Đội Việt Nam đạt giải cuộc thi “AI for Accessibility Hackathon”

Minh Thiện| 04/12/2020 21:09
Theo dõi ICTVietnam trên

YehYeh NFC của Việt Nam là 1 trong 7 đội đạt giải cuộc thi "AI for Accessibility Hackathon" sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao chất lượng cuốc sống cho người khuyết tật lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến tại 14 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương

Sáng tạo công nghệ số hỗ trợ người tàn tật

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có hơn 1 tỷ người thuộc nhóm những người khuyết tật và vào một số thời điểm trong cuộc đời, ai cũng sẽ đối mặt với tình trạng khuyết tật nào đó, cho dù là tạm thời như bị gãy tay, mang thai hay vĩnh viễn như bị mù và bại liệt.

Thật không may, cứ 10 người thuộc nhóm này chỉ có 1 người được tiếp cận với công nghệ để tham gia trọn vẹn vào các hoạt động xã hội. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, con số đó là 650 triệu.

Pratima Amonkar, Giám đốc phụ trách sự đa dạng và toàn diện của Microsoft khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ: "Tại Microsoft, khi nhìn về tương lai, chúng tôi thấy tiềm năng vô cùng lớn. Chúng tôi tin tưởng Microsoft có cơ hội và trách nhiệm thiết kế, phát triển những công nghệ có tính sáng tạo và dành cho tất cả mọi người. Chúng tôi tin tưởng các công cụ chuyển văn bản thành giọng nói như Microsoft Narrator dù được thiết kế cho người khuyết tật nhưng mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta".

Bên cạnh trung tâm chuyên nghiên cứu những sáng kiến dành cho người khuyết tật Microsoft Enable Lab, Microsoft tổ chức thường niên các cuộc thi hackathon trên thế giới để phát triển những giải pháp hỗ trợ người khuyết tật, ví dụ như thiết bị điều khiển bằng mắt Eye Control và ứng dụng mô phỏng hình ảnh đời thực Seeing AI.

Tháng 10 vừa qua, Microsoft đã khởi động cuộc thi "AI for Accessibility Hackathon 2020" (AI4A) trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm những sáng kiến sử dụng AI cải thiện các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày cho người khuyết tật. Đây là lần đầu tiên AI4A Hackathon được tổ chức trực tuyến tại 14 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Quán quân của cuộc thi năm 2019 là Fortude đến từ Sri Lanka. Fortude đã nhận được tài trợ từ quỹ AI for Accessibility toàn cầu của Microsoft để phát triển ứng dụng nhận diện Dysphaiga của mình.

Đội Việt Nam đạt giải cuộc thi “AI for Accessibility Hackathon” - Ảnh 1.

Năm nay, 578 thí sinh thuộc 181 đội từ 11 quốc gia đã tham gia tranh tài tại cuộc thi AI4A Hackathon 2020 trên cùng một nền tảng Microsoft Azure để tạo ra những giải pháp sáng tạo đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người khuyết tật do các tổ chức phi lợi nhuận từ chính mỗi quốc gia dự thi đặt ra.

Sau hai tháng, cuộc thi đã lựa chọn ra 7 đội xuất sắc: Accensible của Singapore, Cloud Access của Indonesia, Navigating Kiwi của New Zealand, Vulcan Coalition của Thái Lan, ASBWeAllNeedToSee của Malaysia, Lingaro của Philippines và YehYeh NFC của Việt Nam.

Để hỗ trợ những người khiếm thính, đội Accensible của Singapore đã phát triển một ứng dụng có thể chạy song song với các nền tảng họp trực tuyến và cung cấp các công nghệ hỗ trợ như chuyển giọng nói thành văn bản, chuyển ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản và chuyển biên bản cuộc họp thành văn bản.

Để xây dựng nhận thức về những thách thức thông thường mà người khiếm thính phải đối mặt, đội Cloud Access từ Indonesia đã xây dựng một ứng dụng với các tính năng của trò chơi sử dụng AI để mọi người đều có thể học ngôn ngữ ký hiệu.

Đội Navigating Kiwi đến từ New Zealand đã thiết kế một công cụ trợ giúp có tên là Nawi, giúp điều hướng cho người khiếm thị. Nawi được trang bị tính năng phản hồi xúc giác, cảm biến nguy hiểm, phản hồi âm thanh và cảm biến camera, để người khiếm thị có thể rảnh tay hoặc sử dụng bộ điều khiển xúc giác.

Hỗ trợ người khiếm thị đọc sách

Đội YehYeh từ Việt Nam đã thiết kế ứng dụng "YehYeh NFC" nhằm đơn giản hóa việc sử dụng thiết bị di động thông minh trong việc đọc sách của người khiếm thị. YehYeh NFC là một kho sách nói dựa trên công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói kết hợp với công nghệ "chữ nổi Braille" vật lý thay thế các thao tác chạm trên màn hình cảm ứng bằng các nút YehYeh.

Đội Việt Nam đạt giải cuộc thi “AI for Accessibility Hackathon” - Ảnh 2.

Huỳnh Quang, một trong bốn thành viên của đội YehYeh, chia sẻ: "AI4A Hackathon là một cuộc thi ý nghĩa, giúp chúng tôi thấu hiểu sâu sắc những khó khăn và nhu cầu mà người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong thời đại công nghệ số 4.0".

Nói về giải pháp YehYeh NFC, Huỳnh Quang chia sẻ: "Đây như là một bộ điều khiển đọc sách kết hợp giữa công nghệ AI Microsoft Azure Cognitive trong việc chuyển văn bản thành âm thanh, cùng công nghệ NFC giúp nâng cao độ chính xác, giảm thời gian tương tác với thiết bị di động thông minh cho người khiếm thị. Giải pháp có ưu điểm dễ sử dụng, tối giản hóa thao tác với màn hình cảm ứng, thiết thực, chi phí thấp và dễ dàng nhân rộng".

Đội Việt Nam đạt giải cuộc thi “AI for Accessibility Hackathon” - Ảnh 3.

Đội YehYeh từ Việt Nam đã thiết kế ứng dụng "YehYeh NFC"

Tại Thái Lan, đội Vulcan Coalition cũng phát triển bộ tổng hợp văn bản thành giọng nói dành cho tiếng Thái.

Ngoài hỗ trợ, các đội chiến thắng cũng chú tâm tới việc giúp công tác tuyển dụng người khuyết tật trở nên dễ dàng hơn. Nhóm #ASBWeAllNeedToSee từ Malaysia đã thiết kế BlindIn.co, một nền tảng kết nối việc làm cho các ứng viên tiềm năng để giới thiệu các kỹ năng và năng lực thông qua video dựa trên công nghệ AI của Microsoft Cognitive và Machine Learning.

Tại Philippines, đội Lingaro lại tập trung nghiên cứu vấn đề khuyết tật từ khía cạnh tâm lý xã hội. Ứng dụng Lingaro Wellness của họ sẽ theo dõi tâm trạng của người dùng thông qua AI, phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra các can thiệp cơ bản về mặt hành vi nhận thức như khuyến nghị các buổi hẹn với chuyên gia y tế và nhân viên tư vấn.

Để hỗ trợ phát triển các sáng kiến, tất cả các đội đã được tham gia vào hơn 18 hội thảo chuyên và không chuyên cũng như nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn của Microsoft và các đối tác như LinkedIn, Datacom, và Telstra.

Các đội chiến thắng giành được giải thưởng 1000 USD, cơ hội được làm việc với các chuyên gia kỹ thuật của Microsoft, để cùng xây dựng phát triển giải pháp trên nền tảng Microsoft Azure và sẽ giới thiệu các giải pháp đó vào tháng 6 năm 2021.

Các đội chiến thắng nếu là startup cũng sẽ có cơ hội tiếp cận với cộng đồng Microsoft for Startup để nhận được những hỗ trợ cần thiết nhằm hiện thực hóa các ý tưởng của họ thành hiện thực.

Bài liên quan
  • Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong báo chí hiện đại
    Trí tuệ nhân tạo đang mở ra những cơ hội mới cho báo chí, từ việc nâng cao chất lượng nội dung đến việc tăng cường tác động xã hội. Nó giúp tăng cường hiệu suất làm việc, giảm bớt gánh nặng công việc thủ công và tạo điều kiện để nhà báo tập trung vào các nhiệm vụ sáng tạo và phân tích…
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đội Việt Nam đạt giải cuộc thi “AI for Accessibility Hackathon”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO