hoạt động phức hợp; (iii) Công nghệ cao - Yếu tố kích hoạt chính của các hoạt động phức hợp; và (iv) Các khuyến nghị chính sách và pháp lý nhằm quản lý hoạt động phức hợp.

Đối thoại có sự tham gia của hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 50 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó gần 20 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 14 quốc gia, nhiều đại diện đến từ các cơ quan đại diện tại Việt Nam, đại diện từ các Ban, Bộ, Ngành liên quan, chuyên gia từ các viện nghiên cứu và các trường đại học.

Đối thoại Biển là sáng kiến của Học viện Ngoại giao nhằm kết nối các nhà khoa học bàn thảo về khoa học biển, kết hợp thảo luận chính sách và khuôn khổ pháp lý hướng tới quản trị biển bền vững. Đến nay, Học viện đã tổ chức thành công 11 Đối thoại và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự. Nhiều ấn phẩm chất lượng đã được đăng tải từ các nội dung Đối thoại.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhận định, hoạt động phức hợp không phải hiện tượng mới mẻ trong lịch sử thế giới. Đối thoại là cơ hội để xác định nội hàm của hoạt động phức hợp, các trường hợp hoạt động phức hợp bị lợi dụng thành hoạt động vùng xám.

doi-thoai-2.jpeg
TS. Nguyễn Hùng Sơn phát biểu khai mạc. Nguồn: TTXVN.

TS. Nguyễn Hùng Sơn chỉ ra rằng, nhiều hoạt động vùng xám vẫn chưa được nhận diện đầy đủ và đánh giá rõ ràng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Do đó, Đối thoại đặt mục tiêu “mổ xẻ” bản chất của các hoạt động vùng xám, sự thiếu thiện chí trong việc áp dụng và giải thích luật quốc tế hoặc lợi dụng những quy định của luật quốc tế còn chưa thực sự rõ ràng để làm suy yếu luật quốc tế, từ đó, ứng phó hiệu quả hơn với chiến thuật này.

Trưởng đại diện KAS Florian C. Feyerabend cho biết, trong Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên mà Đức công bố cách đây vài tuần, nước này tuyên bố sẽ xây dựng một chiến lược riêng để đối phó với các thách thức vùng xám, với mục đích tăng cường năng lực xác định, phân tích và ứng phó với các hoạt động vùng xám.

Ông Feyerabend cũng nhận định, Đối thoại Biển gồm chuỗi hội thảo đáng chú ý, kết nối các vấn đề từ chính sách đối ngoại, luật pháp quốc tế tới khoa học công nghệ.

Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Marcus Winsley đánh giá, Đối thoại Biển là cơ hội để lắng nghe và trao đổi với các chuyên gia hàng đầu, là diễn đàn để cập nhật về những bước phát triển mới của an ninh biển. Ông bày tỏ hy vọng thông qua Đối thoại, giới học giả và chính giới các nước hiểu thêm về hoạt động vùng xám, qua đó tìm ra các cách thức ứng phó.

Trao đổi tại các phiên của Đối thoại, các diễn giả đã thảo luận về thực tiễn hoạt động phức hợp và hoạt động vùng xám ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng.

Hoạt động hỗn hợp là một thuật ngữ xuất hiện vào đầu những năm 2000, dùng để chỉ việc kết hợp các công cụ quy ước lẫn phi quy ước trên nhiều phương diện khác nhau để đạt được lợi thế cạnh tranh.

Ví dụ kết hợp quân sự với phi quân sự, kết hợp từ trên đất liền đến trên biển, trên không và dưới biển.

Trong giới học thuật, khái niệm hoạt động hỗn hợp còn đang gây tranh cãi, chưa có định nghĩa chính xác. Trong lúc các học giả vẫn còn đang tranh luận về định nghĩa, nhiều nước đã sử dụng các hoạt động hỗn hợp để thúc đẩy mục đích của mình.

Chiến thuật vùng xám cùng các hoạt động khác phi quân sự đang ngày càng phổ biến. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ đã đẩy những hoạt động vùng xám này lên một tầm cao mới.

Theo đó, hoạt động phức hợp có một số đặc điểm: Kết hợp các biện pháp truyền thống và phi truyền thống, quân sự và phi quân sự, thường được thực hiện bởi chủ thể phi nhà nước nhưng có hậu thuẫn bởi nhà nước; giữ tình hình ở mức độ “nóng” dưới ngưỡng chiến tranh; thường ở vùng chuyển tiếp giao tiếp giữa các không gian, chủ thể hoặc luật lệ khác nhau.

Các chuyên gia nhận định, hiện nay, các hoạt động vùng xám, phức hợp đặt ra những thách thức pháp lý, tác động tới trật tự quốc tế hiện hành. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ càng khiến các thách thức mang tính phức hợp và vùng xám càng trở nên rõ nét hơn.

Bên cạnh đó, các hoạt động vùng xám không chỉ diễn ra trên thực địa mà còn diễn ra trên nhiều “mặt trận” khác như kinh tế (ví dụ các lệnh trừng phạt, cấm vận, kiểm soát xuất nhập khẩu…) hay thông tin - tuyên truyền (như hoạt động cố ý tuyên truyền thông tin sai lệch).

Đối thoại cũng đã đưa ra những sáng kiến, đề xuất cho các quốc gia trong và ngoài khu vực nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động phức hợp, đặc biệt để ứng phó hiệu quả các hoạt động vùng xám.

Thứ nhất, các nước cần tăng cường phối hợp hành động giữa các cơ quan chức năng liên quan.

Thứ hai, tăng cường, nâng cao năng lực nhận biết các thách thức vùng xám, phân biệt các hoạt động phức hợp có mục tiêu hợp pháp và các hoạt động vùng xám với mục tiêu và dụng ý không hợp pháp.

Thứ ba, các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động phức hợp.

Thứ tư, hợp tác quốc tế là "chìa khóa" để các nước điều phối, phối hợp hành động, qua đó quản lý các hoạt động phức hợp hiệu quả hơn.

Phát biểu bế mạc, TS. Nguyễn Hùng Sơn hy vọng, những thông tin được trình bày tại Đối thoại Biển lần thứ 11 sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu hơn về hoạt động phức hợp và hoạt động vùng xám, qua đó có thể chủ động ứng phó và đề ra các quy tắc, luật lệ quản lý các hoạt động này.

Đối thoại Biển là sáng kiến của Học viện Ngoại giao nhằm kết nối các nhà khoa học bàn thảo về khoa học biển, kết hợp thảo luận chính sách và khuôn khổ pháp lý hướng tới quản trị biển bền vững. Đến nay, Học viện đã tổ chức thành công 11 Đối thoại và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự. Nhiều ấn phẩm chất lượng đã được đăng tải từ các nội dung Đối thoại.

Đối thoại Biển lần thứ 10 với chủ đề “Năng lượng tái tạo ngoài khơi: Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi xanh” do Học viện Ngoại giao (DAV) và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức đã khai mạc tại Nha Trang, Khánh Hòa vào ngày 23/3/2023.

Tại Đối thoại Biển lần thứ 10, các diễn giả đã tập trung thảo luận về khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động khai thác năng lượng tái tạo ngoài khơi, cụ thể là điện gió và nhận định UNCLOS là khuôn khổ pháp lý bao trùm, là nền tảng giúp các quốc gia có cách tiếp cận cân bằng giữa việc phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi và việc duy trì các lợi ích chung trong việc quản trị và sử dụng biển.

Đối thoại cũng thảo luận về thực tiễn phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực, cũng như đưa ra các khuyến nghị chính sách. Trong đó nhấn mạnh nhu cầu phải học hỏi từ các mô hình thành công ở khu vực và quốc tế trong phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi để đảm bảo tính bền vững, an toàn và toàn diện./.

Bài liên quan
  • Vấn đề Biển Đông - góc nhìn từ các học giả
    Theo bà Paola Pampaloni, Quyền Vụ trưởng Vụ Châu Á và Thái Bình Dương, Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu (EEAS), EU có lợi ích chiến lược và kinh tế sống còn gắn liền với an ninh không gian biển và sự thịnh vượng của các quốc gia ven biển Đông. EU phản đối mạnh mẽ bất cứ hành vi nào làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại Biển lần thứ 11: Nhận diện các hoạt động phức hợp và những thách thức đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO